Đồng chí Nguyễn Văn Cảnh đại diện LĐLĐ tỉnh Bắc Giang đón nhận Bằng khen của Tổng Liên đoàn. Ảnh: HẢI NGUYỄN |
“Sáng kiến xây nhà trọ công nhân văn minh, an toàn xuất phát từ đại dịch Covid-19, khi Bắc Giang trở thành tâm dịch của cả nước. Trong quá trình tham gia chống dịch, tổ chức Công đoàn nhận rõ những vấn đề của nhà trọ công nhân” - đồng chí Nguyễn Văn Cảnh cho biết. Thời điểm đó, toàn tỉnh có hơn 60.000 công nhân sống trong các nhà trọ. UBND tỉnh đã ban hành tiêu chí nhà ở xã hội, nhà trọ công nhân nhưng phần lớn người dân xây nhà trọ tự phát, cải tạo từ nhà cũ nên số phòng thì nhiều, chất lượng chưa đảm bảo. Sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, chủ nhà trọ đã chú trọng hơn chất lượng nhưng về cơ bản công nhân vẫn phải sống trong không gian chật hẹp. Tỉnh quy định diện tích tối thiểu 8 mét vuông/người nhưng thực tế chỉ đảm bảo từ 2 đến 3 mét vuông/người. Bếp nấu ăn không có, công nhân phải nấu nướng ngay tại phòng ngủ hoặc trước cửa khu vệ sinh… Hệ thống ánh sáng, thông gió, cấp nước, thoát nước, phòng cháy, chữa cháy, thu gom rác, xử lý nước thải không có dẫn đến môi trường sống ô nhiễm, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 với tốc độ lây lan nhanh khiến nhà trọ công nhân trở thành ổ dịch chỉ sau thời gian rất ngắn. Có thôn gồm 1.000 dân nhưng tập trung tới 9.000 công nhân thuê trọ. Chỉ một ca bệnh xuất hiện, sau vài ngày đã lan rộng cả thôn, rất nguy hiểm. |
Một trong số ít khu nhà trọ khang trang dành cho công nhân lao động. Ảnh: ST |
Theo đồng chí Nguyễn Văn Cảnh, nhà trọ công nhân nếu không quản lý tốt sẽ trở thành mảnh đất “màu mỡ” cho tệ nạn phát triển. Tại đây, công tác đề phòng kẻ gian, tệ nạn xã hội chưa được coi trọng. Công nhân dễ sập bẫy tín dụng đen hoặc các loại hình lừa đảo trên không gian mạng, dẫn đến hệ lụy đau lòng. Hàng chục nghìn công nhân xa quê đến Bắc Giang làm việc phải mang theo con nhỏ, không có điều kiện chăm sóc sức khỏe. Ngoài thời gian ở doanh nghiệp, công nhân về nhà trọ không có hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, mua sắm hàng hóa kém chất lượng, thiếu xe đưa đón đảm bảo an toàn. |
Phần lớn công nhân lao động sống trong các nhà trọ không đảm bảo điều kiện sinh hoạt. Ảnh: HẢI NGUYỄN |
“Tỉnh Bắc Giang có gần 4.000 nhà trọ với gần 60.000 phòng trọ, tập trung 70.000 công nhân ngoại tỉnh. Nơi đây cần được xây dựng nề nếp sinh hoạt văn minh, an toàn và được các cấp chính quyền, đoàn thể cùng tham gia quản lý. Do đó, tháng 10/2021, LĐLĐ tỉnh xây dựng Đề án “Nhà trọ công nhân văn minh, an toàn” giai đoạn 2022 - 2025”. Đề án được Thường trực Tỉnh ủy ủng hộ, được UBND tỉnh phê duyệt, phát triển thành chương trình của tỉnh. |
Hàng nghìn nhà trọ công nhân có điều kiện sống không đảm bảo. Ảnh: ST |
Theo đồng chí Nguyễn Văn Cảnh, nội dung chính của Đề án hoạch định những việc tổ chức Công đoàn cần làm để xây dựng nếp sống văn minh, an toàn tại nhà trọ công nhân. Đó là, công đoàn phối hợp với các cấp chính quyền, cơ quan chức năng tuyên truyền, giáo dục để công nhân tuân thủ pháp luật, tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, nhận diện và tránh xa tệ nạn xã hội... Những việc LĐLĐ tỉnh đã làm như: Phối hợp với Công an tỉnh thành lập Tổ tự quản tại nhà trọ có từ 10 công nhân trở nên nhằm quản lý tốt nhân khẩu, cư trú, di biến động về công nhân. Hằng tuần, các Tổ tự quản kiểm tra vệ sinh phòng trọ, đôn đốc chủ nhà và công nhân khai báo cư trú. Công đoàn phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường phun thuốc khử khuẩn, tiêu độc khử trùng, tiêm vắc xin cho công nhân. Phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa ra tiêu chí nhà trọ văn minh, an toàn và đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư. Thời gian qua, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức 40 cuộc tuyên truyền pháp luật kết hợp giao lưu văn hóa, văn nghệ được công nhân và Nhân dân nhiệt tình tham gia. Công đoàn tổ chức sinh nhật tập thể, thăm hỏi, động viên, chia sẻ lúc khó khăn, hoạn nạn để công nhân hiểu biết lẫn nhau. LĐLĐ tỉnh đã in 3.500 pa nô gắn tại nhà trọ, nhà ở xã hội và 5.000 áp phích gắn tại các phòng trọ tuyên truyền “10 việc cần làm” của công nhân. |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm gia đình công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn tại nhà trọ (huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang). Ảnh: HẢI NGUYỄN |
Đồng chí Nguyễn Văn Cảnh chia sẻ, trong điều kiện nguồn lực, nhân lực còn hạn chế, để thực hiện tốt Đề án này, LĐLĐ tỉnh đã phân công trách nhiệm cho các cấp công đoàn, đặc biệt là công đoàn xã, phường, thị trấn. LĐLĐ tỉnh lên kế hoạch, lấy đội văn nghệ xung kích của Nhà Văn hóa thôn làm hạt nhân để tổ chức chương trình “Nghe công nhân hát, hát cho công nhân nghe”. Đối với chương trình tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, công đoàn sẽ mời cộng tác viên nói chuyện theo chuyên đề. Sáng kiến xây dựng nhà trọ văn minh, an toàn của đồng chí Nguyễn Văn Cảnh được tập thể LĐLĐ tỉnh đóng góp ý kiến và đồng tình ủng hộ. Trong quá trình thực hiện không tránh khỏi vướng mắc. Trước hết là tâm lý ngần ngại vì mất công, mất sức, mất thời gian, băn khoăn về cách thức tổ chức, hiệu quả của hoạt động. Đồng chí Nguyễn Văn Cảnh đã trực tiếp xuống nhà trọ công nhân để chỉ đạo thực hiện. Sau một thời gian triển khai, hoạt động đi vào nề nếp, mang lại hiệu quả. Cán bộ công đoàn cũng được tập dượt, rèn luyện tổ chức các hoạt động trên một địa bàn mới - nhà ở xã hội và nhà trọ công nhân. |
Đồng chí Nguyễn Văn Cảnh - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Giang động viên công nhân Công ty CP May xuất khẩu Hà Bắc (Việt Yên). |
“Hiệu quả lớn nhất mà Đề án mang lại là củng cố, nâng cao uy tín, ảnh hưởng của tổ chức Công đoàn với công nhân, các cấp chính quyền, cộng đồng. Tại khu nhà trọ, Công đoàn trở thành điểm tựa lớn về tinh thần cho công nhân. Hoạt động công đoàn và phong trào công nhân lao động gần gũi, thực chất hơn. Công nhân không còn đơn độc nơi nhà trọ mà gắn kết chặt chẽ với nhau, với cộng đồng, coi Bắc Giang là quê hương thứ hai để yên tâm gắn bó. Cá nhân tôi và các cán bộ công đoàn tỉnh Bắc Giang luôn trăn trở về nơi ăn, chốn ở của công nhân vì tình cảm với người lao động, trách nhiệm với tổ chức. Cán bộ công đoàn coi công nhân như người thân của mình sẽ nhận thấy những vất vả, khó khăn, rủi ro mà công nhân gặp phải. Từ đó biết vận dụng, thay vì áp dụng chủ trương, chính sách của Tổng Liên đoàn, Tỉnh ủy để xây dựng hoạt động công nhân cần, gắn với thực tiễn địa phương. Phải được công nhân đón nhận và chấp nhận, hoạt động công đoàn mới có sức sống” - đồng chí Nguyễn Văn Cảnh cho biết. LĐLĐ tỉnh Bắc Giang tổ chức tuyên truyền pháp luật cho công nhân ở khu nhà trọ. Nguồn: LĐLĐ Bắc Giang |
THU CHINH Đồ họa: AN NHIÊN |