Tiền lương không đủ sống và hệ lụy - nhìn từ các doanh nghiệp may
Người lao động - 28/07/2019 20:21 Hải Dương - Phạm Thị Thu Lan (Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn)
Ảnh minh họa. |
L.T.S: Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) phối hợp với tổ chức Oxfam tiến hành nghiên cứu về tình hình tiền lương và điều kiện làm việc của NLĐ ở một số doanh nghiệp may cung ứng cho các nhãn hàng quốc tế. Qua đó, nêu lên các thực hành không công bằng trong chuỗi, dẫn đến việc trả lương không đủ sống cho công nhân. Kết quả nghiên cứu là những phát hiện có ý nghĩa, cung cấp bằng chứng, góp phần vào việc xây dựng lộ trình nâng lương từ mức lương tối thiểu (MLTT) lên mức lương đủ sống (MLĐS) cho công nhân ở Việt Nam. Bài viết dưới đây là một phần kết quả của nghiên cứu nói trên.
So sánh MLTT với MLĐS
Việt Nam có bốn vùng lương tối thiểu, phản ánh mức chi phí sinh hoạt khác nhau ở từng vùng. Ngoài lương, NLĐ thường được nhận các khoản phụ cấp, như tiền thâm niên, phụ cấp trách nhiệm, trợ cấp đào tạo, nhà ở, chuyên cần, thưởng năng suất... Lương cơ bản của công nhân trong các công ty may tại Việt Nam được ghi cụ thể trong HĐLĐ. Mức lương cơ bản ít nhất phải tương đương MLTT cộng thêm 7% phụ cấp đào tạo và 5% phụ cấp độc hại.
MLĐS theo định nghĩa chung toàn cầu là mức lương thấp nhất được trả cho một người làm việc toàn thời gian đủ để trang trải những chi phí cơ bản cần thiết, bao gồm thực phẩm đủ dinh dưỡng, nhà ở phù hợp, các tiện ích, chăm sóc sức khỏe, quần áo, đi lại và giáo dục, quan hệ xã hội, cùng với một khoản tiền tiết kiệm cho tương lai và các sự việc bất khả kháng xảy ra. MLĐS không phải là xa xỉ. Đó là mức tối thiểu mà tất cả mọi người làm việc đều cần có để thoát nghèo.
Có nhiều cách khác nhau để ước tính MLĐS, nhưng có hai phương pháp chính hiện nay là Sàn lương châu Á (AFW) và Liên minh Lương đủ sống Toàn cầu (còn được gọi là phương pháp Anker). Phương pháp Sàn lương châu Á tính MLĐS dựa trên mô hình tiêu dùng của châu Á nói chung theo đồng đô la với sức mua tương đương. Phương pháp Anker tính MLĐS dựa trên mô hình tiêu dùng của NLĐ trong nước với khảo sát giá cả trong nước, đảm bảo tiêu chuẩn đủ sống theo định nghĩa ở trên.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, lương tối thiểu trung bình quốc gia chỉ bằng khoảng 37% MLĐS theo Sàn lương châu Á và 64% MLĐS theo phương pháp Anker. Khảo sát thực tiễn một bộ phận công nhân ở 6/11 doanh nghiệp may cho thấy, 99% NLĐ có mức lương thấp hơn MLĐS của Sàn lương châu Á và 74% có mức lương thấp hơn MLĐS của Liên minh Lương đủ sống Toàn cầu. Nếu tính cả tiền lương làm thêm giờ, vẫn có hơn 52% công nhân may ở Việt Nam đang được trả mức lương dưới mức của Liên minh Lương đủ sống Toàn cầu, và 99% công nhân có mức lương thấp hơn mức Sàn lương châu Á. Tiền lương thực tế của công nhân may theo sản phẩm. Nếu không đủ số sản phẩm định mức để được lương tối thiểu, công nhân được bù lương. 45% nhóm công nhân được kháo sát thỉnh thoảng hoặc thường xuyên được bù lương trong năm.
Hệ lụy của lương không đủ sống
Kết quả nghiên cứu cho thấy ảnh hưởng của lương không đủ sống tới cuộc sống và công việc của NLĐ.
Kết quả khảo sát cho thấy, 69% công nhân không có đủ tiền để trang trải nhu cầu sinh hoạt; 31% không tiết kiệm được gì từ tiền lương; 37% luôn ở trong tình trạng vay nợ để bù lấp thiếu hụt chi tiêu; 68% hiếm khi hoặc chưa bao giờ có thời gian rảnh để đi thăm người thân và bạn bè; 96% không bao giờ hoặc hiếm khi đi ăn hàng. 28% công nhân nói rằng tiền lương không đủ để đảm bảo chi tiêu ăn uống cho gia đình trong tháng, trong đó 50% phải vay tiền để mua thức ăn; 6% cho biết vào cuối tháng, công nhân chỉ ăn cơm chan canh suông.
