Thương lượng tập thể: Công đoàn không thay vai trọng tài hòa giải của Nhà nước
Chính sách mới - 04/11/2022 19:05 PHẠM THỦY
PV: Xin đồng chí chia sẻ nhận định về vai trò của báo cáo định kỳ tình hình thực hiện Công ước 98 (CƯ 98) của Việt Nam với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) lần này?
Đồng chí Phạm Thị Thu Lan: Theo quy định của ILO thì với các CƯ cơ bản (10 CƯ) như CƯ 98 thì ba năm một lần, Việt Nam phải báo cáo về tình hình thực hiện; với các công ước còn lại (190 CƯ, còn gọi CƯ kỹ thuật) mà Việt Nam phê chuẩn thì 6 năm phải báo cáo một lần. Tất cả các quốc gia thành viên ILO đều có nghĩa vụ báo cáo như vậy.
Với tư cách thành viên ILO, nghĩa vụ báo cáo cũng chính là quyền và lợi ích của chúng ta. Khi chúng ta xây dựng báo cáo, cung cấp thông tin và Ủy ban Chuyên gia (UBCG) của ILO đóng góp ý kiến và bình luận, sẽ giúp chúng ta tìm ra khoảng trống hoặc những vấn đề pháp luật cần thay đổi, điều chỉnh, từ đó nội luật hoá để hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm tiếp cận với các tiêu chuẩn lao động quốc tế một cách toàn diện. CƯ 98 nói về thương lượng tập thể (TLTT) và khi Việt Nam đã phê chuẩn rồi thì điều đó đồng nghĩa với việc khởi đầu sự thay đổi cách thức vận hành của cả hệ thống quốc gia. Trước đây, cách thức vận hành của các bên quan hệ lao động chủ yếu là Nhà nước xây dựng pháp luật, điều hành và chỉ đạo các bên thực hiện. Hiện giờ, cơ chế của CƯ đòi hỏi vai trò của các bên tham gia đối thoại, thương lượng và cùng nhau xây dựng và đóng góp ý kiến nhằm cập nhật và thay đổi thường xuyên hệ thống pháp luật và thực tiễn để phù hợp với CƯ, đóng góp cho sự phát triển của quốc gia. Đây chính là tầm quan trọng của CƯ này.
PV: Là người cung cấp thông tin cho báo cáo quốc gia liên quan tới các yêu cầu và khuyến nghị của UBCG của ILO trong việc thực thi Công ước 98 của Việt Nam lần này, theo đồng chí, vấn đề UBCG quan tâm nhất là gì?
Đồng chí Phạm Thị Thu Lan: UBCG quan tâm đến việc đảm bảo quyền tiếp cận và được bảo vệ công bằng của mọi người lao động và các tổ chức đại diện của họ ở cả cấp cơ sở và cấp trên, bao gồm cấp ngành và cấp quốc gia, trong việc thực hiện quyền TLTT theo tinh thần của Công ước cũng như thúc đẩy quan hệ lao động giữa giới chủ và người lao động được cải thiện tốt hơn.
PV: Ý kiến của đồng chí về đặc thù quan hệ lao động ở Việt Nam hiện nay?
Đồng chí Phạm Thị Thu Lan: Hệ thống quan hệ lao động ở Việt Nam hiện nay chưa thực sự vận hành theo đúng mô hình quan hệ lao động của nền kinh tế thị trường. Mình vẫn thực hành theo cơ chế cũ, cơ chế của nền kinh tế còn tập trung và theo kiểu quản trị lao động, quản trị nhân lực chứ chưa phải là quan hệ lao động theo đúng nghĩa 2 bên.
Nếu theo mô hình quan hệ lao động, những mâu thuẫn về lợi ích giữa người sử dụng lao động và người lao động cần được ưu tiên giải quyết thông qua thương lượng và hoà giải, trọng tài. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, khi có vấn đề tranh chấp lao động nảy sinh trong thương lượng, đặc biệt ở cấp cơ sở, thì công đoàn cấp trên thường xuống giải quyết. Lúc này hệ thống hòa giải, trọng tài của Nhà nước bị vô hiệu. Chính vì vận hành theo cơ chế quản trị nhân lực nên hoà giải, trọng tài của Nhà nước không phát huy được vai trò. Các tranh chấp về quyền sẽ được giải quyết tốt theo cơ chế quản trị nhân lực dựa trên các quy chế, quy định đã có, nhưng các tranh chấp về lợi ích thường dẫn tới đình công tự phát do thiếu cơ chế thương lượng và vai trò của hòa giải, trọng tài.
