Top 10 game có thưởng khi tải về - game doi thuong

e magazine
21/09/2023 19:00
Thợ đá Châu Tiến - bao nhiêu Oxy cũng không đủ...

21/09/2023 19:00

Mỗi sáng, chị Bình (46 tuổi, ở huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) chạy xe cả chục cây số mua 2 bình Oxy cỡ lớn mang về cho chồng thở. Chị bảo: “Bệnh chi bệnh lạ, cực hơn cả ung thư nữa, ngơi bình Oxy mấy phút là nghẹt thở, chết ngay!”.
Thợ đá Châu Tiến - bao nhiêu Oxy cũng không đủ...
Thợ đá Châu Tiến - bao nhiêu Oxy cũng không đủ...

Nằm trên tấm nệm trải dưới sàn nhà, anh Sơn – chồng chị Bình nhìn trân trân vào cái quạt treo nơi đỉnh màn. Đôi mắt anh đục mờ, có khi mở thao láo, có khi nhắm nghiền mê man. Chiếc mặt nạ trong suốt chụp lên gương mặt hốc hác. Hai sợi dây tiếp Oxy ngày đêm cho người đàn ông tội nghiệp. Đôi bàn tay nhợt nhạt đan vào nhau đặt ngay ngắn trên cái bụng xẹp lép, phập phồng theo hơi thở khó nhọc. Anh Hoàng Văn Sơn (47 tuổi) nằm như vậy suốt 9 tháng qua, tư thế không thay đổi. Bởi, hễ cứ vặn mình là nghẹt thở, nguy hiểm tính mạng.

Giữa tiếng sôi ro ro của máy tạo Oxy, chị Bình nắn tay cho chồng, sụt sùi: “Bây giờ anh ấy sống ngày mô biết ngày ấy thôi. Phổi trắng tinh hết rồi, không còn chi nữa cả. Hồi đầu anh ấy còn sợ chết nhưng lâu nay anh ấy cũng xác định số phận mình rồi. Thỉnh thoảng trong cơn nghẹt thở, người tím tái, mắt trợn ngược trắng dã, anh cố giật cái mặt nạ bảo đừng đưa đi viện, hãy để anh chết ở nhà”.

Hơn một năm trước, anh Sơn được phát hiện bị bệnh bụi phổi sau một thời gian dài khó thở, tức ngực và ho nhiều. Cũng như các đồng nghiệp cùng cảnh ngộ, anh từng 3 năm làm công nhân tại Công ty TNHH Châu Tiến – doanh nghiệp chuyên sản xuất bột đá, đóng tại KCN (khu công nghiệp) Nam Cấm, huyện Nghi Lộc, Nghệ An.

Chị Bình nhớ lại, mỗi lúc chồng đi làm về mặt mũi, tóc tai trắng tinh bụi đá. Bộ quần áo anh mặc giặt vài nước vẫn trắng đục như nước vôi. Một thời gian sau thì anh sút cân, kêu mệt, thỉnh thoảng xuất hiện những cơn ho, khó thở. “Tôi khuyên anh ấy nghỉ đi, nhưng anh bảo người ta làm được thì mình cũng cứ làm được. Thế là anh lại cố làm tiếp”, người đàn bà nén tiếng thở dài.

Thợ đá Châu Tiến - bao nhiêu Oxy cũng không đủ...

Anh Hoàng Văn Sơn (SN 1976, ở xã Nghi Hưng, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) nằm thở Oxy vì bệnh bụi phổi silic - Ảnh: MINH KHÔI

Rồi những cơn ho thường xuyên hơn, tình trạng tức ngực, khó thở tăng dần, một ngày đầu tháng 6/2022, anh mới chịu đi khám bệnh. Các bác sĩ Bệnh viện Phổi Nghệ An lập tức cho anh nhập viện điều trị bởi tình trạng khi ấy đã rất nghiêm trọng. Ngay cả khi được chuyển tuyến ra Bệnh viện Lao – Phổi Trung ương, bệnh tình của anh vẫn không khả quan bởi bụi phổi dày quá, đã ăn sâu vào trong không thể rửa được.

Bác sĩ Thái Bình Lâm – Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Nghệ An giải thích: “Các hạt bụi đường kính nhỏ dưới 3 micrômét bay thẳng vào phế nang. Phản ứng đầu tiên là các đại thực bào sẽ tiếp xúc, ôm chặt lấy bụi. Tiếp đến, các tế bào của hệ thống miễn dịch được huy động, tạo thành một phản ứng viêm tại chỗ ở lòng phế nang, làm cho phế nang bị hỏng, lâu dần không còn chức năng trao đổi khí nữa. Nhưng việc này diễn ra trong cả một quá trình. Người lao động hôm nay hít một ít, mai hít một ít, họ thấy người gầy mòn, cứ nghĩ rằng do lao động nặng chứ không nghĩ rằng mình bị bụi phổi. Cho đến khi phát hiện thì đã muộn”.