Lương không đủ sống buộc công nhân phải làm thêm giờ và điều này ảnh hưởng đến sức khỏe của họ. 65% công nhân nói thường xuyên làm thêm giờ; 22% không sử dụng thời gian nghỉ giữa giờ, đi vệ sinh cũng nhanh chóng quay về làm việc; 69% công nhân hay bị đau đầu, chóng mặt, tụt huyết áp, đau đốt sống cổ; 36% đang bị hen suyễn, huyết áp, tiểu đường, tim,…; 53% không đủ tiền trang trải chi phí khám chữa bệnh, thuốc men.
Về nhà ở và điều kiện sống, 23% đang sống trong điều kiện nhà ở tạm bợ; 44% đang sử dụng nước giếng và nước mưa không chắc có sạch, an toàn hay không. Về giáo dục và gia đình, 9% bày tỏ khó khăn về tài chính ảnh hưởng đến quyết định sinh con; 20% cho biết lương của họ không đủ để mua đồ dùng học tập cho con cái.
Tiền lương ảnh hưởng tới tâm trạng của NLĐ, tâm lý ức chế hoặc không thoải mái, thì năng suất và chất lượng công việc giảm, NLĐ làm việc uể oải, không hứng thú. Nhiều NLĐ nghĩ đến việc nghỉ việc để tìm kiếm cơ hội tốt hơn, làm cho biến động lao động cao.
Nguyên nhân của tiền lương không đủ sống
Kết quả khảo sát cho thấy, trong bối cảnh chi phí sản xuất tăng, lương tối thiểu tăng, chi phí đóng BHXH tăng, điện nước, nguyên liệu đầu vào tăng… và giá mua hàng của nhãn hàng và các công ty trung gian tìm nguồn trong chuỗi giảm, buộc các doanh nghiệp phải tìm cách tiết giảm chi phí. Đối với các doanh nghiệp may, chi phí lao động là cao nhất và vì vậy, các doanh nghiệp bằng mọi cách để giảm chi phí lao động, như giảm đơn giá tiền lương cho đơn hàng lớn, tăng làm thêm giờ thay vì tuyển thêm lao động, yêu cầu công nhân làm thêm giờ... 23% công nhân được phỏng vấn nói rằng họ bị la hét hàng ngày hoặc hàng tuần. Đi làm muộn, mang đồ ăn vào xưởng, nghỉ ốm, vi phạm nội quy, sản phẩm lỗi, không đạt định mức, quên không dọn vệ sinh,… tất cả đều có thể là nguyên nhân để NLĐ bị khấu trừ thu nhập.
Quyền lực mua hàng của các nhãn hàng là nguyên nhân cơ bản của thực hành thương mại không công bằng. Đấu thầu nhà cung ứng, không thương lượng về giá, đơn hàng nhỏ và không ổn định, thời gian giao hàng ngắn, phạt khắt khe của nhãn hàng đều là các nguyên nhân đẩy tới tiền lương không đủ sống của NLĐ. Mặc dù các công ty thực hiện đánh giá trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR), nhưng thường không hiệu quả vì CSR không có tiêu chuẩn về lương đủ sống.
Còn có nhiều rào cản khác cho thấy khó khăn trong việc cải thiện tiền lương của NLĐ, trong đó có hạn chế nhận thức về MLĐS. Lương đủ sống chưa được hiểu là một mức lương đảm bảo cho NLĐ và gia đình họ một cuộc sống có nhân phẩm, đảm bảo quyền con người và quyền được hưởng thụ cuộc sống.
Các doanh nghiệp gần như chưa bao giờ nghĩ tới lương đủ sống khi xây dựng chính sách tiền lương của mình, mà chỉ dựa trên MLTT theo quy định của pháp luật. Theo đó, doanh nghiệp tự tính toán và quyết định đơn giá tiền lương, định mức lao động, không thương lượng với công nhân và công đoàn. Doanh nghiệp chỉ điều chỉnh khi có sự phản ứng mạnh mẽ của NLĐ. Việc sửa đổi pháp luật trao cho các bên quan hệ lao động thực hiện thương lượng tập thể về tiền lương, trong khi tổ chức Công đoàn ở vị thế khó có thể thương lượng được do các hành vi phân biệt đối xử và can thiệp thao túng của doanh nghiệp. Hơn nữa, hạn chế của thanh tra lao động, hòa giải và trọng tài lao động khiến cho việc thực hiện mục tiêu lương đủ sống cho NLĐ khó đạt được trong thời gian gần.
