|
Thông tin từ gia đình nạn nhân Nguyễn Thị Nhị cho hay, vào ngày 29/4, đại diện Công ty Cổ phần Xây dựng phát triển nhà và Hạ tầng đô thị Hà Nội (Hanoi Uris.,JSC) và gia đình đã có cuộc trao đổi, đàm phán về mức bồi thường. Cuộc trao đổi diễn ra 2 ngày sau khi Cuộc sống an toàn đăng tải bài viết “”. Anh Nguyễn Xuân Bình, chồng chị Nhị nói rằng, tại cuộc trao đổi, đại diện Công ty Cổ phần Xây dựng phát triển nhà và Hạ tầng đô thị Hà Nội là ông Nguyễn Thành Trung – Phó giám đốc, đề nghị hai bên “giải quyết tình cảm”. Anh Bình cho hay: “Ông Trung tiếp tục đề xuất rằng công ty sẽ bồi thường thêm 80 triệu (trước đó tạm ứng trước 70 triệu để gia đình trang trải viện phí - PV) là hết trách nhiệm. Chúng tôi nói rằng số tiền đó không thể bù đắp được những tổn thất về sức khoẻ, kinh tế mà vợ tôi gặp phải sau vụ tai nạn”. “Gia đình tôi đề nghị phía công ty bồi thường 300 triệu đồng. Sắp tới vợ tôi còn phải trải qua nhiều đợt điều trị, mỗi đợt kéo dài 3 tuần, trong khi chưa biết bao giờ chân mới có thể bình phục. Trong trường hợp hai bên không thống nhất được thì tôi phải nhờ pháp luật giải quyết”, anh nói thêm. |
|
Hiện tại, mức bồi thường cuối cùng trong vụ việc vẫn chưa được thống nhất. Đại diện Công ty Cổ phần Xây dựng phát triển nhà và Hạ tầng đô thị Hà Nội đề nghị sẽ thống nhất lại sau kỳ nghỉ lễ, vì “còn về trao đổi lại với ban lãnh đạo công ty” – theo lời anh Bình. Trở lại vụ việc, như chúng tôi đã thông tin, chiều 15/3/2021 chị Nguyễn Thị Nhị đi xe đạp tới đoạn đối diện số 138 Lê Duẩn (Hà Nội) thì bất ngờ bị cây bàng đổ vào người. Vụ tai nạn khiến chị Nhị bị chấn thương cột sống trật L23, liệt tuỷ hoàn toàn và lóc da đầu. Chị được các bác sĩ của Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức phẫu thuật vùng lưng để cố định cột sống, nắn trật, giải ép; đồng thời khâu 30 mũi vùng da đầu. Hiện tại 2 chân bị liệt, không thể đi lại. |
|
Thời điểm xảy ra vụ tai nạn, Công ty Cổ phần Xây dựng phát triển nhà và Hạ tầng đô thị Hà Nội đang tiến hành thi công lát vỉa hè trên phố Lê Duẩn. Toàn bộ gạch trên vỉa hè được tháo dỡ, công trường ngổn ngang, không có biển cảnh báo. Điều đáng nói, đơn vị thi công đã dùng máy khoan, khoan cắt sâu xung quanh gốc cây bàng khiến nhiều rễ cây bị đứt, nhưng không hề có biện pháp chống, đỡ, gia cố khiến cây bị đổ, gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe cho chị Nguyễn Thị Nhị. Theo quy định của Pháp luật Dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, đơn vị thi công thiếu an toàn gây hậu quả về sức khoẻ cho chị Nhị sẽ phải bồi thường toàn bộ chi phí cho việc khám, chữa bệnh đến khi nào ổn định. Ngoài ra, phải bồi thường phần thu nhập bị giảm sút và thiệt hại về tinh thần, mức tối đa không quá 50 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. |
Việc điều trị chưa biết khi nào sẽ kết thúc. |
Theo gia đình cho biết, tiền viện phí và chi phí y tế liên quan (đã được bảo hiểm hỗ trợ) trong việc điều trị cho chị Nhị đến thời điểm này hết khoảng 100 triệu đồng. Đó là chưa kể những chi phí điều trị sau này, bởi hằng tháng chị Nhị lại phải trở lại Bệnh viện Châm cứu Trung ương để điều trị, mỗi đợt kéo dài 20 ngày. Và việc điều trị chưa biết khi nào sẽ kết thúc. Trong vụ việc này, tiền bồi thường thiệt hại về tinh thần ở mức tối đa theo quy định của pháp luật khoảng 74,5 triệu đồng. Ngoài ra, pháp luật cũng quy định người gây ra hậu quả phải bồi thường phần thu nhập bị giảm sút của nạn nhân trong suốt quá trình điều trị cho đến khi phục hồi. Theo Luật sư Vũ Ngọc Hà – Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, LĐLĐ tỉnh Đồng Nai, con số 300 triệu mà gia đình đề nghị đơn vị thi công bồi thường tuy “khiêm tốn” so với những thiệt thòi về sức khoẻ, kinh tế của nạn nhân nhưng đó là đề nghị hợp tình, hợp lý. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin! |
Bài viết: Ý YÊN |
CDC Hà Nội lại "đổ đốn"
Vào một ngày lễ lớn như hôm nay - Ngày Quốc tế Lao động 1/5, thật không dễ chịu chút nào khi phải nói về ... |
Vụ Công ty Green Vina, bài 4: Công nhân tố bị công ty đuổi việc trái pháp luật
Tạp chí Lao động và Công đoàn (cuocsongantoan.vn) tiếp tục nhận được nhiều đơn kêu cứu của công nhân Công ty TNHH Green Vina (Công ... |
Công nhân phấn khởi trở lại làm việc sau tai nạn lao động
Nguyễn Cao Đông, 38 tuổi, từng bị tại nạn lao động gãy chân, suy giảm 40% sức khoẻ. Sau 10 tháng điều trị, dưỡng thương, ... |