Thuyền viên tàu cá bị tàu nước ngoài bắn được công đoàn hỗ trợ
Hoạt động Công đoàn - 24/09/2022 08:22 HÀ VY
Hậu khai giảng |
Anh Võ Minh Quân - thuyền viên tàu cá bị tàu nước ngoài bắn đang tiếp tục điều trị tại bệnh viện. Đây là thông tin do đồng chí Nguyễn Thanh Hùng - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) chia sẻ với phóng viên Tạp chí Lao động và Công đoàn.
“Thuyền viên Võ Minh Quân (quê ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) đã bị một nhóm người đi trên tàu lạ dùng súng bắn bị thương ở chân khi đang làm việc trên vùng biển thuộc khu vực Quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hiện tại, thuyền viên này vẫn phải nằm tại Bệnh viện Đa khoa TP Đà Nẵng để chờ phẫu thuật, gắp mảnh đạn ra khỏi chân" - đồng chí Nguyễn Thanh Hùng cho biết .
Đồng chí Vũ Xuân Thủy - Chủ tịch Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam trao hỗ trợ cho đoàn viên Võ Minh Quân thông qua Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu. Ảnh: A.LONG |
Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Châu cho biết thêm, qua máy bộ đàm tầm xa (I-com), ông đã liên lạc được với ngư dân đi trên tàu QNg 90962 TS. Các ngư dân tường trình vụ việc như sau: "Tối ngày ngày 9/9, chủ tàu QNg 90962 TS cho neo tàu để các thuyền viên thả ca-nô nhỏ ra ngư trường Trường Sa đánh bắt cá. Vị trí này cách đảo Tiên Nữ 5 hải lý. Trên tàu lúc này chỉ còn lại 2 người gồm chủ tàu và thuyền viên. Anh Võ Minh Quân cùng 9 thuyền viên ở trên 2 ca-nô khác nhau đi đánh bắt cá. Vào khoảng 22h ngày 9/9, tàu đang neo đậu thì xuất hiện tàu lạ áp sát. 5 người trên một tàu nước ngoài xông thẳng về phía ca - nô anh Quân đang làm việc. 3 người trong số đó có trang bị súng, bắn về phía anh Quân và các thuyền viên. Một nhóm người khác nhảy lên chiếc ca - nô thứ hai để trấn áp ngư dân. Thấy vậy, anh Quân nhanh chóng điều khiển ca - nô chạy về hướng mũi neo tàu để chạy thoát thì bị một trong ba kẻ này dùng súng bắn vào chân. Sau khi bắn bị thương anh Quân và lấy đi khoảng 70kg cá, nhóm người này rời đi".
Kể lại giây phút đối mặt với sinh tử, anh Võ Minh Quân chia sẻ: “Chuyến ra khơi lần này, chủ tàu thuê 12 thuyền viên đi đánh bắt ở ngư trường Trường Sa. Đến ngày thứ 16 (ngày 9/9), vào khoảng 22h, tôi và đồng nghiệp nghe tiếng báo động có ca - nô lạ tấn công. Loáng một cái, tôi nhìn qua mặt nước đã thấy bóng chiếc ca - nô lạ lao vút tới. Nghe tiếng “lách cách”, súng nổ, tôi nằm rạp xuống ca - nô nhưng không may vẫn bị trúng đạn ở chân. Lúc bị thương, tôi rất sợ nên giật ca - nô chạy về tàu cách đó 2 hải lý. Máu chảy đầm đìa nhưng trên tàu không đủ phương tiện sơ cấp cứu. Anh em thuyền viên phải cầm máu tạm thời cho tôi và điều khiển tàu chạy về Đội cấp cứu công binh đóng trên đảo Phan Vinh. Tàu đến đảo Phan Vinh đã là 6h tối ngày 10/9. Các bác sĩ trên đảo tiến hành sơ cấp cứu ban đầu, lau rửa vết thương và giữ tôi ở lại đây 2 ngày cho ổn định sức khỏe. Vì chân đau nhức quá, tôi được chuyển về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi. Sau 4 ngày, 4 đêm chạy từ đảo Phan Vinh về đất liền, không chịu nổi nữa, tôi mướn xe đi thẳng đến Bệnh viện Đa khoa TP Đà Nẵng để điều trị”.
Đoàn viên Võ Minh Quân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa TP Đà Nẵng. Ảnh: NVCC |
Anh Quân làm thuyền viên tàu cá đã hơn 40 năm. Ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa là nơi anh và đồng nghiệp đánh bắt cá, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Tuy vậy, vài năm trở lại đây, ngư trường không còn bình yên như trước vì xuất hiện tàu lạ tấn công tàu cá Việt Nam, đâm hỏng tàu thuyền, thu ngư lưới cụ..., không ít trường hợp, thuyền viên bị thương hoặc tử vong.
“Nghề cá vất vả mà thu nhập lại bấp bênh. Những năm gần đây, sản lượng đánh bắt của tàu không tăng lên. Mỗi chuyến đi biển kéo dài từ 15 đến 18 ngày, có những chuyến "trúng" thì trừ các khoản chi phí, anh em bạn biển được 7 đến 8 triệu đồng/người. Nhưng cũng có những chuyến chỉ được 4 đến 5 triệu đồng/người. Đôi lúc lại phải bù "tổn" (cách nói của ngư dân miền Trung về các khoản chi phí trong một chuyến đi biển như chi phí xăng dầu, đá lạnh và tất cả những nhu yếu phẩm phục vụ cho việc đánh bắt, sinh hoạt của thuyền viên). Đó là chưa kể đến các khoản sửa chữa tàu thuyền. Mỗi chuyến đi biển, "tổn" của chủ tàu khoảng 40 triệu đồng. Những tàu công suất lớn hơn thì mất từ 50 triệu đến 70 triệu đồng. Thu nhập giảm đi, khai thác ngày càng khó khăn và nguy hiểm vì tàu lạ tấn công” - anh Quân cho biết.
