tuân thủ pháp luật và tôn trọng người lao động là giải pháp
Việt Nam đã hành động nhanh chóng ngay từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên vào tháng 1/2020, bao gồm đóng cửa trường học, thông tin liên lạc tốt, hệ thống theo dõi và phát hiện nhanh, đồng thời cách ly tất cả các trường hợp có tiếp xúc gần với người nhiễm. Đất nước hiện nay ít nhiều đã trở lại bình thường, ngoại trừ các chuyến bay quốc tế chưa khởi động lại nhưng một số tuyến đã mở lại vào tháng 8. Vai trò của đội ngũ y tế đã rất nhiệt tình, tích cực và đóng góp vào thành công trong phòng chống và chữa trị của Việt Nam.
Việt Nam đã thực hiện gói hỗ trợ lần một 62.000 tỷ đồng vào tháng 4/2020 và gói hỗ trợ lần hai 18.600 tỷ đồng vào tháng 8/2020 để hỗ trợ khắc phục Covid-19 cho các gia đình nghèo và những người bị mất kế sinh nhai đến hết năm 2020 do tác động của virus, bên cạnh hỗ trợ cho doanh nghiệp. Những người bị mất việc, không có thu nhập, các gia đình được phân loại nghèo hoặc cận nghèo, những người lao động (NLĐ) tự do như người bán hàng rong,… đều được nhận trợ cấp hàng tháng từ Chính phủ. Khoản hỗ trợ khiêm tốn nhưng là một cứu cánh cho những người rủi ro không có tiền để sống. Các máy ATM phát gạo miễn phí cho những người gặp khó khăn. Hình ảnh của Việt Nam sẽ đẹp hơn nữa nếu tất cả các doanh nghiệp đều tuân thủ pháp luật và tôn trọng NLĐ.
Tiếng nói mạnh của NLĐ
Đầu tháng 2/2020, một vụ ngừng việc tập thể của gần 1.900 công nhân tại Công ty TNHH Praegear ở tỉnh Long An yêu cầu chủ doanh nghiệp thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho họ trước dịch bệnh do chủng mới virus Corona gây ra. Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Long An cùng LĐLĐ huyện Đức Hòa đã đến công ty phối hợp với CĐCS và chủ doanh nghiệp tổ chức 3 cuộc gặp, đối thoại, giải thích cho công nhân lao động hiểu rõ về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phát hiện, phòng ngừa.
Sau khi thông tin đầy đủ và trao đổi thẳng thắn, trực tiếp với công nhân ở công ty, công nhân đã hiểu rõ vấn đề và đồng ý quay lại xưởng sản xuất. Đồng thời, doanh nghiệp cũng thực hiện ngay các biện pháp phòng ngừa dịch và bảo vệ công nhân lao động như: mua máy đo thân nhiệt để kịp thời phát hiện người nghi ngờ bị nhiễm bệnh để cách ly, điều trị; phát miễn phí khẩu trang cho công nhân; phun thuốc sát trùng nhà xưởng hàng ngày trước khi công nhân vào sản xuất…
Hàng năm vẫn có hàng trăm cuộc đình công tự phát xảy ra và các vấn đề của NLĐ đều được giải quyết. Lý do là vì mọi yêu cầu của NLĐ đều chính đáng và rất nhiều trường hợp chỉ là yêu cầu tuân thủ pháp luật như trả lương đúng hạn, nâng lương đúng quy định, đảm bảo chất lượng bữa ăn, đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ,… Ngay cả với dịch Covid-19 thì yêu cầu của NLĐ cũng chỉ là đòi hỏi được đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Tháng 2/2020, hàng ngàn công nhân ở Cụm công nghiệp Hà Lam - Chợ Được và Công ty Domex ở Quảng Nam ngừng việc tập thể vì nghi có người Trung Quốc làm việc tại Công ty Domex sau khi về ăn Tết và quay lại TP. HCM ngày 31/01 nhiễm virus Corona. Tháng 3/2020, hàng trăm công nhân Nhà máy Pinetree ngưng việc đòi nghỉ làm vì lo sợ dịch bệnh Covid-19 sau sự việc hai công nhân nhà máy bị ngất xỉu vì thiếu dưỡng khí. Sau khi LĐLĐ tỉnh Bạc Liêu cùng các ngành giải quyết, nhà máy cam kết thực hiện đúng quy định về phòng chống dịch Covid-19 như: trang bị khẩu trang, nước rửa tay, tạo môi trường làm việc thông thoáng… để công nhân chấp nhận làm việc tiếp.
