Văn học nghệ thuật phải trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội
Đảng với công nhân - 21/06/2022 12:15 Thạc sĩ NGUYỄN THỊ TRIỀU, giảng viên Học viện chính trị quốc gia HCM, Phân hiệu 3 (Đà Nẵng)
Toàn cảnh Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: VGP |
Bởi vậy, trong quá trình lãnh đạo các lĩnh vực xã hội, Đảng luôn dành cho VHNT những chỉ đạo từ tầm vĩ mô đến cụ thể trong từng bối cảnh, từng giai đoạn. Điều đó thể hiện ở hệ thống các quan điểm, định hướng, nhiệm vụ về văn hóa trong từng kỳ Đại hội; trong các nghị quyết chuyên đề về văn hóa hay nghị quyết dành riêng cho văn nghệ: Nghị quyết Trung ương 5 Khóa VI, Nghị quyết Trung ương 4 Khóa VII, Nghị quyết Trung ương 5 Khóa VIII, Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Trung ương 9 Khóa XI.
1. Nhận định thành công và hạn chế cơ bản về VHNT của Đại hội lần thứ XIII của Đảng
Kế thừa có tính thống nhất các quan điểm, định hướng, nhiệm vụ của các kỳ Đại hội trước và các nghị quyết nêu trên, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thức XIII của Đảng (ĐH XIII) đã đặt sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa, con người ở vị trí tương xứng với các lĩnh vực quan trọng của đất nước. Những thành tựu và hạn chế của văn hóa trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ưởng Đảng khóa XII tại ĐH XIII được khái quát, đúc kết từ thực tiễn 5 năm (2016-2021) xây dựng, phát triển văn hóa trên phạm vi toàn quốc. Trong đó, lĩnh vực VHNT được nhìn nhận đã góp phần quan trọng vào thành tựu chung của sự nghiệp phát triển văn hóa, con người: “Các lĩnh vực, loại hình, sản phẩm văn hóa phát triển ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu mới, nhiều mặt của đời sống xã hội” [2, tr.64].
Thực sự 5 năm qua, đặc biệt là sau Nghị quyết Trung ương 9 Khóa XI, các loại hình, sản phẩm văn hóa, nhất là VHNT có sự thay đổi cơ bản. Trên nền tảng kết hợp văn hóa nghệ thuật truyền thống với văn hóa nghệ thuật hiện đại, nhiều sản phẩm mới ra đời, đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ ngày càng cao của công chúng. Sự phát triển ở tất cả các loại hình: văn học, sân khấu, điện ảnh, nhiếp ảnh, múa, mỹ thuật, âm nhạc… đem đến số lượng lớn các tác phẩm đa dạng cho đời sống cộng đồng, có tác dụng thúc đẩy, nâng cao trình độ văn hóa thẩm mỹ của xã hội. 5 năm qua, các Hội VHNT đã tổ chức được “hàng trăm trại sáng tác cho hàng ngàn văn nghệ sĩ; tổ chức hàng chục cuộc biểu diễn múa, ca nhạc, sân khấu; tổ chức triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh, kiến trúc ở các khu vực trong cả nước, ở trung ương và địa phương; sản xuất hàng chục phim dài và ngắn; xuất bản hàng nghìn ấn phẩm văn học nghệ thuật…” [7].
Các loại hình VHNT phi vật thể được UNESCO công nhận gần đây như: Dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh (2014) Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ, (2017) cũng như các loại hình đang được Bộ VHTT&DL phối hợp với các địa phương lập hồ sơ đề nghị đã thể hiện giá trị VHNT truyền thống đất nước đang được tôn vinh. Những loại hình nghệ thuật mới, hiện đại như: nhiếp ảnh, điện ảnh, múa ba lê, âm nhạc hiện đại, kiến trúc hiện đại… cũng được các tác giả thử sức với số lượng tác phẩm ngày một tăng. Nghệ thuật biểu diễn đang năng động tổ chức các chương trình nghệ thuật trực tuyến. Các chương trình nghệ thuật được đầu tư bài bản, hấp dẫn với nhiều sản phẩm nghệ thuật chất lượng cao. Thêm vào đó là sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, của các phương thức sử dụng và truyền bá sản phẩm VHNT làm cho quá trình phổ biến tác phẩm nhanh chóng, tác phẩm đến với công chúng, đi vào đời sống xã hội tăng lên đáng kể.
