Vụ bé 10 tuổi rơi ống sâu 35m: Thiệt hại từ mất an toàn không tính được bằng con số!
Người lao động - 09/01/2023 20:11 PHẠM THỦY
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng - Viện trưởng viện Nghiên cứu và Phát triển bền vững TP.HCM. Ảnh: NVCC |
PV: Xin chào ông, ông nghĩ thế nào về tai nạn em bé rơi xuống trụ bê tông tại Đồng Tháp?
Ông Nguyễn Hoàng Dũng: Ban đầu đây chỉ là vấn đề an toàn lao động và tai nạn, thuộc phạm vi rất hẹp. Phạm vị nội bộ trong một doanh nghiệp, của chủ đầu tư, đơn vị thi công công trình và đơn vị giám sát. Sự cố là một cháu bé 10 tuổi bị té. Có thể đây chỉ là vấn đề dân sự. Nhưng không may, tính chất của sự việc này dần trở nên nghiêm trọng khi công tác cứu hộ gặp những trở ngại quá lớn. Ống cọc, nơi bé Thái Lý Hạo Nam 10 tuổi bị rơi xuống quá sâu, 35 mét, khiến công tác cứu hộ gặp khó khăn. Ngày 2/1/2023, hai ngày sau khi xảy ra vụ tai nạn, Thủ tướng đã có công điện khẩn gửi tới các cơ quan chức năng. Vấn đề lập tức chuyển thành sự cố truyền thông, với hàng triệu cặp mắt nhìn, quan sát và thậm chí của cả truyền thông thế giới.
Hiện trường nơi bé Hạo Nam gặp nạn nhìn từ trên cao. Ảnh: Ngọc Tài (VnExpress) |
Về mặt kỹ thuật, tình huống này là một thách thức lớn cho công tác cứu hộ. Chiều sâu của trụ bê tông tới 35 mét, tương đương với chiều cao của một số toà nhà cao tầng lớn. Khi rơi xuống từ chiều cao như thế, tình trạng đa chấn thương cũng làm trầm trọng thêm cơ hội sinh tồn của nạn nhân. Trụ bê tông có đường kính quá nhỏ, 25 cen-ti-mét, chỉ nhỉnh hơn gang tay một chút. Em bé rơi xuống thì cũng rất khó để kéo lên, ngay cả khi bé nắm được sợi dây, và có đủ dưỡng khí, sức khoẻ. Khó khăn khách quan đầu tiên phải kể đến là chúng ta chưa có tiền lệ cứu hộ trong trường hợp như thế này. Thiết bị để cứu hộ cũng không đáp ứng được. Những chuyên gia cứu hộ hàng đầu cũng không có phương án có sẵn. Thiếu kinh nghiệm thực tiễn, thiếu phương tiện dụng cụ.
PV: Xin ông đánh giá tổng quan về những thiệt hại mà gia đình nạn nhân và các bên liên quan gặp phải ở tai nạn này?
Ông Nguyễn Hoàng Dũng: Thiệt hại về người và của là tất yếu. Đầu tiên phải nhắc đến sự việc diễn ra dưới những bản tin và hàng triệu người đọc, mọi hoạt động cứu hộ cho một tai nạn đột ngột trở thành sự kiện truyền thông. Và thay vì làm công tác cứu hộ trong thầm lặng, những bên liên quan phải làm việc dưới sức ép rất lớn của dư luận, cả trong nước và quốc tế, với điều kiện cứu hộ gồm rất nhiều khó khăn khách quan. Những tờ báo quốc gia và hàng đầu thế giới. Giống như cách đây nhiều năm đã xảy ra vụ tai nạn và thế giới nín thở trong nhiều giờ chờ đợi kết quả cứu nạn tại Chile. Và họ có những thuận lợi để tiến hành cứu hộ thành công đội thợ mỏ. Tôi cho rằng, với sự kiện này, những thiệt hại kinh tế đầu tiên có thể nhận diện là ở tầm quốc gia.
Đầu tiên, dư luận thế giới sẽ đặt ra câu hỏi “Vì sao lại để vụ việc này xảy ra?”. Thứ hai, tại sao không có phương án, dụng cụ, phương tiện, thiết bị cứu hộ sẵn có? Thứ ba, ngay cả khi tập hợp tất cả những người có chức trách: cơ quan chức năng, lực lượng quân đội… thì hiện tại phương án giải cứu được xem như không khả thi.
