Vì một nền kinh tế thông minh hơn
Kinh tế - Xã hội - 02/07/2022 16:35 NGỌC QUÂN
Sau những bước ngoặt lịch sử, kỷ nguyên phát triển tiếp theo của internet được định hình bởi 4 xu hướng: web3, AI, metaverse và blockchain. Thời gian qua, những công nghệ này bắt đầu phát triển mạnh. Trong đó, web3 hứa hẹn trở thành nơi lưu trữ dữ liệu chỉ thuộc về chính người dùng, tạo ra hệ thống xử lý dữ liệu phi tập trung khổng lồ. AI dự kiến có quy mô thị trường khoảng 15.700 tỷ USD vào năm 2030. Trong khi đó, toàn thế giới có khoảng 1.350 tỷ USD dành cho nghiên cứu, phát triển các công nghệ ảo metaverse. Còn blockchain là công nghệ nền tảng để kết nối ba xu hướng còn lại.
Bài toán mới cho quá trình mới
Việt Nam là một trong những thị trường có nền kinh tế số phát triển nhất Đông Nam Á, tăng từ 16 tỷ USD năm 2020 lên 21 tỷ USD năm 2021, tăng 31%. Một số dự báo chuyên ngành tính toán đến 2025, nền kinh tế số trong nước sẽ đạt mức tăng trưởng 20% mỗi năm, lên 57 tỷ USD, trong đó thương mại điện tử đạt mức 39 tỷ USD. Chuyển đổi số ở Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ và sự phát triển của web3, AI, metaverse, blockchain đặt ra những bài toán mới cho quá trình này.
Theo Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số được Thủ tướng ban hành ngày 31/3/2022, mục tiêu đến năm 2025 tỷ trọng kinh tế số tại Việt Nam đạt 20% GDP. Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%. Đây được đánh giá là mục tiêu thách thức, bởi mỗi ngành nghề có đặc thù khác nhau, đặc biệt là việc ứng dụng kinh tế số với các ngành nghề truyền thống.
Hai nhiệm vụ quan trọng của cộng đồng công nghệ thông tin Việt Nam là tập trung nguồn lực, chuyển đổi số cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp toàn quốc và nỗ lực phát triển các nền tảng, giải pháp cho các doanh nghiệp tại Việt Nam.
Thách thức của Việt Nam là giữ chân các nhân tài trong lĩnh vực metaverse, blockchain ở lại hoạt động trong nước. Những startup này cần được tư vấn chính sách, phát triển thị trường, nghiên cứu công nghệ, truyền thông, đầu tư nguồn lực. Ngoài ra, khi nghiên cứu ra sản phẩm, giải pháp, cần một “bãi thử” để hiện thực hóa những ý tưởng sáng tạo. Vì thế, các mô hình sandbox đang được tích cực triển khai thời gian qua.
Theo ông Nguyễn Thành Trung, nhà sáng lập Axie Infinity, Việt Nam có nhiều lợi thế trong giai đoạn công nghệ mới, như nguồn nhân lực nhạy bén, nắm bắt tốt cơ hội thị trường, xuất phát điểm không có sự chênh lệch quá nhiều với các nước, các dự án khởi nghiệp mang tầm thế giới, thu hút đầu tư. Tuy nhiên để tận dụng tối đa lợi thế đang có, Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ, ưu tiên lĩnh vực đang có lợi thế so sánh, thu hút thêm nhân lực trình độ cao ở nước ngoài, đồng thời hoàn thiện khung pháp lý cho blockchain và các ứng dụng liên quan như tiền điện tử, trò chơi điện tử…
Metaverse đang là “trend”
Trong số các xu hướng định hình tương lai của Internet, metaverse đang là trend hot nhất. Theo nhà sáng lập kiêm CEO Whydah Trí Phạm, metaverse đang thực sự là cơn sốt mới khi chỉ trong hơn một năm, tính từ đầu 2020 đến giữa 2021, số người tham gia siêu vũ trụ ảo tăng gấp 10 lần. Theo thống kê, thị trường metaverse có tiềm năng đạt 12.500 tỷ USD. Số liệu của Bloomberg ước tính giá trị thị trường metaverse tăng rất nhanh, sẽ đạt giá trị 800 tỷ USD vào năm 2024.
