“Quả thật, tôi không nghĩ lễ cưới hoành tráng như vậy. Là một trong những cặp đôi tham dự, vợ chồng tôi cảm thấy rất vinh dự, tự hào” - chị Nông Thị Uyên cho biết.
Anh Dương Văn Quý (sinh ra ở xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên) kết hôn cùng chị Nông Thị Uyên (sinh ở xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn). Hai người bén duyên nhau khi cùng làm ở Siêu thị Điện máy HC Thái Nguyên (thuộc Công ty TNHH Thương mại VHC chi nhánh Thái Nguyên). Thời điểm chuẩn bị, gia đình hai bên đều có điều kiện kinh tế khó khăn nên anh chị đã đăng ký và được tham gia lễ cưới tập thể. Mỗi khi nhắc đến ngày lễ trọng đại ấy, hai anh chị vẫn mang những cảm xúc khó tả.
Công đoàn chăm lo rất nhiều
Còn chị Nông Thị Uyên - vợ anh thì tâm sự: “Ngoài được tặng một chỉ vàng, vợ chồng tôi được tặng nhiều phần quà ý nghĩa như: Nồi, gối, dầu ăn, dầu rửa bát... rất thiết thực cho cuộc sống gia đình. Với một người phụ nữ, những “hành trang” đó giúp cho tôi ý thức và cố gắng nhiều hơn trong việc giữ lửa tổ ấm gia đình”.
Về chung sống một nhà, như bao cặp vợ chồng trẻ khác, anh Quý, chị Uyên đối mặt với bao lo toan.
“Vợ tôi sinh con đầu lòng đúng dịp tôi được chuyển xuống Siêu thị Điện máy HC chi nhánh thành phố Sông Công với trách nhiệm phụ trách mặt hàng ti vi, máy tính. Siêu thị mới khai trương, công việc bộn bề nên tôi thường xuyên không ở nhà. Một mình vợ phải lo lắng, chăm sóc con cái. Những lúc ấy, anh chị em đồng nghiệp đã san sẻ, hỗ trợ để tôi có thời gian nghỉ chăm vợ con” - anh Quý cho biết.
Anh Đinh Văn Thơm - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Thương mại VHC chi nhánh Thái Nguyên cho biết: “Nhìn thấy vợ chồng Quý - Uyên yêu thương và tôn trọng lẫn nhau, chúng tôi cũng cảm thấy vui vì đã góp phần nhỏ bé xây nên hạnh phúc của họ. Ngoài động viên, tâm sự, giúp “gỡ rối” chuyện vợ chồng, chúng tôi cũng san sẻ, hỗ trợ nhau trong công việc. Nếu Quý có việc đột xuất, anh em lại hỗ trợ, nhất là trong việc xử lý hàng lỗi, hỏng. Ngoài ra, anh em chúng tôi cũng giúp nhau về tài chính khi cần gấp mà chưa nhận được lương”.
Xuất thân từ vùng đất Võ Nhai và Thịnh Đức (tỉnh Thái Nguyên), Nguyễn Thị Mai Niên và Nguyễn Hà Kiên đã gặp nhau khi cùng làm việc tại Công ty Samju Vina (Khu Công nghiệp Điềm Thụy - Thái Nguyên). Bố mất khi Kiên mới 8 tuổi. Một mình mẹ tảo tần nuôi Kiên và chị gái bị thiểu năng trí tuệ bẩm sinh ở xóm Đầu Phần, xã Thịnh Đức (thành phố Thái Nguyên). Gia cảnh của Niên cũng không hơn nhà Kiên bao nhiêu.
“Khi hai người chung sống với nhau còn có nhiều khó khăn nhưng em luôn nghĩ đến lời chúc phúc và Liên đoàn Lao động tỉnh, các doanh nghiệp tặng một chỉ vàng “làm vốn” cùng nhiều phần quà thiết thực cho cuộc sống gia đình. Từ đó chúng em biết nhường nhịn nhau hơn và cùng cố gắng để có tương lai tốt đẹp” - Nguyễn Thị Mai Niên chia sẻ.
Hiện nay, Nguyễn Hà Kiên đã chuyển công tác, làm nhân viên hành chính của Trường liên cấp IRIS tại thành phố Thái Nguyên. Mai Niên vẫn làm ở công ty cũ. Cuộc sống còn đầy rẫy lo toan, nhưng hai bạn đều đồng lòng vượt qua tất cả.
Theo bà Vũ Phương Hảo - Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên: “Khi nhận được kế hoạch tổ chức đám cưới tập thể của Liên đoàn Lao động tỉnh, Công đoàn các Khu công nghiệp đã triển khai tới các công đoàn cơ sở để thông báo tới công nhân lao động. Tuy nhiên, việc lựa chọn các cặp đôi công nhân lao động lại không hẳn dễ dàng vì việc kết hôn phải diễn ra khi hai bên đã có dự tính, kế hoạch. Cuối cùng, Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh đã lựa chọn được hai cặp đôi, trong đó có cặp Niên - Kiên. Trong suốt hơn một năm qua, Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh và các công đoàn cơ sở đã quan tâm, “gỡ rối” khi cần thiết, góp sức để các cặp đôi giữ gìn hạnh phúc”.
Sau hơn một năm làm lễ cưới, Lèng Đình Phúc và Lê Thị Hương (công nhân Công ty SEVT) đang thuê nhà trọ ở huyện Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên). Khởi đầu cuộc sống gia đình chưa hết khó khăn thì dịch bệnh Covid-19 ập đến khiến cặp đôi càng phải đối mặt với nhiều thiếu thốn.
“Dịch bệnh khiến vợ em không có việc làm nên hai vợ chồng sống khá eo hẹp. Riêng tiền thuê nhà mỗi tháng hết 1 triệu đồng. Em phải cố gắng làm thêm kiếm tiền để lo cho vợ con. Những lúc nhìn vợ em tằn tiện, em nhiều đêm trằn trọc không ngủ được. Nhưng cứ nhớ về đám cưới tập thể trong mơ cùng chúc phúc của họ hàng, bạn bè, công ty, em thấy biết ơn cuộc đời và quên đi mệt mỏi” - Phúc chia sẻ.
Đôi lúc, hai bạn vẫn cùng nhau ngắm lại bức hình trong đám cưới. Hai vợ chồng đều cảm thấy vui và chia sẻ với bạn bè, anh chị em đồng nghiệp đăng ký tham gia đám cưới tập thể.
“Con em hiện nay đã 10 tháng tuổi và để chăm sóc cho con, có lúc em đã phải chi tiêu dè xẻn hết mức. Nhưng dù khó khăn đến mấy, chồng em vẫn kiên quyết không cho dùng đến nhẫn vàng mà Liên đoàn Lao động tỉnh và doanh nghiệp tặng chúng em khi nên vợ nên chồng” – Lê Thị Hương chia sẻ.
Xác định tổ chức Công đoàn là “bà mối” se duyên và cũng là “người bạn tâm tình” để giúp vợ chồng chung sống hòa thuận, hạnh phúc, Liên đoàn Lao động tỉnh đang có kế hoạch tổ chức đám cưới tập thể năm 2020 với mong muốn vun đắp khởi đầu cho những gia đình hạnh phúc trong tương lai.
Bài: Thu Chinh
Ảnh: Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Nguyên
Đồ họa: Thu Chinh