|
Trong gần hai năm qua, dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại Đà Nẵng đã để lại những mất mát đau thương mà không gì bù đắp được. Hơn 70 bệnh nhân đã vĩnh viễn nằm lại nơi “trận chiến sinh tử”, những sự ra đi khiến người chứng kiến cảm nhận rõ nỗi đau như mất chính người thân trong gia đình. Các y, bác sĩ, nhân viên Bệnh viện Phổi Đà Nẵng trong suốt thời gian qua, với nỗ lực của người Thầy thuốc đã hết mình cứu chữa nhiều ca bệnh nặng và cũng với cái tâm đầy trách nhiệm, yêu thương đã không để những bệnh nhân mất đi với nỗi hiu quạnh. Một nhóm luân phiên nhau từ 6 đến 8 người do Bệnh viện Phổi Đà Nẵng lập ra gồm các điều dưỡng, hộ lý (có khi cả bác sĩ điều trị) cùng các chú, các anh kỹ thuật và nhân viên hành chính, lặng thầm chu toàn để người đã khuất ra đi thanh thản. Tuy vậy, nhân ngày 20/10, tôi xin phép được chia sẻ câu chuyện của những người phụ nữ là chị Phan Thu Hoài (Trưởng phòng Tổ chức – Hành chính) và cô Cao Thị Tám (Hộ lý) trong việc chu toàn “nghĩa tử nghĩa tận” cho người đã khuất. |
Những cuộc gọi “dài nhất” |
Từ khi dịch bệnh bùng phát, chị Phan Thu Hoài nhận thêm một nhiệm vụ mới ngoài công việc chuyên môn, đó là đầu mối trong công tác lo hậu sự cho bệnh nhân Covid-19 qua đời. Đảm nhiệm công việc này cũng cho chị những trải nghiệm khó quên trong cuộc đời. “Em biết cuộc gọi nào là dài nhất không?”, chị Hoài hỏi tôi rồi tự đáp lời: “Cuộc gọi về cho gia đình các bệnh nhân đã mất em à!”. Những cuộc gọi ấy đã khiến chị Hoài nhiều lần kiềm nước mắt, hay im lặng lắng nghe tiếng nấc nghẹn ngào của người thân gia đình nạn nhân. “Thưa có phải người nhà bệnh nhân …, Bệnh viện Phổi có tin buồn, xin phép thông báo cùng gia đình …”, chị Thu Hoài mở đầu những cuộc gọi điện báo tin bệnh nhân đã tử vong. Cũng từ sự kết nối này, mỗi người thân lại gửi gắm những mong muốn để buổi tiễn biệt người đã khuất được chu toàn nhất. “Mỗi khi có bệnh nhân ra đi, tôi nhận thông tin từ khoa và thực hiện thông báo ngay cho nhân viên của phòng. Công việc trước hết là chuẩn bị tươm tất Nhà đại thể để đón bệnh nhân qua đời. Máy điều hòa được bật sẵn để bảo quản thi thể, chờ giờ nhập quan”, chị Hoài kể. Mỗi người ra đi có hoàn cảnh khác nhau. Vì dịch bệnh Covid-19, trong phút giây tử biệt thiêng liêng, theo quy định, không một người thân nào được phép tự lo liệu những công việc đạo hiếu lần cuối, như vệ sinh thân thể, khâm liệm, nhập quan… Tuy vậy, với nhiều nghi thức, phong tục tập quán trong đám ma chay, dù trong hoàn cảnh ngặt nghèo vẫn được mọi người thực hiện đầy đủ, trọn vẹn tình thâm. “Những cuộc gọi với gia đình, sau phút giây khó khăn, tôi động viên người nhà vực tinh thần và lần lượt trao đổi những đầu việc như xem giờ, chuẩn bị một chiếc áo quan, tư trang bỏ vào áo quan. Theo quy định phòng chống dịch Covid-19, khâu khâm liệm, nhập quan được thực hiện càng sớm càng tốt. Thông tin phối hợp phải vừa chặt chẽ, vừa hài hòa. Làm sao có đủ thời gian để người nhà xem giờ và chúng tôi sẽ cố gắng nhập quan đúng giờ gia đình chọn. Nhưng cũng phải hết sức lưu ý là không được vượt quá thời gian mà quy trình cho phép (chỉ trong vòng 6 tiếng đồng hồ)”, chị Hoài cho biết. |
Tùy vào thời gian giờ tốt người nhà xem được nên không phải giờ nhập quan lúc nào cũng diễn ra ban ngày mà có hôm, phải nhập quan và di quan sau 0h hoặc lúc 3h sáng. Nhiều tin nhắn của gia đình gửi gắm mong muốn, chị Hoài đều cẩn thận ghi lại. Từ việc cắt nút áo, mở bài kinh Phật, đĩa trái cây cúng đến để vàng hay ngọc trai trong hũ tro cốt sau khi đã hỏa táng xong. Không ít trong số đó là những lời bày tỏ tha thiết được vái lạy người nhà lần cuối. Sau khi trình bày với Lãnh đạo Bệnh viện và cũng để chia sẻ với nỗi đau quá lớn của gia đình, một người thân của bệnh nhân tử vong đã được tạo điều kiện trong trang phục bảo hộ đầy đủ, đứng xa, hướng về khu vực nhập quan vái lạy, tiễn biệt... “Mình đặt bản thân mình vào hoàn cảnh của người nhà và thấu hiểu những nỗi đau quá lớn đó. Trong thâm tâm mình, chỉ mong muốn sẻ chia được điều gì đó để người đi nhẹ lòng và người ở lại cũng mạnh mẽ bước tiếp”, chị Hoài tâm sự. |
