|
“Bầu cử là hoạt động lớn của toàn dân, 5 năm mới có một lần nên từ sớm, các mẹ, các chị hàng xóm cạnh nhà tôi đã diện áo dài rực rỡ để đi bỏ phiếu. Riêng tôi, tôi đặt niềm tin vào những đại biểu sâu sát với dân, đặc biệt là gần gũi với công nhân. Thế nên, tôi chọn màu áo xanh công đoàn cho ngày hội non sông”, chị Lại Thị Yến, cán bộ Công ty In Tiến Bộ chia sẻ. |
6 giờ sáng, chị Lại Thị Yến dậy chuẩn bị trang phục, xem lại tiểu sử tóm tắt của từng ứng viên trước khi đến điểm bầu cử. Chị tham gia bỏ phiếu tại điểm số 19, phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Trước ngày bầu cử, công đoàn công ty nơi chị Yến làm việc đã triển khai các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu về cách thức bầu cử an toàn, luật bầu cử và hướng dẫn cán bộ, công nhân viên tham gia bầu cử tại khu vực sinh sống. Tại địa phương, chị Yến được cung cấp tiểu sử tóm tắt của từng ứng cử viên. Một tuần trước ngày bầu cử, chị Yến đã nghiên cứu cơ cấu và số lượng đại biểu rất kỹ.
Trò chuyện với phóng viên, chị Yến cho biết: “Làm việc tại xưởng in, tôi suy nghĩ và cân nhắc lựa chọn đại biểu hướng về người lao động sản xuất. Tôi biết anh chị em công nhân rất cần một đại diện thực sự hiểu câu chuyện của họ, đại diện cho họ nói lên ý chí, nguyện vọng và sẵn sàng chịu trách nhiệm trước họ về tất cả lời nói và hành đông”. Không chỉ biết thông tin về bầu cử qua các hoạt động tuyên truyền, với trách nhiệm của một công dân, chị Yến chủ động tìm kiếm qua báo chí, mạng xã hội. Chị nghiên cứu rất kỹ thể lệ bầu cử, tiểu sử của từng ứng cử viên đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp. Khi đặt bút để lựa chọn các ứng cử viên, chị Yến rất cân nhắc để lựa chọn những đại biểu ưu tú, đại diện cho tiếng nói của dân.
“Cử tri chúng tôi tin tưởng và trao quyền của mình cho các đại biểu để phản ánh kịp thời nguyện vọng của cử tri với Quốc hội, các cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp. Người công nhân muốn đại biểu của mình lựa chọn phải hiểu tâm tư, nguyện vọng của người lao động; bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng đối với người lao động thông qua viêc giám sát, kiểm tra, phản biện và tham gia xây dựng chính sách pháp luật”, chị Yến nói.
Anh Trần Thanh Quyến, công nhân Công ty In Tiến Bộ tranh thủ cuối tuần về Nam Định để thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân. Anh Quyến tham gia bầu cử tại nhà văn hóa xóm 4, xã Xuân Châu, huyện Xuân Trường, Nam Định. Anh chia sẻ: “Tôi làm việc trên Hà Nội, cố gắng sắp xếp hai ngày cuối tuần về nhà đi bỏ phiếu. Mấy ngày trước ở đơn vị cũng có tập huấn về công tác bầu cử. Ở dưới quê thì hội đồng bầu cử vừa tuyên truyền vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh nên cử người phát danh sách lý lịch của đại biểu để bà con xem trước. Tôi về nhà vội nên trước hôm đi bầu cử cũng phải thức hơi muộn để “gu gờ” từng đồng chí”. Tại địa phương nơi anh Quyến sinh sống, các hoạt động tuyên truyền trước bầu cử diễn ra rất sôi nổi. Đến ngày 23/5, tất cả mọi người cùng háo hức, chọn những bộ quần áo đẹp nhất, diện nhất để đi bỏ phiếu. Còn anh Quyến vẫn mặc bộ đồng phục công nhân quen thuộc. Anh nói: “Đi bỏ phiếu là bầu cho người có đức, có tài. Tôi là công nhân, với tôi một đại biểu có đức và tài trước hết phải là người hiểu được đời sống của người lao động. Có tài giỏi, đức độ đến đâu mà xa rời nhân dân, nhất là công nhân thì những lời nói của họ cũng không thể đại diện cho tâm tư, nguyện vọng của những người lao động bình thường như tôi. Những người công nhân như chúng tôi, với mỗi lá phiếu trên tay, biết là nhỏ bé nhưng sẽ góp phần tìm ra người đủ đức và tài, thực sự xứng đáng là đại biểu được dân tin yêu”.
Giống như chị Yến, anh Quyến chọn chiếc áo công nhân sờn chỉ với lòng tự hào về màu áo xanh - màu của công nhân, màu của tổ chức Công đoàn. Anh tin rằng, cần có những đại biểu thân thiết với giai cấp công nhân. |
|