Việt Nam ở giai đoạn dân số vàng nhưng chất lượng lao động chưa vàng
Người lao động - 22/08/2022 16:10 NGUYỄN NGA
Ảnh minh họa. |
Những thứ hạng thấp trong khu vực
Tại báo cáo về tình hình thị trường lao động và một số giải pháp trọng tâm nhằm phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường lao động, trình độ và kỹ năng của người lao động vẫn còn nhiều hạn chế so với các nước trên thế giới.
Trong so sánh quốc tế, xếp hạng trụ cột kỹ năng và chỉ số chất lượng đào tạo nghề nghiệp của Việt Nam thuộc nhóm cuối của ASEAN. Nhìn chung, trình độ tay nghề, kỹ năng của lực lượng lao động Việt Nam còn hạn chế, đặc biệt thiếu kỹ năng mềm.
Việt Nam hiện thiếu đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý giỏi, chuyên gia và quản lý doanh nghiệp giỏi, lao động lành nghề cho các ngành kinh tế mũi nhọn, các vùng kinh tế động lực, trọng điểm. Đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ còn thiếu và yếu.
Những hạn chế này đã cản trở sự đóng góp của nguồn nhân lực cho tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Đặc biệt, trình độ lao động thấp thì sẽ rất khó dịch chuyển sang các ngành nghề, công đoạn có giá trị gia tăng cao để tăng năng suất lao động và bắt kịp với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Ở một đánh giá khác, tại Hội nghị “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập” mới đây, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công nhìn nhận rằng, dưới tác động kép bởi đại dịch COVID-19 và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thị trường lao động Việt Nam đang có nhiều thay đổi mạnh mẽ, trong đó nổi lên hai thách thức lớn.
Đó là, thiếu hụt lao động có kỹ năng, và các thay đổi rất nhanh về yêu cầu kỹ năng đối với người lao động dưới tác động của việc thay đổi công nghệ, đặc biệt là tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số.
Theo ông Phạm Tấn Công: "Các thay đổi nói trên khiến cho việc khớp nối cung cầu trên thị trường lao động ngày càng khó hơn, nhất là ở những vị trí, yêu cầu kỹ năng cao".
Báo cáo PCI 2021 do VCCI thực hiện cũng phản ánh, đánh giá về chất lượng lao động tại các địa phương từ góc nhìn của doanh nghiệp FDI tương đồng với nhận định trên. Đó là: Khi doanh nghiệp có kế hoạch tuyển dụng thay thế hoặc mở rộng, nhóm lao động mà các doanh nghiệp có thể dễ dàng tuyển dụng hơn cả là công nhân, lao động phổ thông (62%). Tiếp đến là nhóm kế toán (42%), cán bộ kỹ thuật (25%) và quản lý, giám sát (20%). Nhóm lao động có mức độ khó nhất khi tuyển dụng là giám đốc điều hành (15%).
Thách thức nói trên cũng là nút thắt của doanh nghiệp Việt Nam trong phục hồi và phát triển, cũng như là nguy cơ Việt Nam sẽ để mất cơ hội thu hút dòng đầu tư FDI dịch chuyển sau đại dịch COVID-19 và các biến động của chính trị quốc tế.
Ông Phạm Tấn Công nhận định: "Trên thực tế, Việt Nam vẫn đang ở trong giai đoạn dân số "vàng" nhưng chất lượng lao động lại chưa phải là "vàng". Tỉ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ chỉ đạt 26,1%, cơ cấu lao động phần lớn có kỹ năng hạn chế, thu nhập thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng và thị trường".
Việc thay đổi kỹ năng của lao động phụ thuộc vào công tác đào tạo nhưng sự thay đổi chương trình đào tạo chính quy tại các trường giáo dục nghề nghiệp luôn có độ trễ so với nhu cầu trên thị trường lao động.
Còn theo đánh giá của chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB), hiện nay Việt Nam có lực lượng lao động có kỹ năng chưa được cao. Đây là vấn đề của giáo dục đào tạo nghề bậc trung cấp và cao học.