Theo các bác sĩ, anh Quân còn phải chờ vết thương ổn định mới được tiến hành phẫu thuật gắp mảnh đạn ra. Anh phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật nữa mới có thể đi lại được. Anh rất buồn vì từ nay không đủ sức khỏe để đi biển nữa. Vợ chồng anh và 3 người con phải mưu sinh bằng công việc khác.
Ông Phùng Bá Vương - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Châu cho biết, vụ việc này địa phương đã tiếp nhận thông tin từ phía gia đình. Địa phương đã phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng tiếp tục xác minh để làm rõ các ngư dân bị tấn công trên biển.
Theo Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Châu, vụ việc nghiêm trọng này cũng đã được chính quyền xã Bình Châu báo cáo khẩn cấp lên cấp trên, kiến nghị có giải pháp cụ thể bảo vệ ngư dân hoạt động đánh bắt trên vùng biển chủ quyền. Đồng thời ngăn chặn các hành động vi phạm của lực lượng nước ngoài để ngư dân an tâm vươn khơi. Nghiệp đoàn cũng tuyên truyền cho các ngư dân khi gặp những sự cố tương tự cần phải báo cáo ngay với lực lượng chấp pháp để được bảo vệ kịp thời.
Quỹ xã hội hóa - "lô cốt mỹ miều" cho nạn lạm thu Qũy xã hội hóa đang trở thành cái tên mỹ miều cho các khoản lạm thu hoặc bị các uyển ngữ “trên tinh thần tự ... |
"Cá chép hoá rồng" và "hội chứng sân bay" Trong muôn vàn thông tin cập nhật hằng giờ thì quyết định của tỉnh Sóc Trăng có thể không quá nóng, nhưng nó vẫn được ... |
3 năm thi đạt trên 27 điểm khối C, vẫn trượt! Thi 4 năm, với 3 năm liên tiếp đạt trên 27 điểm khối C, Nguyễn Linh (sinh năm 2001, Hải Phòng) vẫn trượt Nguyện vọng ... |
Tin cùng chuyên mục
Hoạt động Công đoàn - 26/09/2024 18:47
Vào tháng 10 này, cuộc thi Điểm đến an toàn năm 2024 với chủ đề “Sau giờ tan ca” sẽ được tổ chức nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và tìm hiểu kiến thức về trật tự an toàn giao thông, kỹ năng tham gia giao thông cho công nhân lao động trên địa bàn tỉnh Quảng Bình
Công đoàn - 26/09/2024 16:13
Sau những biến cố của cuộc đời, thầy giáo Nguyễn Như Hòa- người anh cả của tổ Ngữ văn Trường THCS Bình Thọ (phường Bình Thọ, Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh)- một Công đoàn viên xuất sắc đã tìm thấy được niềm tin vào cuộc sống. Từ vòng tay ấm áp, yêu thương của Công đoàn, thầy đã có được cuộc sống mới.
Công đoàn - 26/09/2024 07:56
Cán bộ công nhân viên Tổng Công ty May 10 (Long Biên, Hà Nội) ai cũng ấn tượng với câu chuyện cảm động về gia đình anh Nguyễn Hữu Huy – công nhân Tổ cắt, Xí nghiệp Veston. Sau sự cố hỏa hoạn xảy ra, mọi thứ trở thành tro bụi, nhưng nhờ sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội và Công đoàn đã giúp anh có một tổ ấm mới khang trang, tràn ngập ánh sáng của tình yêu thương, sẻ chia và đồng cảm.
Hoạt động Công đoàn - 25/09/2024 10:12
Nhắc đến anh Huỳnh Công Minh, chuyên viên kỹ thuật của Nhà máy Dệt nhuộm (Công ty Cổ phần Dệt may Huế, Thừa Thiên Huế) không ai không bồi hồi xúc động nhớ lại điều kỳ diệu năm ấy. Sau bao khó khăn hoạn nạn, anh như được hồi sinh lần nữa. Vòng tay Công đoàn đã góp phần tạo nên sức mạnh để anh vượt qua bạo bệnh, dần bình phục và quay trở lại cuộc sống.
Hoạt động Công đoàn - 25/09/2024 07:44
Trong cuộc sống, có những con người âm thầm đóng góp mà không màng đến những lời khen hay sự công nhận. Ở Trường THCS Đồng Khởi (quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh), một tấm gương tiêu biểu như thế chính là thầy Nguyễn Tuấn Kiệt, Chủ tịch Công đoàn trường. Anh không chỉ hoàn thành tốt công việc chuyên môn mà còn là người luôn phấn đấu vì lợi ích của tập thể, chăm lo chu đáo cho đoàn viên Công đoàn.
Hoạt động Công đoàn - 24/09/2024 16:52
Cơn bão số 3 (Yagi) tàn phá nặng nề nhiều tỉnh, thành phía Bắc và cướp đi sinh mạng của nhiều người dân. Từ những hành động giúp đỡ nhỏ bé đến những lời kêu gọi lớn lao đều thật trân quý, góp phần chung sức xoa dịu nỗi đau cho những người dân chịu nhiều ảnh hưởng trong bão lũ. Sau Covid-19, trong gian khó, tình Công đoàn lại có dịp tỏa sáng, ấm nghĩa trọn tình.