Ngày 21/10/2021, đồng chí Võ Văn Thưởng - Thường trực Ban Bí thư và đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trao giải A cho các tác giả đoạt giải Cuộc thi viết chính luận khoa học “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Ảnh: VOV |
Trong năm 2021, Cục Nghệ thuật biểu diễn đang đề nghị Bộ VHTT&DL cho phép xây dựng Đề án đầu tư sáng tạo nghệ thuật giai đoạn 2021-2030 trình Chính phủ xem xét phê duyệt. Bộ VHTT&DL vừa ban hành kế hoạch về việc tổ chức các chương trình nghệ thuật cổ vũ, nâng cao sức mạnh tinh thần nhân dân vượt qua đại dịch COVID-19, được ghi hình phát sóng trên các kênh truyền hình phục vụ nhân dân và các chương trình nghệ thuật online trên nền tảng livestream trên các nền tảng số…
Tuy nhiên, đó là nhìn theo bề rộng, còn về chiều sâu, vẫn “thiếu những tác phẩm văn hóa, VHNT lớn phản ánh sinh động tầm vóc công cuộc đổi mới, có tác dụng tích cực đối với con người” [2, tr.84]. Hạn chế này đã được nhắc đến ở Nghị quyết Trung ương 9 Khóa XI: “Còn ít những tác phẩm VHNT có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật”. Điều này chứng tỏ 5 năm qua VHNT Việt Nam vẫn chưa khắc phục được hạn chế này. ĐH XIII nhắc lại, là một cách nhấn mạnh để phải khắc phục trong những năm tới. Nhìn một cách tổng thể, chúng ta có số lượng lớn về tác phẩm, phong phú, đa dạng về loại hình… song còn thiếu những tác phẩm có giá trị mang tầm vóc của thời đại, những tác phẩm có sức tác động mạnh mẽ đến nhận thức công chúng và xã hội. Nghệ thuật truyền thống thiếu vở diễn, khủng hoảng khán giả. Điện ảnh, âm nhạc chưa có những tác phẩm vượt trội để có thể vươn ra khỏi biên giới. Văn học còn hiếm hoi tác phẩm vượt qua các tác phẩm trong truyền thống. Mỹ thuật đương đại đã cố gắng bắt kịp thời đại nhưng xem ra các tác phẩm còn đứng khá xa trong khu vực…
Điều này đã được nhiều hội thảo chuyên môn kết luận, các nhà tổng kết đánh giá qua các kỳ Đại hội Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Hiện thực của công cuộc Đổi mới với những tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội 35 năm qua đã chưa được thể hiện trong những tác phẩm tương xứng, đó là khiếm khuyết cần một sự nỗ lực lớn để khắc phục.
Nguyên nhân có thể đến từ nhiều nhân tố: từ chất lượng đội ngũ văn nghệ sĩ; từ cơ chế chính sách, đào tạo, bồi dưỡng, khuyến khích sáng tạo, cơ chế chính sách giao lưu hội nhập VHNT đến tác động tiêu cực của cơ chế thị trường… Hoặc ở nguyên nhân chung của văn hóa: “Đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao” [2, tr.85]. Năm 2019, phát biểu trong kỳ họp Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn thừa nhận đầu tư cho văn hóa mới chỉ đạt 1,71% tổng chi ngân sách Nhà nước, thấp hơn mục tiêu 1,8% đã được nêu ra từ năm 1998. Hơn nữa, sự đầu tư đã ít lại còn dàn trải, dẫn đến những thất thoát trong đầu tư.
Chẳng hạn, các thiết chế văn hóa quy mô được đầu tư với kinh phí lớn lại hoạt động không hết công suất, chưa phát huy đúng tầm quy mô đầu tư xây dựng; các thiết văn hóa ở cơ sở lại được sử dụng không đúng mục đích, nhiều khi cả những mục đích không liên quan đến văn hóa. Đầu tư cho VHNT nằm trong sự đầu tư chung cho văn hóa. Mức đầu tư cho VHNT thấp sẽ ảnh hưởng đến đời sống người sáng tác, đến công tác phổ biến tác phẩm đến công chúng, và cả sự thưởng thức của công chúng… Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong buổi làm việc với Bộ VHTT&DL tháng 6/2021 đã nhận thấy cần tập trung phát triển lĩnh vực nghệ thuật, bởi đây là lĩnh vực khó, đặc thù, phải có chính sách đúng tầm, phù hợp.