Về kỹ năng của lao động, hiện tại, Việt Nam đứng thứ 116/141 nước về kỹ năng của học sinh tốt nghiệp trong Báo cáo về cạnh tranh toàn cầu, thấp hơn nhiều so với một số nước, trong đó có Singapore đứng thứ 79.
Năm 2019 đã có cuộc điều tra trong các doanh nghiệp của Việt Nam, cho thấy nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng người lao động có chất lượng. 73% doanh nghiệp có báo cáo rằng họ gặp khó khăn trong tuyển dụng những lao động cho vị trí quản lý, 61% gặp khó khăn để tuyển dụng người lao động có kỹ năng phù hợp. Con số này cho thấy có khoảng cách lớn giữa cung và cầu lao động Việt Nam.
Theo Chuyên gia của WB, trong bảng điều tra về lao động Việt Nam năm 2020, chỉ rất ít đơn vị của Việt Nam hoàn tất giáo dục đào tạo nghề thuộc giáo dục cao học. Điều này do người Việt chưa được tiếp cận với giáo dục cao học. Tỉ lệ lao động tốt nghiệp đại học và cao học ở Việt Nam khoảng 26,8%, thấp hơn con số 51,3% của các nước thu nhập trung bình.
Về kỹ năng, 17% lao động Việt Nam có bằng đại học và trên đại học, phần còn lại trung bình lao động được đào tạo trong vòng 8 năm.
"Việt Nam muốn tăng cường chất lượng lao động tới năm 2050 nhưng với đà này thì chỉ 15% lực lượng lao động được tiếp cận giáo dục đại học vào năm 2030, thấp hơn nhiều so với các quốc gia ở châu Á khác", vị chuyên gia nhận định.
Công nhân vận hành công nghệ mới cho dây chuyền sản xuất. Ảnh: Tạp chí Lao động và Công đoàn. |
Đầu tư tạo nguồn lao động có kỹ năng
Để khắc phục hạn chế trong chất lượng lao động, Chủ tịch VCCI kiến nghị, trước mắt, chính sách hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho người lao động khi gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 cần linh hoạt hơn trong cơ chế phối hợp giữa đơn vị sử dụng lao động với cơ sở giáo dục nghề nghiệp bảo đảm các phương án phù hợp với nhu cầu vị trí việc làm của doanh nghiệp. Kéo dài thời gian thực hiện chính sách và điều chỉnh các điều kiện để có thêm nhiều doanh nghiệp và người lao động được tham gia.
Thứ hai, VCCI đề nghị Chính phủ xem xét có những quy định hướng dẫn về đào tạo nội bộ trong doanh nghiệp (thời gian, nội dung, yêu cầu về giáo viên và cơ sở vật chất), có cơ chế hợp tác giữa nhà trường-cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trong việc xây dựng và thẩm định chương trình đào tạo tại doanh nghiệp cũng như ban hành cơ chế công nhận về mặt văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận cho người lao động được đào tạo tại doanh nghiệp.
Thứ ba, Quốc hội, Chính phủ xem xét có ưu đãi giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp thực hiện các chương trình đào tạo nội bộ tại doanh nghiệp đáp ứng đúng tiêu chuẩn về đào tạo nội bộ trong doanh nghiệp.
Thứ tư, tăng cường hiệu quả hợp tác doanh nghiệp, nhà trường. Ở đây có kinh nghiệm hay tại các nước tiên tiến như Đức, Australia, Anh.
Về phía địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho rằng giữ thị phần lao động kỹ thuật trong nước cũng là một giải pháp rất quan trọng. Cần có quy định về tỉ lệ lao động kỹ thuật giữa lao động Việt Nam và lao động nước ngoài trong doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam đã đưa lao động của họ vào làm việc tại các khu công nghiệp.
