Tọa đàm "Nâng cao kỹ năng thương lượng, đàm phán cho cán bộ công đoàn cơ sở"
Cách làm hay - 09/04/2021 08:30 Nhóm PV
Thương lượng, đàm phán là một trong những kỹ năng quan trọng cần có để cán bộ công đoàn cơ sở thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ, chăm lo cho đoàn viên, người lao động (NLĐ). Thế nhưng thời gian qua, công tác thương lượng của các công đoàn cơ sở hoạt động vẫn chưa hiệu quả, nhiều nơi còn mang tính hình thức.
Mặt khác, Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, có nhiều quy định mới về đối thoại, thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể,… Những thay đổi này cũng ít nhiều tác động đến khả năng thương lượng, đàm phán của cán bộ công đoàn cơ sở. Làm thế nào để cải thiện tình trạng trên, đồng thời cung cấp thêm kiến thức pháp luật, trang bị những kỹ năng cần thiết cho cán bộ công đoàn cơ sở?
Câu trả lời sẽ có trong chương trình tọa đàm với chủ đề: “Nâng cao kỹ năng thương lượng, đàm phán cho cán bộ công đoàn cơ sở".
Chương trình được tổ chức tại TP Đà Nẵng với sự tham gia của các khách mời: Bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động - Tổng LĐLĐ Việt Nam; ông Nguyễn Duy Minh, Chủ tịch LĐLĐ TP Đà Nẵng; PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Hoa, Viện trưởng Viện Tâm lý và Truyền thông, nguyên Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị - Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Đặng Tuấn Tú, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH CHANGSHIN Việt Nam (đóng tại tỉnh Đồng Nai); ông Vũ Tú Nam, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Thủy sản Bắc Trung Nam (Đà Nẵng).
Toàn cảnh tọa đàm. |
Chương trình được tường thuật trực tiếp trên Tạp chí điện tử Cuộc sống an toàn tại website , Chuyên trang Bizlive.vn; đồng thời cũng được chia sẻ trên fanpage của Công đoàn TP Đà Nẵng và
Ông Nguyễn Duy Minh, Chủ tịch LĐLĐ TP Đà Nẵng, phát biểu khai mạc tọa đàm. |
Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Nguyễn Duy Minh, Chủ tịch LĐLĐ TP Đà Nẵng, chia sẻ: "Chương trình hôm nay có hơn 100 đồng chí cán bộ công đoàn cơ sở. “Nâng cao kỹ năng thương lượng, đàm phán cho cán bộ công đoàn cơ sở” được các cấp công đoàn xác định là nhiệm vụ quan trọng. Tập trung đào tạo cán bộ, tổ chức các lớp bồi dưỡng cho cán bộ công đoàn cơ sở, qua đó có những hành động thiết thực dành cho NLĐ. Tuy nhiên, thực tế một số cán bộ công đoàn năng lực và kỹ năng thương lượng đàm phán còn hạn chế, chưa mạnh dạn để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. Nguyên nhân là do cán bộ công đoàn cơ sở làm kiêm nhiệm, hưởng lương không cao.
Thực hiện chủ đề năm 2021, Ban Thường vụ LĐLĐ TP Đà Nẵng và Tạp chí Lao động và Công đoàn tổ chức chương trình tọa đàm với nội dung này. Tại tọa đàm, thông qua những kinh nghiệm thực tiễn, chúng ta sẽ có cơ hội được chia sẻ, lắng nghe kiến thức từ PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Hoa, người có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề đàm phán, thương lượng. Mong các cán bộ công đoàn cơ sở có mặt trong chương trình hôm nay đặt nhiều câu hỏi, thảo luận sôi nổi... để các lãnh đạo, chuyên gia giải đáp".
Các chuyên gia, khách mời trao đổi về kỹ năng thương lượng, đàm phán. |
PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Hoa, Viện trưởng Viện Tâm lý và Truyền thông, nguyên Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị - Ban Tuyên giáo Trung ương. |
3 nguyên tắc quan trọng với kỹ năng đàm phán
Theo PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Hoa, kỹ năng là hành động được mã hóa, được thực hiện một cách tự động, trở thành phản xạ tự nhiên. Trong kỹ năng đàm phán, có ba nguyên tắc: Mở rộng tầm nhìn, thay đổi nhận thức và rèn luyện bản lĩnh. Cụ thể:
Mở rộng tầm nhìn: Trong đàm phán với doanh nghiệp, có nhiều điểm đàm phán mâu thuẫn giữa chủ doanh nghiệp và công nhân, cán bộ công đoàn cơ sở sẽ là người ở giữa cần phải giải quyết vấn đề đó. Trong đàm phán với chủ doanh nghiệp, nếu có mâu thuẫn với chủ doanh nghiệp, hãy chia nhỏ mục tiêu đàm phán thành các phần nhỏ để đàm phán từng bước. Thông qua những điều khoản phụ được đàm phán thành công, rất có thể vấn đề chính đã được giải quyết. Không nên tập trung một cách cứng nhắc vào mục tiêu chính.