PV: Theo đồng chí, vì sao hoà giải, trọng tài lại quan trọng trong TLTT?
Đồng chí Phạm Thị Thu Lan: TLTT diễn ra giữa một bên là người lao động và tổ chức của họ với một bên là người sử dụng lao động, có thể được thực hiện ở tất cả các cấp: cấp doanh nghiệp, ngành, khu vực và quốc gia. Để các điều kiện và điều khoản việc làm được thiết lập và các vấn đề được giải quyết thông qua cơ chế đối thoại và thương lượng thì cần có hệ thống hoà giải, trọng tài phát triển. Hệ thống hòa giải, trọng tài phát triển có nghĩa là quan hệ lao động phát triển và TLTT phát triển. Vai trò của hòa giải, trọng tài là hỗ trợ cho các bên quan hệ lao động trong các trường hợp thương lượng bế tắc. Nếu TLTT ở doanh nghiệp bế tắc, công đoàn cấp trên xuống hỗ trợ hòa giải, trọng tài giữa hai bên để giải quyết tranh chấp, như vậy cho thấy công đoàn cấp trên đang làm thay vai trò hòa giải, trọng tài của Nhà nước, và không đúng tính chất vai trò của tổ chức Công đoàn trong quan hệ lao động hai bên.
Đồng chí Phạm Thị Thu Lan – Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn. |
PV: Theo đồng chí cần thay đổi gì để phát huy vai trò của hoà giải, trọng tài trong phát triển quan hệ lao động, nâng cao vị thế của người lao động, bảo vệ quyền của họ trong mối quan hệ với người sử dụng lao động?
Đồng chí Phạm Thị Thu Lan: Trong tình hình mới, sắp tới đây tổ chức Công đoàn sẽ không thể đứng ở vị trí trung gian giữa người lao động và người sử dụng lao động nữa mà cần trở về đúng vai trò đại diện cho người lao động của mình. Công đoàn phải đại diện cho người lao động trong đối thoại và thương lượng với người sử dụng lao động. Trong trường hợp bế tắc, công đoàn cần mời hoà giải, trọng tài của Nhà nước vào cuộc để hỗ trợ công đoàn tiếp tục thương lượng. Đồng thời Nhà nước cần xây dựng năng lực cho hoà giải, trọng tài và có biện pháp để tăng cường vai trò của hòa giải, trọng tài trong quan hệ lao động nhằm thúc đẩy các bên TLTT.
PV: Ở góc nhìn của nhà nghiên cứu, xin đồng chí cho biết vì sao công đoàn không phát huy hết vai trò đại diện cho người lao động trong thương lượng với người sử dụng lao động?
Đồng chí Phạm Thị Thu Lan: Một nguyên nhân chính là tổ chức Công đoàn hiện nay vẫn tiếp nối vai trò lịch sử trong cơ chế cũ. Cơ chế kinh tế kế hoạch tập trung tạo ra vai trò của cán bộ công đoàn là khuyến khích, động viên công nhân làm việc, tạo ra năng suất và rồi công đoàn tham gia chia sẻ lợi ích lao động, trong đó ông chủ doanh nghiệp cũng có một phần như công nhân. Như thế công đoàn ở vai trò đứng giữa phân chia phúc lợi. Nhưng trong cơ chế thị trường thì ông chủ chỉ quan tâm đến lợi ích của ông ấy, nên lúc này công đoàn phải đứng về phía người lao động. Việc chưa chuyển đổi được vai trò này có nguyên nhân về cơ chế bảo vệ cán bộ công đoàn trong pháp luật chưa hiệu quả. Pháp luật nghiêm cấm người sử dụng lao động phân biệt đối xử đối với công nhân và cán bộ công đoàn, nhưng trong thực tiễn, cán bộ công đoàn đứng về phía người lao động, đấu tranh cho người lao động rất dễ bị mất việc làm. Cán bộ công đoàn bị phân biệt đối xử, lúc đó ai bảo vệ họ? Vì thế, cán bộ công đoàn chọn cách an toàn là đứng ở vị trí trung gian và hài hoà lợi ích giữa 2 bên. Khi công đoàn đứng ở vị trí trung gian thì vai trò hoà giải, trọng tài của Nhà nước không còn. Chính vì vậy, tuân thủ quy định của Công ước 98 thì các bên quan hệ lao động phải độc lập với nhau, từ đó mới có thương lượng theo đúng nghĩa và mới cho chỗ vai trò hòa giải và trọng tài của Nhà nước. Cơ cấu tổ chức, nhân sự và hoạt động của công đoàn phải độc lập với người sử dụng lao động mới vận hành được mô hình giải quyết vấn đề theo cách của quan hệ lao động thay vì quản trị nhân lực. Để độc lập với người sử dụng lao động và có vị thế thương lượng, công đoàn cần hoạt động dựa trên sức mạnh của đoàn viên, sức mạnh của tổ chức, sức mạnh của người lao động. Đình công chỉ là vũ khí cuối cùng. Công đoàn không cần dùng đến đình công nhưng cần phải có khả năng tổ chức đình công thì ông chủ mới ngồi thương lượng với công đoàn. Khi đó, nếu thương lượng bế tắc sẽ cần tới vai trò hòa giải và trọng tài của Nhà nước.
