Phường Bến Thuỷ những ngày tháng 9 rợp bóng cờ kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Lê Mao, 93 năm Xô Viết Nghệ Tĩnh, 235 năm Phượng Hoàng - Trung Đô và 60 năm thành lập thành phố Vinh. Trong không khí vui tươi, trọng đại đó, người dân phường Bến Thuỷ càng tự hào khi được hoà mình vào dòng chảy của lịch sử, của Thành phố Đỏ anh hùng, được sinh sống trên địa bàn phường có truyền thống cách mạng kiên cường, nơi khởi nguồn của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Là địa danh đã đi vào trang sử đấu tranh oanh liệt của dân tộc “Kìa Bến Thủy đứng đầu dậy trước”, Bến Thuỷ là địa phương giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, với nhiều địa danh đã đi vào lịch sử như: Cột đèn Ngã ba Bến Thuỷ, Cồn Mô, núi Quyết, sông Lam, phà Bến Thuỷ,... Nơi đây cũng là nơi có nhiều người con ưu tú kiên trung như: đồng chí Lê Mao - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường trực Xứ ủy Trung kỳ, Bí thư tỉnh Đảng bộ Vinh; đồng chí Lê Viết Thuật - Ủy viên Xứ ủy Trung kỳ; đồng chí Lê Doãn Sửu - Tỉnh ủy viên, Bí thư Khu ủy Bến Thủy, cùng nhiều anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.
Đến nay, Bến Thủy vẫn còn lưu giữ được nhiều di tích lịch sử gắn với phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh như: Nhà thờ họ Nguyễn Duy - nơi làm việc của Xứ ủy Trung Kỳ, của các đồng chí: Nguyễn Phong Sắc, Chu Văn Biên, Mai Trọng Tấn; cầu Đoan Bến Thu - nơi đồng chí Lê Mao hy sinh; Ngã ba Bến Thủy - nơi tập trung công, nông Vinh - Bến Thủy đấu tranh, biểu tình trong ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930; mương tiêu số 3 - nơi đồng chí Lê Viết Thuật trú và làm việc năm 1931.
Bến Thuỷ cũng lưu giữ ký ức về những nhà máy công nghiệp đầu tiên trên mảnh đất Vinh xưa, đó là Nhà máy Sửa chữa xe lửa Trường Thi, Nhà máy Diêm, Nhà máy Điện, Nhà máy Đèn, Cảng Bến Thuỷ,… Trong những nhà máy, cầu cảng ấy có hàng nghìn công nhân chịu thương chịu khó, thường trực tinh thần đấu tranh chống áp bức, bất công, một lòng yêu nước.
Bến Thuỷ những năm 1930-1931 có hơn 4.000 công nhân lao động trong các nhà máy. |
Đón chúng tôi về Bến Thuỷ trong những ngày tháng 9 đầy ý nghĩa, đồng chí Phan Thanh Hùng – Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND phường Bến Thuỷ vui vẻ hỏi: “Phóng viên cơ quan báo chí của tổ chức Công đoàn, của công nhân lao động có cảm nhận được niềm vui, niềm tự hào của Đảng bộ và Nhân dân phường Bến Thuỷ, có cảm thấy thân quen khi về "địa chỉ đỏ" phong trào đấu tranh của công nhân lao động?”.
Lãnh đạo phường Bến Thuỷ dẫn chúng tôi tham quan các di tích lịch sử trên địa bàn phường, điểm dừng chân đầu tiên là Di tích lịch sử Ngã ba Bến Thuỷ, nơi có Tượng đài Công nông Xô Viết Trường Thi - Bến Thủy.
Đứng trước tượng đài, đồng chí Phan Thanh Hùng chậm rãi nhắc lại lịch sử: "Tượng đài được khánh thành vào tháng 9 năm 2012, nhân dịp kỷ niệm 82 năm Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Tượng đài được xây dựng tại khu vực Ngã ba Bến Thủy - nơi ghi dấu cuộc biểu tình lịch sử ngày ngày 1, tháng năm 5, năm 1930 của hơn 1.200 quần chúng công, nông dưới sự lãnh đạo của Xứ uỷ Trung Kỳ, Tỉnh bộ lâm thời Vinh - Bến Thuỷ để đòi giới chủ tăng lương, giảm giờ làm, chia ruộng đất, giảm sưu thuế. Lần đầu tiên cờ đỏ búa liềm tung bay trên đỉnh cột đèn Ngã ba Bến Thủy. Dù bị đàn áp đẫm máu, nhiều người chết và bị thương nhưng cuộc biểu tình đã khẳng định tinh thần cách mạng quật cường và sức mạnh to lớn của liên minh công, nông. Sau cuộc biểu tình này, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh bộ lâm thời Vinh - Bến Thuỷ và các chi bộ trong các nhà máy, phân xưởng, phong trào đấu tranh của công nhân Vinh - Bến Thuỷ phát triển vô cùng mạnh mẽ".
