Vấn nạn thực phẩm bẩn: Làm gì để cứu đồng bào mình và chính mình?
Đời sống - 27/07/2019 09:36 Đỗ Doãn Hoàng
Chế biến mỡ và tóp mỡ thối. (Ảnh Baodautu.vn). |
Chỉ có một con đường: Hành động
Chưa bao giờ con đường từ bàn ăn đến nghĩa địa lại ngắn đến thế. Một đại biểu khả kính đã khảng khái nói trong nghị trường Quốc hội, điều đó đã ám ảnh nhiều người. Nếu không hành động, thì niềm tin vào thực phẩm an toàn không còn và chúng ta sẽ không có quyền ăn bất cứ cái gì mà cảm thấy nó ngon nữa. Con buôn, khi không được quản lý, cộng thêm sự dốt nát và thất nhân tâm của chúng, đã khiến chúng ta trở thành những kẻ giao súng lục cho đối tượng ngáo đá mà cái súng đó lại có triệu triệu nòng đang chĩa vào tất cả chúng ta. Chĩa cả vào thế hệ chưa hề được hạ sinh. Oái oăm hơn, chúng còn dạy lại người tiêu dùng thói quen sử dụng sản phẩm bẩn.
Có một ví dụ như sau: bà con ăn mắm tôm từ ngàn đời, cả năm mới ủ được một ổ muối cộng với con moi biển, trước khi chế tác ra mắm tôm truyền thống. Bây giờ, để tăng lợi nhuận gấp nhiều lần, con buôn dùng các loại hóa chất, ủ thật nhanh mỗi tuần một mẻ, bán tống bán tháo, vì làm ẩu nên mắm tôm sẽ nhanh thối và không có màu đẹp, chúng tống thêm hóa chất tạo màu và chất bảo quản ngoài danh mục vào. Thế là bà con ta ăn hóa chất và chúng dạy bà con là mắm tôm phải hồng tươi mới ngon và thanh lịch, ăn phải có vị thơm mới “chuẩn không cần chỉnh”. Xưa nay bà con chưa có thói quen đó, giờ con buôn áp vào, người tử tế với mắm tôm truyền thống, muốn bán được hàng, cũng phải hồng tươi và thơm tho như vậy chứ. Thế là tất cả đều bị đầu độc. Nhiều người biết, nhưng lợi nhuận tăng cao, nên con buôn trích núi tiền đó ra để hối lộ, bôi trơn mua lấy sự “im lặng”. Chúng vẫn lãi đơn lãi kép. Một bàn toán tàn độc nhưng sắc sảo!
Tôi không phải chuyên gia về an toàn thực phẩm, nhưng tôi cũng là người nhiều lần lên tiếng về việc, tại sao các cơ quan chức năng không hành động hiệu quả mà lại chỉ có hô hào bà con hãy trở thành người tiêu dùng thông minh. Hơn một lần, Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhắc nhở điều này. Từ bấy, mỗi lần đi nước ngoài, tôi đều đích thân tìm hiểu vệ sinh an toàn thực phẩm của họ và nghĩ rằng cần viết lên báo để kính chuyển các gợi ý này cho đông đảo cán bộ hữu trách.
Kinh nghiệm từ các nước phát triển
Có lần sang Nhật Bản, tôi đã dành cả tháng cả tháng ở Tokyo rồi Kyoto mênh mông, ăn bất cứ quán vỉa hè nào, mà chưa một lần thấy sôi bụng hay ngán ngại cái gì. Hơi ngạc nhiên về “thí nghiệm” này. Bạn tôi sống ở đó hơn 19 năm, bảo, ngược lại với ở ta, người Nhật không hoặc rất ít khi ăn hoa trái trong vườn nhà họ. Ta tin là vườn nhà ta, ta không phun không tưới không ướp không ủ hóa chất gì gì cho hoa quả đó, thì ta đánh chén là lành nhất. Họ thì nghĩ, ra siêu thị mua, có truy xuất nguồn gốc nông trại, có kiểm định chất lượng an toàn của hoa quả, ăn mà bị làm sao thì truy tố người gây họa ngon ơ. Còn cây trong vườn, chim bản địa và chim di cư nó mang đủ thứ mầm bệnh về, sâu bọ nó đục khoét bẩn thỉu, ai kiểm tra kiểm soát đâu mà ăn. Táo của họ rụng trong vườn cho thơm đất đai.
Ở Đức, bạn tôi sống tại thủ đô Berlin 30 năm ròng, lại làm nghề kinh doanh dịch vụ ăn uống với cả chuỗi nhà hàng. Anh bảo, tôi nhớ quê kiểng trên đất Việt nên nuôi gà để ngắm, nhưng lại không được khuyến khích giết thịt gà nhà mình. Mà tôi cũng chả tội gì thịt nó, vì nhỡ nó bị cúm gà, rồi khi mổ, máu, lông, phân, ruột của nó được thải ra môi trường, nó mà lây bệnh ra cộng đồng thì mình sẽ bị xử phạt rất nặng.
