Tại Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có trên 625 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh với khoảng 97 nghìn lao động. Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu vực này. Thời điểm này, các doanh nghiệp đang tự nâng cao “sức đề kháng”, từng bước ổn định sản xuất kinh doanh và duy trì việc làm cho người lao động (NLĐ).
Chủ động khắc phục khó khăn
Cũng như các doanh nghiệp trong cả nước, gần 8 tháng qua, đối diện với dịch bệnh Covid-19 là một cú “sốc” đối với các doanh nghiệp tại Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp của tỉnh Thanh Hóa. Các doanh nghiệp rơi vào tình cảnh sản xuất nhưng không tiêu thụ được, nguồn nguyên liệu khan hiếm và buộc phải cho một số lao động tạm thời nghỉ việc. Thế nhưng, khi ổn định tinh thần sau cú “sốc”, các doanh nghiệp đã quyết tâm vượt qua khủng hoảng, chứng tỏ “sức đề kháng” của mình bằng cách tính toán các giải pháp thích nghi và thay thế phương án kinh doanh. Đồng thời tích cực tìm kiếm thị trường mới để ổn định sản xuất kinh doanh và duy trì việc làm cho NLĐ. Đặc biệt là phối hợp với CĐCS để chia sẻ, động viên NLĐ yên tâm làm việc.
Phương án sắp xếp cho NLĐ làm việc luân phiên, bố trí các công đoạn trong dây chuyền sản xuất khoa học để không cắt giảm việc làm của NLĐ đã được nhiều doanh nghiệp tập trung thực hiện. Với cách làm này, các doanh nghiệp đã nhận được niềm tin của NLĐ. Tiêu biểu như Công ty TNHH Sakurai Việt Nam với hơn 12.000 NLĐ, Công ty TNHH Giày Annora Việt Nam có 19.700 NLĐ, Công ty TNHH Giày Sunjade Việt Nam có trên 8.000 NLĐ, Công ty TNHH Giày Rollsport Việt Nam có trên 15.000 NLĐ và Công ty TNHH Giày Aleron Việt Nam trên 9.400 NLĐ. Bên cạnh đó, các CĐCS đã kịp thời động viên, thăm hỏi, trao quà cho những NLĐ có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Chị Lê Thị An - Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Giày Annora Việt Nam chia sẻ: “Khi ảnh hưởng bởi dịch bệnh, công ty buộc phải xây dựng phương án thu hẹp quy mô sản xuất, cho NLĐ nghỉ việc luân phiên. Ban Chấp hành CĐCS đã bàn bạc, phân tích với lãnh đạo công ty về cách thức thực hiện, về việc trao đổi với NLĐ để cùng nhau chia sẻ và thực hiện. Bên cạnh đó, công ty vẫn đảm bảo duy trì trả lương cơ bản cho NLĐ. CĐCS đã tích cực động viên NLĐ và chủ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. Khi NLĐ và chủ doanh nghiệp chia sẻ với nhau thì mọi việc được giải quyết thấu đáo và hài hòa. Để duy trì sản xuất kinh doanh và đảm bảo cho NLĐ có lương, công ty đã kịp thời tìm kiếm đơn hàng rồi xuất hàng và bố trí việc làm đủ ca cho NLĐ. Đến nay, hoạt động sản xuất kinh doanh tại công ty đã đi vào ổn định”.
Còn ông Nguyễn Hữu Quang - Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Sakurai Việt Nam, chia sẻ: “Công ty chúng tôi là doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư của Nhật Bản, chuyên gia công các sản phẩm may mặc xuất khẩu. Ảnh hưởng bởi dịch bệnh, hàng hóa xuất khẩu đi các nước ngưng trệ, nguồn nguyên liệu nhập về cũng khó khăn, hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, công ty nhanh chóng thực hiện các giải pháp ứng phó để ổn định sản xuất kinh doanh và bố trí đủ việc làm cho hơn 12.000 NLĐ. Các chế độ lương, thưởng, phúc lợi của NLĐ vẫn được duy trì. Quan điểm của lãnh đạo công ty là không bỏ rơi NLĐ lúc khó khăn, để NLĐ yên tâm gắn bó lâu dài và làm việc hiệu quả”.
