Viên chức dân số nói về bất cập khi chuyển đổi chức danh nghề
Đời sống - 08/08/2023 06:52 TRẦN LƯU
Như Tạp chí Lao động và Công đoàn đã thông tin, ngày 6/8 vừa qua, Truyền hình Quốc hội Việt Nam tổ chức Chương trình “Cử tri hỏi, đại biểu Quốc hội trả lời” xoay quanh nội dung Nghị định số 05 và những bất cập trong phụ cấp ưu đãi cho cán bộ dân số.
Tại Chương trình, bà Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng: Nghị định số 05 là phụ cấp ưu đãi nghề và phải gắn với chức năng nghề. Hiện nay, cán bộ dân số phải làm rất nhiều công việc khác, như: tiêm chủng, dinh dưỡng học đường, truyền thông giáo dục sức khỏe cộng đồng… nhưng lại không được hưởng phụ cấp nghề. Lý do là họ không được bổ nhiệm chức danh nghề y tế, mặc dù làm nhiệm vụ chuyên môn y tế. Từ việc bổ nhiệm không đúng chức danh nghề, dẫn đến không được hưởng phụ cấp đúng theo công việc thực tế họ đang làm. Ở đây, các cơ sở y tế đã xem xét phân công và sắp xếp vị trí việc làm chưa đúng với công việc của cán bộ dân số.
Cán bộ dân số xã Bình Thạnh Đông, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang tuyên truyền chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Ảnh: Tr.L. |
Theo bà Hương, các địa phương cần phải khẩn trương làm ngay những việc sau:
Thứ nhất, nếu cán bộ dân số có trình độ chuyên môn y tế, do yêu cầu nhiệm vụ được bố trí các công việc về chuyên môn y tế (chẳng hạn như y tế dự phòng) thì phải khẩn trương xem xét bổ nhiệm chức danh nghề cho họ; để từ đó, giúp họ được hưởng phụ cấp chức danh nghề từ 40% trở lên. Và khi đó trở thành những đối tượng thuộc Nghị định số 05.
Thứ hai, đối với viên chức dân số không có trình độ chuyên môn y tế, nhưng do điều kiện thiếu nguồn nhân lực để bố trí việc làm tại y tế cơ sở thì phải cho họ đi đào tạo nghề chuyên môn. Khi đã được đào tạo thì phải bổ nhiệm chức danh nghề chuyên môn y tế để được hưởng phụ cấp của Nghị định số 05. Tất cả vướng mắc đều nằm ở đó. Phải nói rõ: Nghị định số 05 là phụ cấp ưu đãi nghề chứ không phải phụ cấp phòng chống dịch.
Bà Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế trả lời câu hỏi của cử tri về Nghị định số 05 trên Truyền hình Quốc hội. Ảnh: Truyền hình Quốc hội. |
Trước trả lời của Thứ trưởng Bộ Y tế, nhiều cán bộ dân số đã bày tỏ sự không đồng tình. Họ nói vấn đề không đơn giản như trả lời của Bộ Y tế và còn rất nhiều bất cập liên quan đến cái gọi là “chức danh nghề”.
Bạn Nguyễn Thị Bích Tuyền (SN 1987) hiện là viên chức dân số hạng 3, Trạm Y tế xã Bình Thạnh Đông, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. Với mong muốn được gắn bó lâu dài với ngành Y tế để cống hiến, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân; năm 2017, Tuyền đã tự bỏ ra kinh phí hơn 50 triệu đồng để học Y sĩ Đa khoa (tại Trường Cao đẳng Y tế An Giang). Sau khi tốt nghiệp (năm 2019), ngoài công tác dân số, mỗi ngày Tuyền còn tham gia vào các công việc chuyên môn y tế như: trực trạm, tham gia khám chữa bệnh tại trạm, tham gia vào công tác phòng chống dịch, hỗ trợ công tác truyền thông tại địa bàn... Cô chấp hành mọi sự phân công điều động của Trưởng trạm y tế xã và luôn cố gắng hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
“Từ năm 2020 khi dân số và y tế sáp nhập thì đã là một nhà, nên không thể có chuyện, trong một nhà, 7 - 8 người cùng làm việc, chỉ có mình là ở không. Tụi em không tính toán những gì đã cống hiến, nhưng chỉ mong mọi người được hưởng những quyền lợi chính đáng như nhau”.
Tuyền nói và cho biết thêm: “Bây giờ nếu chuyển chức danh nghề y tế thì hồ sơ gồm những giấy tờ gì và nộp đến cơ quan nào? Hơn nữa, như em hiện là dân số viên hạng 3, hưởng mức lương đại học. Nếu chuyển chức danh nghề y tế thì liệu mức lương này có được giữ nguyên hay phải thay đổi”.
Còn chị Ngọc (viên chức dân số ở TP Cần Thơ) phân tích: "Lấy ví dụ mỗi trạm y tế có chỉ tiêu là 6 viên chức y tế và 1 viên chức dân số; và chỉ tiêu đó đã phân bổ đầy đủ hết rồi. Vậy bây giờ, viên chức dân số chuyển chức danh nghề qua viên chức y tế thì liệu có nhận được sự đồng ý, bởi nhân sự đã được sắp xếp đâu vào đấy, họ sẽ làm việc ở đâu sau khi chuyển.
Cán bộ dân số An Giang tham gia chương trình truyền thông sức khỏe trong trường học. Ảnh: Tr.L. |
Bên cạnh đó, nếu cho viên chức dân số (chưa có chuyên môn y tế) đi học, đào tạo; thì ai là cấp có thẩm quyền xét duyệt cho họ đi học? Trong thời gian họ đi học ai sẽ làm việc thay và kinh phí đi học, đào tạo sẽ do ai lo. Bởi hiện nay, viên chức dân số đều có cuộc sống khó khăn với nguồn thu nhập ít ỏi".
