|
Là người dân tộc thiểu số, tốt nghiệp Đại học Sư phạm và công tác tại Trường THPT Nguyễn Du, huyện Sông Hinh tỉnh Phú Yên; tôi luôn cảm thấy mình thật nhỏ bé, yếu ớt. Mặc cảm, tự ti và những khó khăn chồng chất của buổi đầu đời đã có lúc làm tôi muốn gục ngã. Rồi tôi đứng dậy, vững tin bước đi. Người cho tôi niềm tin ấy là tổ chức Công đoàn... |
|
Những ngày ấy, giữa áp lực của một giáo viên trẻ người dân tộc thiểu số, làm sao để vững chuyên môn bằng bạn bằng bè, làm sao không thua kém quá xa với những bậc đàn anh, đàn chị đi trước khiến tôi chới với bên cạnh những chật vật, thiếu thốn bởi đồng lương ba cọc ba đồng. Gia đình hai bên đều nghèo khó, chồng tôi chỉ là một viên chức cấp xã nên cũng như tôi, lương chẳng đáng là bao. Tôi sinh con, rồi con của chúng tôi nằm viện nhiều hơn nằm nhà, tiền thuốc nhiều hơn tiền sữa. Chúng tôi ở chung với bố mẹ chồng. Nhà chồng lại đông anh em, các em còn ăn học nên khó lại chồng thêm khó... Tôi đi dạy cách nhà 18 km, chạy đi chạy về, chuyện trường chuyện nhà, tôi trở nên tiều tụy, hốc hác, gần như trầm cảm sau khi sinh con. Đêm hôm nào con ốm, khóc quấy quá không chợp mắt được, sáng dậy chồng tôi phải đưa lên trường vì lo tôi yếu, buồn ngủ chạy xe sẽ nguy hiểm. Nghĩ không biết lúc nào sẽ hết khổ nhưng tôi chỉ biết lặng thầm mà cố gắng từng ngày. |
Cô giáo Lý Thị Thủy đang chỉ bài cho học sinh. |
Khó có thể kể hết những khó khăn mà tôi từng trải qua. Thậm chí tôi không muốn nhìn lại, không dám nhìn lại chặng đường nhiều vất vả, chông gai ấy. Vì mỗi khi nhớ lại tôi vẫn rùng mình. Mặc dù bây giờ tôi vẫn chỉ là một giáo viên bình thường, ngày hai buổi lên lớp với học trò thân yêu, đêm về miệt mài bên trang giáo án; nhưng với tôi, những giây phút êm đềm của hiện tại đã từng là mơ ước lớn lao của tôi trong những ngày xưa. |
|
Thế rồi một hôm, sau giờ dạy, chị Đỗ Thị Hồng Phấn, Phó Chủ tịch Công đoàn Trường THPT Nguyễn Du gọi tôi lại hỏi nhỏ: “Em có muốn đem con lên đây không? Anh Nguyễn Tân Thanh (Chủ tịch Công đoàn Trường) và chị đã bàn nhau đề xuất với Ban Giám hiệu nhà trường sắp xếp, nhờ mấy thầy đang ở các phòng nội trú chịu khó dồn lại ở chung, ưu tiên cho mẹ con em ở nội trú, sẽ tiện hơn cho công việc. Chứ mưa gió em đi lại, vừa chăm con vừa đi dạy thật không ổn”. Tôi như bắt được vàng, thiếu điều reo lên vì vui thôi. Vậy là tôi có chỗ ở nội trú, chồng tôi và mẹ chồng thay nhau lên trông con giúp để tôi đi dạy. Ba năm tiếp theo, khi thấy tôi đã ổn định cuộc sống được phần nào, các anh chị trong Ban Chấp hành Công đoàn Trường lại động viên: “Em nên vay tiền từ Quỹ Công đoàn Trường, vay thêm ngân hàng để làm nhà. được em ạ”. Các anh chị tư vấn, nếu có thể nên nợ vật liệu ở các cơ sở bán vật liệu một phần (khoản này thường không tính lãi vì khi bán vật liệu người bán đã lời rồi). Ngân hàng cho vay năm mươi triệu theo lãi chia đều trả theo lương hằng tháng. Theo các anh chị Ban Chấp hành Công đoàn, tôi không nên dùng hết số tiền ấy để làm nhà mà nên để khoảng sáu, bảy triệu đầu tư vào sản xuất hay chăn nuôi gì đó, nhằm đảm bảo số vốn vay và có thể sinh lợi sau này. Như vậy, trừ lương hằng tháng nợ sẽ hết dần mà chúng tôi vừa có nhà vừa có vốn làm ăn. Tôi bàn với gia đình rồi làm theo. Các anh chị lại hướng dẫn tôi làm thủ tục vay tiền... |
Cô giáo Lý Thị Thủy trong giờ hội giảng cấp trường năm 2020. |
Với số tiền năm mươi triệu vay được, chúng tôi dựng được căn nhà nhỏ, còn mua được hai con bò làm giống. Tôi vừa làm nhà xong vài tháng thì giá vật liệu tăng vọt, gấp đôi so với thời điểm tôi làm nhà. Tôi mừng lắm vì thấy các anh chị công đoàn tư vấn đúng. Ngoài giờ làm việc ở cơ quan, về nhà vợ chồng tôi cố gắng chăm hai con bò, làm thêm vài sào ruộng để có thêm thu nhập. Trong suốt bốn năm của thời hạn cho vay ấy, vợ chồng tôi vẫn được chị Phấn và anh Thanh thường xuyên hỏi thăm tình hình làm ăn, hướng dẫn tận tình cách làm ra sao để sử dụng đồng vốn đạt hiệu quả kinh tế cao nhất. Khi trả nợ xong thì chúng tôi cũng đã sở hữu đàn bò năm con. Căn nhà nhỏ khi xưa cũng đã được xây thêm một phòng và thêm một căn bếp nữa. |