2. Các định hướng, quan điểm, nhiệm vụ về VHNT của ĐH XIII:
Xuất phát từ những thành công và hạn chế của VHNT trong 5 năm qua, lĩnh vực VHNT được Đảng chú trọng trong tổng thể văn hóa. ĐH XIII đã đề cập ở mục VII- Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam các nội dung về VHNT như sau:
- Nhấn mạnh nhiệm vụ bao quát của VHNT: “Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả của các loại hình văn hóa, văn nghệ” [2, tr.145].
Đây là nhiệm vụ đầu tiên, cơ bản trong hoạt động VHNT được ĐH XIII xác lập trong những năm tới. Hiện chúng ta có nhiều loại hình văn nghệ: văn học, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, điện ảnh, nhiếp ảnh… với số lượng tác phẩm hàng năm theo các báo cáo tăng lên đáng kể. Song, thời gian tới VHNT phải tập trung vào chất lượng, hiệu quả của tác phẩm. Để đạt đến mục đích có tác phẩm có giá chất lượng cao, thì phải tác động vào tất cả các thành tố của VHNT: nghệ sĩ (tác giả) với hoạt động sáng tác, hoạt động lý luận, phê bình, xây dựng thể chế, thiết chế VHNT và hoạt động lãnh đạo, quản lý trực tiếp VHNT. Như vậy trên cơ sở định hướng này, VHNT có thể cụ thể hóa từng nhiệm vụ của từng thành tố. Định hướng có tính bao trùm các hoạt động liên quan đến toàn bộ quá trình sáng tác – hưởng thụ và các yếu tố tác động khác, để dẫn đến mục tiêu chung: tác phẩm có chất lượng, hiệu quả.
Một tiết mục nghệ thuật tại Lễ khai mạc SEA Games 31. Ảnh: VGP |
- Triển khai các nhiệm vụ cụ thể trong VHNT:
+ “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các hội VHNT, tập hợp đông đảo văn nghệ sĩ tham gia”, “Quan tâm, tạo điều kiện phát triển văn hóa, văn nghệ của các dân tộc thiểu số” [2, tr.145].
Hiện chúng ta có 10 hội VHNT chuyên ngành trung ương, 63 hội VHNT tỉnh, thành phố thuộc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, cùng với hơn 40.000 văn nghệ sĩ thuộc các chuyên ngành VHNT [3]. Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam là nơi hội tụ các tài năng VHNT, có sự ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sáng tác của văn nghệ sĩ, hiệu quả, chất lượng của các tác phẩm. Hội phải luôn đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tạo mọi điều kiện để quá trình sáng tác và hưởng thụ các tác phẩm được diễn ra thuận lợi. Trước mắt khắc phục tình trạng còn nhiều văn nghệ sĩ có tác phẩm đủ tiêu chuẩn nhưng không vào Hội, nhất là các tác giả trẻ. Đồng thời tăng cường tổ chức các trại sáng tác và vinh danh các tác giả mới vào nghề, những tài năng trẻ v.v…
Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam có hơn 1.000 hội viên, 40 tổ chức cơ sở hội và chi hội của 40 tỉnh thành trong cả nước thuộc các chuyên ngành: văn học, âm nhạc, múa, mỹ thuật, sân khấu – điện ảnh, nhiếp ảnh, lý luận phê bình, văn nghệ dân gian [4], những năm qua hướng các hoạt động về địa bàn là các vùng miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số, thuộc các tỉnh Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Tây Nam Bộ…, cho ra đời những sáng tác có giá trị. Tuy nhiên, đây vẫn là “vùng” còn nhiều hạn chế trong đời sống văn nghệ, cả sáng tạo và hưởng thụ. Cần có chính sách riêng dành cho các tác giả sáng tạo VHNT vùng đồng bào thiểu số. Cần có sự khắc phục mức hưởng thụ cách biệt văn hóa, nghệ thuật giữa vùng đô thị với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. ĐH XIII chú trọng việc tạo điều kiện phát triển văn hóa, văn nghệ của các dân tộc thiểu số, chính là muốn tạo sự cân bằng giữa các vùng miền, cũng như bảo vệ bản sắc độc đáo của các dân tộc.