Tượng đài Công nông Xô Viết Trường Thi - Bến Thủy. |
Ngã ba Bến Thủy đã trở thành địa danh lịch sử đặc biệt đánh dấu sự mở đầu cho phong trào cách mạng Xô Viết Nghệ Tĩnh. Năm 1988, Bộ Văn hóa Thông tin đã có quyết định công nhận và xếp hạng Di tích Ngã ba Bến Thủy là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia.
Tượng đài Công nông Xô Viết Trường Thi - Bến Thủy đứng cạnh cầu Bến Thuỷ, cửa ngõ phía Nam vào thành phố Vinh, tạo điểm nhấn nhắc nhở, tự hào về lịch sử đấu tranh bất khuất.
Cũng nằm bên bờ sông Lam và núi Quyết, có một Di tích lịch sử là nơi từng diễn ra các cuộc họp của Xứ ủy Trung Kỳ, Tỉnh bộ Vinh - Bến Thủy với sự tham gia của các đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Lê Mao, Lê Viết Thuật, Nguyễn Lợi, Nguyễn Phúc, Nguyễn Viết Lục, Lê Doãn Sửu; là nơi khởi đầu của nhiều cuộc nổi dậy, đấu tranh thời kỳ 1930-1931, là một biểu tượng của phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh. Đó là Di tích lịch sử Văn hoá cấp quốc gia Cồn Mô.
Di tích lịch sử Văn hoá cấp quốc gia Cồn Mô. |
Cồn Mô gắn với sự kiện ngày 1 tháng 5 năm 1930, Nhân dân từ các ngả đường thuộc địa phận Bến Thuỷ nô nức đổ về tập trung tại Cồn Mô. Chị Nguyễn Thị Hạnh - công nhân Nhà máy Diêm Bến Thuỷ đứng lên diễn thuyết, kêu gọi quần chúng đấu tranh nhân ngày Quốc tế Lao động. Sau đó, đoàn biểu tình của các xã lân cận kéo đến nhập đoàn và đưa yêu sách lên Toà sứ Vinh. Cuộc biểu tình đã bị đàn áp dã man, Cồn Mô thấm đẫm máu đào của công, nông Vinh - Bến Thuỷ.
Và cũng tại Cồn Mô, đêm 30 tháng 4 năm 1931, kẻ địch đã bắn vào cuộc họp bàn kế hoạch biểu tình ngày 1, tháng 5, năm 1931 làm 6 người chết và nhiều người bị thương.
Để ghi nhớ những chiến tích tại Cồn Mô, năm 1989, tỉnh Nghệ An đã xây dựng tượng đài tại vị trí Cồn Mô. Tượng đài cao 10m, rộng 4m, trên cùng có biểu tượng hình cánh buồm mang ý nghĩa: “cánh buồm đưa con thuyền cách mạng tiến lên thắng lợi”, trên có hình búa liềm, mặt trước của biểu tượng có hình trống Xô Viết tượng trưng cho vũ khí đấu tranh của công, nông Vinh - Bến Thuỷ.
Bí thư phường Bến Thuỷ Phan Thanh Tùng giới thiệu về Di tích lịch sử Cồn Mô. |
Tiếp đến, chúng tôi được tham quan Di tích lịch sử Nhà thờ và mộ tổ họ Lê Viết, nơi thờ cúng, khắc ghi công lao của những người con ưu tú, những tấm gương kiên trung, những hạt giống cách mạng đầu tiên của Đảng trên cái nôi của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, đó là các đồng chí: Lê Viết Mao, Lê Viết Thuật, Lê Viết Cường... và nhiều đồng chí khác.
