|
Vượt ngàn dặm xa, đoàn người làm việc tại các tỉnh Bình Dương, TP.HCM, tỉnh Bình Phước,… điều khiển xe máy xuyên đêm đi về quê tránh dịch. Trong xuyên suốt hành trình ấy, họ đã nhận được rất nhiều sự san sẻ, tiếp sức qua khó khăn để trở về. |
Hành trình có 1- 0- 2 |
17 thành viên trong gia đình chị Y Mái với hành trình xuyên đêm từ Đắk Nông về Nghệ An tránh dịch, tại điểm trung chuyển qua hầm Hải Vân (địa phận TP Đà Nẵng), cả gia đình chị mới có những giờ phút nghỉ ngơi tranh thủ ăn vội bữa cơm để chờ chuyến xe chở qua hầm để tiếp tục hành trình. Chị Mái chia sẻ, thời gian qua chị là công nhân cạo mủ cao su tại tỉnh Đắk Nông. Khi dịch bệnh bùng phát, chị và nhiều người thân khác trong gia đình không đủ kinh tế để sinh sống. Vì vậy 17 thành viên gồm cả người lớn và trẻ nhỏ quyết định dắt díu nhau về quê tránh dịch. Tuy nhiên, xe khách đường dài đã dừng hoạt động, không còn cách nào khác họ phải chọn lái xe xuyên đêm để về quê nhà Nghệ An. “Cả gia đình không ai rành đường vì vậy hành trình di chuyển về quê lại thêm khó khăn. Cả đoàn mò mẫm trong đêm vượt nhiều đoạn đèo nguy hiểm, may mắn gặp được lực lượng cảnh sát địa phương dẫn đường, còn hỗ trợ thêm thức ăn, nước uống nên mọi vấn đề đều diễn ra suôn sẻ”, chị Mái kể. |
Đoàn người từ miền Nam về quê được CSGT Đà Nẵng dẫn đến Trạm Trung chuyển qua hầm Hải Vân. |
Không chỉ chị Mái, hành trình trở về quê của anh Lò Bá Thành (SN 1998, trú tỉnh Nghệ An) cũng để lại những kỷ niệm không thể nào quên. Anh Thành cho biết, anh cùng người em họ vào Bình Dương làm công nhân 2 năm nay. Thế nhưng, những ngày qua, tỉnh Bình Dương bùng phát dịch Covid-19 nên công ty dừng hoạt động, công nhân phải nghỉ việc tạm thời. Cuộc sống “nơi đất khách quê người” vốn đã khó khăn với những người công nhân như anh Thành, dịch bệnh bùng phát khiến cuộc sống của họ càng khốn đốn. Thất nghiệp hơn 1 tháng qua, không còn cách nào khác, anh Thành cùng người em họ của mình đành khăn gói, vượt hành trình hơn 1.500km để trở về quê. “Đi từ Bình Dương về quê, chúng tôi chuẩn bị nước lọc, bánh mì và mì tôm. Những lúc mệt mỏi và đói chúng tôi chỉ dám dừng lại ven đường, nơi không có người dân sống xung quanh để ăn tạm bánh mì, mì tôm sống rồi tiếp tục. Đây là hành trình có một không hai trong cuộc đời mình”, anh Thành tâm sự. |
Tiếp thêm động lực cho hành trình trở về |
Không chỉ thử thách sức bền của mọi người, hành trình trở về còn là “bài kiểm tra” lớn đối với những chiếc xe máy trong quãng đường dài. Không ít phương tiện xe máy bị hư hỏng, gặp khó khăn trong di chuyển sau khi trải qua thời gian hoạt động liên tục. Chứng kiến những điều đó, Phòng Cảnh sát giao thông - Công an thành phố Đà Nẵng kêu gọi tình nguyện viên hỗ trợ sửa xe, tiếp sức cho hành trình về quê của người dân. Thượng uý Nguyễn Trần Quang Vũ, cán bộ Đội Tham mưu, Phòng Cảnh sát Giao thông - Công an thành phố cho biết, qua 2 ngày làm nhiệm vụ tiếp đón, dẫn các đoàn xe máy từ phía Nam đi qua địa phận Đà Nẵng về các tỉnh phía Bắc, cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ nhận thấy có nhiều phương tiện bị xẹp lốp, thủng lốp, hư hỏng nhẹ do di chuyển đường dài. |