+ “Đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, tham mưu trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, nhất là cán bộ chủ chốt thực sự am hiểu về văn hóa, có phẩm chất, bản lĩnh, năng lực chuyên môn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ” [2, tr.146]
Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, tham mưu trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ chính là vấn đề “con người” mà các nghị quyết về văn hóa đã đề cập, nhất là Nghị quyết Trung ương 9 Khóa XI (Giải pháp thứ ba: Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa). Khi “chất lượng và số lượng đội ngũ cán bộ văn hóa chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển văn hóa trong thời kỳ mới”, thì cần phải xây dựng đội ngũ “thực sự am hiểu về văn hóa, có phẩm chất, bản lĩnh, năng lực chuyên môn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ”. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý VHNT, trước hết phải đảm bảo về năng lực chuyên môn, được đào tạo bài bản để có kiến thức vững về VHNT. Nếu không sẽ dẫn đến những quyết định sai trong công việc, mà hậu quả là “sai một ly, đi một dặm” vô cùng khó khắc phục trong lĩnh vực đặc biệt này.
ĐH XIII giao cho ngành văn hóa thực hiện “Rà soát toàn bộ hệ thống các trường đào tạo cán bộ văn hóa, văn nghệ, đổi mới và hiện đại hóa quy trình, nội dung, phương thức đào tạo để trong 5-10 năm tới khắc phục về cơ bản sự thiếu hụt về đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa” [2, tr.147]. Hiện toàn quốc “có 108 cơ sở đào tạo tham gia đào tạo văn hóa - nghệ thuật gồm 33 trường đại học, 1 viện, 47 trường cao đẳng, 27 trường trung cấp, trong đó lực lượng chủ chốt là 18 cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ VH, TT&DL” [6] là nguồn cung cấp cán bộ hoạt động văn hóa, văn nghệ. Tuy nhiên, ngoài năng lực chuyên môn được đào tạo, đội ngũ này còn cần có nhiều phẩm chất khác, trong đó yêu cầu cao về bản lĩnh. Bản lĩnh thể hiện ở lập trường chính trị, lập trường thẩm mỹ khi tham gia vào các hoạt động quản lý, lãnh đạo VHNT. ĐH XIII sở dĩ nêu ra nhiệm vụ này, như một cách nhấn mạnh tầm quan trọng của lực lượng nòng cốt tạo lập môi trường công bằng trong sáng tạo và hưởng thụ VHNT, có khả năng kích thích sự phát triển của VHNT nói chung.
+ ĐH XIII còn xác lập nhiệm vụ nâng cao trình độ, bản lĩnh công chúng: “chủ động nâng cao sức đề kháng của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên đối với các văn hóa phẩm ngoại lai độc hại”, “Nâng cao vai trò của văn hóa, nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách của con người Việt Nam, nhất là trong thế hệ trẻ” [2, tr.263]. Công chúng là người tiếp nhận đồng thời định đoạt “tuổi thọ” cho tác phẩm, thẩm định tác phẩm. Giá trị của một tác phẩm nghệ thuật trước hết do sự thưởng thức, đánh giá của công chúng đem lại. Nếu trình độ thẩm mỹ công chúng không cao sẽ không kích hoạt văn nghệ sĩ sáng tạo ra những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao. Nếu bản lĩnh nghệ thuật công chúng không vững, thì sự xâm nhập các văn hóa phẩm ngoại lai, độc hại sẽ dễ dàng hơn.