Kiến nghị giải pháp
Kết quả nghiên cứu cho thấy việc giải quyết vấn đề tiền lương thấp và điều kiện làm việc kém không thể là giải pháp quốc gia mà phải là giải pháp toàn cầu.
Người tiêu dùng ở các nước phát triển cần hiểu rõ hơn về sản phẩm họ đang sử dụng được sản xuất ra như thế nào. Họ cần thông tin tới các nhãn hàng rằng họ quan tâm tới NLĐ sản xuất ra quần áo họ đang mặc, và yêu cầu và gây ảnh hưởng tới các nhãn hàng cam kết trả lương đủ sống trong chuỗi cung ứng của họ, đồng thời tham gia cuộc vận động nhãn hàng này.
Các nhãn hàng và công ty trung gian cần thực hiện trách nhiệm xã hội của họ trong chuỗi một cách thực chất hơn, thông qua việc đảm bảo quyền cơ bản của NLĐ trong chuỗi cung ứng, cam kết có trách nhiệm về trả lương đủ sống, xây dựng và công bố lộ trình về lương đủ sống, thực hiện và giám sát tiền lương đủ sống trong chuỗi cung ứng.
Chính phủ cần quan tâm hơn nữa tới NLĐ khi xây dựng chính sách tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu, không chỉ trong ngành May mà trong tất cả các ngành khác. Cần có các biện pháp cụ thể để thực hiện mục tiêu lương đủ sống cho NLĐ, bao gồm xây dựng lộ trình nâng MLTT hiện tại lên MLĐS, vinh danh doanh nghiệp trả lương đủ sống cho NLĐ, hợp tác toàn cầu để ngăn chặn cuộc chạy đua về thu hút đầu tư bằng chi phí lao động thấp, đảm bảo an sinh xã hội phổ quát cho mọi NLĐ.
Các hiệp hội doanh nghiệp trong nước cần liên kết các công ty sản xuất ngăn chặn chạy đua xuống đáy về giá đơn hàng, làm việc với các bên liên quan về MLĐS cho công nhân, thực hiện minh bạch về đơn hàng, tính toán đơn giá tiền lương và định mức lao động, đảm bảo đơn giá tiền lương và định mức lao động được xây dựng phù hợp, cũng như xác định cấu phần lương trong giá đơn hàng để đàm phán với khách hàng và nhãn hàng trong chuỗi.
Công đoàn cần phát huy hơn nữa vai trò của mình trong đại diện và bảo vệ NLĐ tại nơi làm việc, khởi xướng cuộc vận động nâng MLTT hiện tại ở các vùng lên MLĐS, thúc đẩy thương lượng tập thể về tiền lương, tăng cường năng lực đàm phán, thương lượng về tiền lương, tăng cường năng lực giám sát về thực thi pháp luật lao động và Quy tắc ứng xử của nhãn hàng.
Tin cùng chuyên mục
Đời sống - 19/09/2024 06:38
Ngày 18/9, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra mưa lớn trên diện rộng, có những điểm mưa như trút nước. Các cấp Công đoàn tỉnh Thừa Thiên Huế có những chỉ đạo, biện pháp ứng phó để đảm bảo an toàn cho công nhân, lao động và hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đời sống - 18/09/2024 16:29
Trước tình hình mưa to do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, nhiều đoàn viên, người lao động gặp khó khăn khi di chuyển, làm việc.
Người lao động - 17/09/2024 12:40
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) đang đề xuất phương án nghỉ Tết Âm lịch năm 2025 kéo dài 9 ngày liên tục cho cán bộ, công chức, viên chức.
Đời sống - 17/09/2024 09:52
Trước thảm họa cơn bão số 3 gây ra, ngành Y tế không chỉ ứng phó kịp thời mà còn có những quyết sách mang tính nhân văn. Một trong những hành động nổi bật là quyết định không thu viện phí đối với các nạn nhân vùng lũ, giúp họ giảm bớt gánh nặng chi phí y tế trong hoàn cảnh khó khăn.
Người lao động - 15/09/2024 08:02
Công đoàn Công ty CP Than Núi Béo cho biết, cuộc thi trực tuyến “CNVCLĐ tìm hiểu về công tác ATVSLĐ” với các nội dung kiến thức phong phú, rất sát với thực tiễn sản xuất của đơn vị.
Người lao động - 13/09/2024 15:40
Sau bão, đi kèm với lũ và ngập lụt, người dân và người lao động đặc biệt cần nước sạch để sinh hoạt. Vậy trong điều kiện thiếu thốn nguồn nước an toàn, cần xử lý nước thế nào để làm sạch nước, có nguồn nước đảm bảo sử dụng, phòng chống dịch bệnh?