Rượu độc bằng cồn công nghiệp (Ảnh VnReview) |
Trong khi ra siêu thị, thịt thà cá mú có đóng tem mác, dấu lệnh chứng minh nguồn gốc và sự an toàn, tội gì! Còn gà nhà ta nuôi, ta cứ việc bán cho nông trại, cho lò giết mổ, để họ kiểm nghiệm và xử lý các vấn đề môi trường dịch bệnh rồi đóng dấu xác nhận trước khi đem bán. Ông bạn khác lái xe đêm trên cao tốc chẹt chết con cầy. Tiếc của, mang về nhà mổ, hàng xóm báo cảnh sát, anh chưa kịp chế biến, đã thấy cảnh sát lom khom nai nịt súng ống bộ đàm vây quanh nhà như bắt trùm khủng bố.
Họ quy củ như vậy cho nên họ vẫn được theo tổ tiên mình thẳng răng cắn những trái táo thơm lộng lẫy mà ông Ađam với bà Eva đã ăn trong Vườn địa đàng thuở trước. Cắn quả táo và ăn cả vỏ, nó ngon hơn cả cái trái táo cắn dở Apple của Iphone, Macbook, Ipad. Còn người Việt ta, mua quả táo nghi của Tàu dán mác Mỹ, Úc về, ngâm, tẩm, sục ozôn, gọt vỏ, vừa ăn vừa lo vừa kiểm tra nhãn mác điêu trá. Thương thay. Thương hơn nữa, là chuyện của Johan, bạn tôi, một nhà báo ở Anh sang Việt Nam tác nghiệp.
Tôi đưa anh ta đi Hà Nam, Thanh Hóa viết bài, đến gần khu vực bệnh viện Hàm Rồng thì anh ta gục xuống sau cả 3 ngày liên tục bị Tào Tháo đuổi. Anh ta gần như suy nội tạng do mất nước và miệng nôn trôn tháo kéo dài, anh ta lại không tin thứ thuốc nào nếu bác sỹ riêng ở Luân Đôn chưa kê đơn.
Lý do: Tại Hà Nội, Johan đã mua cả túi táo đỏ hồng, to bự, giòn tan, thơm nít mũi và há mồm cắn rôm rốp. Tôi giữ toàn bộ video vụ này, như một nỗi xấu hổ chưa bao giờ nguôi ngoai vì thực phẩm mất an toàn ở Việt Nam. Nhà báo Johan ơi, táo ở Hà Nội, từ Trung Quốc tuồn sang, chứ đâu phải táo nước Anh hay táo trong Vườn địa đàng của cụ Ađam!
Câu chuyện đáng suy ngẫm về sự nghiêm minh của pháp luật và tâm lý “bầy đàn”
Ở các nước tiên tiến, họ xử phạt cái tội làm thực phẩm bẩn rất nặng. Trong khi ở ta, bắt một tấn mỡ thối hay một nghìn tấn mỡ thối một lúc, thì vẫn là vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm và xử với mức như nhau. Nhẹ hều.
Hãy đặt tính mạng con người trước các “bản án” kiểu này và bỏ tù hay tịch thu toàn bộ gia sản của những kẻ mà báo chí, truyền hình, các nhà điều tra bắt tận tay day tận trán thủ đoạn làm hàng giả, hàng rởm, tống hóa chất vào thức ăn của con người. Cần các phiên tòa xử lưu động làm răn. Hãy xem vì sao cá ngừ của ta mang sang Nhật bán vài lần rồi dừng lại, và vì sao tỉnh Bình Định xuất bán vài con cá này sang Nhật lần đầu tiên mà báo chí truyền hình cả nước đưa tin như là niềm tự hào của hàng hóa Việt Nam?
Vì sao một lô xoài của Việt Nam sang được thị trường Mỹ mà ngành nông nghiệp nước nhà xôn xao vui sướng, truyền hình Việt Nam ở Mỹ liên tục đưa tin từng diễn biến của “sự kiện lớn”? Là vì Mỹ, Nhật hay EU, họ quản lý vô cùng chặt chẽ vấn đề an toàn thực phẩm. Một lô quả dâu tây bị phát hiện có kim nhọn “lẫn vào”, lập tức mặt hàng này bị tẩy chay trên diện rộng ở Úc. Một mặt hàng khoái khẩu ghi trên nhãn mác lượng chất béo hơi ít hơn so với thực tế, cũng bị phạt nặng và tẩy chay ầm trời (tôi là con nhà nông dân, lúc đầu, thì cứ nghĩ cho thêm ít mỡ hay miếng thịt vào món ăn thì mình sẵn sàng... trả thêm tiền chứ).