Việc biết chọn lọc các sản phẩm để tiếp nhận của công chúng là kết quả của quá trình giáo dục, định hướng thẩm mỹ lâu dài mà bất cứ xã hội nào cũng phải có trách nhiệm. Điều này càng có ý nghĩa với thanh, thiếu niên, thế hệ trẻ - những công chúng đông đảo cũng là những chủ thể VHNT hiện tại và tương lai của đất nước. Để VHNT phát huy được nhiệm vụ bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách của con người chính là tạo ra môi trường trong sạch, lành mạnh của đời sống VHNT. Trong đó, các tác phẩm có giá trị phải chiếm lĩnh, công tác quản lý phải gạt ra được các văn hóa phẩm ngoại lai, độc hại khỏi đời sống VHNT đất nước, và công chúng phải có trình độ thẩm mỹ đủ để nhận chân được các giá trị, phân biệt đúng – sai, thật – giả, cao cả - thấp hèn…
- Đặc biệt, ĐH XIII nhấn mạnh vấn đề tự do trong sáng tạo VHNT:
Tiếp nối tinh thần của Đại hội XII trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa: “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng theo hướng vừa bảo đảm để văn hóa, văn học nghệ thuật, báo chí phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng vừa bảo đảm quyền tự do dân chủ cá nhân trong sáng tạo trên cơ sở phát huy trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân...” , ở ĐH XIII của Đảng, luận điểm bảo đảm tự do sáng tạo trong hoạt động VHNT trở thành định hướng cơ bản của công cuộc xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII tại ĐH XIII của Đảng nhấn mạnh: “Chú trọng nâng cao giá trị tư tưởng nghệ thuật, đồng thời bảo đảm tự do, dân chủ trong sáng tạo VHNT; khuyến khích những tìm tòi mới làm phong phú thêm bản sắc văn hóa Việt Nam; hạn chế các lệch lạc, các biểu hiện chạy theo thị hiếu tầm thường” [2, tr.145]. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 tiếp tục chỉ đạo: “Bảo đảm quyền hưởng thụ, tự do sáng tạo trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật của mỗi người dân và cộng đồng” [2, tr.264].
Như vậy, Đại hội XIII đã rất chú trọng đến luận điểm bảo đảm tự do sáng tạo trong VHNT. Đó được hiểu như một quy luật của sự phát triển VHNT, đồng thời cũng muốn nhắc nhở, vấn đề này phải luôn luôn được nhận thức thống nhất, đúng đắn, đầy đủ trong bối cảnh mới.
Thực tế đường lối lãnh đạo của Đảng và thực tiễn đời sống VHNT đã chứng minh: Đảng và Nhà nước luôn khuyến khích mọi tìm tòi, tôn trọng tự do sáng tạo của văn nghệ sĩ, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù đối với VHNT và văn nghệ sĩ phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bảo đảm quyền tự do sáng tạo là quan điểm nhất quán trong các văn kiện, là một nhận thức về mặt khoa học của Đảng ta đối với đặc trưng của VHNT.
Đây là điều kiện cần để tạo ra được những giá trị lớn, những tác phẩm lớn. Nhưng đồng thời, để bảo đảm VHNT phát triển đúng quy luật của nó, thì phải gắn liền tự do sáng tạo ấy với trách nhiệm công dân và với quyền con người. Quan điểm của Đảng khuyến khích những tìm tòi mới song phải đi kèm với việc hạn chế các lệch lạc, các biểu hiện chạy theo thị hiếu tầm thường. Các văn nghệ sĩ tự do thể nghiệm những phương pháp, những tìm tòi trong sáng tạo nhưng phải là thể nghiệm từ những tác phẩm chân chính, làm phong phú thêm bản sắc văn hóa Việt Nam. Tuyệt nhiên không vì được tự do mà tạo nên những tác phẩm đi ngược lại văn hóa truyền thống, với lợi ích của cộng đồng, hoặc những tác phẩm chạy theo thị hiếu tầm thường, đáp ứng nhu cầu giải trí mà bỏ qua các chức năng cao cả của VHNT. VHNT vốn dĩ có trọng trách đấu tranh bảo vệ, nuôi dưỡng, khẳng định cái mới, cái tích cực, cái tốt đẹp và chống cái ác, cái xấu xa, thấp hèn.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Ảnh: VGP |
Như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đảng không áp đặt, ép buộc, gán cho VHNT một nhiệm vụ “chính trị” khô khan, giản đơn, nhất thời nào, mà hiểu nó như một sứ mệnh, một sức mạnh vốn có của VHNT chân chính, đặc biệt trong cuộc đấu tranh ngày hôm nay” [5].