Thay đổi nhận thức: Tập thể với những đặc điểm, tính cách, nhu cầu, mong muốn khác nhau. Để đảm bảo thỏa mãn yêu cầu của mọi người, có một cách đó là lần lượt đáp ứng yêu cầu của từng người.
Theo tâm lý con người, từng cá nhân có thể cảm thấy thiệt thòi vì để được thỏa mãn một lần, phải chờ đợi, chia sẻ với những người khác. Trong tập thể 10 người, để được thỏa mãn 1 lần, mỗi cá nhân sẽ phải có tới 9 lần không được thỏa mãn, thay vào đó là nhu cầu của lần lượt 9 người còn lại được đáp ứng. Tuy nhiên đây là sự công bằng. Nếu chúng ta nhìn rộng ra thì từng cá nhân trong tập thể đều đang được đối xử giống nhau.
Để mở rộng tầm nhìn, sự thay đổi, nỗ lực và cố gắng phải xuất phát từ chính mình.
Rèn luyện bản lĩnh, bao gồm: Rèn luyện bình tĩnh (tập thở); tập nói trước đám đông (đọc to những đoạn văn một cách có cảm xúc, bắt đầu từ những đoạn ngắn - dài. Trước những buổi đàm phán, cán bộ công đoàn cơ sở có thể tập viết và đọc nhiều lần những nội dung muốn trao đổi); rèn luyện kỹ năng quan sát (ngoài tập trung vào nội dung, cách ứng xử, tông giọng, cử chỉ, thái độ của người đàm phán với chúng ta cũng cần được chú ý); nâng cao kiến thức (trau dồi hằng ngày, thường xuyên đặt bản thân vào vị trí của những người khác để mở rộng tầm nhìn, đánh giá đa chiều về một vấn đề).
Làm sao để đàm phán thành công với chủ doanh nghiệp?
Ông Đặng Tuấn Tú, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH CHANGSHIN Việt Nam, chia sẻ về câu chuyện ấn tượng khi thương lượng, đàm phán với chủ doanh nghiệp. |
Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa, để đàm phán thành công, chúng ta hỏi như một cách giao tiếp bình thường. Mọi thứ đều có hai chiều. Chúng ta muốn tìm hiểu cảm xúc lẫn nhau thì cần phải tích cực giao tiếp, rèn kỹ năng quan sát và rèn luyện bản lĩnh để tự tin hơn.
Tham gia tổ chức Công đoàn hơn 25 năm, ông Đặng Tuấn Tú, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH CHANGSHIN Việt Nam, chia sẻ, để đàm phán thành công, chúng ta phải bắt kịp, sáng suốt, xác định được thời điểm phù hợp. Trước hết phải tạo uy tín của bản thân, người thủ lĩnh, người đại diện cho công nhân lao động, luôn cần có thời gian để khảo sát, chuẩn bị, phân tích và tổng hợp ý kiến của NLĐ, không vội vàng trong quá trình đàm phán. Từng điều khoản nhỏ được đàm phán thành công sẽ góp phần đi đến mục tiêu đàm phán cuối cùng.
"Câu chuyện vào năm 2008 mà tôi từng trải qua là một ví dụ. Năm đó, sau một đêm, giá gạo tăng nhanh, công đoàn đã nhanh chóng trao đổi với doanh nghiệp xuống dưới Đồng bằng sông Cửu Long để mua gạo, đảm bảo anh em công nhân yên tâm lao động sản xuất. Đó là tiền đề cho siêu thị mini phục vụ công nhân sau này. Qua đó, công nhân hoàn toàn cảm thấy công đoàn luôn sát sao, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của họ. Một câu chuyện nhỏ khác nhưng rất thiết thực, đó là quan tâm tới bữa ăn sáng của NLĐ. Theo đó, công đoàn đã có ý kiến đề xuất với doanh nghiệp chuẩn bị bữa ăn sáng hằng ngày cho công nhân", ông Đặng Tuấn Tú chia sẻ.
