Trải lòng của công nhân Công ty Namyang bị tạm hoãn hợp đồng lao động do dịch Covid-19
“Tôi bây giờ trẻ cũng không còn trẻ, già cũng không phải già. Nếu thất nghiệp, mấy người trẻ còn đi xin chỗ khác được. Tôi đây không còn bao nhiêu năm nữa là hết tuổi lao động rồi. Cả tuổi trẻ của tôi gắn bó ở đây, vậy mà đùng một cái người ta bảo để công nhân nghỉ việc là nghỉ ngay được sao? Khổ lắm, biết nói ra sao…”, công nhân P.T.T. có 14 năm làm việc tại Công ty Namyang, rưng rưng nói.
nữ công nhân 14 năm gắn bó với công ty; trụ cột gia đình
T
rường hợp của chị T chỉ là một trong số công nhân đang làm việc trong (đóng tại 120/1, Khu công nghiệp Amata, phường Long Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Họ đa số là những công nhân làm việc lâu năm, gắn bó cả tuổi trẻ của mình ở nhà xưởng của công ty. Với họ, đây giống như nhà của mình, đồng nghiệp như người thân vì thời gian gặp anh chị em trong công ty còn nhiều hơn thời gian gặp vợ, chồng và con cái.
Đôi mắt rớm lệ, chị T. kể cho tôi nghe về cuộc đời của mình từ những ngày đầu vào Đồng Nai lập nghiệp. Chị T. quê miền Bắc, vào đây làm việc từ những năm 2000. Qua nhiều công việc khác nhau, năm 2006, chị T. vào làm tại Công ty Namyang đến nay đã 14 năm. 14 năm gắn bó, với chị T. đó là cả thời thanh xuân, là những gì mà tuổi trẻ cống hiến hết sức mình.
Những buổi sáng sớm, chưa đến 6h30, chị đã có mặt tại công ty, chờ bảo vệ mở cổng là bật điện, mở máy làm luôn cho kịp đơn hàng ở trên giao xuống. Làm bất chấp thời gian. Xưởng trưởng, quản lý bảo tăng ca là tăng ca, không màng đến thời gian chăm con, lo cho gia đình,…
Nói về hoàn cảnh của chị T., nhiều chị em trong công ty lắc đầu ngán ngẩm: “Bà ấy là hoàn cảnh nhất đấy, nếu mà hoãn việc 4 tháng, thất nghiệp 4 tháng thì gia đình chỉ có chết đói”. Chị T. lập gia đình đến nay đã có hai con, một đứa lớp 9, một đứa lớp 5; anh chồng chị thì đau ốm triền miên; chị T. là lao động chính trong gia đình. Cuộc sống cứ thế trôi với gánh nặng trên đôi vai nhỏ bé của chị cả một gia đình 4 miệng ăn. Thỉnh thoảng ghé sang nhìn chị, tôi đã nghĩ rằng, chị có thể bật khóc bất cứ lúc nào.
“Nhà tôi hai cháu còn nhỏ, chồng thì yếu nay ốm mai đau, công việc lại không ổn định. Có mình tôi là lao động chính trong gia đình. Nếu bây giờ tôi nghỉ thì thật sự là mọi nguồn thu nhập không thể có. Cho nên tôi mong muốn công ty trả phụ cấp cho chúng tôi, đó là công sức bao nhiêu năm cống hiến của chúng tôi. Với những người , chúng tôi mong muốn công ty hỗ trợ 6 tháng lương tính theo thâm niên; còn dưới 10 năm là 4 tháng… còn những người đang mang thai, mới sinh xong nữa”, chị T. mong muốn.
Chị T. bộc bạch rằng, bản thân rất ham tăng ca vì là lao động chính trong gia đình nên phải ổn định, không dám nhảy nhót chỗ nào cả. Nếu chồng khỏe mạnh có công ăn việc làm ổn định thì chị không phải lo, làm đâu cũng được. Nhưng đến bây giờ, khi công ty đưa ra thông báo như vậy, chị quá ngỡ ngàng và cảm thấy đời công nhân bị đối xử bạc bẽo quá.
KẺ THẤT NGHIỆP NUÔI NGƯỜI ĐI LÀM
Trường hợp của chị L., quê miền Trung, 30 tuổi, làm tại công ty được 7 năm khiến người ta cám cảnh công nhân. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, công ty của chồng chị L cũng đã cho công nhân nghỉ việc. Hai vợ chồng có với nhau 3 đứa con. Thất nghiệp, anh chồng về quê mang theo hai đứa lớn, chị L. thuê trọ nuôi cháu nhỏ và làm việc tại Biên Hòa, Đồng Nai.