Các chuyên gia nhận định metaverse là tương lai Internet bởi công nghệ này đáp ứng đúng nhu cầu dự báo sẽ bùng nổ của con người, là sự tương tác. Trong đại dịch, nhiều người nhận ra nhu cầu này chưa được thỏa mãn. Ví dụ, việc học qua Zoom chỉ có nghe và nhìn, hoặc xem phim trên màn hình 2D, các tương tác hiện tại không thỏa mãn được đòi hỏi ngày càng cao. Người dùng cần một hình thức mới, sâu hơn.
Trong tương lai gần, mọi người có thể bấm nút ở trên kính thực tế ảo để bắt đầu cuộc gặp với đồng nghiệp, đối tác trong môi trường metaverse. Việc đi thăm các dự án chung cư, căn hộ mẫu hay mua hàng online… diễn ra nhanh chóng và chân thực hơn với công nghệ mới, từ đó hỗ trợ người mua, người bán trong thúc đẩy giao dịch.
Không ít ý kiến nghi ngờ rằng metaverse ra đời và bùng nổ trong bối cảnh đại dịch khiến mọi người không thể gặp nhau trực tiếp. Còn khi đại dịch được kiểm soát, cuộc sống trở về bình thường mới, metaverse sẽ không còn giá trị. Tuy nhiên, Giám đốc nghiên cứu FPT Blockchain Lab Đặng Khánh Hưng nhận định metaverse là điểm hội tụ toàn bộ công nghệ liên quan để nâng cao trải nghiệm người dùng, để người dùng cảm thấy thoải mái hơn, đắm chìm trong khoảnh khắc thực hơn. Đây chắc chắn là xu thế của công nghệ thế giới.
“Dòng tiền đổ vào những dự án mới nở rộ, phát triển sản phẩm metaverse, chỉ là kết quả của sự hào hứng của cộng đồng với công nghệ mới. Trào lưu này có thể lên xuống và không phản ánh xu thế của metaverse”, ông Khánh Hưng chia sẻ.
Tương tác là nhu cầu ngày càng phát triển thời gian tới mà các nền tảng hiện tại chưa đáp ứng được. Đây là lý do tương lai metaverse vẫn tiếp tục phát triển.
Với metaverse, người làm công nghệ ở Việt Nam có thể tự tin nói rằng khoảng cách với những quốc gia tiên phong rất nhỏ, thậm chí ngang hàng. Trong một năm qua, ở Việt Nam, thị trường game, metaverse có rất nhiều dự án. Có dự án tầm lớn, vòng Seed gọi được vài triệu USD. Dự án game metaverse như Sipher INU, đội ngũ phát triển đều từ ngành khác chuyển sang.
Về phần cứng, Việt Nam khó có thể đối trọng lại các cường quốc công nghệ như Mỹ, Trung Quốc. Tuy nhiên, Việt Nam có lợi thế lớn về xây dựng phần mềm với nguồn nhân sự dồi dào. Minh chứng là làn sóng GameFi nở rộ, có những game dẫn dắt cả thị trường. Hiện tại, game metaverse, blockchain nổi bật nhất 2021 là Axie Infinity, do đội ngũ người Việt phát triển.
Ngoài ra, metaverse cũng có nhiều lĩnh vực như AI, đồ họa, xây dựng avatar.... và các công ty Việt Nam cũng đang làm tốt các mảng này.
Blockchain là nền tảng kết nối
Để metaverse phát triển, blockchain phải là nền tảng, cầu nối. Tại Việt Nam, ngày 18/5/2022, Hiệp hội Blockchain Việt Nam ra đời là tin vui với cộng đồng trong ngành. Tổ chức này quy tụ những doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đam mê, đang hoạt động liên quan đến công nghệ blockchain để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực góp phần vào thực hiện chuyển đổi số quốc gia thành công, phát triển kinh tế số tại Việt Nam.
