Vị nữ tu mang bóng dáng thiên thần

Vị nữ tu mang bóng dáng thiên thần

Khoa Ung bướu – Huyết học – Ghép tủy nằm ở tầng 5 - tầng trên cùng của Trung tâm Nhi, Bệnh viện Trung ương Huế. Nơi đây thường hiện diện khoảng 70 – 80 bệnh nhi, có khi đến gần 100 bệnh nhi mắc ung thư lưu lại điều trị. Việc điều trị cho các bé thường có thời gian rất lâu, dài, có người cả năm, thậm chí lâu hơn.

Một lần nhẹ bước đến thăm, giúp chuyển những món quà của mệ Tuyết làng hương (nhân vật trong phóng sự cùng tên trên Tạp chí Lao Động Công đoàn ngày 2/11/2023) cho các bệnh nhi đang điều trị nơi đây, tôi được nghe nhiều ông bố bà mẹ kể về bác sĩ Kim Hoa nom như kể về những nàng tiên bước ra từ những câu chuyện cổ tích. Câu chuyện ấy rất đời thực, lại khiến cho các bé mắc bệnh nặng, đang làm thuốc, đang dùng hóa chất... dần chìm vào giấc ngủ; để khi tỉnh dậy, các em lại được thấy, được gặp bác sĩ trong lấp lánh nụ cười.

Tôi dừng lại trước cửa ở phòng của bé Lê Vũ Nh. A., 4 tuổi, người vừa được ghép tủy thành công sau một hành trình dài chữa bệnh. Bé A. là con trai đầu của vợ chồng anh Trần Đình Tâm – Vũ Thị Hiền, ở xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, là anh của hai người em, trong đó một bé sắp chào đời. Chồng làm thợ nề (thợ hồ), vợ làm công nhân may, tiền lương vừa nuôi con vừa phụng dưỡng ông bà nội bé A., nên cuộc sống khá vất vả. Đã thế, sau khi bé A. phát bệnh, vợ chồng anh Tâm đi khám, chữa bệnh rồi bàng hoàng biết được bé bị mắc ung thư ở giai đoạn thứ 4. Vợ chồng anh Tâm phải nghỉ việc để sát cánh cùng con chống chọi với bệnh tật. Bé A. được đưa đến điều trị khá lâu ở một bệnh viện lớn tại TP.HCM, nhưng bệnh không tiến triển tốt. Nghe được thông tin ở Trung tâm Nhi, Bệnh viện Trung ương Huế có nhiều tiến bộ trong lĩnh vực điều trị nhi ung thư, hồi năm ngoái 2023, vợ chồng anh Tâm đưa con trai ra Huế kiếm tìm cơ hội sống mong manh cho con. Thế nhưng sau thời gian nhập viện, bé A được chỉ định ghép tủy với chi phí cho cas ghép tủy đến khoảng 100 triệu đồng. Đây là số tiền nằm trong mơ vợ chồng anh Tâm cũng không dám, nghĩ tới.

Vị nữ tu mang bóng dáng thiên thần

Như một phép màu, TS.BS Nguyễn Thị Kim Hoa, Phó Trưởng khoa Ung bướu – Huyết học – Ghép tủy, Trung tâm Nhi, người mà bé A. rất quyến luyến chỉ sau gần hai tháng điều trị, đã mở cánh cửa “sinh tử” giúp gia đình anh Tâm. Bác sĩ Hoa đã vận động, tìm kiếm nguồn kinh phí từ một số nhà hảo tâm để giúp cas ghép tủy cho bé A. được thực hiện. Không chỉ thế, chính BS Hoa là người chủ trì cas ghép tủy cho bé A. và mang lại sự thành công như mong đợi. Bây giờ thì bé A. đã tung tăng chơi bóng cùng bạn và “sơ Hoa”, sẽ xuất viện trong nay mai và tái khám theo định kỳ.

