Xây dựng biện pháp an toàn và giảm căng thẳng cho người lao động
Trọng tâm "Tháng Hành động về ATVSLĐ năm 2023" là xây dựng biện pháp an toàn và giảm căng thẳng cho người lao động. Đây là nội dung được Ban Chỉ đạo Tháng Hành động về an toàn, vệ sinh lao động Trung ương nhấn mạnh tại cuộc họp thống nhất các nội dung Lễ phát động “Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2023”.
Trọng tâm của "Tháng Hành động về ATVSLĐ năm 2023" là chú trọng các quy trình, biện pháp làm việc an toàn, giảm căng thẳng tại nơi làm việc - đồng chí Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhấn mạnh. Ảnh: VĂN LÝ |
Nhiều nơi chưa chú ý kiểm soát nguy cơ, rủi ro TNLĐ Theo thống kê của Cục An toàn lao động, năm 2022, trong bối cảnh bình thường mới sau đại dịch Covid-19, công tác ATVSLĐ đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. So với năm 2021, tình hình tai nạn lao động (TNLĐ) giảm về số vụ TNLĐ chết người và số người chết, cả trong khu vực có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động. Cụ thể: Số vụ TNLĐ chết người giảm 3,87% (720 vụ, giảm 29 vụ), giảm 4,07% số người chết (754 người chết, giảm 32 người); TNLĐ trong khu vực không có quan hệ lao động có chiều hướng giảm mạnh số vụ, số người chết và bị thương. Số vụ có người chết giảm 13,14% (152 vụ, giảm 23 vụ), số người chết giảm 13,58% (159 người, giảm 25 người), số người bị thương nặng giảm 30,11% (181 người, giảm 78 người). Đây là năm thứ 4 liên tiếp giảm TNLĐ chết người trong khu vực không có quan hệ lao động. Đại diện Cục An toàn lao động cho rằng công tác ATVSLĐ vẫn còn một số tồn tại, cụ thể: Số vụ TNLĐ, số người mắc bệnh nghề nghiệp, số sự cố nghiêm trọng vẫn còn ở mức cao và đáng lo ngại. Năm 2022, toàn quốc đã xảy ra 7.718 vụ TNLĐ (tăng 1.214 vụ) , làm 7.923 người bị nạn (tăng 1.265 vụ), 754 người chết, tổng chi phí cho TNLĐ và thiệt hại tài sản trên 14,1 ngàn tỷ đồng và hơn 143 ngàn ngày công. Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhiều người sử dụng lao động chưa chú ý thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro; nhiều NLĐ chưa được huấn luyện ATVSLĐ, thiếu kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn, tác phong công nghiệp còn rất hạn chế, chủ quan. Công tác thông tin, tuyên truyền ATVSLĐ cho khu vực không có quan hệ lao động đang bị hạn chế nhiều về nguồn lực. Chính quyền cơ sở ở một số nơi cũng chưa thực sự quan tâm, dành nguồn lực cho công tác ATVSLĐ. |
Giảm căng thẳng tại nơi làm việc
Đồng chí Lê Văn Thanh - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tháng Hành động về an toàn, vệ sinh lao động Trung ương cho biết, Lễ phát động "Tháng hành động về ATVSLĐ và Tháng Công nhân năm 2023” do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức, dự kiến diễn ra ngày 26/4.
Lễ phát động là cao điểm thúc đẩy các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, hiệp hội, người sử dụng lao động, người lao động (NLĐ) và cộng đồng thực thi nghiêm pháp luật về ATVSLĐ. Đồng thời đẩy mạnh chương trình hành động cụ thể cải thiện điều kiện lao động, rà soát, xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, đánh giá nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ; chăm sóc, nâng cao sức khỏe NLĐ, phòng chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Chủ đề "Tháng Hành động về ATVSLĐ năm 2023" là tăng cường xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc.
Cục trưởng Cục An toàn lao động - Hà Tất Thắng (giữa) thông tin về chủ đề Tháng Hành động về ATVSLĐ năm 2023. Ảnh: VĂN LÝ |
Lý giải cho việc lựa chọn chủ đề năm 2023, Cục trưởng Cục An toàn lao động Hà Tất Thắng cho biết: “Hiện nay, chúng ta đã có quy định đầy đủ khung pháp luật về ATVSLĐ chung cho tất cả. Tuy nhiên, mỗi một doanh nghiệp lại có hoạt động sản xuất, đặc thù khác nhau để căn cứ vào đó xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn sao cho phù hợp. Ví dụ, một doanh nghiệp đặc thù trong ngành Xây dựng thì thường phải chú ý đến an toàn trong làm việc trên cao, làm việc trên giàn giáo, làm việc với thiết bị thi công xây dựng… Đơn vị làm việc trong hầm mỏ, hầm lò thì quy trình, biện pháp an toàn lao động phải xây dựng dựa trên đặc thù của làm việc trong môi trường thiếu khí và nhiều yếu tố vùng nước, cháy nổ khí mỏ… Chúng tôi khuyến khích xây dựng những quy trình, biện pháp an toàn phù hợp với đặc thù của từng doanh nghiệp, từng ngành nghề".
Chủ đề này đã được khảo sát, lấy ý kiến người NLĐ. Thông qua khảo sát, NLĐ đề cập nhiều đến áp lực về cường độ, thời gian làm việc rất lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp làm việc theo dây chuyền. Thực tế thanh tra, kiểm tra cũng đã phát hiện hậu Covid-19 nhiều doanh nghiệp ép công nhân làm thêm, tăng ca để đảm bảo đơn hàng. Phương pháp sản xuất, tổ chức lao động của chủ sử dụng gây áp lực lớn lên NLĐ.
Trong khi đó, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã đưa ra khuyến nghị có hơn 200 bệnh hậu Covid-19 ảnh hưởng đến sức khỏe NLĐ. Do đó, các hoạt động trong Tháng Hành động về ATVSLĐ năm 2023 hướng tới kêu gọi doanh nghiệp không tăng thời gian làm thêm quá quy định, bố trí cho lao động nghỉ ngơi, chăm lo sức khỏe, đời sống cho NLĐ…
“Các cơ quan quản lý, công đoàn, y tế… cùng vào cuộc để giảm căng thẳng, giúp người lao động được làm việc trong môi trường an toàn hơn, đỡ nặng nhọc hơn, đỡ căng thẳng hơn”, Cục trưởng Cục An toàn lao động nói.
Tháng Hành động về ATVSLĐ (diễn ra từ ngày 1/5 đến 31/5/2023) sẽ diễn ra các hoạt động như: Đối thoại của Hội đồng Quốc gia về ATVSLĐ và Hội đồng cấp tỉnh về ATVSLĐ; thăm hỏi và tặng quà nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; thanh tra, kiểm tra, tự kiểm tra ATVSLĐ tại doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động; khen thưởng tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích trong công tác ATVSLĐ; tăng cường thông tin, tuyên truyền về ATVSLĐ...
Dự kiến, Lễ phát động Tháng hành động về ATVSLĐ và Tháng Công nhân năm 2023 diễn ra sáng 26/4/2023 tại Hội trường lớn Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị, TP Hà Nội. Quy mô Lễ phát động: 500 người, gồm lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện các bộ, ngành, cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo Tháng Hành động về ATVSLĐ Trung ương; đại diện một số địa phương, tập đoàn, tổng công ty, cán bộ, viên chức, người lao động; đại biểu các doanh nghiệp, cơ sở, công nhân, nông dân, sinh viên trường nghề; phóng viên báo chí... |
Thực hiện: HÀ VY |