Nhiều em nhỏ cùng ba mẹ tham gia hành trình này. |
Để kịp thời hỗ trợ sửa chữa, khắc phục hư hỏng cho các phương tiện, từ trưa ngày 27/7, Phòng Cảnh sát Giao thông - Công an thành phố kêu gọi tình nguyện viên có khả năng khắc phục những hư hỏng nhỏ của xe mô tô, xe máy như: bơm, vá lốp,… tạo điều kiện cho nhân dân tiếp tục hành trình về quê. “Chưa đầy 12 tiếng đồng hồ kêu gọi, Phòng Cảnh sát Giao thông - Công an thành phố nhận được sự hưởng ứng, đăng ký tham gia của khoảng 50 tình nguyện viên và các nhóm tình nguyện như Nhóm SOS Đà Nẵng, CLB SOS Trường Đại học Đông Á…”, anh Vũ cho biết. |
Nhận được lời kêu gọi, anh Diệp Tín (SN 1998, quê tỉnh Thừa Thiên - Huế) làm nghề sửa xe máy ở Đà Nẵng vui vẻ tham gia. Nhiều tháng qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến tiệm sửa xe của Tín ế ẩm. Dù thu nhập bấp bênh, thế nhưng anh Tín cùng 2 người bạn đã tình nguyện đăng kí tham gia hỗ trợ cho người dân. Đặc biệt, anh Tín đã tự bỏ tiền túi sắm ruột xe, dầu nhớt, cùng các loại phụ tùng để thay thế cho mọi người miễn phí. "Chúng tôi có mặt ở chốt từ 1 giờ sáng, ngồi gần một tiếng rưỡi để đón đoàn. Khi có thông tin từ phía Quảng Nam, Phòng CSGT liên hệ với chúng tôi để lên chốt. Vì đoàn đông người, số lượng xe máy nhiều nên thời gian đến không thể chuẩn xác, chúng tôi chủ động đến sớm chứ không lên muộn người dân họ chờ lại sốt ruột”, anh Tín chia sẻ. |
Bạn Đặng Ngọc Tiến, Trưởng Nhóm SOS Đà Nẵng cho biết, khi đọc được thông tin kêu gọi tham gia hỗ trợ sửa chữa xe, các thành viên trong nhóm đồng loạt hưởng ứng, tham gia. Trong khi đó, 18 thành viên của CLB SOS Trường Đại học Đông Á cũng nhanh chóng đăng ký và lên đường hỗ trợ. Để hỗ trợ tốt nhất cho các chủ phương tiện trên hành trình về quê, Nhóm SOS Đà Nẵng còn vận động thêm ruột xe, nhớt từ mạnh thường quân để thay miễn phí cho các xe máy. Cách thức hỗ trợ là khi Phòng Cảnh sát Giao thông tiếp nhận thông tin có đoàn xe từ phía Nam ra, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ thông báo đến các cá nhân, đội, nhóm đăng ký hỗ trợ để đi cùng lực lượng đến địa điểm đón và trợ giúp khi có sự cố đến khi đoàn xe qua khỏi địa phận thành phố Đà Nẵng. |
Mỗi ca từ 10-15 thành viên tham gia hỗ trợ sửa xe. |
Để bảo đảm sức khỏe cho tình nguyện viên và tuân thủ phòng, chống dịch, Phòng Cảnh sát Giao thông phân chia nhóm từ 10-15 thành viên/ca tham gia hỗ trợ. Các tình nguyện viên đều giữ khoảng cách an toàn với các chủ phương tiện, trang bị đầy đủ đồ bảo hộ, khẩu trang trong suốt quá trình hỗ trợ để bảo đảm phòng, chống dịch. |