“Cô Kim Hoa là nữ bác sĩ tuyệt vời khó có từ nào diễn tả. Cô ấy khác rất nhiều những người mà vợ chồng em từng gặp. Mỗi vị y tá, bác sĩ đều mang lại cho mình những cảm giác rất được yêu thương, nhưng ở cô Hoa mình cảm nhận cô ấy sự ấm áp, nhân từ, thân thiện rất khó tả. Không chỉ với con của mình mà nhiều bé khác đang điều trị ở đây đều xem cô ấy như một người mẹ hiền thứ hai, một vị thiên thần mang tình yêu thương đến cho con người, cho bọn trẻ.”, anh Tâm thổ lộ.

Không riêng gì bé A. “sơ Hoa” là chỗ dựa tinh thần trong nhiều năm qua cho hàng trăm bệnh nhi ở khoa Ung bướu – Huyết học - Ghép tủy. Chị Võ Thị Thùy Trang, mẹ của cháu Bùi Duy G.L., bệnh nhi điều trị ung thư ở Khoa Ung bướu – Huyết học – Ghép tủy, xúc động kể quê chị ở xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Nhiều năm qua hai vợ chồng chị đưa con trai vào TP.HCM chữa trị, nhưng bệnh tình không cải thiện nhiều nên chị đưa bé về Huế điều trị, thế là cả nhà gắn bó với Trung tâm Nhi gần cả năm qua. Tại đây, ngày ngày mẹ con chị Trang được các điều dưỡng, bác sĩ ân cần chăm sóc, nhất là BS Hoa, người luôn đỡ đần, động viên, giúp đỡ mẹ con chị Trang trong hành trình chữa bệnh.

Vị nữ tu mang bóng dáng thiên thầnMột lá thư tri ân của người nhà bệnh nhi gửi Bệnh viện Trung ương Huế và BS Kim Hoa - Ảnh: NVCC

“Khi vào đây nhập viện cháu đã kiệt sức, yếu lắm. Chừ thì anh thấy đấy, cháu vui và chơi được. Được như rứa là nhờ sự ân cần chăm sóc chữa trị của các bác sĩ, y tá nơi đây, nhất là bác sĩ Hoa, người lúc nào cũng quan tâm mẹ con em và các bệnh nhi khác. Bác ấy không chỉ chữa bệnh mà còn động viên rất nhiều về mặt tinh thần, lo cái ăn cái ở, thuốc thang cho từng bệnh nhi. Con em coi bác Hoa như người mẹ thứ hai của cháu rứa. Mỗi lần thấy bác sĩ Hoa mặc chiếc áo blouse trắng tới phòng là bọn trẻ mừng rơn, vui như gặp cô tiên hay vị thần nào đó là cho các bé bớt bệnh, quên đau luôn.”, chị Trang kể.

Bệnh nhân nhập viện khó khăn đã đành, bệnh nhi ung thư nhập viện càng muôn vàn sự khổ. BS CK2 Trần Thị Đoan Trang - nguyên Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Huế, một trong những người hơn 10 năm qua kể từ khi còn làm việc đến khi nghỉ hưu vẫn kết nối và thực hiện các chương trình thiện nguyện, làm cầu nối gây quỹ bệnh nhi ung thư, kể rằng chị có cơ duyên làm việc với BS Hoa qua cầu nối giúp đỡ bệnh nhi ung thư. Trẻ em mắc bệnh ung thư thường thấy là con nhà khó khăn, con đồng bào ở vùng cao nên chuyện tiền nong thuốc thang với họ là vô cùng vất vả. Trong khi đó đặc thù của điều trị ung thư có những xét nghiệm lên trên 10 triệu đồng/lần, thuốc tốt thì ngoài danh mục bảo hiểm chi trả, gia đình họ phải mua thuốc bên ngoài tiền triệu khiến họ không chịu nổi. Đây cũng là lý do mà có nhiều gia đình đành lòng đưa con trở về nhà khi điều trị nửa chừng do không kham nổi chi phí thuốc thang.