Điều này gây ảnh hưởng đến uy tín quốc gia ở góc độ kinh tế sau đây: những khó khăn nhất định trong thu hút đầu tư nước ngoài. Vấn đề an toàn của Việt Nam không có độ chắc chắn. Điều này dẫn đến sự e ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ hai, những đối tác trong nước, khi mời gọi đầu tư nước ngoài, với những hợp đồng trong nước thì ở nước ngoài sẽ xem như đây là một vấn đề cần phải thẩm tra hiện trường trước khi đưa ra những quyết định hợp tác về kinh tế. Lấy xác nhận của các cơ quan có chức năng đảm bảo an toàn. Thậm chí phải có cam kết của Chính phủ về việc đảm bảo an toàn thì họ mới đầu tư.
Tiếp theo, có thể kể đến sự đình trệ trong các hợp đồng tương lai về thi công công trình. Các bên bán, bên mua, bên nhà thầu và bên khách hàng sẽ đưa ra những đánh giá chất lượng công trình của nhà thầu trong nước. Qua sự kiện trên thì đằng sau chất lượng công trình là một quy trình chuyên nghiệp đảm bảo cho chất lượng, tiến độ bàn giao công trình phải được đánh giá, giám sát chặt chẽ. Như chúng ta đã biết, một trong những điều khoản quan trọng của các hợp đồng thầu là tiến độ hoàn thành. Chậm một ngày có thể làm thất thoát nhiều tỷ đồng.
Hiện trường vụ tai nạn bé trai bị rơi xuống trụ bê tông sâu 35 mét. Ảnh: Hoàng Nam (VnExpress) |
Ở phương diện kinh tế tầm quốc gia, chúng ta đã ký những hiệp định tự do thương mại lớn nhất thế giới trong giai đoạn này, như CPTPP, và gần đây nhất là RCEP. Theo nguyên tắc, chúng ta có nghĩa vụ thực hiện cam kết về an toàn, đảm bảo cho các bên về chuỗi kinh doanh. Sự kiện này khiến cho khách hàng của quốc gia thành viên e ngại. Trong các hiệp định nổi lên vấn đề phải an toàn, đảm bảo an toàn theo chuỗi. Không thể không lường trước việc những quốc gia thành viên này sẽ xem lại vấn đề an toàn, đảm bảo không chỉ là trụ bê tông nơi công trường thi công mà còn là máy móc, con người, là năng lực đảm bảo tính kỷ luật của các công đoạn trong một công trình: quy chuẩn về bảo hộ lao động, yếu tố bảo vệ môi trường, an sinh của khu vực nơi các công trình đang được thi công.
Từ thông tin mặt ngoài gây tâm lý e ngại như vậy, họ sẽ tái kiểm tra thẩm định. Trong các hiệp định thương mại tự do đa phương, quốc gia thành viên có thể yêu cầu xác nhận, thậm chí là các cam kết Chính phủ thì họ mới tiến hành đầu tư. Để có thể đảm bảo tiến độ giao hàng, nghiệm thu, thời gian, chất lượng. Vì với những quy trình thiếu chuyên nghiệp như vậy rất dễ bị thâm dụng nhân sự, đảo lộn thời hạn bàn giao, …
PV: Trong trường hợp này, những thiệt hại đối với doanh nghiệp được nhận định như thế nào thưa ông?
Ông Nguyễn Hoàng Dũng: Thiệt hại đầu tiên là tên tuổi của nhà thầu bị ảnh hưởng. Chủ đầu tư, đơn vị thi công, đơn vị giám sát, tất cả đều gánh chịu thiệt hại nặng nề. Về mặt nguyên tắc trên các công trường luôn có câu: An toàn là trên hết. An toàn này liên quan đến trách nhiệm của đội thi công. Khi xảy ra sự cố, câu hỏi sẽ là: tại sao không đề xuất các phương án, phải kiểm tra hàng ngày hàng giờ, đơn vị giám sát là ai? tên gì? năng lực tới đâu? Trong quan hệ kinh tế thì các khách hàng sẽ dừng lại. Với các hợp đồng đã kí trong tương lai, khách hàng có thể ngưng lại hoặc rất khó khăn để tiếp tục. Thậm chí, cực đoan là các khách hàng có thể rút đi vì lo sợ. Các đối tác rút đi, chủ đầu tư mất niềm tin có thể đưa ra các quyết định lập đơn vị giám sát thi công để giám sát, kiểm soát.