Đồng chí Lê Mao hay còn gọi Lê Viết Mao là một trong những người con ưu tú nhất của dòng họ Lê Viết. Đồng chí sinh ra trong một gia đình công nhân nghèo khó, năm 14 tuổi, đồng chí Lê Mao vào làm công nhân tại Nhà máy Diêm Bến Thuỷ. Hằng ngày chứng kiến cuộc sống khổ cực, bị áp bức của công nhân lao động, đồng chí đã nung nấu ý chí đấu tranh và thấy rõ sức mạnh to lớn của công nhân lao động.
Sớm được giác ngộ và đi theo cách mạng, tháng 2, năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đồng chí Lê Mao được đứng trong hàng ngũ của Đảng, được bầu làm Bí thư Chi bộ đầu tiên của Nhà máy Diêm Bến Thuỷ, sau đó tiếp tục làm Bí thư Tỉnh bộ Vinh - Bến Thuỷ.
Đồng chí Lê Mao cùng một số đồng chí đảng viên cốt cán của Đảng lúc bấy giờ, dưới sự lãnh đạo của Xứ uỷ Trung kỳ đã phát động và lãnh đạo thành công phong trào công, nông ở Vinh - Bến Thuỷ, góp phần to lớn vào cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930-1931.
Đêm ngày 2, tháng 5, năm 1931, trên đường đi công tác đặc biệt, đồng chí Lê Mao bị địch bắt. Tại khu vực Cầu Đoan Bến Thuỷ, đồng chí đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời vừa tròn 28.
Lãnh đạo phường Bến Thuỷ và phường Lê Mao thành kính dâng hương tại Nhà thờ họ Lê Viết. |
Cùng với đồng chí Lê Mao, đồng chí Lê Viết Thuật cũng là tấm gương tiêu biểu của phong trào cách mạng 1930 – 1931. Đồng chí cũng là công nhân Nhà máy Diêm Bến Thuỷ, sớm được giác ngộ và đi theo con đường cách mạng. Những năm 1929-1930, đồng chí là Bí thư Chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng Nhà máy Trường Thi, uỷ viên Tỉnh uỷ lâm thời Vinh.
Cuối năm 1931, khi phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh bị đàn áp phải rút vào hoạt động bí mật, một loạt cán bộ, đảng viên bị bắt, sát hại, tù đày, một mình đồng chí Lê Viết Thuật bám trụ kiên cường, chỉ đạo mọi hoạt động của các tổ chức, Chi bộ Đảng ở Vinh - Bến Thuỷ và các tỉnh trong Xứ uỷ Trung kỳ.
Đến ngày 7, tháng 12, năm 1930, đồng chí cũng bị giặc bắt, sau một thời gian bị tù đày, chịu sự tra tấn dã man, với khí tiết của người chiến sỹ cộng sản, đồng chí đã tuẫn tiết trong nhà lao.
Còn đồng chí Lê Viết Cường là Bí thư đầu tiên của Chi bộ công nhân Nhà máy Điện Vinh. Đồng chí đã dẫn dắt các phong trào đấu tranh của công nhân nhà máy một cách quyết liệt, kiên trung, khiến cho giới chủ thực dân hoang mang, khiếp sợ.
Đến nay, trong ngôi nhà con cháu đồng chí Lê Viết Cường vẫn giữ lại một căn hầm, là nơi cất dấu tài liệu và cũng là nơi đồng chí trú ẩn khi bị địch lùng bắt.
Con cháu dòng họ Lê Viết và người dân phường Bến Thuỷ thành kính dâng hương tại nhà thờ. |
Đó là những người con ưu tú của dòng họ Lê Viết, là những công nhân lao động kiên trung, những đảng viên xuất sắc của Đảng; tinh thần đấu tranh quật cường của các đồng chí là mạch nguồn nuôi dưỡng ý chí, lòng yêu nước, đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc cho các thế hệ con cháu dòng họ thời đó và sau này.
Trải khắp phường Bến Thuỷ là những địa danh gắn liền với phong trào đấu tranh của công nhân lao động, biểu tượng sáng ngời về niềm tin sắt son vào sức mạnh to lớn của giai cấp công nhân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Từ cái nôi về tinh thần đấu tranh yêu nước, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hàng nghìn người con Bến Thuỷ đã lên đường chiến đấu, hi sinh vì độc lập, tự do của đất nước.
Bao nhiêu năm qua khi nói về phong trào thi đua của công nhân lao động, cấp uỷ, chính quyền và tổ chức Công đoàn luôn tự hào nhắc nhở: Phát huy truyền thống tốt đẹp của công nhân Bến Thuỷ anh hùng, công nhân trên quê hương Xô viết Nghệ Tĩnh. Và cũng bao nhiêu năm qua, vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước, các tầng lớp Nhân dân lại về các di tích của phường Bến Thuỷ để ôn lại truyền thống lịch sử trên mảnh đất này.
