Theo Cục Hàng hải Việt Nam, một trong những nguyên nhân khó khăn để thay thế thuyền viên là do việc đặt chỗ trên các chuyến bay được Chính phủ bảo lãnh phải được Đại sứ quán Việt Nam ở các nước xét duyệt theo thứ tự ưu tiên. Thuyền viên không nằm trong danh sách đối tượng được ưu tiên, do vậy việc đưa thuyền viên về rất khó thực hiện được bằng đường hàng không.
Thời gian qua, Cục Hàng không Việt Nam và các hãng hàng không đã nối lại một số đường bay quốc tế. Nhưng khi các đường bay quốc tế mở lại với tần suất chuyến bay tăng dần, nhiều thuyền viên hết hạn hợp đồng mắc kẹt vì Covid-19 vẫn không dễ dàng về nước. Tìm được chuyến bay đã khó, lên được chuyến bay cần thêm may mắn.
Anh Tạ Trần Châu Phong (quê ở Kiên Giang) đã 7 tháng nay. Anh đang làm việc cho hãng tàu nước ngoài, hết hạn hợp đồng từ tháng 3/2020. Tuy nhiên, dịch bệnh lan rộng trên thế giới dẫn đến anh và đồng nghiệp bị mắc kẹt trên tàu.
“Do không về nước được nên thuyền trưởng giữ tôi lại làm việc đến tháng 5/2020 và ký hợp đồng thêm 2 tháng. Việc tìm kiếm vé máy bay về nước rất khó khăn, thậm chí còn có tình trạng vé ảo. Tiếp tục tình trạng như thế này, thuyền viên rất mệt mỏi và kiệt sức” - anh Phong chia sẻ.
Nhiều tháng qua, anh Phong vẫn nỗ lực tìm kiếm chuyến bay và đăng ký vé. Hằng ngày, anh tìm kiếm thông tin từ các trang web của đại sứ quán và kinh nghiệm của các thuyền viên khác. Dù đăng ký rất nhiều nhưng anh nhận được rất ít hồi âm. Theo anh, các chuyến bay ưu tiên công dân Việt Nam sinh sống tại các nước sở tại nên việc thuyền viên có vé sẽ khó khăn hơn.
Anh Đặng Đình Trường, thuyền viên may mắn mua được vé máy bay về Việt Nam vào đầu tháng 9/2020 chia sẻ: Lần đầu tiên, anh cũng không nhận được email thông báo về chuyến bay từ Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp vì số lượng người đăng ký rất đông. Các đại sứ quán tại các nước khác cũng không có hồi âm.
“Hằng ngày, dù công việc bận nhưng vẫn phải canh vé. Khi không đặt được vé thì buồn lắm. Chỉ có thuyền viên Việt Nam là mắc kẹt lại, còn các bạn Nga, Latvia làm việc cùng tàu vẫn bay về nước được” - anh Trường chia sẻ.
Liên quan đến việc tháo gỡ khó khăn, đưa thuyền viên mắc kẹt tại nước ngoài hồi hương khi hết hạn hợp đồng, Cuocsongantoan.vn đã có Công văn số 306/LĐCĐ ngày 7/9/2020 gửi Cục Hàng hải Việt Nam.
Trả lời vấn đề Cuocsongantoan.vn nêu, Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, lượng thuyền viên thay thế tại cảng biển Việt Nam (bao gồm thuyền viên Việt Nam làm việc trên tuyến quốc tế, thuyền viên nước ngoài đến thời hạn thay thế) nhiều nhất tập trung tại một số cảng biển như Hải Phòng, Quảng Ninh, Vũng Tàu, Quảng Trị, Nha Trang, Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, tại Hải Phòng, từ tháng 2/2020 đến ngày 31/7/2020 giải quyết cho 832 thuyền viên quốc tịch Việt Nam và 130 thuyền viên quốc tịch nước ngoài.