“Bác sĩ Kim Hoa là người nhiệt huyết, tận tình chu đáo lắm. Chị ấy cũng rất gần gũi bệnh nhân và gia đình các cháu nên hiểu rõ hoàn cảnh khó khăn của các cháu. Thường các trường hợp chị ấy đề xuất kết nối giúp đỡ đều được anh chị em trong nhóm đồng tình và nhiều trường hợp được hỗ trợ kịp thời...”, BS Trang tâm sự.

Vị nữ tu mang bóng dáng thiên thần

Souer Maria - TS.BS Nguyễn Thị Kim Hoa sinh năm 1979 trong một gia đình trí thức, hiếu học ở thị trấn Phú Bài, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Anh chị em Hoa đều được học hành đỗ đạt cao, trong đó có người anh của Kim Hoa từng thi Vật lý quốc tế và sau đó dạy học ở nước ngoài. Trong gia đình trừ ba mẹ, các anh chị em Hoa hầu như không đi lễ nhà thờ.

“Thế ai đã mang chị đến với đức Chúa?”, tôi tò mò khi mới bắt chuyện.

“Là người bạn của em mình. Một lần đi theo em ấy đến nhà thờ vào năm lớp 8, sau đó thì thích đi, rồi tự dưng thích đi tu, thích làm ma soeur. Đến năm lớp 9, mình xin ba mẹ đi tu nhưng họ không cho. Có lẽ lúc ấy họ nghĩ mình còn nhỏ dại...”, sơ Hoa kể vui.

Học giỏi nên từ năm lớp 9 Kim Hoa đã được tuyển vào học lớp chuyên Toán tại Trường THPT chuyên Quốc học Huế và theo học tại ngôi trường danh tiếng này đến hết THPT. Lạ thay, trong cô luôn nung nấu ý nguyện được đi tu, mà ngành y khoa thì rất hợp với tu sĩ nên cô đã đầu tư nhiều thời gian hơn cho việc học các môn “khối B” (Toán, Hóa, Sinh).

Vị nữ tu mang bóng dáng thiên thần

TS.BS Hoa vui vẻ bên bệnh nhi - Ảnh: M.Đ.T

Kết quả kỳ thi đại học năm 1996, Nguyễn Thị Kim Hoa đỗ Á khoa Trường Đại học Y khoa (nay là Đại học Y dược) Huế và trở thành bác sĩ đa khoa 6 năm sau đó. Sau khi đỗ đại học, Kim Hoa thi Thanh tuyển và vào sống, tu học ở Hội Dòng con Đức mẹ Vô nhiễm, số 32 Kim Long, TP.Huế, bắt đầu làm ứng viên dự tu, bước vào ngưỡng cửa dòng tu sống đời thánh hiến.

Tốt nghiệp đại học năm 2002, cô nộp hồ sơ và được nhận vào làm bác sĩ tại Bệnh viện Trung ương Huế, đồng thời tiếp tục học ngành bác sĩ nội trú Nhi khoa tại đây. Năm 2007, dù đã hoàn tất chương trình học bác sĩ nội trú nhưng chị Hoa đành xin nghỉ việc để chuyên tâm con đường tu học để trở thành một tu sĩ. Bác sĩ Hoa gác giấc mơ ngành y để trở về với Tập viện, với nhà Dòng.

“Lúc đó mình cứ tưởng mình sẽ mãi không còn được làm ở Bệnh viện Trung ương Huế nữa, không còn đi sâu vào con đường y khoa nữa nên cũng có chút buồn”, bác sĩ Hoa kể thêm.

Năm 2009, sau khi Khấn dòng và thực hiện các nghi thức tu học theo Giáo luật, Kim Hoa chính thức trở thành tu sĩ. Năm 2013, được sự động viên của sơ Bề trên, sơ Hoa quay trở lại Bệnh viện Trung ương Huế nộp hồ sơ xin việc làm bác sĩ. Với lợi thế từng học bác sĩ nội trú nơi đây, sơ Hoa được nhận trở lại làm việc nhưng trải qua 2 năm làm việc không lương, sau đó mới chính thức trở thành cán bộ của bệnh viện lớn này.