Kể cho tôi nghe về câu chuyện của mình mà chị L. ngao ngán: “Chị có thấy ai đi làm mà gọi điện về quê bảo với chồng đang thất nghiệp gửi tiền lên nuôi hai mẹ con không? Không phải bây giờ công ty tôi mới cho công nhân nghỉ việc đâu. Tháng 4/2020 được nghỉ 3 tuần chống dịch, công ty không đóng bảo hiểm cho công nhân; trả lương 170.000 đồng/ngày cho công nhân. Đến đợt vừa rồi, cuối tháng 8, đầu tháng 9, công ty cũng cho công nhân nghỉ với lý do chống dịch, trả cho công nhân 80.000 đồng/ngày. Mới đi làm được 8 ngày trở lại đây thì công ty đùng một cái thông báo cho công nhân tạm hoãn hợp đồng 4 tháng, không lương, không bảo hiểm… Đến bây giờ kêu tạm hoãn hợp đồng lao động, hỗ trợ công nhân 1 triệu/tháng; không đóng bảo hiểm thì lỡ có chuyện gì, ốm đau bệnh tật chúng tôi làm sao?”.
Theo chị L., 1 triệu hỗ trợ của công ty cho công nhân tạm hoãn hợp đồng không đủ để cho chị mua sữa cho cháu út. Hỗ trợ như vậy công nhân làm sao có thể sống để tiếp tục làm việc với công ty. Hầu hết đối với công nhân, điều mà họ thấy đau lòng nhất chính là sự thờ ơ, không thể hiện được trách nhiệm của người quản lý. Dẫu biết rằng dịch bệnh, công nhân và doanh nghiệp đều khó khăn nhưng cũng cần hỗ trợ cho công nhân của mình đủ sống. Huống chi những lao động làm việc tại đây đều có thâm niên 7 năm, 10 năm, có người 20 năm.
Đang mang thai, chị V. (quê An Giang) đã làm việc tại công ty 7 năm rất lo lắng về những tháng ngày tiếp theo của mình như thế nào. Điều chị mong muốn nhất đó là được đóng bảo hiểm đến khi chị sinh em bé. Có như vậy, cuộc sống của chị mới bớt lo đi phần nào. Nghỉ việc bây giờ, chị V. chưa biết làm gì khi đang có thai, bình thường nhiều công ty sẽ e ngại khi tuyển dụng. Còn hiện tại dịch bệnh, bà bầu xin việc càng khó hơn.
Hiện tại, đa số công nhân của Công ty Namyang rất mong muốn được Ban giám đốc xem xét hỗ trợ có tình và có lý. Những người lao động làm việc lâu năm cần được chăm lo, hỗ trợ với đúng những gì họ đã cống hiến với công ty. Nếu tạm hoãn hợp đồng 4 tháng, cần trả lương tối thiểu vùng cho người lao động thay vì 1 triệu/tháng. Công ty cũng cần có những hỗ trợ cho nữ công nhân đang mang thai và nuôi con nhỏ… Có như vậy, người lao động mới không bị tổn thương và tiếp tục cống hiến, cùng công ty trải qua thời gian khó khăn này.
“Tôi bây giờ trẻ cũng không còn trẻ, già cũng không phải già. Nếu thất nghiệp, mấy người trẻ còn đi xin chỗ khác được. Tôi đây không còn bao nhiêu tuổi nữa là hết tuổi lao động rồi.
Bài: Nga Nguyễn
Ảnh: Nga Nguyễn, NVCC
Đồ họa: Russia
Báo chí đồng hành cùng công nhân, công đoàn trong đại dịch Covid-19
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tái bùng phát, tổ chức Công đoàn đã tham gia cùng hệ thống chính trị và các doanh nghiệp ... |
Biên Hòa, Đồng Nai: Hơn 1.000 công nhân Công ty Namyang đình công
Công ty TNHH Namyang International - Việt Nam (Công ty Namyang), có địa chỉ tại Biên Hòa, Đồng Nai, ngày 19/9/2020 đã gửi thông báo ... |
Covid-19: Cập nhật thông tin mới nhất ngày 22/9
Cập nhật thông tin Covid-19 lúc 7h sáng ngày 22/9, toàn thế giới đã ghi nhận hơn 31,4 triệu ca bệnh Covid-19, trong đó có ... |