TỪ THIỆN ĐÚNG CÁCH: TỪ THIỆN PHÁT TRIỂN - XU HƯỚNG CHUNG CỦA TOÀN THẾ GIỚI
Từ thiện đúng cách tạo được năng lực và bản lĩnh cho người được hỗ trợ để giúp họ có thể đứng trên đôi chân của mình và nắm lấy trách nhiệm của cuộc đời mình.
HÃY LÀM TỪ THIỆN BẰNG CẢ CÁI TÂM VÀ TẦM, ĐỪNG CHỈ DÙNG MỖI LÒNG TỐT
"Chỉ lòng tốt thôi thì không thể đi xa, phải cố gắng vươn tới sự chuyên nghiệp và hợp tác, có trách nhiệm với đồng tiền của nhà tài trợ bỏ ra để thu lại hiệu quả tốt nhất. Không chuyên nghiệp thì hạn chế hiệu quả. Biết cách cho thì làm được nhiều việc, giúp được nhiều người hơn” - bà Tôn Nữ Thị Ninh - Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển - chia sẻ tại Hội thảo "Từ thiện phát triển - xu hướng trong và sau COVID-19" được các tổ chức phi lợi nhuận tổ chức ở Hà Nội ngày 29/10.
"Nếu chỉ dừng lại ở từ thiện nhân đạo, cứu trợ khẩn cấp về lương thực, áo quần thôi thì chúng ta khó là một xã hội phát triển. Bên cạnh và cùng với từ thiện nhân đạo, cứu trợ thì dần dần phải có từ thiện phát triển - từ thiện mang tính chủ động, có tầm nhìn, đích đến rõ ràng, hướng tới sự bền vững bằng minh bạch giải trình và chuyên nghiệp" - bà Ninh chia sẻ với bên lề Hội thảo.
Theo bà Ninh, ngoài những cứu trợ khẩn cấp trong các trường hợp thiên tai, hoạn nạn thì phải có cả những hoạt động thiện nguyện lâu dài của các tổ chức từ thiện chuyên nghiệp, chủ động trao cho những đối tượng yếu thế trong xã hội những "cần câu", dạy cho họ cách "câu cá", khuyến khích họ muốn "đi câu" và tạo một môi trường có nhiều "cá" để người ta "câu".
ĐÓNG GÓP CỦA NHÀ NƯỚC, CÔNG ĐOÀN VÀ CÁC CƠ QUAN CHỨC NĂNG
Từ thiện đúng cách phải tạo được năng lực và bản lĩnh cho người được hỗ trợ để dần dần giúp họ có thể đứng trên đôi chân của mình và tự nắm lấy trách nhiệm của cuộc đời mình, khắc phục được các vấn đề đặt ra lâu dài chứ không chỉ là giải pháp tạm thời.
Thấu hiểu những điều đó, các cấp lãnh đạo, công đoàn các ban ngành luôn đưa ra nhiều biện pháp từ thiện, cứu trợ kịp thời, cung cấp trang thiết bị thiết yếu để người dân có thể khắc phục sự cố sau bão lũ, thiên tai.
Trong đợt lũ lụt miền Trung vừa qua, Ban Công đoàn Quốc phòng phối hợp với Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga (Bộ Quốc phòng) trao tặng 800 bộ phin lọc màng nano, lọc nước bẩn thành nước sạch cho nhân dân các tỉnh miền Trung bị lũ lụt. Đây là một hành động vô cùng thiết thực vì bộ phin lọc màng nano rất phù hợp và hiệu quả tại thời điểm đang bị ngập nước và ô nhiễm sau những trận mưa ngập nặng vừa qua. Bộ phin nhỏ gọn, dễ sử dụng, các chất bẩn độc hại (gồm tạp chất kim loại và hóa học, vi khuẩn, sắt tổng hợp, kim loại nặng…) không đi xuyên qua màng lọc được, mà chỉ có nước sạch và các nguyên tố vi lượng có lợi cho sức khỏe con người thẩm thấu qua nó. Nhờ có món quà này, một số người dân miền Trung có thể cải thiện được phần nào tình trạng thiếu nước sạch sau bão lũ.
Ban Công đoàn Quốc phòng trao tặng 800 bộ phin lọc nước màng nano ủng hộ miền Trung
khắc phục lũ lụt.
Không chỉ góp sức về vật chất, mà còn cả về con người. Ngay từ đầu đợt bão lũ, Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) và Công đoàn ngành Điện lực đã cử gần 100 cán bộ, công nhân từ các Công ty Điện lực Ninh Thuận, Bình Thuận và Lâm Đồng để hỗ trợ Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) khắc phục các sự cố điện do bão số 9 gây ra, đặc biệt là tại các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề là Quảng Nam và Quảng Ngãi. Cán bộ, công nhân lao động của EVNSPC cùng với trang thiết bị, phương tiện thi công, dụng cụ chuyên dụng phục vụ công tác ứng cứu tại hiện trường đã khởi hành với tinh thần chủ động, tích cực, vượt khó. Bên cạnh việc chủ động, kịp thời hỗ trợ lẫn nhau giữa các đơn vị trong ngành Điện, các đơn vị của ngành Điện cũng đã tích cực hỗ trợ chính quyền và bà con nhân dân các địa phương khắc phục hậu quả cơn bão trong khả năng, điều kiện. Công ty Thuỷ điện Sông Tranh đã bố trí cano cao tốc di chuyển qua lòng hồ thuỷ điện, Công ty Điện lực Quảng Nam kịp thời tăng cường máy phát điện tại hiện trường để phục vụ tìm kiếm những người mất tích tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Nhiều đơn vị khác đã hỗ trợ bà con nhân dân tránh trú khi cơn bão đổ bộ.