Mặt khác, không chỉ tập trung đàm phán với chủ doanh nghiệp mà còn cần lắng nghe NLĐ khi có sự thay đổi trong các điều khoản thỏa thuận.
Ông Vũ Tú Nam, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Thủy sản Bắc Trung Nam (Đà Nẵng). |
Theo ông Vũ Tú Nam, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Thủy sản Bắc Trung Nam (Đà Nẵng), người có hơn 30 năm tham gia làm công tác công đoàn, để đàm phán thành công, cần phải xác định một số việc sau:
Thứ nhất, cần xác định những vấn đề thiết thực với NLĐ: Tiền ăn ca, khám chữa bệnh, tiền xăng xe, tiền hiếu, hỉ, sinh nhật,... Thứ hai, khảo sát phúc lợi của những doanh nghiệp tương tự, làm căn cứ để so sánh, đánh giá và thuyết phục chủ doanh nghiệp. Thứ ba, đề xuất cần căn cứ dựa trên Quỹ phúc lợi của doanh nghiệp, cần thống nhất với công đoàn và bộ phận tài chính, có chuẩn bị đầy đủ các thông tin về nội dung, về nguồn chi rõ ràng. Đề xuất có lợi cho NLĐ sẽ đảm bảo NLĐ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Trong thời gian qua, nhận thấy tình trạng bị bệnh ung thư cao, khám sức khỏe cơ bản là chưa đủ, nên công đoàn công ty đã đề xuất tầm soát các bệnh ung thư và hiện đã được chấp thuận. NLĐ rất phấn khởi, từ đó yên tâm lao động sản xuất và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Cán bộ công đoàn cơ sở cần nắm chắc kỹ năng thương lượng, đàm phán
Bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động - Tổng LĐLĐ Việt Nam. |
Bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động - Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết, Bộ luật Lao động năm 2019 đã có nhiều thay đổi, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ. Nắm chắc kỹ năng thương lượng, đàm phán và hiểu rõ quy định của Bộ luật mới sẽ giúp cán bộ công đoàn cơ sở là đại diện, bảo vệ tốt nhất quyền lợi của NLĐ.
Bộ luật Lao động năm 2019 thay đổi thế nào về thỏa ước lao động tập thể? Tại sao lại có chủ đề tọa đàm hôm nay? Xuất phát từ Bộ luật Lao động năm 2019 với nhiều thay đổi căn bản: Tạo cơ chế cho cán bộ công đoàn và người sử dụng lao động tăng cường hình thức đối thoại linh hoạt, tăng hiểu biết, tăng điều kiện tại nơi làm việc.... Những điều này hoàn toàn phụ thuộc vào việc chúng ta có tìm được vấn đề cần quan tâm trao đổi hay không.
Chủ đề tọa đàm hôm nay cực kỳ quan trọng. Từ trước đến nay, dù hay trao đổi về kiến thức pháp luật, nhưng chúng ta quên mất kỹ năng thực hành trong đối thoại thương lượng, là cơ sở để tập luyện, đặt ra vấn đề trao đổi với NLĐ và phải có môi trường để thuần thục kỹ năng mà chúng ta có.
Kỹ năng thương lượng đàm phán trong hoạt động công đoàn là khả năng vận dụng kiến thức về một lĩnh vực áp dụng trong thực tế. Đối thoại trong quan hệ lao động là vấn đề kiến thức trong đối thoại tại doanh nghiệp nhằm tăng cường hiểu biết giữa NLĐ và người sử dụng lao động để đôi bên cùng có lợi. Điểm mới là đối thoại được định nghĩa rõ hơn về vai trò. Trước đây, quan tâm đến thương lượng (bản thỏa ước tập thể), nhưng nếu quan tâm ở đối thoại là vấn đề chúng ta cần xác lập những vấn đề chưa có trong luật, liên quan đến quyền lợi của NLĐ cần ngồi lại với nhau để làm rõ, đối thoại những vấn đề mà cả 2 bên cùng quan tâm.
