Số ca mắc Covid-19 tại tỉnh Bắc Ninh tiếp tục tăng, lao động trở thành F2 và phải sống trong khu vực cách ly y tế. Cuộc sống của họ gặp rất nhiều khó khăn. Để ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã ký văn bản 319/UBND-KGVX thực hiện giãn cách xã hội huyện Yên Phong kể từ 14h ngày 15/5. Như vậy, tỉnh Bắc Ninh đã có các huyện Lương Tài, Tiên Du, thị xã Từ Sơn, TP Bắc Ninh và huyện Yên Phong thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Huyện Thuận Thành thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg. Chỉ còn 2 huyện là Gia Bình và Quế Võ do chưa có ca mắc mới nên không thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội. UBND tỉnh Bắc Ninh đã khoanh vùng, rà soát và lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp có liên quan, đặc biệt là các công nhân của Nhà máy Samsung. Công nhân huyện Tiên Du là F2, sống trong khu vực phong tỏa nhận hỗ trợ. |
Đến nay, toàn tỉnh Bắc Ninh đã ghi nhận 192 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó Thuận Thành 161 ca, Yên Phong 16 ca, Tiên Du 5 ca, Từ Sơn 2 ca, TP Bắc Ninh 4 ca, Lương Tài 4 ca. Theo bà Nguyễn Thị Vân Hà - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh: “Ngoài 192 ca dương tính, tỉnh Bắc Ninh có gần ; gần 23.000 trường hợp là F2, chủ yếu là công nhân. Cuộc sống của công nhân lao động gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm việc làm, thậm chí một số doanh nghiệp phải dừng sản xuất. Theo thống kê chưa đầy đủ của huyện Thuận Thành, đã có 3.000 công nhân lao động ngoại tỉnh phải cách ly y tế, không có việc làm, không có thu nhập. Hơn lúc nào hết, anh chị em công nhân cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của cộng đồng". Huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh) thực hiện giãn cách xã hội từ trưa nay. Ảnh: Thông tin Chính phủ |
Ông Nguyễn Thế Quyết - Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh nêu thêm những khó khăn của người lao động: “Không chỉ lo ngại về sự an toàn, hiện nay, số lượng công nhân là F2 phải cách ly y tế tại nhà, nhà trọ và sống trong khu vực cách ly y tế không thể tới doanh nghiệp làm việc rất lớn. Công nhân chỉ được hưởng 70% lương cơ bản. Nhiều công nhân lâm vào cảnh khó khăn khi không có tiền tích lũy, vừa mới đi làm, lại phải thuê trọ, lo chi phí sinh hoạt…”. Hiện nay, LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh khẩn trương chỉ đạo LĐLĐ các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cấp xã rà soát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công nhân để huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ. LĐLĐ tỉnh cũng trích nguồn tài chính Công đoàn để hỗ trợ công nhân theo quy định của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Công nhân sống trong khu vực phong tỏa được nhận hỗ trợ. |
Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh đã hướng dẫn các công đoàn cơ sở cùng doanh nghiệp thành lập các Tổ Covid-19 tại từng bộ phận, tổ sản xuất. Đồng thời phối hợp với Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh kiểm tra trực tiếp doanh nghiệp, kịp thời chấn chỉnh, giúp đỡ doanh nghiệp khắc phục lỗ hổng về phòng, chống dịch Covid-19. Đối với các doanh nghiệp có người lao động là F0, F1, F2, công đoàn tổng hợp danh sách để tham gia với người sử dụng lao động về chế độ, chính sách có lợi cho người lao động. Bên cạnh đó, giám sát các trường hợp công nhân là F2 cách ly tại nhà, nhà trọ phải thực hiện nghiêm quy định. Chị Giàng Thị Dinh (công nhân đang trọ tại thôn Hoài Thượng, xã Liên Bảo, huyện Tiên Du) là lao động từ vùng cao xuống Bắc Ninh làm việc. Sống trong khu vực phong tỏa, trong túi chị chỉ còn 100.000 đồng. Cuộc sống đang rất khó khăn khi vừa không đi làm được, lại phải lo chi phí sinh hoạt, tiền thuê trọ. Chị Hoàng Thu Thảo (công nhân một công ty May ở huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) chia sẻ: “Em là F2 và đang phải cách ly tại ký túc xá của công ty. Em không thể ra ngoài mua đồ ăn. Em mới đi làm được 2 tuần thì dịch bùng phát, trong túi chỉ còn hơn 100.000 đồng cầm cự. May là công đoàn, công ty có hỗ trợ mì tôm, trứng để chúng em có lương thực sống qua ngày”. |
LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh tiếp nhận hỗ trợ cho công nhân lao động. |
Công nhân Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam - Bắc Ninh thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, giãn cách khi ra, vào ký túc xá.
|
Bài viết: Duy Minh Thiết kế: Duy Minh |