Trưởng phòng Dân số, thuộc Trung tâm Y tế tại một huyện ở tỉnh An Giang nêu thực trạng: “Trước đây, tôi công tác bên y tế dự phòng, bằng cấp là Bác sĩ chuyên khoa I, được hưởng phụ cấp ưu đãi 40% theo chức danh nghề viên chức y tế. Cho tới 4 năm trước, tôi được điều động về làm Trưởng Phòng Dân số. Trong suốt thời gian này, từ bằng cấp đến chức danh nghề của tôi vẫn giữ nguyên. Chỉ có khác một điều là từ công việc chuyên môn y tế đã chuyển sang làm công tác dân số. Và đến nay, tôi vẫn không được hưởng phụ cấp của Nghị định số 05. Như vậy, nếu nói có chức danh nghề chuyên môn y tế thì sẽ được hưởng phụ cấp Nghị định số 05 là chưa thỏa đáng. Như tôi, đã có chức danh nghề y tế, nhưng do làm công việc dân số nên họ vẫn tính như viên chức dân số, có được hưởng đâu”.
Đặc biệt, trong Nghị định số 05 có nêu rõ: “Mức phụ cấp 100% áp dụng đối với viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng (bao gồm cả kiểm dịch y tế biên giới); làm chuyên môn y tế tại trạm y tế xã, phường, thị trấn, phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh, trung tâm y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương và bệnh viện tuyến huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương”.
“Như vậy, đã nói rõ những viên chức thường xuyên trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng sẽ được hưởng 100% phụ cấp. Vậy tại sao viên chức dân số làm những việc đó mỗi ngày lại không được hưởng”, vị Trưởng phòng đặt vấn đề.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Đảnh, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ TP Cần Thơ cho biết: "Trên thực tế, cán bộ dân số mỗi ngày đều làm công việc kiêm nhiệm bên y tế dự phòng và y tế cơ sở, nên việc xét hưởng phụ cấp phải tính từ thực tế chứ không thể “trên giấy tờ”. Bây giờ, cán bộ dân số không có bằng chuyên môn y tế thì lấy gì mà chuyển đổi. Nếu đi học, đào tạo sẽ rất mất thời gian, với bao nhiêu tốn kém. Hơn nữa, nếu vì được hưởng phụ cấp từ Nghị định số 05 mà tất cả viên chức dân số đều đi học để chuyển đổi chức danh nghề; vậy ai sẽ làm công tác dân số, chưa kể lúc đó, lực lượng chuyên môn y tế sẽ lại dư thừa".
Tạp chí Lao động và Công đoàn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về nội dung này.
“Cần đề xuất từ Bộ Y tế để viên chức dân số không tủi thân và được ghi nhận công bằng” Liên quan đến những ý kiến, đề xuất cần thiết điều chỉnh, bổ sung đối tượng được hưởng nâng phụ cấp ưu đãi nghề trong ... |
Bộ Nội vụ nói gì về Nghị định 05/2023/NĐ-CP? Nghị định 05/2023/NĐ-CP quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở ... |
Viên chức dân số: "Phụ cấp ưu đãi nghề phải 100% mới xứng đáng!" "Lúc đi chống dịch không ai bảo chúng tôi làm ít đi, bây giờ nếu chúng tôi được bổ sung vào Nghị định 05 thì ... |
Tin cùng chuyên mục
Người lao động - 04/09/2024 18:05
Trước đề xuất bổ sung ngày nghỉ lễ Quốc khánh đến hết 5/9, hoặc nghỉ thêm ngày 5/9 để người lao động có thể đưa con đến trường khai giảng, nhiều luồng ý kiến trái chiều đã được đưa ra.
Đời sống - 01/09/2024 16:15
Với AHLĐ, NGND, GS.TS Võ Tòng Xuân, Ngày Quốc khánh (2/9) có dấu ấn đặc biệt. Bởi ngày này vào năm 1980, ông đã lội ngược dòng từ “vực sâu” vươn lên “đỉnh cao”…
Người lao động - 29/08/2024 10:39
Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Cao Bằng nhanh chóng xây dựng, hoàn thiện đề án xây mới, sửa nhà công vụ cho đoàn viên trên địa bàn; bên cạnh đó, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam đã hỗ trợ 3 tỷ đồng xây nhà công vụ cho giáo viên, hiện các công trình đã sắp hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Đời sống - 26/08/2024 15:38
Theo lịch nghỉ lễ năm 2024, cán bộ, công chức, viên chức, và người lao động sẽ được nghỉ lễ Quốc khánh từ ngày 31/8 đến hết ngày 3/9.
Người lao động - 24/08/2024 08:25
8 cặp đôi trong lễ cưới tập thể đầu tiên dành cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Cần Thơ vừa được tổ chức khiến nhiều người xúc động. Ở đấy người ta chứng kiến có cả cặp đôi mà chủ rể lẫn cô dâu đã ở tuổi nghỉ hưu nhưng lần đầu tiên làm đám cưới...
Đời sống - 23/08/2024 19:44
Trong 54 đảng viên hiện nay thì có tới 36 đảng viên (chiếm gần 67%) là công nhân trực tiếp sản xuất, lao động tại các đội vệ sinh, đội cây xanh, lái xe... Đó cũng là thành tích nổi bật của công tác phát triển Đảng ở Công ty CP Môi trường đô thị tỉnh Kon Tum.