Thương lượng là quá trình thảo luận của 2 bên. Nguyên tắc thương lượng phải dựa trên hợp tác, thiện chí, bình đẳng, công khai minh bạch. Bộ luật Lao động năm 2019 quy định rõ thời gian bao lâu thì bên kia phải tổ chức thương lượng. Nếu không đảm bảo thiện chí thì sẽ chuyển sang tranh chấp lao động. Chúng ta không nhìn thấy quá trình xây dựng thỏa ước đó, thì nay Bộ luật Lao động năm 2019 cho thấy quá trình xây dựng. Đó không phải một cuộc họp mà là rất nhiều buổi thảo luận để cân nhắc thực tế, điều kiện,... cùng thống nhất với nhau.
Ông Nguyễn Duy Minh, Chủ tịch LĐLĐ TP Đà Nẵng, chia sẻ về việc ký kết thỏa ước lao động tập thể. |
Ông Nguyễn Duy Minh, Chủ tịch LĐLĐ TP Đà Nẵng, chia sẻ, có nhiều vấn đề như tiền lương, làm thêm giờ, ngoài giờ, phúc lợi khác.... Điều này đòi hỏi hai bên phải gặp gỡ, thảo luận với nhau. Tổ chức Công đoàn phải đứng ra hòa giải, thương lượng về vấn đề này. Kỹ năng thương lượng, đàm phán là rất cần thiết. Điều này đòi hỏi người cán bộ công đoàn phải có kiến thức về pháp luật, kỹ năng đàm phán, thương lượng, hiểu biết về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp... Để đàm phán, thương lượng thành công thì cũng cần đòi hỏi chọn lựa vấn đề hợp lý và quan trọng là phải kiên trì.
Tại Đà Nẵng, 1.184 doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn, 950 doanh nghiệp đã ký kết thỏa ước lao động tập thể. Đến 31/3, trên địa bàn thành phố đã có 60 bản ký kết mới, ký lại 84 thỏa ước lao động tập thể; trong đó 31% thỏa ước đạt loại A, B. Hiện Đà Nẵng đang phấn đấu tăng số lượng thỏa ước đạt loại A, B để nâng cao quyền lợi của NLĐ.
"Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức thêm những lớp tập huấn trang bị những kiến thức cần thiết cho cán bộ công đoàn, mở rộng đối tượng được tiếp cận đến cấp cơ sở, tăng tần suất các lớp đào tạo, bồi dưỡng và huấn luyện", ông Nguyễn Duy Minh chia sẻ.
Ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, phát biểu tại tọa đàm. |
Phát biểu kết luận tọa đàm, ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đánh giá cao sự phối hợp của Tạp chí Lao động và Công đoàn và LĐLĐ TP Đà Nẵng, đồng thời ghi nhận những thông tin chia sẻ hữu ích từ các chuyên gia, khách mời và những cán bộ công đoàn cơ sở có chuyên môn và kinh nghiệm trong thực tiễn. Chủ đề tọa đàm hết sức có ý nghĩa, nhất là trong bối cảnh công đoàn ngày càng xác định rõ ràng về vai trò của tổ chức.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, trong bối cảnh hội nhập, công đoàn phải quay lại chức năng vốn có của mình, và muốn thực hiện nó thì phải lấy thương lượng, đối thoại làm đầu.
Công đoàn Việt Nam có ba chức năng, trong đó chăm lo, bảo vệ quyền lợi NLĐ là chức năng cơ bản. Thương lượng và đối thoại là từ khóa.
Công đoàn ngày nay chủ yếu hoạt động trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Chủ doanh nghiệp tập trung vào vấn đề lợi nhuận là tiên quyết. Chính vì vậy, Công đoàn Việt Nam đã thực sự quay lại với chức năng vốn có của mình. Một trong những kết quả có tính chất bao trùm, sản phẩm điển hình của thương lượng và đối thoại là bản thỏa ước tập thể.
Nếu như hợp đồng lao động là đăng ký kết hôn giữa doanh nghiệp và công nhân thì thỏa ước lao động tập thể là cam kết để duy trì hạnh phúc. Các doanh nghiệp chưa có bản thỏa ước lao động tập thể thì công đoàn cơ sở cần xem xét lại.
Trên tinh thần này, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam mong muốn các cán bộ tiếp tục suy nghĩ và thể hiện quyết tâm:
Thứ nhất, coi trọng và quan tâm hơn nữa công tác thương lượng, đàm phán, vừa là nội dung và phương thức hoạt động.
Thứ hai, để đạt hiệu quả đòi hỏi các cán bộ công đoàn các cấp, nhất là cán bộ công đoàn cơ sở phải có kiến thức, kỹ năng, nỗ lực lớn, kiên trì vì NLĐ, khéo léo hài hòa với doanh nghiệp, hướng tới phát triển bền vững.