Thợ đá Châu Tiến - bao nhiêu Oxy cũng không đủ...

Chị Bình thì gạt nước mắt: “Bác sĩ nói giờ chỉ còn nước thay phổi, chứ không có thuốc chi chữa được nữa. Nhưng tiền đâu ra mà thay?”. Rồi chị nhớ lại thời gian chăm chồng trong bệnh viện vẫn tranh thủ đi rửa bát thuê, kiếm chút tiền sinh hoạt cho hai vợ chồng. Chị đã sút 7 cân kể từ ngày anh lâm bệnh.

Cho đến khi anh Sơn nằm bẹp một chỗ, lại thường xuyên lên cơn khó thở, chị buộc nghỉ việc ở công ty điện tử, nơi chị gắn bó gần chục năm để có thời gian chăm sóc chồng. Vụ lúa Hè – Thu năm nay chị cũng bỏ. Mọi thứ xáo trộn với biết bao lo lắng. Nhưng cái lo trước mắt là hết tháng này chị chẳng còn 2,8 triệu tiền trợ cấp thất nghiệp nữa. Thế là hụt mất một khoản mua Oxy cho chồng thở.

“Mỗi ngày 2 bình cỡ lớn, chạy ngày chạy đêm, giá 100 nghìn/bình. Cứ sáng là tôi kéo xe lên tận xã bên để đổi. Đây nữa, còn cả bình nhỏ dự phòng mỗi lúc đưa anh ấy đi viện cấp cứu, dùng trên đường đi”, chị Bình chỉ tay về phía những bình Oxy màu xanh xếp ngay ngắn ở góc tường nơi chồng nằm.

Thợ đá Châu Tiến - bao nhiêu Oxy cũng không đủ...
Chị Nguyễn Thị Bình phải nghỉ việc ở công ty điện tử để chăm sóc chồng - Ảnh: MINH KHÔI

Mỗi lúc chồng nguy kịch, chị lại gọi xe, ôm theo bình Oxy, tức tốc đưa chồng lên viện cấp cứu. Có khi hàng xóm vừa thấy còn ở nhà, lúc sau sang đã thấy nhà cửa chẳng còn ai.

Chị Bình chẳng thể lý giải tại sao dạo gần đây mức Oxy chồng dùng phải tăng lên thì anh mới dễ chịu. Như thế thì càng thêm tốn kém. Chị nghe người ta mách phải mua thêm máy tạo Oxy hỗ trợ thì mới hiệu quả. Nhưng tiền chẳng có, chị liên hệ khắp nơi, cuối cùng hỏi mượn được của một người trong xã. “Gia đình họ có người bị bệnh tắc nghẽn phổi, giờ người ta chết rồi, họ thấy mình tội nên cho mượn chứ làm gì có tiền mà mua”, chị kể về chiếc máy và bất giác nhớ đến khoản nợ họ hàng từ ngày chồng lâm bệnh, chưa biết làm cách nào để trả.

Cách đó một quãng đồng, chị Bùi Thị Hương (43 tuổi) đang hì hụi vỗ lưng cho chồng là Trần Ngọc Hoa – từng là Tổ trưởng bộ phận nghiền tinh, Công ty TNHH Châu Tiến. Chị có vẻ thuần thục, động tác dứt khoát, cho đến khi mắt chồng nhắm lại, vẻ mặt bình thản, mơ màng mới thôi.

Anh Hoa nằm nghiêng, thoi thóp trong góc giường và cũng được tiếp thở bằng cả bình Oxy lẫn máy tạo Oxy. Căn bệnh bụi phổi đã khiến anh thành ra thế này. Người đàn ông vốn cao to, vạm vỡ, giờ gầy tong teo, bẹp dúm mà chị vợ áng chừng không nổi 40 cân.

Thợ đá Châu Tiến - bao nhiêu Oxy cũng không đủ...

Anh Trần Ngọc Hoa (SN 1978) nằm thoi thóp nhiều tháng nay vì căn bệnh bụi phổi - Ảnh: MINH KHÔI

“Bệnh anh quá nặng rồi! Anh không chịu đi viện nữa, nói rằng đi tốn kém, mà đi cũng chết, không đi cũng chết, để tiền còn nuôi 3 đứa nhỏ”, chị Hương kể.

Cả đời anh Hoa chưa bao giờ làm công nhân, cứ quanh quẩn làm thuê cuốc mướn. Thế rồi năm 2017, anh theo mấy người đàn ông trong xóm đi làm cùng công ty để “mưa không tới mặt, nắng không tới đầu”. Ai ngờ, giờ đây người thì mất mạng, người thoi thóp sống bằng bình Oxy, người may mắn bị nhẹ hơn thì tương lai vẫn mịt mù, chông chênh…

Thợ đá Châu Tiến - bao nhiêu Oxy cũng không đủ...

