|
Tròn 30 ngày bùng phát: Hơn 3.000 ca nhiễm, Bắc Giang có 55% F1 thành F0 tại một ổ dịch |
Hôm nay (27/5) là tròn một tháng kể từ khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát. Cả nước hiện ghi nhận 3.052 ca nhiễm tại 30 tỉnh, thành phố. với tổng số ca nhiễm lên đến 1.543. |
Trước đó, ngày 27/4, một nam nhân viên ở khách sạn Như Nguyệt (TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái), nơi đoàn chuyên gia Ấn Độ thực hiện cách ly tập trung, được xác định dương tính với SARS-CoV-2. Tính đến hôm nay (27/5), tròn một tháng, số ca nhiễm trên cả nước đã lên đến hơn 3.000 và vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại. Các địa phương ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất tính đến 6h sáng 27/5 là Bắc Giang (1.543), Bắc Ninh (624) và Hà Nội (246). Theo các chuyên gia, Bắc Giang và Bắc Ninh vẫn là hai tỉnh được đánh giá là “điểm nóng”. Đặc biệt, ở Bắc Giang, đợt dịch lần thứ 4 này tấn công vào các nhà máy, khu công nghiệp lớn với mật độ công nhân lao động đông. Đơn cử như “ổ dịch” ở Khu công nghiệp Quang Châu đã ghi nhận gần 1.000 ca nhiễm Covid-19, trong đó, có số lượng nhiều nhất với 55% F1 thành F0. |
Các y, bác sĩ cho 18.000 công nhân ở tâm dịch Bắc Giang, ngày 26/5. Ảnh: Vietnamnet |
Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp ở Bắc Giang, Bộ Y tế đã yêu cầu “đóng băng” tất cả các khu nhà ở của công nhân; đảm bảo cách ly nghiêm ngặt, đặc biệt là tại các khu nhà cao tầng nơi có đông công nhân sinh sống; đồng thời áp dụng thiết chế về cách ly tập trung ở các khu vực này (coi như là nơi cách ly tập trung); tuyệt đối không cho người ở ra khỏi nhà, phòng ở và tiến hành xét nghiệm định kỳ, liên tục làm sạch những khu vực có công nhân lưu trú. Các chuyên gia nhận định, trong những ngày tới, dự báo số lượng F0 ở Bắc Giang tiếp tục tăng nhưng không đột biến vì các đối tượng nguy cơ cao đã được tiến hành lấy mẫu xét nghiệm. Những ngày qua, các ca nhiễm mới phát hiện trong cộng đồng chủ yếu trong các khu vực đã được cách ly và giãn cách xã hội. |
Bên trong bệnh viện dã chiến ở Bắc Giang với 628 giường. Ảnh: TTXVN |
Đến nay, tỉnh Bắc Giang đã thực hiện cách ly xã hội hoặc giãn cách xã hội ở TP Bắc Giang và nhiều huyện khác. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, đợt dịch này có nguy cơ kéo dài hơn các lần trước, do virus SARS-CoV-2 mang biến chủng Ấn Độ có tốc độ lây lan gấp 1,7 lần so với các biến chủng khác. |
Cũng là một trong những “điểm nóng” về dịch bệnh Covid-19, đến nay, Bắc Ninh có hơn 550 ca bệnh với 111 ổ dịch. Hiện có 3 huyện và TP Bắc Ninh áp dụng cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, 3 huyện áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15. Hôm qua (ngày 26/5), Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Bắc Giang và Bắc Ninh là hai tỉnh đang có nguy cơ rất cao khi hàng vạn công nhân làm việc tại đây đến từ 61 tỉnh, thành. Thủ tướng nhấn mạnh, 2 tỉnh này đang là "pháo đài chống dịch" cho cả nước, vì cả nước, bởi vậy cả nước cũng phải dồn tổng lực chia sẻ vì Bắc Ninh và Bắc Giang. |
không Ngại Gian Khổ, Y Bác Sĩ luôn vững Vàng ở tuyến Đầu Chống Dịch |
Đợt dịch thứ 4 bùng phát vào đúng thời điểm mùa hè nắng nóng. Làm việc liên tục, mặc bộ đồ bảo hộ trong nhiều tiếng đồng hồ khiến không ít nhân viên y tế rơi vào tình trạng kiệt sức. Nhiều hình ảnh về các nhân viên y tế đã được chia sẻ trên mạng xã hội và thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng. Cụ thể: Tại Điện Biên, ngày 18/5, hình ảnh 2 nhân viên y tế tham gia dập dịch tại huyện Nậm Pồ, nằm ngủ tạm bợ trên vỉa hè, bên cạnh là chiếc xe cứu thương, khiến nhiều người xót xa. Được biết, công việc của 2 anh mỗi ngày là vận chuyển những F0, F1 đến các khu cách ly tập trung, khu điều trị. Trong 2 ngày đầu tiên tham gia chống dịch, các anh đều phải thức trắng đêm. Tại Trung tâm Y tế huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, có 2 nhân viên y tế kiệt sức khi cùng đồng đội gấp rút lấy hơn 28.000 mẫu xét nghiệm. Đại diện của Trung tâm Y tế huyện cho biết, để hạn chế những tác dụng phụ có hại của đồ bảo hộ, nhân viên y tế tại đây đã phải chia ca làm việc (hoặc làm sớm, nghỉ sớm; hoặc làm tối, thức muộn, cố gắng thời gian mặc đồ bảo hộ chỉ từ 3 - 4 tiếng). Thế nhưng thời tiết nắng nóng đã khiến nhiều nhân viên y tế kiệt sức. Mới đây, hình ảnh tấm lưng của một nhân viên y tế bị phồng rộp, đỏ ửng lên vì cháy nắng sau khi phải mặc bộ đồ bảo hộ y tế và làm việc ngoài trời ở tâm dịch Bắc Giang, khiến nhiều người xót xa. Không ít người đã để lại bình luận cổ vũ cho những bác sĩ, nhân viên y tế đang ở trong tâm dịch, đồng thời cũng nhắc nhở nhau không được lơ là, chủ quan và phải thực hiện nghiêm quy định 5K để phòng dịch. “Chúng ta nếu không thể làm thay thì cũng đừng khiến họ thêm khổ sở. Vì thế hãy ở đâu ở yên đó, hãy thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch Covid-19 nha! Chúng ta sẽ chiến thắng!”, một cư dân mạng chia sẻ. Trong ngày hôm qua (26/5), một nam sinh viên tình nguyện của Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương bị ngất xỉu khi đang lấy mẫu xét nghiệm cho người dân ở thôn Núi Hiểu, xã Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Nguyên nhân là do số lượng lấy mẫu đông và phải làm việc liên tục trong điều kiện bảo hộ nghiêm ngặt, thời tiết nóng bức nên nam sinh này bị sốc nhiệt và ngất. |
Hình ảnh các nhân viên y tế tại Điện Biên, Bắc Giang và Bắc Ninh kiệt sức giữa thời tiết nắng nóng. Ảnh: MXH |
Sáng nay (27/5), Bộ Y tế ghi nhận thêm 24 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 23 ca tại Bắc Giang, 1 ca ở Lạng Sơn. |
Hình ảnh tấm lưng bị phồng rộp của một nhân viên y tế sau khi phơi mình giữa cái nắng đầu hè ở tâm dịch Bắc Giang được chia sẻ trên mạng xã hội khiến nhiều người xót xa. Ảnh: MXH |