Các cuộc đình công trên cho thấy tiếng nói của NLĐ nhiều khi chỉ được thực sự lắng nghe khi đình công tự phát xảy ra. Theo quy định của pháp luật lao động Việt Nam, đình công chỉ được phép liên quan tới tranh chấp lao động về lợi ích (đình công về lợi ích) và chỉ được sử dụng khi hòa giải hoặc trọng tài lao động không thành (Điều 196, 197, 199 Bộ luật Lao động 2019).
Tuy nhiên, thực tế đình công tự phát yêu cầu thực thi luật ở Việt Nam (đình công về quyền) tạo ra một “văn hóa đình công” không tuân theo quy định của pháp luật. Thực tiễn đình công này cho thấy: sẽ luôn luôn có một cách tạo áp lực giải quyết vấn đề không chính thức nếu như cơ chế chính thức không phát huy tác dụng.
Cần tuân thủ pháp luật
Dịp Tết năm 2020, cả nước xảy ra 18 cuộc ngừng việc tập thể và đình công, chủ yếu tập trung vào các nội dung về trả lương, trả thưởng, thưởng Tết, đóng bảo hiểm xã hội, thông báo lịch nghỉ Tết, lịch sản xuất, chất lượng bữa ăn ca. Tháng 1/2020, hơn 1.300 công nhân Công ty TNHH Highvina Apparel ngành nghề sản xuất may mặc, vốn đầu tư Hàn Quốc, có trụ sở tại huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh đình công 4 ngày đòi công ty tăng lương theo lương tối thiểu vùng.
Tương tự, 2.400 công nhân Công ty TNHH Knitpassion sản xuất trang phục dệt kim, đan móc, vốn đầu tư Hồng Kông, có trụ sở tại các Khu Công nghiệp tỉnh Tiền Giang đình công 3 ngày yêu cầu tăng lương tối thiểu. Tháng 5/2020, hơn 8.000 công nhân Công ty Chí Hùng, phường Thái Hòa, thị xã Tân Uyên, Bình Dương đình công phản đối việc doanh nghiệp ra thông báo cho công nhân nghỉ việc hai tháng không lương vì công ty không có đơn hàng do ảnh hưởng của Covid-19.
Gần đây nhất, hơn 1.000 công nhân Công ty TNHH Namyang International - Việt Nam tại KCN Amata, phường Long Bình, TP Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai đình công vì công ty thông báo tạm ngưng sản xuất và tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động với tất cả công nhân lao động đang còn làm việc, thời gian từ ngày 01/10/2020 mà không đối thoại, thương lượng với NLĐ.
Rất nhiều cuộc đình công xảy ra trong năm 2020 và nhiều năm trước chỉ vì doanh nghiệp không tuân thủ pháp luật như: vấn đề làm thêm giờ; việc trả phép năm; vấn đề tính tiền tăng ca ngày và ca đêm giống nhau; vấn đề tự ý yêu cầu tăng sản lượng; vấn đề nghỉ phép; thái độ của người quản lý nước ngoài đối với NLĐ; nhà vệ sinh không đủ giấy; phụ chuyền ở lại bàn giao công việc nhưng không được tính tăng ca; không có trợ cấp độc hại; vấn đề tiền ăn; chế độ đối với bà bầu và người đang nuôi con nhỏ; vấn đề tiền lương và chế độ trong thời gian nghỉ dịch Covid-19… Tất cả các cuộc đình công nói trên xảy ra bởi vì doanh nghiệp không tuân thủ pháp luật, tự ý quyết định mà không thực hiện đối thoại và thương lượng với NLĐ.
Tôn trọng NLĐ sẽ không xảy ra đình công
Cũng chịu ảnh hưởng của Covid-19 như các công ty khác nhưng Công ty Huê Phong sản xuất giày dép có tiếng ở TP. HCM, địa chỉ tại 225 Phạm Văn Chiêu, P.14, quận Gò Vấp tháng 5/2020 buộc phải cho 2.200 công nhân nghỉ việc mà không xảy ra đình công. Công ty đã chi hơn 68 tỷ đồng giải quyết chế độ cho công nhân theo quy định của pháp luật như: chi trả chế độ trợ cấp mất việc cho công nhân, chốt sổ bảo hiểm xã hội để công nhân thực hiện bảo hiểm tự nguyện và trả lương đầy đủ cho công nhân trong thời gian thông báo 30 ngày cho công nhân nghỉ việc. Hơn thế nữa, hành vi của lãnh đạo công ty thể hiện một nét văn hóa không chỉ tuân thủ pháp luật mà còn rất tôn trọng NLĐ: Ban Lãnh đạo Công ty Huê Phong cúi đầu xin lỗi trước nhân viên khi thông báo cho công nhân nghỉ việc.
Bài: TS. Phạm Thị Thu Lan, Phó Viện trưởng, Viện Công nhân và Công đoàn
Đồ họa: Hoàng Hà