Như vậy, đơn vị đầu tư phải đầu tư thêm hệ thống máy móc bảo đảm an toàn cho quy trình. Phải có kiểm toán số liệu thì mới thuyết phục đối tác. Có những trường hợp công ty vừa phải tái cấu trúc, trang bị lại, vừa phải đổi tên công ty, đổi tên nhà thầu.
Lí do là, sau khi sự cố xảy ra, chỉ cần nhắc đến tên là người ta đã rất sợ. Mặc dù công trình của công ty vẫn đang được sử dụng, nhưng khi chọn tên tuổi hợp tác thì các nhà đầu tư chọn thương hiệu trong sạch. Ví dụ như Formosa chẳng hạn. Formosa sẽ gắn liền với hình ảnh huỷ hoại môi trường trong tâm trí của mọi người dân.
Anh Thái Văn Tấn Tài những ngày qua luôn túc trực ở công trường cứu hộ chờ tin con. Ảnh: Hoàng Nam (VnExpress) |
PV: Ở góc nhìn kinh tế, ông có thể chỉ ra thiệt hại mà nạn nhân và gia đình gặp phải?
Ông Nguyễn Hoàng Dũng: Tôi xin phép được gọi chung là thiệt hại về mặt xã hội. Đầu tiên, tai nạn này làm cho người dân nảy sinh tâm lý bất an với tất cả các công trình đang hiện diện. Nỗi bất an khi ở gần những công trình đang thi công khiến họ phải luôn cảnh giác, lo lắng về những tai nạn rình rập.
Thứ hai, tai nạn thương vong luôn gây tổn thương mất mát vô cùng lớn. Người bị nạn là trẻ nhỏ sẽ gây cảnh gia đình tang thương. Cha mẹ tự trách sao lại ở gần nơi nguy hiểm đó, vì sao không lo cho con, sao mình nghèo. Sự dằn vặt đeo bám họ suốt cuộc đời. Nó rất có thể thay đổi toàn bộ cuộc đời của họ. Nếu người bị nạn là người trưởng thành thì gia đình mất đi trụ cột. Ở những công trường khác, người dân thiếu niềm tin vào công trình đang xây dựng, cũng gây mất thời gian dài để ổn định tư tưởng, dẫn đến những quyết định bỏ việc.
PV: Vậy xin ông chia sẻ một vài giải pháp có thể thực hiện ngay để giảm thiểu tối đa những thiệt hại?
Ông Nguyễn Hoàng Dũng: Về giải pháp để phòng ngừa rủi ro thì ở cấp độ quốc gia cần có nghị định khẩn cấp, cập nhật tình hình mới về vấn đề an toàn lao động trên, trong công trường đang thi công. Hoặc nếu đã có rồi, đề nghị nâng cấp, cập nhật các tiêu chuẩn an toàn cho các công trình, nhất là những công trình lớn để giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và của.
Nghị định phải có tính thực tiễn, phải đảm bảo các đơn vị liên quan, đối tượng của nghị định phải thực hiện. Quan trọng nhất là có đơn vị giám sát độc lập của nhà nước, tránh việc thành lập theo lối mòn, kiểu chữa cháy. Cần có chế tài đủ sức răn đe, phải truyền thông, đối tượng áp dụng phải học thuộc, phải tuân thủ. Nhiều khi nghị định đưa ra cuối cùng nằm ngay trong hộc tủ của bộ phận văn thư hành chính. Hoàn toàn không đi ra tới công trường.
Mặt khác, phải xây dựng phương án đầu tư trang thiết bị để xử lý tình huống khó. Ít nhất mỗi tỉnh đều có. Không đợi đến khi xảy ra sự cố thì mới chuyên chở từ nơi khác tới. Đầu tư trang thiết bị cứu hộ khẩn cấp, hiện đại, có thể xử lý ứng phó được những tình huống đặc thù. Phải có phương án an toàn tuyệt đối. Cần có cơ quan, bộ phận chuyên trách đặc trách về vấn đề đó để đi kiểm tra góp ý công trình. Phải có nguồn lực để thực thi tại mỗi tỉnh, địa phương.
