Trong 2 tháng cuối năm 2020 dự kiến có 54 chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước. Thứ tự ưu tiên số 1 là lao động hết hạn hợp đồng, mất việc, không còn thu nhập. Liệu trên khắp thế giới có dễ dàng hơn khi đặt chỗ trên các chuyến bay hồi hương? Dịch Covid-19 đã khiến rất nhiều thuyền viên bị mắc kẹt ở nhiều nơi trên thế giới. Có thuyền viên đã hết hạn hợp đồng gần 1 năm nhưng chưa thể về nước. Việc đăng ký vé máy bay hồi hương với cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài thời gian qua rất khó khăn. Dù phải bỏ rất nhiều thời gian để theo dõi thông tin về lịch bay cũng như cách thức đặt vé, song nhiều thuyền viên vẫn mua phải “vé ảo” hoặc hết vé, hoặc mua được vé nhưng tàu lại không nằm ở một nơi cố định. Điều này dẫn đến thuyền viên không được hồi hương theo đúng quy định của Công ước Lao động hàng hải (MLC). Trả lời Cuộc sống an toàn về thực tế này, Cục Hàng hải Việt Nam cho biết: Thời gian qua, việc bằng các chuyến bay do Chính phủ bảo lãnh phải được Đại sứ quán Việt Nam ở các nước xét duyệt theo thứ tự ưu tiên. Thuyền viên không nằm trong danh sách đối tượng được ưu tiên, do vậy việc đưa thuyền viên về rất khó thể thực hiện được bằng các đường hàng không. |
Còn hàng nghìn thuyền viên mắc kẹt ở các khu vực trên thế giới. Ảnh: VTC News
Theo quy định, khi thay thế thuyền viên phải có thuyền viên khác sang thay thế. Tuy nhiên, việc đưa thuyền viên từ Việt Nam sang thay thế cũng gặp các khó khăn tương tự, dẫn đến một số lớn thuyền viên đã quá hợp đồng lao động bị kẹt trên tàu mà chưa có hướng giải quyết, thuyền viên không được hồi hương. Lượng thuyền viên thay thế chủ yếu tập trung tại các cảng biển Việt Nam (bao gồm thuyền viên Việt Nam làm việc trên tuyến quốc tế, thuyền viên nước ngoài đến thời hạn thay thế). Nhiều nhất là tại cảng biển Hải Phòng (từ tháng 2/2020 đến ngày 31/7/2020) có 832 thuyền viên quốc tịch Việt Nam và 130 thuyền viên quốc tịch nước ngoài. Tại Quảng Ninh (từ 01/3/2020 đến 4/8/2020) giải quyết cho 569 thuyền viên trong đó có 404 thuyền viên Việt Nam và 165 thuyền viên nước ngoài… Trong khi đó, số thuyền viên về nước bằng đường hàng không chiếm tỷ lệ rất hạn chế. |
Theo Cục Hàng không Việt Nam, từ ngày 1/11 đến 31/12/2020 sẽ có 54 chuyến bay giải cứu công dân Việt Nam về nước tránh dịch Covid-19 từ các khu vực trên thế giới. Với các nước châu Mỹ sẽ có 7 chuyến bay do Vietnam Airlines thực hiện với tổng ghế cung ứng là 2.485 ghế. Trong đó có 4 chuyến từ Mỹ và 3 chuyến từ Canada. Sẽ thực hiện 16 chuyến bay từ châu Âu trong 2 tháng cuối năm. Trong đó, 3 chuyến bay từ Pháp (1.029 ghế), 4 chuyến bay từ Nga (1.319 ghế), 2 chuyến từ Anh (686 ghế), 2 chuyến từ Đức (686 ghế), 1 chuyến từ Rumani (343 ghế), 5 chuyến từ các nước châu Âu khác như Cộng hòa Séc, Hà Lan và 3 chuyến bay chưa chốt điểm đón (tổng 1.709 ghế). |
Thuyền viên phải làm việc nặng nhọc, vất vả nên việc thay thế thuyền viên hết hạn hợp đồng về nước là rất cần thiết. Ảnh: ST
Với khu vực châu Á có 1 chuyến bay từ Hong Kong (343 ghế), 1 chuyến bay từ Đài Loan (343 ghế), 3 chuyến bay từ Nhật Bản (1.029 ghế), 1 chuyến bay từ Hàn Quốc (343 ghế) và 1 chuyến bay từ Ấn Độ (343 ghế)… Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ xem xét đưa về nước đối với các công dân có nguyện vọng theo . Trong đó, ưu tiên số 1 là dành cho lao động hết hạn hợp đồng, mất việc, không còn thu nhập (từ 2, 3 tháng trở lên) mà nơi sở tại không có điều kiện hỗ trợ. Sau đó là học sinh dưới 18 tuổi. Sinh viên đã hoàn thành khóa học (tốt nghiệp) gặp khó khăn về nơi ở/gia hạn lưu trú. Doanh nhân, trí thức là người Việt Nam, công dân xuất cảnh ngắn hạn, bị “mắc kẹt” gặp khó khăn do không có nơi ở, không còn khả năng tài chính và các trường hợp đặc biệt khó khăn khác. |
Lượng thuyền viên được thay thế từ đầu năm đến nay chủ yếu là tại các cảng biển. Ảnh: ST
Tuy nhiên, theo ý kiến của một số doanh nghiệp, rất khó khăn để thuyền viên có được tấm vé trên chuyến bay nhân đạo của Nhà nước, song vẫn có trường hợp, thuyền viên dù có nhận được vé nhưng tàu lại không nằm tại một nơi cố định nên dễ dẫn đến tình trạng có vé vẫn phải hủy. Chi phí tàu chờ tại cảng tốn kém và còn phải bồi thường cho chủ hàng vì chậm trễ… Do đó, doanh nghiệp kiến nghị Đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài bổ sung thuyền viên vào danh mục đăng ký chuyến bay nhân đạo. Đồng thời bố trí số lượng vé nhất định trên chuyến bay cho thuyền viên do đặc thù của ngành Hàng hải và đóng góp của lực lượng lao động mang ngoại tệ về cho đất nước. Chỉ tính riêng tại Công ty Cổ phần Vận tải biển và hợp tác lao động Quốc tế Inlaco Saigon, hiện có 1.100 thuyền viên, trong đó có 525 thuyền viên đang làm việc trên các tàu viễn dương ở nhiều nước trên thế giới. |
Công dân về nước trên các chuyến bay nhân đạo trong thời kỳ dịch Covid-19. Ảnh: ST
Cục Hàng không Việt Nam cũng khuyến cáo lịch bay trên là dự kiến. Công dân nên thường xuyên theo dõi, truy cập vào những nguồn thông tin chính thức để cập nhật thông tin chính xác về việc hỗ trợ các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước trong đại dịch Covid-19. Các đối tượng thường giả mạo hãng hàng không hoặc lãnh sự quán Việt Nam tại nước sở tại để gửi thư tới công dân có nhu cầu. Thư điện tử lừa đảo thường kèm theo mã hiệu chuyến bay (không chính xác), chặng bay và giờ bay (không có thật) cùng giá vé và thông tin chuyển khoản để công dân thực hiện thanh toán, đặt chỗ cho một cá nhân tại Việt Nam. Giá vé ảo khoảng 10 - 20 triệu đồng và yêu cầu hành khách phải gửi ngay trong 3 ngày để giữ chỗ trên chuyến bay. |
Duy Anh Đồ họa: Duy Minh |