Công nhân điện khắc phục hậu quả do bão số 9 gây ra.
Tổng Công ty CC1 ngành Xây dựng cùng công đoàn cũng đã phát động tinh thần tương thân, tương ái, vận động cán bộ, công nhân viên Tổng Công ty ủng hộ tối thiểu mỗi người một ngày lương và cùng với nhóm bạn hữu quyên góp được số tiền 2 tỷ đồng, gần 10.000 hàng hóa gồm: Nhu yếu phẩm, quần áo, chăn màn, máy phát điện và máy lọc nước chuyển đến gia đình những người dân và các trường học bị thiệt hại trong bão lũ vừa qua.
Bà Vũ Thị Tố Tâm – Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty CC1 cũng nhấn mạnh: "Việc Tổng Công ty CC1 tham gia hỗ trợ người dân sẽ góp phần cùng bà con vùng bị thiệt hại vượt qua khó khăn, nhanh chóng khắc phục bão lũ, trồng mới mùa vụ thu đông cũng như gây dựng chăn nuôi gia súc để ổn định cuộc sống tại địa phương bị thiệt hại do bão lũ".
Ông Lê Hữu Việt Đức – Tổng Giám đốc, Tổng Công ty CC1 trao 5 phần quà trị giá 10 triệu đồng cho 5 trường hợp đặc biệt tại thôn Trường Dục, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình
phương hướng cho từ thiện phát triển
Chính phủ đã tham gia, các cá nhân, đoàn thể cũng đã vào cuộc. Vậy làm sao để có thể phát triển hơn nữa các hoạt động từ thiện phát triển, nâng tầm cho các hoạt động tự phát để không còn những hệ lụy do từ thiện gây ra?
Để bắt đầu việc lan tỏa từ thiện phát triển, trước hết chúng ta hãy dành sự quan tâm tập trung chủ yếu vào người nhận sự giúp đỡ. Chúng ta nên bắt đầu bằng sự tôn trọng những người nhận sự giúp đỡ của chúng ta, nhìn họ là những con người độc lập, có lịch sử, có số phận, có câu chuyện riêng.
Ca sĩ Hà Anh Tuấn quyên góp ủng hộ trồng 1.800 cây rừng ngăn bão lũ.
Chúng ta cũng cần suy nghĩ xem hành động của mình, dụng ý thì tốt, nhưng có thể gây tác hại gì không. Giống như những ngôi làng nhỏ ở Sapa, nếu như tuần nào, thậm chí ngày nào cũng có một vài nhóm du khách vào đưa cho họ chăn và mì ăn liền, thì chẳng mấy chốc toàn bộ cấu trúc xã hội của làng sẽ sụp đổ, và tôi sẽ không lạ khi dân làng bắt đầu bán đồ được cho để mua rượu uống.
Công đoàn Ngân hàng NN&PTNT tỉnh Quảng Trị và tập thể cán bộ, nhân viên quyên góp xây dựng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở A Ngo (xã A Ngo, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị).
Chúng ta nên quan tâm một cách tổng thể tới hoàn cảnh của người cần giúp đỡ, bối cảnh của địa phương họ và các yếu tố tác động đằng sau. Tiếp theo, chúng ta có thể suy nghĩ xem nên hướng nguồn lực của mình vào đâu để đem lại lợi ích lớn nhất cho những người hoặc cộng đồng cần trợ giúp. Đôi khi, cái mà một bản nghèo cần cho cuộc sống của mình không phải lại thêm hàng chục thùng mì ăn liền hay những cái chăn, mà là một cái cầu treo, hay cơ hội để bán hàng của mình ở thị trấn. Tất nhiên, để tìm ra được những điều này cần tâm trí và sự quan tâm thực sự lâu bền. Hoạt động từ thiện có thể chữa phần ngọn: quyên tiền cho một ca mổ tim, đem lại ánh sáng cho người khiếm thị, bảo trợ cho một sinh viên nghèo học đại học. Những hoạt động này thực sự thay đổi cuộc đời, thậm chí cứu mạng sống.
Nhưng quan trọng hơn, các hoạt động nhân đạo và từ thiện rất cần tập trung thay đổi phần gốc, đó là các tương quan xã hội tạo ra đói nghèo, bóc lột và bất công.
Anh công nhân Hoàng Trọng Khánh và lớp học cho trẻ em nghèo miễn phí.
Để có thể tạo ra sự thay đổi đó, Nhà nước phải tạo cơ chế và động lực để khuyến khích người giàu bỏ tiền vào các quỹ từ thiện phát triển bằng chính sách miễn giảm thuế được thực thi trong thực tế.
Tiếp đó, Nhà nước phải có cơ chế bảo vệ lòng tin, quyền lợi của những người bình thường đóng góp nhỏ cho các tổ chức từ thiện chuyên nghiệp bằng việc có luật cho các tổ chức này hoạt động tốt.
Khi đó, người dân không chỉ đóng góp những khoản trực tiếp theo kiểu mua sách vở, đồ ăn cho những trường hợp cứu trợ khẩn cấp, mà sẽ đóng góp thông qua tổ chức phi lợi nhuận để giải quyết những vấn đề dài hạn như biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, hỗ trợ các nhóm yếu thế trong xã hội.
Bài: Hạ An
Ảnh: Sưu tầm