Năm 2016, bác sĩ Hoa được lãnh đạo bệnh viện cử đến Trung tâm Nhi để bổ khuyết cho nhân sự ngành nhi ung thư tại đơn vị, đồng thời chuẩn bị nhân lực chủ chốt cho phát triển chuyên ngành điều trị Nhi ung thư, triển khai việc nghiên cứu, áp dụng kỹ thuật cao trong điều trị nhi ung thư tại miền Trung.

Vị nữ tu mang bóng dáng thiên thần

TS.BS Nguyễn Thị Kim Hoa (hàng đầu, thứ 2, từ phải) cùng các thầy, đồng nghiệp khi tu nghiệp, học tập tại Nhật Bản. Ảnh: NVCC

“Với những bệnh nhi ung thư điều trị hóa chất, có những cas ghép tủy phải điều trị hóa chất liều cao, nếu mình không thực hiện được thì sẽ không có cơ hội cứu sống bệnh nhân. Do vậy Ban giám đốc cho mình được đi học tại một số bệnh viện trong và ngoài nước để để nghiên cứu, học tập áp dụng kỹ thuật ghép tế bào gốc tự thân (ghép tủy), như tại TP.HCM và ở Mỹ, Nhật Bản, Singapore... sau đó thì về áp dụng, triển khai kỹ thuật này ở khoa. Thật sự thì ngành ung thư cũng vất vả, khó khăn, nhưng mình không ngại...”, BS Hoa chia sẻ.

Năm 2018, khoa Ung thư – Huyết học – Ghép tủy thuộc Trung tâm Nhi chính thức ra đời với sự hỗ trợ đắc lực về cơ sở vật chất từ một số công dân Nhật Bản, đặc biệt là Tổ chức Chăm sóc trẻ em ung thư châu Á - Asian Children’s Care League (ACCL). Một năm sau, tháng 11/2019 đơn vị triển khai ca ghép tủy đầu tiên cho bệnh nhi ung thư, đánh dấu thêm một bước ngoặt trong tiến trình làm chủ các kỹ thuật cao phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân của Bệnh viện Trung ương Huế. Để có thành quả này, lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế đã chuẩn bị kỹ lưỡng, đầu tư vào con người và bác sĩ Hoa là một trong những “hạt giống” được lựa cho tiến trình ấy.

Với mong mỏi, nỗ lực tìm cách điều trị căn bệnh ung thư một cách tốt nhất, nhất là với trẻ em, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 căng thẳng sơ Hoa làm nghiên cứu sinh luận án tiến sĩ với đề tài về ung thư bạch cầu cấp ở trẻ. Ngày 31/1/2023, BS Hoa bảo vệ thành công luận án tiến sĩ này và ngay trước thềm kỷ niệm 69 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam, 27/2 vừa qua, BS Hoa đã được Hiệu trưởng Trường Đại học Y dược Huế trao bằng tiến sĩ, trở thành nữ tiến sĩ, bác sĩ Nhi khoa đầu tiên của Bệnh viện Trung ương Huế.

Vị nữ tu mang bóng dáng thiên thầnTS.BS Nguyễn Thị Kim Hoa nhận lời chia vui của sinh viên sau khi nhận bằng tiến sĩ - Ảnh: M.Đ.T

Nói về luận án và đóng góp mới của BS Kim Hoa, PGS.TS Trần Kiêm Hảo - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế kiêm Giám đốc Trung tâm Nhi, Bệnh viện Trung ương Huế, người khá am hiểu luận án của BS Hoa, chia sẻ thêm: “Trước nay điều trị ung thư chúng tôi có những phác đồ, chẩn đoán theo phác đồ. Nhưng hiện tại qua đề tài của nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Kim Hoa, vấn đề phân tích di truyền phân tử, về đột biến gen được đưa ra để từ đó có hướng điều trị xác thực, hiệu quả hơn. Không chỉ dựa vào lâm sàng mà dựa vào các xét nghiệm, như xét nghiệm các đột biến gen để tiên lượng bệnh, đánh giá những đáp ứng điều trị. Từ đó giúp hiệu quả hơn trong điều trị, tiên lượng tốt hơn nhằm đem lại cuộc sống bệnh nhân ung thư khả quan hơn, việc hội nhập cho trẻ về sau cũng sẽ tốt hơn”.