Metaverse không thuộc sở hữu của bất kỳ nhóm người hoặc công ty nào. Mỗi tổ chức sẽ xây dựng các không gian ảo khác nhau. Trong tương lai, những thế giới này sẽ kết nối, tương tác với nhau - tạo thành metaverse. Người dùng sẽ muốn mang theo tài sản khi di chuyển giữa các thế giới ảo. Nếu hai thế giới này có thể liên kết với nhau, blockchain sẽ xác thực quyền sở hữu tài sản kỹ thuật số của người dùng trong cả hai thế giới.
Ngoài ra, nhiệm vụ quan trọng của Hiệp hội là thay đổi nhận thức của cộng đồng về blockchain. Bởi nếu nhận thức blockchain chỉ giới hạn trong tài chính, có thể nhìn nhận sai và cho rằng lĩnh vực này chống lại các sản phẩm tài chính truyền thống.
Ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam khẳng định cần bỏ tâm lý nghe thấy blockchain, tiền ảo, game là sợ. Bởi nếu sợ hãi, chúng ta sẽ lỡ cơ hội để vươn lên top đầu thế giới về công nghệ mới. Khi đó, chuyển đổi số ở Việt Nam sẽ trở thành trào lưu lạc hậu.
Động lực quan trọng cho phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản và Tỉnh uỷ Quảng Ninh phối hợp tổ chức Hội thảo khoa ... |
Kỳ vọng về Khu kinh tế xuyên biên giới chung Lao Bảo – Densavan Trong 15 cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu quốc gia giáp Lào, Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo (Hướng Hoá, Quảng Trị) - Densavan ... |
Sẵn sàng đồng hành với địa phương phát triển kinh tế biển “Chuyến thực tế tại Tổng công ty (TCT) Tân Cảng Sài Gòn là cơ sở giúp cho lãnh đạo chủ chốt của tỉnh tìm hiểu ... |
Tin cùng chuyên mục
Kinh tế - Xã hội - 02/09/2024 08:00
Tọa lạc tại Quận 7 với diện tích “khủng” 24.000m2, Trung tâm Khám chữa bệnh Tâm Anh sở hữu hệ thống thiết bị, công nghệ hiện đại đẳng cấp quốc tế, đội ngũ chuyên gia, bác sĩ hàng đầu hùng hậu.
Kinh tế - Xã hội - 02/09/2024 00:00
Những mẫu xe mới sắp ra mắt thị trường Việt Nam trong tháng 9/2024 hầu hết đều là ô tô gầm cao của các thương hiệu quen thuộc, duy nhất một là xe Trung Quốc.
Kinh tế - Xã hội - 01/09/2024 13:30
Honda Dream 50 thua xa RC110 về sức mạnh, nhưng bù lại đẹp hơn, nhiều boong hơn, thích hợp với tôi, một người thích xe đua nhưng không dám đua xe.
Kinh tế - Xã hội - 01/09/2024 11:30
Từ ngày 1/9, Honda CR-V và Honda City giảm giá niêm yết lần lượt 60-80 triệu đồng và 40-60 triệu đồng, đưa mức giá niêm yết của hai mẫu xe này xuống chỉ còn từ 1,029 tỷ đồng và 499 triệu đồng.
Kinh tế - Xã hội - 01/09/2024 10:00
Chiếc VF 8 đã đạt 4 sao thử nghiệm an toàn của NHTSA, với việc đánh giá tiến hành vào trung tuần tháng 7/2024.
Kinh tế - Xã hội - 01/09/2024 09:00
Chính phủ ban hành Nghị định số 109/2024/NĐ-CP quy định ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ hưởng ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ trong ba tháng, từ 1/9/2024 đến hết ngày 30/11/2024.