|
Trải qua 23 năm thấm đẫm gian khó, Trung tâm Công tác Xã hội tỉnh Nghệ An luôn nỗ lực, tận tâm vì những mảnh đời gặp nhiều nghịch cảnh. Chừng ấy thời gian, không thể đo đếm được công sức của những con người đã gắn bó với Trung tâm để làm công việc tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng hàng chục nghìn người tàn tật, người già không nơi nương tựa, trẻ mồ côi, lang thang cơ nhỡ. Nơi đây còn là địa chỉ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho hàng chục nghìn đối tượng, giúp họ ổn định cuộc sống và hòa nhập cộng đồng. Thực hiện tốt nhiệm vụ được giao Trung tâm Công tác Xã hội hiện đang chăm sóc, nuôi dưỡng gần 80 đối tượng, trong đó có 10 đối tượng dưới 4 tuổi; 48 đối tượng từ 4 tuổi đến 16 tuổi; 9 đối tượng từ 16 tuổi đến 22 tuổi; 5 đối tượng là người cao tuổi cô đơn, người già lang thang. Công việc đặc thù, vất vả, số lượng nhân viên ít nhưng Trung tâm Công tác Xã hội tỉnh Nghệ An luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao. Những năm qua, Trung tâm đã thực hiện tốt công tác chăm sóc, nuôi dưỡng tạm thời và nuôi dưỡng tập trung các trẻ bị bỏ rơi, mồ côi, lang thang cơ nhỡ, người già cô đơn và các đối tượng đặc biệt khác trên địa bàn toàn tỉnh; thực hiện tư vấn, tham vấn, phân luồng, chuyển tuyến, can thiệp, trợ giúp các đối tượng yếu thế tiếp cận với y tế, giáo dục, pháp luật và luật hôn nhân gia đình; kết nối, chuyển tìm gia đình chăm sóc thay thế, hỗ trợ cho đối tượng tái hòa nhập cộng đồng. Trong năm 2020, Trung tâm Công tác Xã hội tỉnh Nghệ An đã thực hiện hiệu quả công tác tư vấn, tham vấn qua tổng đài 1800599963; thực hiện kết nối, tương tác hiệu quả với đường dây nóng 1800156 của Tổng đài quốc gia về bảo vệ trẻ em cho cán bộ chính sách, cán bộ làm công tác trẻ em ở các xã, phường thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh. Đặc biệt, Trung tâm đã can thiệp trực tiếp cho 13 trường hợp trẻ em bị xâm hại và bạo hành; 2 trẻ em bị nhiễm HIV đang được chăm sóc tại Hà Nội. Tiến hành trợ giúp khẩn cấp cho 19 trường hợp, chủ yếu là đối tượng tâm thần lang thang và trẻ em bị bỏ rơi, trẻ mồ côi. Tiếp nhận, chăm sóc tạm thời cho 8 đối tượng và tiếp nhận mới 9 trường hợp. Đồng thời, Trung tâm thực hiện điều trị tâm lý, phục hồi chức năng cho 20 trẻ bị khuyết tật, chăm sóc, phục hồi chức năng cho 5 trẻ tự kỷ và 2 trẻ bại não. Thực hiện tư vấn, hướng dẫn chính sách cho gần 200 trường hợp. |
Trung tâm Công tác Xã hội tỉnh Nghệ An hiện đang chăm sóc, nuôi dưỡng gần 60 trẻ em |
Công tác quản lý, theo dõi chế độ ăn nghỉ, học tập và phát triển về thể chất, tâm sinh lý của các đối tượng tại Trung tâm được thực hiện chặt chẽ. Trung tâm luôn tập trung chăm lo cho sức khỏe người già và trẻ nhỏ. Các đối tượng thường xuyên được khám sức khỏe định kỳ, trẻ nhỏ được tiêm phòng đúng quy định. Trung tâm thường xuyên phối hợp với Bệnh viện Nhi Nghệ An, Bệnh viện Da liễu Nghệ An, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa huyện Đô Lương để khám sàng lọc và điều trị bệnh cho các đối tượng. Đồng thời, kết hợp với Trung tâm Y tế dự phòng để phòng ngừa dịch bệnh thường xảy ra, đảm bảo không gian sinh hoạt của các đối tượng luôn sạch sẽ, thoáng mát. Công tác giáo dục tại Trung tâm Công tác Xã hội tỉnh Nghệ An cũng được thực hiện đa dạng và hiệu quả. Trung tâm đã phân loại độ tuổi và nhóm đối tượng để có phương pháp giáo dục, chăm sóc phù hợp. Ngoài số trẻ nhỏ và trẻ đang theo học ở các cấp học trên địa bàn, Trung tâm còn tổ chức các lớp học như Lớp mầm non cho trẻ từ 3-5 tuổi, lớp xóa mù chữ cho trẻ có trí tuệ phát triển không bình thường, lớp Kimats phát triển trí tuệ cho trẻ, tổ chức các chương trình vui chơi bổ ích vào các ngày nghỉ cuối tuần. Bên cạnh đó, Trung tâm tổ chức dạy nấu ăn cho các cháu lớn, dạy các cháu làm các loại bánh, dạy nữ công gia chánh, trồng các loại rau để cải thiện bữa ăn… Các hoạt động chăm lo, động viên, khuyến khích cho các đối tượng được thực hiện thường xuyên, ý nghĩa. Trung tâm tặng quà cho các cháu trong dịp sinh nhật và tặng thưởng cho các cháu có thành tích học tập tốt. Tổ chức các hoạt động ngoại khóa, thi đấu thể thao như bơi lội, bóng đá, cầu lông, cờ vua, tạo sân chơi vui vẻ cho các cháu. |
|