Vị nữ tu mang bóng dáng thiên thần

TS.BS Hoa là một người đặc biệt và hầu như là trường hợp rất hiếm khi một vị tu sĩ làm viên chức, được bổ nhiệm giữ chức Phó Trưởng khoa tại một bệnh viện lớn như Bệnh viện Trung ương Huế. Thấy tôi có vẻ thắc mắc điều này, TS.BS Nguyễn Thanh Xuân chia sẻ: “Thật tình bác sĩ Hoa là trường hợp đặc biệt nhưng căn cứ vào các quy định hiện hành, đặc biệt là xét về y đức, tài năng của BS Hoa, việc lãnh đạo bệnh viện bổ nhiệm chị ấy giữ cương bị như hiện nay là xứng đáng và không có gì dè dặt, điều này cũng rất được các đồng nghiệp đồng tình ủng hộ.”.

Nhớ lại tiến trình này cả BS Hoa lẫn các thành viên lãnh đạo Bệnh viện không khỏi bồi hồi. Tất nhiên việc tiệm cận, làm chủ kỹ thuật y học nào cũng vô cùng gian nan, đối với lĩnh vực ung thư nhi khoa càng gian nan hơn. TS.BS Nguyễn Thanh Xuân - Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, kể thêm, TS.BS Nguyễn Thị Kim Hoa là bác sĩ đầu tiên triển khai kỹ thuật ghép tế bào gốc tự thân cho bệnh nhi tại Bệnh viện Trung ương Huế, là một chuyên gia điều trị ung thư trẻ em, đi đầu trong lĩnh vực ghép tủy trẻ em tại khu vực Miền Trung - Tây Nguyên. Trong 5 năm qua, TS.BS Hoa cùng với đồng nghiệp tiến hành được 39 ca ghép tủy. Riêng trong năm 2023, tiến hành được 7 ca ghép tủy. Có những ca ghép tủy tự thân như u nguyên bào võng mạc di căn, lymphoma non Hodgkin tái phát, là những ca ghép được thực hiện đầu tiên của Việt Nam. Bệnh viện cũng cũng đã và đang nỗ lực hợp tác với các tổ chức quốc tế như ACCL (Nhật), NCGM (Nhật), NUH (Singapore), KK hospital (Singapore), St. Jude Children’s Research hospital (Mỹ); bác sĩ ở Chicago (Mỹ), Ý, để tranh thủ sự giúp đỡ về chuyên môn để nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhi ung thư. Trong năm 2023, bác sĩ McKay McKinnon, bác sĩ phẫu thuật từ Chicago đã đến phối hợp cùng bệnh viện để phẫu thuật hai ca bệnh khó. Đoàn bác sĩ đến từ Ý đã đến và tiến hành xét nghiệm HLA cho 150 bệnh nhân Thalassemia và gia đình các bệnh nhân đó.

Vị nữ tu mang bóng dáng thiên thầnTS.BS Nguyễn Thị Kim Hoa (đứng bên phải) và GS.TS Phạm Như Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế (đứng bên trái) chụp hình lưu niệm với bệnh nhi thứ 30 thực hiện ghép tủy điều trị ung thư tại Bệnh viện Trung ương Huế - Ảnh: NVCC

“TS.BS Kim Hoa là người có tấm lòng nhân hậu, rất yêu thương bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhi ung. Chị cũng là người có chuyên môn tốt, đóng vai trò chủ chốt trong ghép tế bào gốc tự thân, được Ban Giám đốc đánh giá cao. Chị xứng đáng với danh hiệu Lương y như từ mẫu”, TS.BS Xuân nói và cho biết trong thời gian tới, bệnh viện cũng như cá nhân bác sĩ Hoa sẽ tiếp tục triển khai đề tài quan trọng là ghép tủy tự thân cho các bệnh nhi bị mắc các bệnh lý u đặc. Đặc biệt là nghiên cứu triển khai ghép tủy đồng loại, điều trị các bệnh lý suy tủy, ung thư máu hay Thalassemia để nâng cao chất lượng và hiệu quả của kỹ thuật ghép tế bào gốc tự thân và đem lại sự sống mới cho nhiều bệnh nhi không may mắc các bệnh hiểm nghèo.