|
Năm 2012, các anh chị Ban Chấp hành Công đoàn Trường động viên tôi dự thi Giáo viên dạy giỏi, ban đầu tôi rất ngại ngần. Cảm giác tự ti của người dân tộc thiểu số vẫn có lúc ùa về trong tôi. Các anh chị nói mãi, tôi miễn cưỡng đồng ý. Nhưng kết quả thật bất ngờ, tôi đạt Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Đó thật sự là một cột mốc lớn, đáng nhớ với tôi. Từ đó, cứ mỗi đầu năm học tôi lại được động viên đăng ký các danh hiệu thi đua. Từ năm 2012 đến năm 2018, tôi liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở. Năm 2014 - 2015, tôi được UBND tỉnh tặng Bằng khen về thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giảng dạy. Năm 2017 - 2018, tôi được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”... Bên cạnh đó, tôi cũng cố gắng tham gia các phong trào của địa phương, các sở, ban, ngành phát động, tham gia viết văn, viết báo. Một trong những kỷ niệm đáng nhớ đó là trong “Cuộc thi viết về thầy tôi” do Báo Tuổi Trẻ tổ chức vào năm 2013, tôi được trao giải Nhất. Bên cạnh đó là giải Khuyến khích về thể loại truyện ngắn trong cuộc thi truyện ngắn và ký do Tạp chí Nhật Lệ tổ chức năm 2011 - 2012. Rồi giải Ba tại cuộc thi sáng tác văn học kỷ niệm 10 năm thành lập TP Cần Thơ trực thuộc Trung ương năm 2014 - 2015. Gần đây, tôi lại đạt giải Nhì cuộc thi viết “Cô giáo của tôi” lần thứ 2 do Báo Giáo dục và Thời đại tổ chức năm 2018... |
Thấy tôi chịu khó học hỏi, các anh chị trong Ban Chấp hành Công đoàn lại động viên tôi tiếp tục học tập để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Thế là tôi “liều” làm đơn xin đi học cao học và đã hoàn thành chương trình cao học vào năm 2017. Từ một cô sinh viên không dám nghĩ mình bằng chị, bằng em, càng không dám mơ sẽ có ngày mình được đi học và nhận tấm bằng thạc sĩ; vậy mà điều kỳ diệu hơn cả những gì tôi mơ ước ấy đã đến với tôi. Những thành tích ấy tôi kể không phải để “khoe”. Ý tôi muốn nói là, nó có được nhờ tôi tự tin vào chính bản thân mình, một cô giáo dân tộc thiểu số vốn nhiều mặc cảm, tự ti; mà điều đó lại đến từ sự yêu thương, tin cậy, chăm sóc, động viên của công đoàn. Cuộc đời tôi có được như hôm nay có vai trò quan trọng của công đoàn. Tôi mãi ghi nhớ, biết ơn về điều đó. Nhìn lại chặng đường đã qua, tôi nhận thấy từng bước đi của tôi đều có bóng dáng của người thân, đồng nghiệp và các anh chị trong . Giờ đây, viết những dòng này, tôi cảm thấy trân trọng vô cùng những người đồng nghiệp thân mến của tôi. Đặc biệt là tổ chức Công đoàn của Trường THPT Nguyễn Du, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên, nơi tôi đã gắn bó và trưởng thành. Tổ chức Công đoàn cơ sở nơi ấy là sợi chỉ đỏ níu giữ, kết nối những yêu thương trong tập thể, tạo nên sự đoàn kết bền vững trong cơ quan và giúp đỡ, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn như tôi. Và tôi may mắn được tham gia sinh hoạt trong một tổ chức Công đoàn như thế. Hiện tôi đã được chuyển công tác về giảng dạy tại Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Phú Yên. Tôi lại được sinh hoạt trong một tập thể công đoàn mới, cũng đoàn kết và tràn đầy yêu thương, nhưng tôi vẫn mãi nhớ về Công đoàn Trường THPT Nguyễn Du, nơi có chị Phấn, anh Thanh, những cán bộ công đoàn không chỉ là đồng nghiệp mà như người anh, người chị thân thiết, luôn thấu hiểu và luôn biết cách động viên, giúp đỡ... |