Những năm qua, Trung tâm Công tác Xã hội tỉnh Nghệ An đã thực hiện bài bản, hiệu quả công tác cho các đối tượng. Chỉ tính riêng trong năm 2020, Trung tâm đã dạy nghề, giới thiệu việc làm và hỗ trợ phát triển cộng đồng cho hàng trăm đối tượng. Trong đó, Trung tâm đã liên kết đào tạo và giải quyết việc làm cho 90 học viên nghề may công nghiệp đi làm tại công ty may mặc trên địa bàn huyện Đô lương; tuyển và đào tạo mới 320 học viên nghề may công nghiệp để tiếp tục giới thiệu cho các công ty trong nước và nước ngoài; tuyển và đào tạo nghề Mộc dân dụng, Mộc công nghiệp, Kỹ thuật nuôi trồng nấm; liên kết đào tạo lái xe cơ giới đường bộ các hạng B1, B2 và hạng C. Năm 2020, ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid -19, các hoạt động giáo dục, dạy nghề tại Trung tâm cũng bị gián đoạn nhưng tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên Trung tâm đã nỗ lực để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. Thực hiện tốt công tác chăm sóc, nuôi dưỡng ngắn hạn, dài hạn cho các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt, giáo dục đào tạo nghề cho con em nông thôn, vùng sâu, vùng xa, gia đình chính sách. Xây dựng trung tâm xanh, sạch, đẹp, thực sự là mái ấm cho các đối tượng yếu thế. |
Trung tâm Công tác Xã hội tỉnh Nghệ An là mái ấm bình yên cho các đối tượng yếu thế |
Ông Lê Trung Thực – Giám đốc Trung tâm Công tác Xã hội tỉnh Nghệ An chia sẻ: “Những năm qua, Trung tâm được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp ngành, đặc biệt là Sở LĐTB&XH, các tổ chức xã hội và các nhà hảo tâm để thực hiện tốt công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, dạy nghề cho các đối tượng yếu thế. Đồng thời, từ sự cảm thông, thấu hiểu và chia sẻ với hoàn cảnh của các đối tượng, tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên của Trung tâm đã luôn làm việc tậm tâm, trách nhiệm, với mong muốn chăm lo, bù đắp cho những thiệt thòi, thiếu thốn của của các đối tượng yếu thế. Công việc nhiều, mức lương còn thấp nhưng khi nhìn thấy người già và trẻ nhỏ được ổn định cuộc sống, chúng tôi lại có thêm động lực để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao. Khi nghe thông tin có trẻ bị bỏ rơi, bất cứ thời điểm nào chúng tôi đều trực tiếp đến nơi để tiếp nhận trẻ”. |
Ông Lê Trung Thực - Giám đốc Trung tâm Công tác Xã hội tỉnh Nghệ An đã dành cả cuộc đời để chăm lo cho các đối tượng bị bỏ rơi, không nơi nương tựa Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền Hiện nay, tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An, vẫn xảy ra tình trạng trẻ em bị bỏ rơi, bị xâm hại tình dục, bị bạo hành, ép buộc lao động, vi phạm quyền trẻ em. Khi tiếp nhận được thông tin, Trung tâm Công tác Xã hội tỉnh Nghệ An đã nhanh chóng cử cán bộ đến nơi để tư vấn, can thiệp, trợ giúp cho các đối tượng. Công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức về bảo vệ trẻ em được Trung tâm tập trung thực hiện. Bà Phan Thị Sen – Trưởng phòng Tư vấn và Chăm sóc đối tượng, Trung tâm Công tác Xã hội tỉnh Nghệ An chia sẻ: “Hiện nay, chúng tôi đang đẩy mạnh tuyên truyền đến đông đảo người dân, các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị khi cần trợ giúp các vấn đề xã hội, những vấn đề liên quan đến quyền lợi của trẻ em, những đối tượng yếu thế trong toàn tỉnh. Trong năm 2021, Trung tâm sẽ rà soát số lượng, tình hình, nhu cầu của các đối tượng yếu thế, các đối tượng chính sách trên địa bàn toàn tỉnh để có kế hoạch can thiệp kết nối, tham vấn, tư vấn, phân luồng chuyển tuyến giúp các đối tượng tái hòa nhập cộng đồng. Đồng thời, Trung tâm sẽ phát triển mạng lưới tổng đài tư vấn 1800599963 và kết nối với về bảo vệ và chăm sóc trẻ em để hỗ trợ kịp thời cho trẻ trong tình trạng đặc biệt. Tổ chức phát tờ rơi để người dân biết đến tổng đài 111 và số điện thoại tổng đài của Trung tâm”. Trong năm tới, Trung tâm Công tác Xã hội tỉnh Nghệ An đề ra chỉ tiêu đào tạo nghề cho 800 học viên. Để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, Trung tâm đang nghiên cứu các ngành nghề phù hợp để tạo việc làm tại chỗ cho người khuyết tật mồ côi và nhóm người yếu thế không có khả năng đi làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp. Trung tâm luôn chủ động đón nhận thông tin để tiếp nhận chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ em bị bỏ rơi, trẻ mồ côi, lang thang cơ nhỡ, các cụ già neo đơn không nơi nương tựa về chăm sóc nuôi dưỡng, tư vấn hỗ trợ cho các bà mẹ mang thai ngoài ý muốn. Xây dựng phương pháp giáo dục, chăm sóc, dạy nghề phù hợp với trẻ tự kỷ, chậm phát triển, trí tuệ phát triển không bình thường. Tiếp tục nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng cho các đối tượng. Giám sát chặt chẽ tiêu chuẩn định lượng bữa ăn cho đối tượng, đảm bảo đủ dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Bổ sung các nguồn tự có để đảm bảo cuộc sống cho đối tượng được tốt hơn. |
Bài viết: Mai Liễu Ảnh: Phan Sen |