Như vậy, trên cơ sở tiếp tục một cách nhất quán các quan điểm, định hướng về văn hóa nói chung, VHNT nói riêng của các kỳ đại hội trước, của các nghị quyết lớn về văn hóa văn nghệ, đồng thời, kết hợp với những nhận thức mới về lý luận, về tình hình biến đổi trong nước và thế giới, ĐH XIII của Đảng đã đề ra các định hướng cơ bản cho sự phát triển của hoạt động VHNT trong thời gian tới. Từ định hướng chung khái quát lâu dài đến những nhiệm vụ trọng yếu trước mắt, tạo điều kiện tinh thần và vật chất cho hoạt động của lĩnh vực VHNT đặc thù.
Với vai trò là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam, VHNT phải nhận thức sâu sắc các định hướng này và chuyển thành những nhiệm vụ cụ thể, hiện thực hóa các quan điểm trong hiện thực. Thời gian tới, bối cảnh văn hóa thế giới và trong nước có nhiều biến đổi, nhất là sự phát triển của khoa học công nghệ, lĩnh vực VHNT chắc chắc chịu sự tác động mạnh mẽ. Song với những định hướng kịp thời của Đảng, cộng với sự nỗ lực của các bộ phận liên quan đến lĩnh vực này, hy vọng sẽ tạo nên diện mạo mới, xứng tầm của VHNT trong thời gian tới.
___________________
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2008), Nghị quyết số 23-NQ/TW,
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện ĐHĐB toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb CTQGST, Hà Nội.
[3] Đại hội Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam lần thứ X nhiệm kỳ 2020- 2025. Nguồn:
[4] Phương Lan (2019) Đại hội đại biểu toàn quốc Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam nhiệm kỳ 2019-2024. Nguồn:
[5] Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học – Nghệ thuật Việt Nam (2018),
[6] Nguyễn Huy Phòng (2021), Chất lượng đội ngũ cán bộ văn hóa - nhân tố quan trọng để phát triển bền vững đất nước. Nguồn: //tapchimattran.vn/
[7] Đan Thanh (2020), Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổng kết công tác năm 2019. Nguồn:
Tin cùng chuyên mục
Đảng với công nhân - 24/09/2024 10:10
Hình như khi đó và chắc không chỉ khi đó, họ đã tạm quên đi thời gian, tạm quên đi gia đình riêng, thậm chí quên đi cả bệnh tật mỏi mệt của bản thân… để lo lắng cho việc làng. Hình như đó cũng là cách để họ có thể gần dân như thế.
Đảng với công nhân - 20/09/2024 06:43
Gặp anh Nguyễn Thế Chuyền – công nhân tổ chế tạo, Công ty Cổ phần Công nghiệp Đông Hưng, huyện Đông Anh, TP Hà Nội, chúng tôi nhận thấy đằng sau vẻ bề ngoài điềm tĩnh là một trái tim say mê, hết lòng vì công việc.
Đảng với công nhân - 13/09/2024 16:53
Ngày 12/9, Chi bộ Công ty TNHH Long Fa tại Khu công nghiệp Minh Hưng III, thị xã Chơn Thành được thành lập với 20 đảng viên.
Đảng với công nhân - 12/09/2024 17:02
“Khi đứng dưới lá cờ Đảng và tuyên thệ, bản thân tôi cảm thấy rất vinh dự và hạnh phúc. Đảng đã cho tôi ý chí và nghị lực để không ngừng rèn luyện, tu dưỡng bản thân, để làm tốt công tác chăm lo đời sống cho anh chị em công nhân lao động” – đó là chia sẻ của đồng chí Lê Văn Đại, Phó Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Shyang Hung Cheng (Cụm sản xuất An Thạnh, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương).
Nghiên cứu - 09/09/2024 13:38
Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X nêu rõ “Giai cấp công nhân Việt Nam là một lực lượng xã hội to lớn, đang phát triển, bao gồm những người lao động chân tay và trí óc, làm công hưởng lương trong các loại hình sản xuất kinh doanh và dịch vụ công nghiệp, hoặc sản xuất kinh doanh và dịch vụ có tính chất công nghiệp”.
Đảng với công nhân - 28/08/2024 17:57
Ngày 28/8, Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Bình Phước tổ chức lễ công bố quyết định thành lập Chi bộ cơ sở Công ty TNHH Freewell, thuộc Khu công nghiệp (KCN) Bắc Đồng Phú. Đây là chi bộ Đảng đầu tiên thành lập trong KCN.