Thôn Đông Cứu ngày đầu tiên dỡ lệnh cách ly: "Không tiệc rượu, múa lân vẫn như Tết"
Đời sống - 14/05/2020 18:18 Ý YÊN
Chị Tạ Thị Thuỳ Duyên, thôn Đông Cứu, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, Hà Nội trở lại với các mặt hàng thêu truyền thống sau khi toàn thôn được dỡ lệnh cách ly - Ảnh: M.K |
Cho những tấm long bào dang dở…
Hôm nay, ông Nguyễn Đăng Chạm - chủ cơ sở thêu may “khăn chầu, áo ngự” ở thôn Đông Cứu dậy sớm hơn mọi ngày, dù cả đêm qua, ông gần như thức trắng để hoà vào niềm vui chung của dân làng sau thời khắc vị lãnh đạo huyện đọc lệnh dỡ bỏ hàng rào cách ly.
Dọn dẹp cửa hàng sạch sẽ tinh tươm, ông Chạm bắt tay ngay vào công việc chỉnh sửa từng đường thêu, sợi chỉ trên các tấm long bào với đủ sắc màu. Ngắm nhìn những hình rồng, phượng uy nghi trên trang phục tế lễ cổ truyền, trong ông dấy lên một xúc cảm mạnh mẽ. “Cả tháng vừa rồi cửa hàng đóng cửa, hàng hoá ngưng trệ, những người làm nghề như chúng tôi đều cuồng chân, cuồng tay. Chưa kể năm nay làng nghề thất thu, bởi thời gian hàng bán chạy nhất là vào tháng Giêng đến tháng Ba âm lịch. Trong suốt thời gian cách ly, làng nghề chúng tôi không ai xuất hàng được. Bây giờ thì qua mất cái thời điểm vàng, không còn hy vọng gì nữa, chỉ chờ cho đến cuối năm và đầu năm sau. Dù sao thì quá vui vì được trở lại với công việc”, người đàn ông có 28 năm làm nghề chia sẻ.
Tủ trưng bày những trang phục thêu truyền thống lại sáng đèn - Ảnh: M.K |
Đối diện với cửa hàng của ông Chạm là cơ sở thêu của gia đình chị Tạ Thị Thuỳ Duyên. Nhiều năm liền, cơ sở thêu của gia đình chị luôn có khoảng 20 nhân công làm việc, tính cả số người thực hiện gia công tại nhà. Nhưng từ ngày 14/4, khi xóm Trên, thôn Đông Cứu có 1 người nhiễm Covid-19 (BN 266), lệnh cách ly được ban bố, cơ sở thêu của gia đình chị cũng bị ngừng trệ, kinh tế giảm sút. Mặc dù vậy, chị cho biết, mình hết sức vui mừng vì dân làng đã đoàn kết, đồng lòng chiến thắng được dịch bệnh Covid-19, bà con được trở lại làm việc, các cháu được đến trường.
“Sáng nay là một ngày mới khác hẳn so với những ngày trước đây. Ai cũng vui vẻ, phấn chấn bắt tay vào công việc”, chị Duyên nói.
Một cơ sở thêu sử dụng công nghệ cũng trở lại hoạt động trong ngày 14/5 - Ảnh: M.K |
Thôn Đông Cứu nổi danh từ xa xưa với nghề thêu long bào cho vua. Lịch sử sang trang, triều đình phong kiến không còn, đã có lúc người ta tưởng rằng những tấm long bào với đường thêu tinh xảo sẽ chỉ là câu chuyện quá khứ cùng biết bao nghệ nhân tài danh nơi đây. Nhưng con dân Đông Cứu vẫn kiên trì nối nghề, phát triển phù hợp với xu thế thời đại, sản xuất các mặt hàng câu đối, trướng, lọng, áo lễ… phục vụ cho các di tích, lễ hội trong cả nước.
Ông Phạm Văn Mến, Trưởng thôn Đông Cứu cho biết, cả thôn hiện có 399 hộ gia đình, 1.276 nhân khẩu với hơn 100 xưởng sản xuất, trên 90% các hộ gia đình có người làm nghề thêu ren. “Trong thời gian cách ly, các hàng sản xuất của làng nghề không thể xuất ra ngoài được. Bà con cũng chịu ảnh hưởng về mặt kinh tế. Trong thời gian tới, trước mắt, bà con tập trung thu hoạch vụ lúa xuân, sau đó tập trung phát triển lại mặt hàng thêu, khôi phục lại nền kinh tế của địa phương”, ông Mến nói.
"Chúng mình được sinh ra lần thứ hai"
Cũng theo lời ông Trưởng thôn Đông Cứu, trước thời điểm dỡ hàng rào cách ly mấy hôm, bà con trong thôn rất vui mừng, phấn khởi. Họ dự định tổ chức các hoạt động ăn mừng như mở tiệc, múa lân… nhưng “Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 chúng tôi họp, quán triệt, động viên nhân dân không nên tổ chức rầm rộ, gây mất an toàn, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh vẫn chưa kết thúc. Bà con nhân dân cũng chấp hành nghiêm chỉnh”.
