Đã 3 tuần trôi qua kể từ ngày xảy ra sự cố sạt lở đất làm 17 công nhân chết và mất tích tại Thủy điện Rào Trăng 3, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, nỗi đau thương, mất mát vẫn ám ảnh trong từng bữa ăn, giấc ngủ của mỗi gia đình, người thân nạn nhân. Tỉnh Thừa Thiên - Huế có 7 nạn nhân trong vụ sạt lở đất. Mặc dù chính quyền địa phương, ngành chức năng tích cực vào cuộc hỗ trợ gia đình các nạn nhân, nhưng sao có thể bù đắp hết được khó khăn, thiếu thốn khi mà lao động chính trong gia đình không còn nữa. Cuộc sống ngày mai rồi sẽ ra sao với vợ trẻ, con thơ nheo nhóc…
***
Cơn mưa nặng hạt buổi ban trưa kèm theo tiết trời se lạnh càng làm tăng thêm nỗi đau đứt ruột trong căn nhà nạn nhân Nguyễn Thái Học ở Tổ dân phố Trạch Thượng 2, thị trấn Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đã 3 tuần trôi qua kể từ ngày xảy ra sự cố sạt lở đất, gia đình nạn nhân vẫn chưa lập bàn thờ. Trông chờ điều kỳ diệu thì có lẽ không bao giờ đến, chỉ mong tìm được xác anh Học để an táng tại quê nhà, đó là tâm nguyện mà bà Nhan Thị Bê, mẹ nạn nhân ngày ngày cầu nguyện.
Bà Bê kể trong nước mắt, gia đình bà trước đây ở Quảng Trị. Từ ngày anh Học lấy vợ ở Huế, bà theo con trai vào đây sinh sống. “Từ khi ba nó mất (ba của anh Nguyễn Thái Học), tôi chỉ còn biết trông chờ vào đứa con trai. Nó đi làm ở thủy điện thi thoảng mới về. Tôi ở nhà phụ với vợ nó lo cơm nước, giặt giũ. Cuộc sống tuy có khó khăn nhưng cũng đủ sống qua ngày, lo được cho 2 đứa con ăn học. Bây giờ nó mất đi, vợ con nó không biết nương tựa vào đâu”, bà Bê chia sẻ.
Cách nhà nạn nhân Nguyễn Thái Học chừng 10 cây số là nhà của nạn nhân Nguyễn Bá Tuyến ở xã Phong Xuân, huyện Phong Điền. Con đường đến nhà nạn nhân gập ghềnh, khúc khuỷu. Căn nhà phủ một màu tang thương. Nạn nhân được tìm thấy xác từ ngày 23/10 nhưng phải chờ kết quả xét nghiệm nên mãi đến hôm qua (30/10) mới lập bàn thờ. Anh Tuyến mới lấy vợ được hơn 3 năm, chưa đủ tích lũy để làm nhà nên vẫn còn ở chung với mẹ. Vợ anh chưa có việc làm ổn định nên mọi chi phí trong gia đình đều trông chờ vào đồng lương ít ỏi của anh Tuyến.
Anh Nguyễn Bá Tuyền, anh trai của nạn nhân Nguyễn Bá Tuyến cho biết, 11 ngày sau vụ sạt lở đất, thi thể nạn nhân đã được tìm thấy. “Gia đình rất nóng lòng chờ kết quả xét nghiệm, đến hôm nay thì xác định em trai đã chết. Gia đình, người thân, hàng xóm đều tập trung về đây lo đám tang em. Thương lắm anh ạ! Em nó mới lập gia đình được hơn 3 năm, con trai cũng vừa mới 3 tuổi chưa biết chi hết. Mấy bữa ni cứ hỏi răng ba ngủ lâu rứa không dậy chơi với nó”, anh Tuyền cho biết.
Sau vụ sạt lở ở Thủy điện Rào Trăng 3, chủ đầu tư cũng đã hứa chu cấp cho gia đình nạn nhân. Cụ thể, ngoài mức hỗ trợ 100 triệu đồng/ 1 trường hợp, chủ đầu tư còn chu cấp cho mẹ già và con của các công nhân bị thiệt mạng. Thông tin đến thời điểm hiện nay, lực lượng chức năng mới tìm thấy được 5 thi thể trong tổng số 17 nạn nhân. Hôm qua, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ cùng đoàn công tác tiếp tục đến hiện trường tìm kiếm 12 công nhân đang mất tích. UBND tỉnh cũng đã tổ chức cho 10 thân nhân có người thân đang mất tích tại Thủy điện Rào Trăng 3 vào hiện trường tìm kiếm.