Về phía doanh nghiệp, phải có ban an toàn, an toàn trong toàn bộ quá trình công trình thi công. Phải có phân công ca kíp trực rõ ràng, khu vực nào ai phụ trách, có quy chế nhắc nhở, ký sổ, ký tên. Ký xong là phải tuân thủ. Nếu không có sổ là nhập nhằng thời gian chuyển giao. Công ty phải đầu tư cho công tác an toàn đó, phải chấm công cho nhân sự. Đi giữa nắng mưa kiểm tra chỉ phải chi trả mấy chục ngàn trong khi chủ đầu tư quản lý hàng tỷ, nhiều tỷ vốn công trình. Người kiểm tra có trách nhiệm sẽ phát hiện đề xuất nhắc nhở xử lý kịp thời những sự vụ như hố tử thần, hàng rào, chó mèo, ống nước hư, trụ điện muốn gãy, công cụ trên không…
Đầu tư ngay lập tức thiết bị chuông báo, hàng rào, hệ thống trang thiết bị chống trộm truyền thông qua zalo, viber. Những thiết bị này có chuông báo, có thiết bị cảm ứng truyền tin khi có vật di chuyển trong khu vực cấm, để đảm bảo an toàn cho người dân.
Đối với xã hội, cụ thể hơn là cấp phường, khu phố, tổ trưởng khu dân cư... phải có thông báo đặc biệt cho những khu vực có công trường mới đang thi công như nhà, chung cư hoặc một công trình Nhà nước đang thi công. Thực hiện trách nhiệm thông báo, và thông báo nhiều lần. Địa phương yêu cầu chủ công trường rào chắn, gắn camera.
Đối với nhà trường, cha mẹ, gia đình, cơ quan chức năng thường xuyên có bảng tin. Nhà trường cần đưa những tiết học giáo dục kỹ năng sinh tồn cho trẻ. Rèn luyện thành ý thức để tự bảo vệ bản thân, sau này là ý thức bảo vệ người trong gia đình. Chỉ có thể tiến hành công tác an toàn trong lao động một cách đồng bộ, với một ý thức, quyết tâm cao trong mỗi công dân thì tương lai mới hy vọng có thể giảm thiểu những thiệt hại như sự cố đau xót này.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Tin cùng chuyên mục
Đời sống - 07/09/2024 21:05
Giữa cơn bão số 3, những công nhân thoát nước vẫn túc trực tại các điểm trạm, đảm bảo khơi thông nước, tránh ngập úng trên các tuyến đường Thủ đô.
Người lao động - 06/09/2024 19:17
Những ảnh hưởng đầu tiên của “siêu bão” Yagi (bão số 3) đã gây mưa lớn cục bộ tại nhiều tỉnh phía Bắc. Để phòng ngừa tình huống phải trú ẩn trong nhà nhiều ngày, người lao động tại Hà Nội và các vùng lân cận đã vội vã đến các siêu thị, chợ dân sinh để tích trữ lương thực, thực phẩm cần thiết.
Người lao động - 06/09/2024 14:38
Trước dự báo về mức độ nguy hiểm của siêu bão Yagi, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội đã thông báo cho công nhân được nghỉ làm ngày thứ Bảy (07/9/2024) - thời điểm dự kiến bão đổ bộ.
Người lao động - 06/09/2024 11:50
Chuyên gia Tổng cục Khí tượng Thủy văn đưa ra lời khuyên trong phòng, tránh "siêu bão" Yagi sắp tới, để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản.
Đời sống - 06/09/2024 10:54
Theo cơ quan khí tượng, cơn bão số 3 đang mạnh lên rất nhanh và vẫn còn tăng cấp trong hôm nay. Theo bản đồ dự báo đường đi của cơn bão, trong ngày 7/9, bão số 3 sẽ đổ bộ khu vực Nam Định - Thái Bình với cấp độ khoảng cấp 13, giật cấp 16.
Đời sống - 06/09/2024 09:57
Theo dự báo, “siêu bão” Yagi có cường độ mạnh nên người dân cần có biện pháp bảo vệ nhà cửa để đảm bảo an toàn về người và tài sản. Dưới đây là những cách gia cố nhà cửa để đảm bảo an toàn trước bão.