PV: Nghĩa là sao ạ?
Đồng chí Phạm Thị Thu Lan: Nghĩa là để góp phần thực hiện tốt Công ước 98, pháp luật cần tiếp tục hoàn thiện, nhưng bản thân tổ chức Công đoàn cũng phải trở về đúng vai trò đại diện của mình, phải đổi mới cơ cấu tổ chức, nhân sự để hoạt động độc lập tự chủ, phải thương lượng và thúc đẩy thương lượng thực chất với người sử dụng lao động và không làm thay vai trò hòa giải, trọng tài của Nhà nước. TLTT là nhiệm vụ chính của tổ chức Công đoàn trong giai đoạn tới, nếu không làm, các tổ chức đại diện khác của người lao động sẽ làm.
Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
LĐLĐ tỉnh Long An đẩy mạnh chất lượng truyền thông công đoàn đến công nhân lao động Ngày 1/11, LĐLĐ tỉnh Long An tổ chức Hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng công tác truyền thông công đoàn trong tình hình ... |
Công đoàn Bình Phước dự kiến chi trên 35 tỷ đồng cho đoàn viên đón tết Nguyên đán 2023 Thông qua các hoạt động chăm lo tết Nguyên đán 2023, Công đoàn Bình Phước giúp đoàn viên, người lao động nhận thức vai trò, ... |
LĐLĐ tỉnh Nghệ An: Đánh giá 10 năm thực hiện Luật Công đoàn 2012 Đồng chí Nguyễn Chí Công – Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Nghệ An cho biết, 10 năm qua, các cấp công ... |
Tin cùng chuyên mục
Chính sách mới - 21/06/2024 15:03
Một trong những điểm mới trong Dự thảo là quy định về thanh tra, kiểm tra và giám sát, phản biện xã hội của Công đoàn Việt Nam.
Chính sách mới - 12/06/2024 09:34
Gần 4 năm trước, khi anh Thể được bổ nhiệm làm Chủ tịch LĐLĐ huyện Gia Lâm (Hà Nội), đơn vị có 6 biên chế. Nhưng hơn một năm nay, con số chỉ còn có 5, trong khi công việc ngày càng nặng nề.
Chính sách mới - 14/02/2024 07:06
Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam đã thành công tốt đẹp. Nhiệm kỳ mới với những chính sách và nhiệm vụ mới, đặt tổ chức Công đoàn đứng trước những thách thức rất lớn về việc làm sao thu hút được nhiều NLĐ tham gia. Điều này đòi hỏi truyền thông công đoàn (TTCĐ) trong giai đoạn mới phải đi trước, đi nhanh, đi thận trọng và đi đến đích; đảm nhiệm cho được vai trò mở đường dẫn lối cho những lĩnh vực khác của công đoàn hoàn thành mục tiêu đặt ra trong nhiệm kỳ đặc biệt quan trọng, đánh dấu 95 năm thành lập Công đoàn Việt Nam.
Công đoàn - 11/02/2024 16:00
Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam (CĐVN) diễn ra từ ngày 1-3/12/2023, tại thủ đô Hà Nội. Với phương châm “Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển”, 1.095 đại biểu tham dự Đại hội đã phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ, trách nhiệm cao thảo luận sâu sắc các văn kiện trình Đại hội, hoàn thành trọng trách trao gửi của hơn 11 triệu đoàn viên công đoàn (ĐVCĐ) cả nước. Đại hội thành công tốt đẹp là tiền đề quan trọng để các cấp công đoàn (CCCĐ) sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống.
Chính sách mới - 10/02/2024 18:47
Tổng LĐLĐ Việt Nam ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động Tháng Công nhân năm 2024 gồm 6 hoạt động trọng tâm.
Chính sách mới - 29/12/2023 17:56
Đồng chí Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam vừa thay mặt Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn ký ban hành Chương trình số 01/CTr-BCH về “Đẩy mạnh công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam giai đoạn 2023 – 2028.