Xóa bỏ quan điểm lương
lao động nữ thấp hơn lao động nam
Lao động nữ luôn dễ bằng lòng về lương dù không như mong đợi. Dựa vào điều này, các nhà tuyển dụng lao động, chủ sử dụng lao động luôn có những chiến lược riêng khi đàm phán về lương và chi trả tiền lương. Thế nên, tại nhiều cơ quan, doanh nghiệp, cùng một vị trí việc làm nhưng mức lương của lao động nam cao hơn lao động nữ. Nhận thấy sự thiệt thòi về mức lương, nhiều lao động nữ vẫn chấp nhận làm việc nhưng cũng có rất nhiều người đã mạnh dạn đòi hỏi sự bình đẳng dựa trên cơ sở mức độ đóng góp cho công việc.
Thực tế, luôn có sự chênh lệch về mức thu nhập giữa lao động nam và lao động nữ trong cùng một vị trí, chuyên môn và cấp bậc công việc. Rất nhiều lý do đã được viện dẫn để giải thích cho sự khác biệt này, chủ yếu là về trình độ học vấn, chuyên môn kỹ thuật, tình trạng hôn nhân, đặc điểm tâm lý/thể chất, quan điểm xã hội…
Lao động nữ thường chấp nhận mức lương thấp hơn xuất phát từ quan điểm lao động nữ có những hạn chế hơn lao động nam. Và những hạn chế được đưa ra là lao động nữ có trình độ, năng suất làm việc thấp hơn, lao động nữ vướng bận việc gia đình và con nhỏ... Điều này thể hiện ngay từ vòng tuyển dụng, nếu như ứng viên nam quan tâm đàm phán thì ứng viên nữ lại e ngại nói về điều này do lo sợ mất cơ hội việc làm; ứng viên nam mong muốn các chức danh thì ứng viên nữ lại quan tâm đến công việc ổn định.
Đồng thời nhà tuyển dụng và chủ sử dụng lao động cũng mang quan điểm lao động nữ có nhiều hạn chế hơn lao động nam. Họ cho rằng lao động nữ dễ từ bỏ công việc, khó cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình, chịu áp lực công việc kém hơn và ít cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp. Do đó, cách bố trí công việc và cách tính mức lương chi trả cũng thiệt thòi hơn lao động nam.
Ngay trên những mẩu quảng cáo , mức lương công bố luôn cho thấy có sự chênh lệch giữa lao động nam và lao động nữ. Quan điểm đóng đinh rằng nam giới sẽ làm việc chăm chỉ và bền bỉ hơn nữ, có thể chất lẫn tâm lý cho công việc tốt hơn, chịu đựng được nhiều áp lực, căng thẳng hơn; có nhiều tham vọng để theo đuổi mục tiêu sự nghiệp và địa vị cao hơn. Nhưng thực tế nữ giới cũng làm được như vậy với những cách thức khác. Lao động nữ có thể làm nhiều việc hơn lao động nam ở các cơ quan, doanh nghiệp. Họ có thể nhận thêm nhiều công việc khác không tên, không phụ cấp.
Giới tính không phải là yếu tố quyết định mức lương thưởng, nhà tuyển dụng và chủ sử dụng lao động cần nhìn vào năng lực và mức độ đóng góp của người lao động. Kỹ năng, kinh nghiệm thực tế và thái độ là yếu tố quan trọng. Vì thế, lao động nữ nên xóa bỏ quan điểm không làm việc được như lao động nam và chấp nhận mức thu nhập thấp hơn. Với sự năng động, linh hoạt và khả năng tự trau dồi, phụ nữ hiện đại đã khắc phục được hầu hết những khác biệt trong khả năng làm việc so với nam giới. Thực tế, ngày càng có nhiều lao động nữ đạt mức thu nhập cao hơn nam giới.
Lao động nữ hãy luôn khảo sát và đo lường mức lương xứng đáng với năng lực của bản thân, mạnh dạn đề xuất mức lương tương xứng với công sức và sẵn sàng chuyển đổi công việc khi không được đánh giá đúng vai trò, vị trí của bản thân.
Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới tại nước ta năm 2019, có khoảng 76% phụ nữ từ 15 tuổi trở lên đang làm việc hoặc đang Việt Nam có tỷ lệ nữ tham gia lực lượng lao động cao hơn hầu hết các nước. Tuy nhiên, số lao động nữ tự làm chủ hoặc không nhận được bất kỳ thu nhập nào cao hơn nhiều so với lao động nam. Mặc dù nữ giới có tỷ lệ tham gia lực lượng lao động cao nhưng công việc họ làm được trả công ít hơn công việc do nam giới đảm nhận.