Phong trào đấu tranh của công, nông Bến Thuỷ đã khởi nguồn cho phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. |
Với truyền thống lịch sử hào hùng hoà cùng với lợi thế phát triển kinh tế - xã hội, Bến Thủy ngày nay đang là một vùng kinh tế năng động, trở mình trỗi dậy trở thành điểm sáng cửa ngõ phía Nam của Thành phố Đỏ anh hùng. Bức tranh đổi mới đa sắc màu trên từng ngõ đường, khối phố, truyền thống – hiện đại đan xen.
Đồng chí Phan Thanh Hùng – Bí thư phường Bến Thuỷ chia sẻ, phát huy truyền thống cách mạng luôn là mạch nguồn nội lực của sự đoàn kết, sáng tạo trong xây dựng quê hương, đất nước. Tự hào về quê hương cách mạng, Đảng bộ và Nhân dân Phường Bến Thuỷ quyết tâm biến hào khí Xô Viết Nghệ Tĩnh năm xưa thành tinh thần tiến công dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đoàn kết, đổi mới và phát triển bền vững.
Quyết tâm thực hiện thắng lợi chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ phường khoá XX đề ra, góp phần xây dựng thành phố Vinh trở thành trung tâm kinh tế- văn hóa vùng Bắc Trung Bộ.
Bến Thuỷ trỗi dậy trở thành điểm sáng cửa ngõ phía Nam của Thành phố Đỏ anh hùng. |
Cùng với đó, là làm tốt công tác giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống của quê hương Xô Viết anh hùng; phát huy tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, trách nhiệm của người đứng đầu để xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh. Xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức, có trình độ, năng lực, xứng đáng với niềm tin yêu của Nhân dân. Tiếp tục khơi dậy được tiềm năng, nội lực, trách nhiệm, ý chí tự lực tự cường, vượt qua khó khăn, tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đặt ra.
Bí thư phường Bến Thuỷ phấn khởi cho biết, trong nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ phường khoá XX, nhiệm kỳ 2020-2025, tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 7%; giá trị gia tăng bình quân đầu người đạt 112 triệu đồng; tổng giá trị sản xuất trên địa bàn ước đạt 2.900 tỷ đồng; chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, dịch vụ công nghệ, tài chính, ngân hàng, siêu thị mini phát triển mạnh.
Phường triển khai tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Công tác an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; công tác đền ơn đáp nghĩa, “uống nước nhớ nguồn” được thực hiện thường xuyên, ý nghĩa.
Phường Bến Thuỷ chú trọng công tác giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống của quê hương Xô Viết anh hùng cho thế hệ trẻ. |
Kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Lê Mao (1903 – 2013), 93 năm Xô Viết Nghệ Tĩnh, 235 năm Phượng Hoàng - Trung Đô và 60 năm thành lập thành phố Vinh, phường Bến Thuỷ đã tổ chức chuỗi hoạt động sôi nổi, ý nghĩa, được Nhân dân đồng lòng hưởng ứng.
Đó là tiến hành tôn tạo, tu sửa các hạng mục tại Di tích lịch sử Cồn Mô, Đài tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ; tập trung giải phóng mặt bằng, chỉnh trang đô thị; tổ chức chương trình nghệ thuật đặc sắc kỷ niệm 120 ngày sinh đồng chí Lê Mao, khơi dậy, lan toả niềm tự hào trong Nhân dân phường Bến Thuỷ.
“Đảng bộ, chính quyền phường Bến Thuỷ luôn trân trọng, biết ơn toàn thể Nhân dân đã luôn đoàn kết, đồng lòng, chung sức xây dựng phường Bến Thuỷ phát triển nhanh và bền vững; xứng đáng với sự tin yêu, kỳ vọng của toàn dân, của Đảng bộ và chính quyền thành phố”, đồng chí Phan Thanh Hùng bày tỏ.
Về Bến Thuỷ những ngày tháng 9, trong nắng vàng mùa thu rợp bóng cờ hoa, bước đi trên mảnh đất anh hùng này, bao cảm xúc thiêng liêng xen lẫn!
Cán bộ, Nhân dân phường Bến Thuỷ dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ. |
BẢO NGỌC thực hiện