Để xảy ra tình trạng cai thầu quỵt tiền, trước hết là lỗi thiếu hiểu biết, sự nhẹ dạ cả tin và cũng bởi nhu cầu công việc cấp thiết của người lao động. Tuy nhiên, để dụ dỗ được người lao động, giới cai thầu đã sử dụng không ít những chiêu trò.
***
Những cai thầu họ… “Hứa”
Xin được ví một bộ phận trong giới cai thầu như vậy, bởi để tuyển dụng được người lao động, chủ thầu đã hứa hẹn đủ điều. Những lời hứa đó hoặc rất ít khi, hoặc không bao giờ được thực hiện.
Theo ghi nhận của chúng tôi, chiêu thức đầu tiên của giới cai thầu trong việc chiêu dụ người lao động tự do là “chi tiền công môi giới”. Cụ thể, mỗi người lao động giới thiệu được người lao động mới sẽ được chủ thầu chi 50 nghìn đồng. Đây được xem là chính sách kích cầu tuyển dụng, thế nhưng không ít chủ thầu xù luôn khoản tiển này với lý do “để đến cuối năm gộp với các khoản thưởng khác cho nó thành tấm, thành món”.
Chưa hết, nắm bắt được tâm lý nhẹ dạ cả tin và tính thật thà của người lao động, một bộ phận giới cai thầu đưa ra những “chiêu” tặng quà… bằng miệng. Khi thì họ hứa sẽ tặng cho người lao động cái điện thoại mới, khi thì bảo tháng tới sẽ tăng tiền công. “Đấy, nó (cai thầu) bảo với bọn anh là nó cho cả nhà anh đi du lịch, cho ăn uống thỏa thích, ra biển ăn đầy hải sản. Nhưng giờ có thấy mặt mũi nó đâu. Nó trốn chui trốn nhủi rồi. Chú thấy nó có mất dạy không…”, anh Bùi Văn Bằng bức xúc nói về chủ thầu quỵt tiền công của vợ chồng anh.
Thậm chí, về trường hợp của chị Q.Thị Nụ (như đã đề cập ở kỳ 1), khi chúng tôi thắc mắc hỏi “Tại sao cai thầu nợ tiền công của chị từ đầu năm (02/2020) mà chị vẫn làm việc cho người ta?”, thì được chị giải thích: “Nó cứ năn nỉ chị ấy chứ. Nó bảo chị cứ làm đi, sắp tới nó sẽ quyết toán được 700 triệu, sẽ có khối tiền. Nó bảo nó sẽ xin cho chị vào nhà nước, có biên chế , có bảo hiểm và sau này có lương hưu. Nó còn nói sang năm sau đưa chị lên làm quản lý, chỉ việc giám sát và nhận lương. Chị lại đi nghe nó, chị dại quá em ạ…”.
Bị cai thầu quỵt tiền, người lao động phải làm gì?
Bài Mạnh Khánh
Ảnh và đồ họa: Mạnh Khánh