Công văn phúc đáp của Cục Hàng hải Việt Nam. |
Tuy nhiên, số thuyền viên hồi hương bằng đường hàng không còn rất hạn chế. Nguyên do là việc đặt chỗ cho thuyền viên trở về Việt Nam bằng các chuyến bay do Chính phủ bảo lãnh phải được Đại sứ quán Việt Nam ở các nước xét duyệt theo thứ tự ưu tiên. Thuyền viên không nằm trong danh sách đối tượng được ưu tiên, do vậy việc đưa thuyền viên về rất khó thể thực hiện được bằng các đường hàng không. Theo quy định, khi thay thế thuyền viên phải có thuyền viên khác sang thay thế. Tuy nhiên việc đưa thuyền viên từ Việt Nam sang thay thế cũng gặp các khó khăn tương tự, dẫn đến một số lớn thuyền viên đã quá hợp đồng lao động bị kẹt trên tàu mà chưa có hướng giải quyết. Thuyền viên không được hồi hương theo đúng quy định của Công ước Lao động Hàng hải (MLC).
Bên cạnh đó, thuyền viên là lao động đặc thù có thời gian làm việc xuyên suốt trên tàu kéo dài từ 9 - 12 tháng. Công việc nặng nhọc, thuyền viên đối mặt nhiều nguy hiểm như bão, cướp biển, thiên tai… Do việc hạn chế đi lại trong dịch Covid-19, việc hồi hương thuyền viên Việt Nam của các chủ tàu đang rất khó khăn để thay thuyền viên dẫn đến tâm lý bất an và dễ ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động.
Nhằm giải quyết trường hợp chủ tàu đề nghị gia hạn hợp đồng cho thuyền viên do chủ tàu gặp khó khăn trong việc hồi hương thuyền viên trong dịch Covid-19, ngày 06/8/2020, Cục Hàng hải Việt Nam có văn bản số 2812/CHHVN-VTDVHH ngày gửi Hiệp hội chủ tàu Việt Nam, Hiệp hội chủ tàu địa phương, các chủ tàu Việt Nam, đại lý tàu biển, các tổ chức quản lý và cung ứng thuyền viên về việc gia hạn thời gian làm việc trên tàu cho thuyền viên theo hướng dẫn của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Theo đó trong trường hợp chủ tàu gặp khó khăn khi đưa thuyền viên hồi hương, trên cơ sở thỏa thuận giữa chủ tàu và thuyền viên đồng ý gia hạn hợp đồng, các chủ tàu gửi văn bản đề nghị về Cục Hàng hải Việt Nam để xem xét, chấp thuận gia hạn thời gian hồi hương của thuyền viên trong thời gian phù hợp (không quá 3 tháng) theo hướng dẫn của ILO.
Cục Hàng hải Việt Nam cũng đề nghị các cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp để rà soát số lượng thuyền viên có nhu cầu thay thế trong thời gian tới để có cơ sở làm việc với Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) đề xuất giải pháp hỗ trợ cho thuyền viên được hồi hương trong thời gian sớm nhất.
Để tạo điều kiện thuyền viên được thay thế thông qua kênh cảng biển, Cục Hàng hải Việt Nam đã chỉ đạo các cảng vụ hàng hải tạo thuận lợi cho phương tiện tàu thuyền thực hiện công tác thay thế thuyền viên tại cảng. Đồng thời vẫn phải áp dụng nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo đúng quy định, bảo đảm tuyện đối an toàn cho phương tiện và con người. Đồng thời Cục đã có văn bản tổng hợp vướng mắc khó khăn và đề xuất giải pháp tới Bộ Giao thông vận tải, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính xem xét các giải pháp nhằm tạo điều kiện đưa thuyền viên Việt Nam hết hạn hợp đồng đang mắc kẹt tại nước ngoài vào danh sách ưu tiên trên các chuyến bay của Chính phủ Việt Nam và qua đường cảng biển Việt Nam.
Theo số liệu từ Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO), gần một triệu thuyền viên đang làm việc trên khoảng 60.000 tàu chở hàng lớn trên toàn thế giới. Tính đến tháng 8/2020, ước tính hơn 250.000 thuyền viên cần hồi hương. Còn đối với Việt Nam, theo thống kê chưa đầy đủ có khoảng vài trăm thuyền viên đang mắc kẹt ở nước ngoài.
Bài: Duy Minh
Ảnh: ST
Đồ họa: Duy Minh