Thứ ba, lắng nghe đầy đủ, toàn diện, phân tích kỹ lưỡng tâm tư, nguyện vọng của NLĐ, phải có tính đại diện, điển hình, phù hợp với bối cảnh điều kiện thực tế của doanh nghiệp, xây dựng quan hệ tin cậy, hợp tác, nắm chắc tình hình doanh nghiệp, lựa chọn thời điểm phù hợp.
Thứ tư, lưu ý một số nguyên tắc: Thành công khi các bên đều đạt mong muốn (sẵn sàng thay đổi); đặt ra mục tiêu khác nhau nhưng phải đạt được mục tiêu cơ bản; trong thương lượng, đàm phán có lúc phải chấp nhận thất bại nhưng không vì thế mà nản lòng. Bộ luật Lao động mới được thiết kế để bảo vệ NLĐ ở mức tối thiểu, những vấn đề cụ thể và chi tiết do người sử dụng lao động và NLĐ chủ động thỏa thuận. Đây là thách thức nhưng cũng là động lực của công đoàn để thể hiện vai trò của mình, làm thế nào để xứng đáng với sự gửi gắm của NLĐ. Những cán bộ áo xanh với tinh thần phụng sự, bảo vệ NLĐ - những người yếu thế trong quan hệ lao động.
Ban Tổ chức tặng hoa cho các chuyên gia, diễn giả tham dự tọa đàm. |
Nghệ An: Phong trào thể dục thể thao trong CNVCLĐ ngày càng phát triển Những năm gần đây, cùng với sự quan tâm, chăm lo của các cấp công đoàn và sự thay đổi về nhận thức của mỗi ... |
Thanh minh cho sự NỊNH Trước tôi hay nghĩ oan cho những người hay nịnh là họ làm thế để , không vật chất ... |
Đồng phục của Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Hồng Hà Đồng phục của Công ty dinh dưỡng Hồng Hà |
Tin cùng chuyên mục
Cách làm hay - 09/03/2022 18:32
Nói về cuộc thi viết dành cho nữ cán bộ, công nhân viên nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, đồng chí Đinh Thị Phượng - Phó Chủ tịch Công đoàn, Trưởng Ban Nữ công Công đoàn Công ty Điện lực Nghệ An chia sẻ, cuộc thi nhằm lưu giữ những giá trị về tấm gương lao động nữ trong quá khứ lẫn hiện tại để các thế hệ sau ghi nhớ.
Cách làm hay - 06/03/2022 17:58
Trước thực trạng người lao động là F0 tăng cao trong khi lực lượng cán bộ y tế địa phương “mỏng”, LĐLĐ huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) kêu gọi các đoàn viên tham gia hỗ trợ nhập dữ liệu để người lao động nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ hưởng chế độ BHXH.
Cách làm hay - 05/03/2022 08:33
Trước thực trạng những ngày qua người lao động phải chật vật xin giấy xác nhận F0 và giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, Tổng LĐLĐ Việt Nam đưa ra một số kiến nghị, đề xuất với Bộ Y tế nhằm tháo gỡ khó khăn, giúp người lao động yên tâm sản xuất.
Cách làm hay - 27/02/2022 09:15
Hơn 20 năm hình thành và phát triển, để xây dựng một môi trường làm việc trong lành, đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ), Công ty TNHH Chaichareon Việt - Thái tại Khu Thương mại Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã thực hiện phương châm “Sạch người, sạch nết, sạch việc; biết nhặt, biết cất, biết vứt”, cùng chung tay xây dựng một môi trường làm việc xanh - sạch - đẹp.
Cách làm hay - 26/02/2022 15:54
Vừa qua, mô hình “Câu lạc bộ xanh - an toàn” của Liên đoàn Lao động thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng) vinh dự được Ban Dân vận Tỉnh ủy Lâm Đồng lựa chọn đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen trong phong trào “Dân vận khéo” phòng, chống Covid-19 năm 2021.
Công đoàn - 14/02/2022 07:00
“Bếp ăn yêu thương” của Công đoàn Trường TH Mà Cooih, huyện Đông Giang, Quảng Nam dẫu còn thiếu thốn nhưng vẫn “đỏ lửa” suốt 2 năm nay. Bếp ăn này phục vụ những suất cơm nóng hổi cho các y bác sĩ tuyến đầu chống dịch và những bệnh nhân là đồng bào dân tộc Cơ Tu có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện.