Ứng dựng trí tuệ nhân tạo trong công tác an toàn, vệ sinh lao động

Việc ứng dụng công nghệ mới, trong đó có trí tuệ nhân tạo (AI) và thực tế ảo (AR) sẽ giúp công tác đào tạo, huấn luyện và đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) cho người lao động, cán bộ quản lý, doanh nghiệp, công trường, nhà máy thuộc các lĩnh vực sản xuất có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trở nên hiệu quả hơn.

Với mục đích triển khai, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới, thông minh trong lĩnh vực ATVSLĐ, Trung tâm An toàn lao động thuộc Viện Khoa học ATVSLĐ (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) đã phối hợp với Công ty TNHH K&L Việt Nam và Công ty HuLan (Hàn Quốc) xây dựng, lắp đặt Phòng Đào tạo, giám sát an toàn thông minh.

Phòng được khai trương chiều 31/10/2023 tại tầng 2, Tòa nhà Viện Khoa học ATVSLĐ (số 216 Nguyễn Trãi, Hà Nội).

Hệ thống giám sát an toàn thông minh dựa trên AI

Hệ thống giám sát an toàn thông minh là hệ thống ứng dụng công nghệ giám sát camera tập trung, có tích hợp tính năng phân tích video thông minh để cung cấp giải pháp giám sát toàn, an ninh cho khu vực sản xuất, xây dựng, cơ sở hạ tầng trọng yếu và những điểm nóng về mất an toàn, an ninh.

Chẳng hạn, các công trường xây dựng, cảng biển, kho xăng dầu, tuyến truyền tải điện, trạm biến áp lớn, nhà máy sản xuất diện tích rộng, nơi làm việc khuất tầm quan sát, giám sát bằng mắt thường...

Hệ thống thu thập dữ liệu video và dữ liệu phân tích từ nhiều nguồn camera, đầu ghi hình, hệ thống quản lý video có sẵn, sử dụng thuật toán AI thông minh để phân tích, phát hiện và cảnh báo về sự cố, hành vi mất an toàn, sức khỏe người lao động, vận hành không đảm bảo, hoặc đối tượng liên quan đến an ninh trật tự.

Ứng dựng trí tuệ nhân tạo trong công tác an toàn, vệ sinh lao động

Hệ thống giám sát thông minh - Ảnh: Văn Quân

AI tích hợp trong camera giám sát được huấn luyện để phát hiện những sự cố, tai nạn bất thường có thể xảy ra, gây ảnh hưởng đến an toàn, an ninh trật tự của công trường, nhà máy, nơi làm việc.

Trong khi đó, hệ thống giám sát an toàn có khả năng liên kết với trung tâm điều hành thông minh của tỉnh thành hoặc hệ thống thông tin của các ban ngành và cơ quan chức năng để tham gia vào bảo vệ an toàn, an ninh trật tự và an toàn xã hội.

Theo ông Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học ATVSLĐ, việc các doanh nghiệp triển khai hệ thống giám sát an toàn thông minh sẽ giúp phát hiện sớm, cảnh báo sớm hoặc sự cố hoặc hành vi gây ra lỗi vi phạm mất an toàn dẫn đến gây ra tai nạn để kịp thời đưa ra những giải pháp khắc phục.

Ứng dựng trí tuệ nhân tạo trong công tác an toàn, vệ sinh lao động

Ông Nguyễn Anh Thơ - Viện trưởng Viện Khoa học ATVSLĐ - Ảnh: Văn Quân

Ứng dụng công nghệ VR trong công tác huấn luyện ATVSLĐ

“Công nghệ VR trong ATVSLĐ sẽ cho phép xây dựng các kịch bản, tình huống mất an toàn trong thực tế lao động, sản xuất. Học viên sẽ có điều kiện để trải nghiệm làm việc trong điều kiện môi trường, tình huống mất an toàn trong không gian ảo.

Thông qua công nghệ này sẽ vẫn đáp ứng được yêu cầu về thực hành tình huống, vẫn đảm bảo an toàn cho người học và người huấn luyện, …”, ông Nguyễn Anh Thơ chia sẻ.

Theo ông Thơ, trước mắt, modul đào tạo VR về ATVSLĐ hiện được triển khai với 10 kịch bản tình huống công việc nguy hiểm trong thực tế sản xuất, cụ thể bao gồm: Tình huống tai nạn trong sử dụng giàn giáo; tình huống bị vật rơi; tình huống tai nạn ngã cao khi làm việc thi công khung nhà công nghiệp; tình huống tai nạn bị sập đổ nhà trong thi công xây dựng; tình huống làm việc trong vùng nguy hiểm của máy, thiết bị; tình huống thực hành sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân.

Ứng dựng trí tuệ nhân tạo trong công tác an toàn, vệ sinh lao động

Trải nghiệm AR tại Phòng Đào tạo, giám sát an toàn thông minh - Ảnh: Văn Quân

Với những kịch bản trải nghiệm thực tế ảo nêu trên, Trung tâm An toàn lao động, Viện Khoa học ATVSLĐ sẽ phối hợp với các cơ sở huấn luyện ATVSLĐ bổ sung nội dung trải nghiệm trên môi trường ảo cùng với các nội dung lý thuyết và thực hành khác trong quá trình triển khai các khóa huấn luyện ATVSLĐ.

“Đây sẽ là những nội dung thiết thực, hấp dẫn, có tính ứng dụng thực tiễn cao, góp phần tăng tính trải nghiệm thực tế các tai nạn, sự cố có thể xảy ra trong quá trình làm việc, đồng thời là một trong những nội dung đổi mới cách thức, phương pháp huấn luyện ATVSLĐ bằng cách ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ trong lĩnh vực ATVSLĐ”, ông Thơ cho hay.

Ứng dựng trí tuệ nhân tạo trong công tác an toàn, vệ sinh lao động

Những tình huống trong modul đào tạo thực tế ảo - Ảnh: Văn Quân

Trong giai đoạn tiếp theo, Viện Khoa học ATVSLĐ sẽ đầu tư, phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở huấn luyện ATVSLĐ tiếp tục xây dựng các kịch bản, tính huống mất ATVSLĐ cho các công việc thuộc danh mục các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; các nghề, công việc nguy hiểm, nặng nhọc độc hại theo quy định hiện hành để bổ sung, làm phong phú, hấp dẫn và hiệu quả của công tác huấn luyện ATVSLĐ hiện nay.

Toàn quốc đã xảy ra 7.718 vụ tai nạn lao động

Theo báo cáo của 62/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương 1, năm 2022 trên toàn quốc đã xảy ra 7.718 vụ tai nạn lao động (tăng 1.214 vụ, tương ứng với 18,66% so với năm 2021). Hầu hết các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng đa phần xảy ra ở lĩnh vực xây dựng do nhiều nguyên nhân khác nhau như: ngã cao, va chạm, điện giật,…

Điều này càng cho chúng ta thấy rõ về tình trạng an toàn lao động ở Việt Nam vẫn đang tồn tại nhiều vấn đề và thách thức. Do đó, việc ứng dụng thành công AI và AR sẽ giúp giải quyết nhiều vấn đề, tạo ra sự thay đổi tích cực trong công tác đảm bảo ATVSLĐ.

Bài viết: TRẦN YẾN - VĂN QUÂN

Ảnh, video: VĂN QUÂN - TUYẾT HẰNG

Đồ họa: AN NHIÊN