Dẫu vậy, với chị Hoài, những ngày của tháng 8-9/2021 để lại trong chị nhiều nỗi ám ảnh. Bởi lẽ, có những ngày, chị Hoài phải gác lại hoàn toàn công việc chuyên môn để sắp xếp tang lễ cho 3-4 bệnh nhân không may mắn. Không những vậy, một vài gia đình chị Hoài phải gọi đến 2 lần để thông báo về tin buồn. “Chỉ cách nhau 2 tuần, tôi phải gọi về thông báo người cha mất sau đó là đến người con. Tiếng lòng tôi như nghẹn lại trước những đau đớn đó”, chị Hoài nhớ lại. |
Thay người nhà "Làm tròn đạo hiếu” |
Thay vai trò của những người thân trong gia đình nạn nhân, cô Cao Thị Tám (48 tuổi, Hộ lý Bệnh viện Phổi Đà Nẵng) là người tắm rửa, thay áo quần cho người đã mất. Sau khi bệnh nhân trút hơi thở cuối cùng, các y, bác sĩ nhẹ nhàng tháo ống thở và các thiết bị điều trị khác. Trước khi bắt đầu phần việc vệ sinh của mình, cô Tám lại kính cẩn vái lạy người đã mất. Công việc này chỉ từ khi dịch bệnh Covid-19 cô mới bắt đầu làm thế nhưng với lòng thành của mình cô luôn mong người đã mất được ra đi thanh thản. “Nhiều bạn trẻ khá sợ công việc này, nhưng tôi thì không nghĩ vậy. Mỗi khi bắt đầu vệ sinh cho người đã khuất, tôi đều vái lạy xin phép được chỉnh trang cho họ hình ảnh đẹp nhất và cầu mong họ ra đi thanh thản, phù hộ cho gia đình”, cô Tám tâm sự. Nhiều tháng liền “trực chiến” ở Bệnh viện Phổi, hơn ai hết, cô Tám chứng kiến nhiều nỗi cô đơn của những người đã khuất khi không thể có người nhà bên cạnh. Hình ảnh cuối cùng người nhà có thể thấy được cũng là lúc bệnh nhân với các thiết bị, ống thở chằng chịt trên người. Vì vậy, cô Tám luôn tâm niệm phải sửa soạn sao cho người mất đi có được hình ảnh đẹp nhất. |
Mỗi người, cô Tám lại cẩn thận chỉnh lại tay chân để người thẳng thớm, nhẹ nhàng lau chùi các vết bẩn. Đơn cử, nhiều trường hợp chưa nhắm mắt, cô Tám lại thủ thỉ, tâm sự để người mất an lòng rồi thay mặt gia đình được vuốt mắt. Không chỉ với tấm lòng của những người chăm sóc bệnh nhân, cô Tám còn dành lòng đạo hiếu cho những bệnh nhân mất lớn tuổi. Ba mẹ ruột và chồng cô Tám đều đã qua đời. Vì vậy khi chứng kiến hình ảnh những người lớn tuổi lại ra đi vào hoàn cảnh như vậy đã gợi lên nỗi đau trong cô. “Tưởng nhớ đến những người thân của gia đình mình tôi lại càng chạnh lòng cho những người ra đi trong hoàn cảnh hiu quạnh này. Khi ba mẹ tôi mất, con cái, hàng xóm đều đưa tiễn, còn những người mất vì Covid-19, họ lẻ loi. Cả đời vì con vì cháu, đến lúc mất đi chẳng thể được các con các cháu bên cạnh”, cô Tám tâm sự. |
Đáp lại những tình cảm chân thành của các cô, các chị trong công tác lo hậu sự, những lá thư ngỏ bộc bạch tình cảm được nhiều người thân gửi đến Bệnh viện Phổi, tất cả như lời tri ân sâu sắc nhất. Ngày 18/10, bệnh nhân Covid-19 nặng cuối cùng của Bệnh viện Phổi đã được xuất viện. Đó như món quà lớn cho toàn bộ nhân viên, y, bác sĩ của Bệnh viện. Tạm gác lại những âu lo, cô Tám, chị Hoài lại có những phút giây hồi tưởng thời điểm khó khăn vừa qua. Trong suốt hành trình lo hậu sự cho những người đã mất, những giọt nước mắt của chị Hoài, cô Tám đều được nén vào lòng. Chỉ đến khi nhắc lại câu chuyện cũ, cô Tám đã có những phút giây trầm ngâm, suy tư. |
Hai mùa dịch hoành hành trên đất Đà Nẵng, xen lẫn niềm vui mỗi khi cứu sống được bệnh nhân diễn biến nặng, là không ít những nỗi buồn không thể nào quên, canh cánh trong lòng mỗi lúc nhớ lại. Đã nhiều ngày rồi, cô Tám và chị Hoài chưa về nhà, nỗi nhớ các con giờ thành động lực lớn để các chị tiếp tục chiến đấu nơi tuyến đầu. Một ngày 20/10 lại đến với cô Tám, chị Hoài, những mong ước lại được cất lên nhưng nhiều nhất vẫn là sức khỏe. “Chứng kiến nhiều sự ra đi và những đau thương của người ở lại, với tôi lúc này, sức khỏe là điều quan trọng nhất. Đó cũng là mong muốn lớn nhất cho mọi người”, cô Tám tâm sự. |
Cô Tám (bên trái) và chị Thu Hoài (bên phải) trao đổi với nhau việc lo công tác hậu sự cho người đã khuất. |