Đến thời điểm hiện tại, Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chưa có doanh nghiệp nào phải dừng hoạt động. Tất cả đang nỗ lực để duy trì sản xuất kinh doanh ổn định, giải quyết việc làm và góp phần không nhỏ vào sự phát triển tỉnh Thanh Hóa.
Công đoàn đồng hành cùng với doanh nghiệp và NLĐ
Trước tình hình dịch bệnh, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa, Công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã nhanh chóng bám sát tình hình, chia sẻ, động viên và thể hiện trách nhiệm với doanh nghiệp và NLĐ. Nhiều giải pháp đã được đề ra và triển khai đồng bộ, kịp thời. Công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp đã chỉ đạo các CĐCS phối hợp với chuyên môn tuyên truyền nâng cao nhận thức cho NLĐ trong việc phòng chống dịch bệnh; triển khai các biện pháp để đảm bảo sức khỏe, đời sống, việc làm cho NLĐ; vận động doanh nghiệp và NLĐ đồng hành cùng nhau để vượt qua khó khăn.
Tại Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có số lượng công nhân đông, nhiều chuyên gia và lao động nước ngoài sinh sống, làm việc nên việc phòng chống dịch bệnh được triển khai chặt chẽ. Các CĐCS đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phòng chống dịch bệnh và yêu cầu NLĐ, khách hàng thực hiện các biện pháp bắt buộc như sát khuẩn, đeo khẩu trang, đo thân nhiệt; tập trung thực hiện vệ sinh khử trùng toàn bộ khu vực làm việc, giãn cách lao động trong sản xuất, trong các bữa ăn ca; tổ chức các cuộc họp, giao ban trực tuyến, thường xuyên kiểm tra đôn đốc, phối hợp với các ngành chức năng rà soát cho NLĐ tự cách ly tại nhà khi tiếp xúc với các bệnh nhân từ vùng dịch trở về, đồng thời chi trả lương theo quy định hiện hành.
Trong 8 tháng qua, Công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp đã phối hợp với Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn vận động các doanh nghiệp ủng hộ số tiền hơn 4 tỷ đồng để phòng chống dịch Covid-19. Đồng thời kêu gọi các nhà hảo tâm tặng 35.000 khẩu trang, 8 tấn gạo, 55.000 chai dịch sát khuẩn cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phòng chống dịch. Phối hợp tổ chức cách ly cho 600 cán bộ người nước ngoài, tổ chức cách ly tại nhà hơn 1.000 công nhân có liên quan đến ổ dịch. Vận động được 34 hộ gia đình cho thuê nhà trọ tại các phường, xã có đông công nhân lao động giảm giá từ 10% đến 50% cho 550 NLĐ bị thất nghiệp và giảm thu nhập. Những việc làm trên đã tạo được niềm tin của NLĐ đối với tổ chức Công đoàn.
Ông Vũ Tuấn Minh - Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp (tỉnh Thanh Hóa) chia sẻ: “Đến thời điểm này, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã từng bước ổn định sản xuất kinh doanh. Chúng tôi ghi nhận sự nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp trong việc duy trì việc làm cho NLĐ trong thời điểm khó khăn này. Gần 8 tháng qua, các CĐCS đã bám sát tình hình dịch bệnh và tích cực thực hiện nhiều giải pháp để đồng hành với doanh nghiệp và NLĐ. Đến nay, nhiều doanh nghiệp đã tuyển dụng trở lại số lao động phải nghỉ việc do dịch bệnh và nhiều lao động tại các doanh nghiệp đã được bố trí đủ việc làm. Chúng tôi đang tiếp tục hướng dẫn CĐCS, chủ doanh nghiệp thực hiện chặt chẽ việc phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn sức khỏe cho NLĐ”.
Bài: Mai Liễu
Đồ họa: Mai Liễu