Theo ông Dương, Chính phủ cũng cần đầu tư mạnh mẽ hơn cho hệ thống các trường nghề, nhất là các trường nghề đào tạo trình độ cao đẳng. Trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, các trường nghề đào tạo trình độ cao đẳng đem lại hiệu quả cao và rõ ràng.
Cuối cùng, cần sớm có cơ chế để các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, tham gia vào việc đào tạo cấp chứng chỉ đào tạo nghề cho người lao động. Thực tế các doanh nghiệp vẫn đào tạo cho người lao động tại doanh nghiệp nhưng cơ chế, chính sách chưa hoàn thiện nên chưa có chứng chỉ được công nhận. Khi có cơ chế, các doanh nghiệp có công nghệ mới, kỹ thuật mới có thể tham gia đào tạo nghề cho lao động tại địa phương, tạo nên chuỗi giá trị bền vững.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Tsai Wen Tsung, Tổng giám đốc Tập đoàn Pouyen Việt Nam mong muốn Chính phủ tạo điều kiện tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp và các trường đào tạo nghề, bồi dưỡng nguồn lao động chất lượng cao.
"Giáo dục là hậu thuẫn mạnh mẽ nhất cho sự phát triển của nền kinh tế. Vì vậy, việc xây dựng các trường đào tạo nghề, kỹ năng chuyên môn và khoa học kỹ thuật là rất quan trọng để tạo nền tảng kỹ thuật cơ bản vững chắc hơn cho ngành sản xuất", ông Tsai Wen Tsung nhận định.
Tìm giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Để nâng cao chất lượng nguồn lao động tham gia các thị trường lao động ở các nước có thu nhập cao, các đại biểu ... |
Lao động Việt Nam làm việc tại Malaysia được tăng lương tối thiểu Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, vừa thông tin tới các doanh nghiệp một số ... |
Quảng Nam: Giám sát chặt chẽ việc điều chỉnh lương cho NLĐ tại các doanh nghiệp Sau hơn 1 tháng áp dụng Nghị định số 38/2022/NĐ-CP của Chính phủ về quy định mức lương tối thiểu vùng, nhiều doanh nghiệp trên ... |
Tin cùng chuyên mục
Người lao động - 24/09/2024 12:56
Thời gian gần đây, giá vàng nhẫn liên tục lập đỉnh, lần đầu vượt mốc 81 triệu đồng/lượng. Với mức tăng này, liệu mức thu nhập của công nhân, người lao động có đủ khả năng để mua?
Người lao động - 23/09/2024 20:57
Ít nhất 2 ngôi làng với 211 nhân khẩu ở hai huyện Nam Trà My, Nam Giang, tỉnh Quảng Nam phải di dời khẩn cấp khỏi vùng sạt lở. Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo xử lý tình trạng sạt lở, sớm ổn định đời sống người dân.
Người lao động - 23/09/2024 15:59
Anh Chu Thanh Bình - đoàn viên Công đoàn Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã gửi đến Ban Tổ chức cuộc thi trực tuyến "CNVCLĐ tìm hiểu về công tác an toàn vệ sinh lao động" thông điệp: cảm ơn đội ngũ làm công tác an toàn vệ sinh lao động.
Đời sống - 23/09/2024 15:57
Đồng bào ở trong và ngoài nước đang hướng về Làng Nủ, sẻ chia mất mát với những người còn sống...
Người lao động - 22/09/2024 09:25
Nhiều năm sau này, khi nhắc về Làng Nủ, người ta sẽ nhắc về một bản làng xinh đẹp, nhưng không may phải hứng chịu trận đại hồng thủy, cuốn trôi tất cả. Ở đó có một Làng Nủ tang thương nhưng vẫn kiên cường, trong gian khó vẫn sáng lên tình người và hy vọng về một tương lai hồi sinh.
Người lao động - 20/09/2024 19:01
Công ty TNHH MSV ở Khu công nghiệp Phú Bài (thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế) có nhiều hoạt động khích lệ người lao động hăng say lao động sản xuất.