Công nghệ giết chuột cống làm thực phẩm cho người ăn. (Ảnh plo.vn) |
Vì muốn có hàng rởm thì phải có nguyên liệu rởm. Mà ở đây không sao mua được thứ nguyên liệu rởm đó. “Nó” bán cái gì cũng có nguồn gốc và kiểm tra kĩ. “Tớ buộc phải bán đồ xịn!”. Vả lại bị họ phạt một lần là sạt nghiệp hoặc đi ở tù, cũng không ai dám làm. Anh mô tả: bên an toàn thực phẩm đến kiểm tra khu chế biến thức ăn thường xuyên. Cái dụng cụ như cái nồi hay con dao, nếu có cọng ghỉ sét, là bị phạt nặng. Họ ngó cả mặt dưới của cái bếp từ, cả mặt sau của cái bồn rửa bát, két tí bẩn tí nhọ nhem là phạt.Họ quản các thứ để ăn vào mồm bài bản tới mức nào? Trẻ lên ba cũng biết. Cái gì sản xuất, bán ra thì cần được kiểm tra, xét nghiệm, vi phạm thì xử lý đúng tính chất nguy hiểm của việc đút cái độc hại đó vào chính mồm của người quản lý hay vợ chồng con cái họ. Thế là xong, hết chuyện. Bạn tôi bán hàng ăn ở châu Âu, tôi hỏi: liệu có bán hàng rởm để tăng lãi xuất được không? Anh thở dài: không được đâu.
Anh xúc động: “Cậu nghĩ đi. Tớ bao năm buôn tàu bán bè đủ loại hàng rởm ở Việt Nam, mà sang đây tớ thần phục cái việc quản lý thực phẩm xịn của họ thế. Tớ không bao giờ nghĩ mình đủ tàn ác để nhập nguyên liệu xấu hay chế biến ẩu cho thực khách nữa, vì họ đã dạy tớ. Đó là đạo đức, là văn hóa, còn là sự sống còn của nền kinh tế cũng như danh dự của chính gia đình tớ.
Còn bạn tớ, một “Tây ba lô” bao năm ở quốc gia thượng tôn luật pháp, nhưng vừa sang Việt Nam hai năm, cu cậu đã phóng xe Min “khù khờ” khắp nơi, không mũ bảo hiểm, bóp còi ầm ĩ, uống bia hơi cụng rôm rốp rồi vượt đèn đỏ. Vì sao? Vì tâm lý bầy đàn, cu cậu thấy người ta làm như vậy cả, cũng phải nhập gia tùy tục chứ!”.
Bạn nói xong, tôi ngẫm nghĩ và tê tái xót xa: sự buông lỏng của chúng ta đã khiến nhiều người mất niềm tin và họ cũng buông xuôi mặc kệ. Vậy là “nước nổi lo chi bèo chẳng nổi”, họ bắt chước nhau làm bậy - một khi chúng ta không có bàn tay thép trong lĩnh vực này để cứu đồng bào mình và cứu chính mình cùng gia đình mình!
Vụ ngộ độc thực phẩm ở Thừa Thiên Huế khiến nhiều người phải nhập viện. Qua kiểm nghiệm đã tìm ra nguyên nhân của việc ... |
Dù đứng một mình hay xếp thành cặp thì đây là các thực phẩm có lợi cho sức khỏe, nên được bổ sung thường xuyên ... |
Hiện nay đang là thời điểm mùa mưa lũ, nhiều khả năng xảy ra dịch bệnh và các vấn đề về mất VSATTP trên địa ... |
Tin cùng chuyên mục
Đời sống - 07/09/2024 21:05
Giữa cơn bão số 3, những công nhân thoát nước vẫn túc trực tại các điểm trạm, đảm bảo khơi thông nước, tránh ngập úng trên các tuyến đường Thủ đô.
Đời sống - 07/09/2024 13:09
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia vừa phát đi thông báo khẩn về cơn bão số 3 đang đổ bộ vào đất liền. Người lao động và người dân đặc biệt lưu ý, nếu thấy đột nhiên lặng gió không nên ra ngoài ngay lúc này.
Người lao động - 06/09/2024 19:17
Những ảnh hưởng đầu tiên của “siêu bão” Yagi (bão số 3) đã gây mưa lớn cục bộ tại nhiều tỉnh phía Bắc. Để phòng ngừa tình huống phải trú ẩn trong nhà nhiều ngày, người lao động tại Hà Nội và các vùng lân cận đã vội vã đến các siêu thị, chợ dân sinh để tích trữ lương thực, thực phẩm cần thiết.
Đời sống - 06/09/2024 10:54
Theo cơ quan khí tượng, cơn bão số 3 đang mạnh lên rất nhanh và vẫn còn tăng cấp trong hôm nay. Theo bản đồ dự báo đường đi của cơn bão, trong ngày 7/9, bão số 3 sẽ đổ bộ khu vực Nam Định - Thái Bình với cấp độ khoảng cấp 13, giật cấp 16.
Đời sống - 06/09/2024 09:57
Theo dự báo, “siêu bão” Yagi có cường độ mạnh nên người dân cần có biện pháp bảo vệ nhà cửa để đảm bảo an toàn về người và tài sản. Dưới đây là những cách gia cố nhà cửa để đảm bảo an toàn trước bão.
Đời sống - 05/09/2024 18:04
Để chủ động công tác triển khai, ứng phó với bão số 3 đang tiến vào đất liền, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế đã có công văn gửi các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp. Trong đó, chú trọng bảo vệ an toàn tuyệt đối cho công nhân, cán bộ nhân viên, người lao động.