Tại đây, lực lượng tìm kiếm cứu hộ cùng phương tiện, chó nghiệp vụ vẫn miệt mài tìm kiếm người mất tích. Ngoài hàng chục mét khối đất được đào bới, lực lượng cứu hộ vẫn chưa phát hiện thêm thi thể nạn nhân nào. Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu công tác tìm kiếm phải bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và phương tiện.
Ông Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh: “Tuyệt đối không để công tác cứu hộ cứu nạn lại phải cứu hộ cứu nạn thêm 1 lần nữa”.
Nỗi đau của người ở lại. |
Bà Nguyễn Khoa Hoài Hương, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng: "Sự cố ở Thủy điện Rào Trăng 3 là nỗi mất mát, đau thương rất lớn đối với công nhân tỉnh Thừa Thiên - Huế nói chung và các gia đình nạn nhân nói riêng. Khi nhận được thông tin thì cả hệ thống chính trị đã vào cuộc tìm kiếm. Tuy nhiên, do thời tiết vùng núi bất lợi nên vẫn chưa tìm thấy hết 17 nạn nhân. Với tinh thần “tương thân tương ái”, chia sẻ mất mát với các gia đình nạn nhân, về phía Công đoàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, thực hiện sự chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, chúng tôi đã kịp thời thăm hỏi các công nhân bị thương và gia đình các nạn nhân bị chết và mất tích".
Bên cạnh đó, các đồng chí Chủ tịch Công đoàn của các đơn vị ngoài quốc doanh cũng đã chủ động kêu gọi toàn bộ công nhân trên tinh thần “lá lành đùm lá rách”, hỗ trợ gia đình các nạn nhân.
"Sắp tới, chúng tôi cũng sẽ tổ chức nhiều đợt thăm hỏi, động viên, chia sẻ với gia đình nạn nhân. Riêng đối với những trường hợp nạn nhân không ở địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế thì chúng tôi sẽ phối hợp với Liên đoàn Lao động các tỉnh có công nhân lưu trú ở đó để kết nối, hỗ trợ kịp thời. Trước mắt, chúng tôi trích từ nguồn ngân sách Công đoàn hỗ trợ mỗi gia đình có người chết và mất tích 2 triệu đồng. Bên cạnh đó, Quỹ Tấm lòng Vàng (Báo Lao động) cũng đã hỗ trợ gia đình mỗi nạn nhân có người chết và mất tích 3 triệu đồng”, bà Nguyễn Khoa Hoài Hương cho biết.
Chia sẻ đau thương mất mát với các gia đình nạn nhân vụ sạt lở tại Thuỷ điện Rào Trăng 3, Đại diện Tạp chí Lao động và Công đoàn cũng đã đến trao 22 suất quà hỗ trợ. Trong đó, 17 suất hỗ trợ gia đình người chết và mất tích, mỗi suất 2 triệu đồng; 5 suất hỗ trợ gia đình người bị thương, mỗi suất 1 triệu đồng. Số tiền do cán bộ, phóng viên, nhân viên Tạp chí đóng góp ủng hộ. |
Bài, ảnh: Hoài Nam
Tâm tư của cán bộ công đoàn: “Nghề Công đoàn đã chọn tôi”
Đó là tâm sự, giãi bày của các cán bộ chuyên trách công đoàn tại Tọa đàm “Vòng tay Công đoàn” do Tạp chí Lao ... |
Tạp chí Lao động và Công đoàn kỷ niệm 91 năm ngày xuất bản số đầu tiên
Sáng 30/10, tại Hội trường tầng 2, khách sạn TQT (số 1, Yết Kiêu, Hà Nội), Tạp chí Lao động và Công đoàn tổ chức ... |
Đau thương chồng chất và điều mong mỏi của nhân dân
Chiều tối hôm qua 28/10, đã xảy ra tại thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam ... |