Trưa 14/5, tại gốc đa trước đình làng Đông Cứu, bà Nguyễn Thị Khuyên (70 tuổi) vui vẻ nói với PV rằng, từ hôm qua, khi nghe tin làng được “mở cửa”, toàn thể anh em, con cháu trong gia đình bà rất phấn khởi. Mọi người bàn nhau đi chợ mua mấy con vịt ăn mừng. Vui hơn nữa vì sáng nay, con trai bà đã xuất chuyến hàng thêu đầu tiên đi Hà Nội sau 28 ngày đóng cửa vì lệnh cách ly.
Bà Khuyên phấn khởi chọn mua quần trong ngày đầu dỡ lệnh cách ly toàn thôn Đông Cứu - Ảnh: M.K |
“Từ ngày cha sinh mẹ đẻ đến giờ tôi mới thấy có sự việc như thế này. Chúng tôi không hề có sự chuẩn bị gì cả, cách ly gò bó lắm, chỉ có ở trong nhà, không được đi lại chơi bời hàng xóm. Chúng tôi cứ đùa nhau, đêm hôm qua là mình được sinh ra lần thứ hai. Trong thời gian cách ly, chúng tôi cũng hết sức chấp hành mọi quy định, yêu cầu của nhà nước, chính quyền địa phương. Nhà nước cũng hết sức quan tâm, cung cấp cho dân làng gạo, trứng, mì tôm, nước mắm… đầy đủ, không thiếu một cái gì”, bà Khuyên chia sẻ.
Học sinh tại thôn Đông Cứu, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, Hà Nội trong buổi đi học đầu tiên sau những ngày cách ly - Ảnh: M.K |
Bà Nguyễn Thị Thảo bên hàng rau của mình - Ảnh: M.K |
Gia đình ông Nguyễn Thế Son liên hoan mừng ngày hết lệnh cách ly - Ảnh: M.K |
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thảo, người bán rau tại chợ làng cho biết: “Gần 5h sáng hôm nay, tôi lên chợ Thường Tín lấy hàng về bán buổi đầu tiên, sau 1 tháng thực hiện lệnh cách ly. Nhưng hôm nay ế hàng, chẳng bán được mấy. Người dân vẫn còn hàng tiếp tế trong thời gian cách ly, thành ra ít người đi chợ. Còn những nhà làm liên hoan thì họ lên chợ huyện mua. Hôm nay, dân được đi lại tự do mà! Từ ngày có người bị Covid-19, ở làng không xảy ra người nào nữa nên chúng tôi rất phấn khởi, yên tâm. Bây giờ cảm thấy rất thoải mái, mừng rơi nước mắt”.
Được biết, trước thời điểm công bố kết thúc cách ly, toàn bộ người dân xóm Trên, thôn Đông Cứu đều được lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả âm tính với Covid-19. Đến nay, người dân đều có sức khoẻ ổn định.
Tin cùng chuyên mục
Đời sống - 17/10/2024 05:47
Trước nhu cầu lớn về nhà ở cho công nhân, TP. Đà Nẵng đã có nhiều chủ trương chính sách nhằm hỗ trợ để công nhân nghèo có một chỗ “an cư” để làm việc.
Đời sống - 16/10/2024 10:39
Bộ Y tế đề xuất tăng phụ cấp trực tại các cơ sở y tế công lập, tăng phụ cấp chống dịch - một chính sách được mong chờ từ lâu nhằm cải thiện đời sống của nhân viên y tế trên cả nước.
Đời sống - 14/10/2024 20:59
Với các thầy, cô giáo Trường Tiểu học và Trung học cơ sở (TH&THCS) Tả Ngảo (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai), hạnh phúc là khi thấy học trò đến lớp mỗi ngày và trở thành người có ích cho xã hội.
Đời sống - 07/10/2024 16:30
Tính chung 9 tháng năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động là 7,6 triệu đồng/tháng, tăng 7,4%, tương ứng tăng 519.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.
Đời sống - 04/10/2024 16:31
Nhiều người trẻ có xu hướng thay đổi công việc với những lý do như: thử sức môi trường mới, tìm chế độ tốt hơn,... Song, quá trình tìm kiếm công việc mới gặp nhiều rào cản do hầu hết các nhà tuyển dụng ngày càng đưa ra nhiều yêu cầu cho các ứng viên.
Đời sống - 02/10/2024 18:38
Trong bối cảnh giá vàng bất ngờ leo thang, giá liên tục “nhảy múa” mà thu nhập của công nhân lao động còn eo hẹp, liệu đây có còn là lựa chọn tích lũy an toàn và hiệu quả nhất?