Vừa điều trị bệnh, vừa quản lý chuyên môn, vừa nỗ lực kết nối các nhà hảo tâm giúp đỡ cho những hoàn cảnh ngặt nghèo khi cần, vừa nghiên cứu học tập, tham gia hội thảo trong nước và quốc tế, vừa giảng dạy đào tạo các bác sĩ trẻ, sinh viên thực tập... và hiện tiếp tục nghiên cứu ghép tế bào gốc đồng loại - phương thức điều trị ung thư mới cho bệnh nhi. Ngoài ra vị nữ tu hiện còn là Phó Trưởng bộ môn Nhi thuộc Đại học Duy tân. Dường như cả “núi” việc vây phủ BS Hoa, ấy thế mà lúc nào cũng thấy nụ cười tươi rói trên môi vị bác sĩ này.

“Nói chuyện với sơ, tôi thấy sơ cười nhiều. Điều này thật dễ chịu. Thế có khi nào sơ khóc không?”, tôi đường đột hỏi, làm sơ Hoa có chút trầm ngâm. BS Hoa chợt trầm xuống: “Có, đó là những lúc mình đã cố gắng nhưng không thể để rồi bố mẹ phải đưa các em về nhà trong nỗi buồn... Lúc ấy mình lại cầu nguyện...”. Như nhiều năm qua sau những giờ làm việc bên ngoài, sơ Hoa trở về Hội Dòng và thực hiện những phần việc, lễ nghi của một tu sĩ. BS Hoa kể trong buổi cầu kinh, lúc nào bệnh nhi của vị nữ tu cũng được xướng lên trước Chúa với nguyện cầu bình an. “Làm việc bên ngoài, điều trị, chữa bệnh cho mọi người, cho các em cũng là công việc của một tu sĩ như mình. Bởi vì mình thấy Chúa trong các em hằng ngày. Đi ra ngoài làm việc cũng là cách mình mang Chúa đến với mọi người mà...”, sơ Hoa giải thích.

“Trong lĩnh vực điều trị ung thư trẻ em, TS.BS Nguyễn Thị Kim Hoa đã luôn phối hợp chặt chẽ với các khoa bạn trong bệnh viện, cũng như các chuyên gia đầu ngành ung thư nhi trên thế giới để nâng cao chất lượng điều trị cho các trẻ em; đã từng phối hợp điều trị và chuyển bệnh nhi ung thư đến bệnh viện nhi ung thư St Jude hàng đầu thế giới tại Mỹ để phối hợp điều trị. Chủ nhiệm nhiều đề tài nghiên cứu khoa học đạt các giải cao trong cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế: đoạt hai giải Nhất liên tiếp trong năm 2021, 2022 và đoạt giải Ba năm 2023. Có công trình nghiên cứu “Nghiên cứu các biến đổi gen trong tiên lượng bệnh bạch cầu cấp dòng lympho tại Trung tâm Nhi khoa Bệnh viện Trung ương Huế” được công bố trong sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2023, thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ. Có 19 bài báo đăng tạp chí quốc tế có uy tín thuộc danh mục WoS/SCOPUS, có những bài thuộc tạp chí Q1, Q2, Q3. Có 5 poster được chọn đăng trong các hội nghị quốc tế, trong đó có 1 poster đoạt giải Nhất. Và nhiều bài báo đăng trong các tạp chí y học lâm sàng bệnh viện cũng như các tạp chí khác trong nước. Trong năm 2023, TS.BS Hoa được Bệnh viện Trung ương Huế vinh danh 1 trong 10 cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ".

TS.BS Nguyễn Thanh Xuân - Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế

Phóng sự của ĐÌNH TOÀN

Ảnh, Video: ĐÌNH TOÀN, TUYẾT HẰNG

Đồ họa: AN NHIÊN