|
Vụ MEKONGTRANS 01 tại vùng biển Quảng Ngãi hôm 19/2 đã khiến một thuyền viên bị mất tích. Đến nay, công ty và gia đình người bị nạn vẫn tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng tìm kiếm người bị nạn. Theo báo cáo nhanh của , vào khoảng 17h40 ngày 19/2, Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi tiếp nhận thông tin tàu MEKONGTRANS 01 bị sự cố chập điện, phát nổ dẫn đến cháy khoang mũi khi đang hành trình trên vùng biển Quảng Ngãi. Đến khoảng 18h20 cùng ngày, thuyền trưởng thông báo đã khống chế và xử lý được đám cháy. Tuy nhiên, sau sự cố, sỹ quan máy là anh Đỗ Thanh Tùng (sinh năm 1993, quê ở thành phố Hải Phòng) đã bị mất tích. Thông tin về vụ việc, ông Lê Văn Lương - Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi cho biết, tàu MEKONGTRANS 01 gặp sự cố sau khi tiếp nhận 7.000 m3 dầu DO tại cảng xuất sản phẩm, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Tại thời điểm xảy ra tai nạn, trên tàu có 19 thuyền viên. |
Hiện trường vụ tàu chở dầu Trung Thảo bị cháy nổ khi neo tại phao số 01 (Dung Quất, Quảng Ngãi) khiến 1 thuyền viên tử nạn. Ảnh: V.B |
Sau khi tiếp nhận được thông tin, Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi đã phối hợp với các cơ quan chức năng nhanh chóng có mặt tại hiện trường và triển khai các biện pháp cứu nạn. Đồng thời, Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi cũng thông báo cho các tàu chở hàng, tàu cá hoạt động ở khu vực lân cận phối hợp tìm kiếm thuyền viên mất tích. Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải khu vực II và Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 cũng đã điều động tàu SAR 412 và tàu CSB 4033 đến hiện trường tham gia tìm kiếm. Tuy nhiên, trong suốt nhiều ngày qua, lực lượng chức năng vẫn chưa tìm thấy anh Đỗ Thanh Tùng. |
Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi phối hợp với lực lượng chức năng cứu nạn, cứu hộ tàu gặp nạn. Ảnh: V.B |
Vợ anh Đỗ Thanh Tùng cho biết: “Anh Tùng đi tàu đã được 4 - 5 năm nay. Tàu gặp nạn từ ngày 19/2/2021 nhưng gia đình biết tin tàu bị nạn khá muộn (ngày 1/3/2021). Hiện tại, gia đình vẫn trông chờ thông tin từ lực lượng tìm kiếm cứu nạn. Mặt khác, công ty cũng cử người cùng với gia đình tìm kiếm thông tin về anh Tùng. Lúc này, gia đình tìm kiếm người thân bằng cả phương pháp tâm linh”. Mới đây, nghe thông tin về anh Tùng tại vùng biển thuộc địa phận Tam Quan Bắc (tỉnh Quy Nhơn), gia đình cũng lập tức tổ chức tìm kiếm. Được biết, vợ chồng anh Tùng đã có một con nhỏ. |
Anh Đỗ Thanh Tùng - thuyền viên tàu MEKONGTRANS 01 đang mất tích. Ảnh: GĐCC |
Từ năm 2020 trở lại đây, những vụ cháy nổ tàu chở dầu đã xảy ra làm thiệt hại về người và tài sản. Đã có thuyền viên thiệt mạng do sự cố cháy nổ tàu. Trong đó có vụ cháy nổ tàu Trung Thảo 36-BLC ở vùng biển Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi (ngày 7/9/2020). Tàu Trung Thảo đã phát ra nhiều tiếng nổ lớn khi neo tại phao số 0 vùng biển Dung Quất. Vụ cháy nổ gây thủng mạn tàu hàng, khoang tàu bốc cháy, 12 thuyền viên bị hất xuống biển. Sự cố xảy ra khi tàu Trung Thảo 36-BLC chờ tiếp nhận nhiên liệu ở nhà máy lọc dầu. |
Ngoài nguy cơ cháy nổ, các tàu chở dầu còn đối mặt với nguy cơ cướp biển. Ảnh: Tàu VP ASPHALT 2 bị cướp biển tấn công khi đang hành trình tại vùng biển Singapore. Ảnh: N.Thành |
Đã có 11 thủy thủ được ứng cứu kịp thời. Riêng thuyền viên Nguyễn Thanh Lý (25 tuổi, quê ở xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi bị sóng cuốn mất tích) được tìm thấy sau đó nhưng đã thiệt mạng... Hiện nay, yêu cầu đảm bảo an toàn đối với tàu dầu và tàu chở hàng nguy hiểm khác được quy định tại Điều 115 Nghị định số 58/2017/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Hàng hải về quản lý hoạt động hàng hải. Tất cả các loại tàu dầu và tàu chở hàng nguy hiểm khác khi hoạt động tại cảng biển còn phải chấp hành nghiêm chỉnh những yêu cầu như: Một là, hai tàu không được phép cập mạn nhau cùng một lúc bốc, dỡ các loại hàng dễ cháy, nổ, trừ trường hợp cấp và nhận nhiên liệu hoặc chuyển tải dầu giữa hai tàu thuyền. Hai là, tất cả các loại tàu chở dầu hoặc các loại hàng hóa nguy hiểm khác tại cảng biển chỉ được phép tiến hành bốc, dỡ hàng hóa ở những khu vực riêng đã được công bố. Ba là, tại các khu vực quy định phải được trang bị các trang thiết bị phòng, chống cháy, nổ và ứng phó sự cố môi trường cần thiết theo quy định; trong suốt thời gian bốc, dỡ hàng hóa, tất cả các trang thiết bị này phải được duy trì ở trạng thái sẵn sàng hoạt động. Bốn là, việc bốc, dỡ và bảo quản các loại hàng hóa dễ cháy, nổ hoặc hàng hóa nguy hiểm khác phải được thực hiện đúng quy trình, quy tắc an toàn kỹ thuật quy định. Năm là, khi tiến hành lắp ráp các thiết bị bơm dầu khí, xăng, dầu, khí hóa lỏng, cặn dầu hoặc các chất nguy hại khác, thuyền trưởng và các bên liên quan phải cử đại diện để cùng kiểm tra, giám sát. Sáu là, khi xảy ra sự cố hoặc tai nạn liên quan đến việc bơm dầu hoặc việc bốc, dỡ các loại hàng nguy hiểm khác, thuyền trưởng phải dừng ngay việc bơm dầu hoặc bốc, dỡ hàng hóa và kịp thời áp dụng các biện pháp ngăn ngừa hiệu quả; đồng thời, phải báo cáo ngay cho Cảng vụ Hàng hải và các cơ quan chức năng có liên quan biết để triển khai việc phối hợp ứng cứu. Bài viết: Duy Minh
|