|
Hiện nay các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đầu tư kinh doanh nhà trọ cho công nhân, người lao động thuê tại TP HCM ngày càng tăng. Tuy nhiên, tiến hành xây dựng như thế nào để phù hợp với quy định của pháp luật đang là vấn đề khá “đau đầu” của không ít nhà đầu tư. Liên quan đến vấn đề này, mới đây Sở Xây dựng TP HCM đã có công văn gửi đến UBND 24 quận, huyện về việc xem xét, hướng dẫn và giải quyết nhu cầu đầu tư xây dựng công trình nhà ở cho công nhân, người lao động thuê để ở trên địa bàn thành phố theo đúng quy định pháp luật hiện hành. |
Chi phí cơ bản của công nhân, người lao động là trả tiền thuê nhà trọ hàng tháng - Ảnh minh họa: Internet |
Ngày 17/4/2020, Sở Xây dựng đã ban hành Văn bản số 3979/HD-SXD- PTN&TTBĐS (văn bản 3979) hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân về trình tự đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, người lao động thuê để ở trên địa bàn. Trong đó tại điểm đ, bước 2, mục II về thẩm định thiết kế xây dựng công trình có nêu: “Hộ gia đình, cá nhân liên hệ với Sở Xây dựng để được hướng dẫn, thẩm định thiết kế xây dựng công trình”. Theo Sở Xây dựng, hiện nay Luật số 62/2020/QH14 ngày 17/6/2020 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng đã được ban hành, một số nội dung liên quan đến việc thẩm định thiết kế xây dựng và giấy phép xây dựng có hiệu lực kể từ ngày 15/8/2020. Đồng thời, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 113/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 về quy định chi tiết điểm đ khoản 3 điều 3 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng về công tác thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở và xây dựng. Vì vậy ngày 15/12/2020, Sở đã có Văn bản số 14598/HD-SXD-CPXD hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân về thẩm định thiết kế xây dựng công trình nhà ở cho công nhân, người lao động thuê để ở trên địa bàn. Cụ thể, Sở Xây dựng hướng dẫn điểm đ bước 2 về thẩm quyền thẩm định thiết kế xây dựng nêu tại Văn bản số 3979, để hộ gia đình, cá nhân thực hiện quy định pháp luật hiện hành. |
Sở Xây dựng TP. HCM có công văn gửi UBND 24 quận, huyện về việc xem xét, hướng dẫn và giải quyết nhu cầu đầu tư xây dựng công trình nhà ở cho công nhân, người lao động thuê theo đúng quy định pháp luật hiện hành. |
Một thông tin đáng chú ý, tại văn bản 14598 nêu rõ: Hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở có tổng mức đầu tư xây dựng dưới 20 tỷ đồng phục vụ cho công nhân, người lao động thuê để ở trên địa bàn thành phố và cơ quan quản lý Nhà nước (Sở Xây dựng, Ủy ban nhân dân quận, huyện,…), các đơn vị khác có liên quan (tư vấn thiết kế, giám sát, nhà thầu thi công,…); không phải hướng dẫn về hồ sơ, bản vẽ xin phép xây dựng. |
Các nội dung hướng dẫn như sau: Đối với công trình có tổng mức đầu tư từ 15 tỷ đồng đến dưới 20 tỷ đồng,thuộc trường hợp thực hiện thẩm định thiết kế cơ sở. Trường hợp 1 (kể từ ngày hướng dẫn này được ban hành đến 31/12/2020), Sở Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở và thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở theo quy định tại Nghị định số 113/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 quy định chi tiết điểm đ khoản 3 điều 3 Luật Xây dựng và được miễn giấy phép xây dựng; Trường hợp 2 (kể từ ngày 1/1/2021), Sở Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở. Chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở theo quy định tại điều 82, 83, 83a Luật số 62/2020/QH14 ngày 17/6/2020 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Đối với công trình có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng, thuộc trường hợp chỉ cần lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng. Hộ gia đình, cá nhân (là người quyết định đầu tư) có trách nhiệm thuê tổ chức, cá nhân có đủ năng lực để thực hiện thiết kế, thẩm tra và thẩm định thiết kế bản vẽ thi công trong Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng. Sở Xây dựng cũng , các nội dung khác thực hiện theo Hướng dẫn số 3979. |
Qua khảo sát, công nhân đề xuất cần xây dựng các khu lưu trú, nhà ở xã hội và có chính sách trợ giá nhà ở, nhà trọ và bình ổn giá nhà trọ cho công nhân - Ảnh minh họa: Internet |
Trong một khảo sát thực tế đời sống công nhân tại các nhà trọ, nhà lưu trú trên địa bàn vừa được Liên đoàn Lao động TP HCM phối hợp Trường Đại học Quốc gia TP HCM công bố cho thấy: Chi phí cơ bản của công nhân là chi tiêu cho phần thuê nhà trọ hoặc phòng trọ (chiếm tỉ lệ 83,3%). Bên cạnh đó, phần lớn người lao động, công nhân thuê các nhà trọ tự phát xung quanh vị trí làm việc, số lượng công nhân được tiếp cận với nhà lưu trú do Nhà nước đầu tư còn khá thấp. Để giảm chi phí thuê trọ, các công nhân chưa lập gia đình thường có xu hướng ở ghép để cùng nhau chia sẻ chi phí thuê trọ và các loại chi phí khác như điện, nước, truyền hình hoặc internet… Thông thường, tỷ lệ chi tiêu dành cho nhà ở của công nhân dao động trong khoảng 10%-15% so với tổng thu nhập, thấp hơn mức tiêu chuẩn là không quá 30% trong tổng thu nhập. Qua khảo sát, công nhân đề xuất cần xây dựng các khu lưu trú, nhà ở xã hội và có chính sách trợ giá nhà ở, nhà trọ và bình ổn giá nhà trọ cho công nhân; hỗ trợ người lao động, công nhân vượt qua những khó khăn trong đại dịch Covid-19; tăng cường chính sách an ninh, trật tự, hỗ trợ bình ổn, trợ giá điện nước, tạo việc làm… |
Bài viết và Thiết kế: Lê Tuấn
|