Trong lúc chúng tôi trò chuyện, một người đàn ông thất thểu đi từng bước khó nhọc vào sân nhà anh Hoa. Dáng anh liêu xiêu, quần ống thấp ống cao. Râu ria lởm chởm trên gương mặt đen sạm, khắc khổ, thẫn thờ. Anh là Bùi Đình Bình (38 tuổi), cũng là nạn nhân của bệnh bụi phổi. Sức khoẻ tạm ổn định sau mấy đợt rửa phổi, ngày nào anh cũng sang hàng xóm thăm đồng nghiệp. Có khi chỉ vào nhìn rồi lặng lẽ quay ra.

Anh Bình nhớ như in ngày rời bỏ nhà máy ở Bắc Giang để về quê làm thợ đá tại Công ty TNHH Châu Tiến, năm 2018. Anh cũng không quên cái ngày 28/9/2022, khi chính thức xin nghỉ việc để tự cứu mạng mình. Đã có lúc anh tự đay nghiến bản thân về những quyết định mà anh coi là sai lầm.

“Giá như…”.

- “Đàn ông trong cái xã Nghi Hưng này nhiều người đi làm đá chứ có riêng gì các anh? Mà người ta làm công ty khác mười mấy, hai mươi năm có sao đâu?”, chị Hương phản ứng.

Thợ đá Châu Tiến - bao nhiêu Oxy cũng không đủ...

Anh Bùi Đình Bình vẫn còn ám ảnh bởi môi trường làm việc đầy bụi đá tại Công ty TNHH Châu Tiến - Ảnh: MINH KHÔI

Trong ký ức của anh Bình, đá tập kết vào bãi của Công ty trước khi được đập thô, chuyển tới băng chuyền và rửa sạch. Theo quy trình, đá được phân loại theo từng kích cỡ. Sau đó, các công nhân sẽ đưa đá vào từng bể rồi đổ các bao hoá chất xuống để ngâm.

“Mùi hắc không chịu được, ai đó chỉ cần mặc đồ bảo hộ mới phát, tiếp xúc một thời gian là tự cái áo đó thành màu vàng”, anh Bình nhớ lại.

Đá sau khi được ngâm trong các bể, sẽ được vớt ra cấp về cho các tổ nghiền tinh. Anh Bình đứng máy búa, khi nghiền xong thì lấy bao hứng. Anh cho biết phải thêm một công đoạn nghiền cuối nữa thì mới ra thành phẩm. Lúc này đá được nghiền mịn như cám, khắp xưởng bụi đá bay mù mịt.

Đồ bảo hộ của công nhân ngoài quần áo đồng phục thì có ủng, găng tay. Khẩu trang tự chuẩn bị, lúc thì bằng vải, đôi khi là khẩu trang y tế.

“Toàn thân dính đầy bụi trắng xoá, hai lỗ mũi dù có khẩu trang cũng vẫn còn móc ra bụi. Đến khi ra về, gió thổi, ai đi sau hứng bụi của người đi trước. Quần áo về không ngâm nước ngay, nó còn cứng đơ vì bụi bám quyện mồ hôi”, anh rùng mình nhớ lại.

Thợ đá Châu Tiến - bao nhiêu Oxy cũng không đủ...

Hiện người đàn ông vẫn chưa thể hồi phục sức khoẻ, chưa biết sau này còn có thể đi làm được nữa hay không. Anh thừa nhận trước đó không hề biết đến khái niệm bụi phổi silic, và cũng không hề biết đang làm một công việc có rủi ro mắc bệnh.

Hôm 3/8/2023, UBND tỉnh Nghệ An công bố kết quả kiểm tra liên ngành đối với Công ty TNHH Châu Tiến về việc chấp hành pháp luật về bệnh nghề nghiệp, môi trường lao động và phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng: Các phân xưởng có bụi lắng đọng nhiều trên sàn và các bề mặt máy. Phân xưởng nghiền có phát sinh tiếng ồn; người lao động sử dụng trang thiết bị bảo hộ lao động không đúng quy định...

Kết quả phân tích của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường cho thấy hàm lượng silic tự do trong nguyên liệu và thành phẩm cao trên 99%.

Thợ đá Châu Tiến - bao nhiêu Oxy cũng không đủ...

Nhà xưởng trắng xoá bụi đá tại Công ty TNHH Châu Tiến (KCN Nam Cấm, Nghệ An) - Ảnh: CNCC

Công ty Châu Tiến được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy xác nhận đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường ngày 4/10/2005 với loại hình sản xuất bột đá 40.000 tấn/năm. Sau khi mở rộng quy mô đầu tư, bổ sung dòng sản phẩm chế biến bột đá Thạch Anh, doanh nghiệp được Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư số 8143808668, chứng nhận thay đổi lần thứ 4 vào tháng 10/2016 nhưng chưa lập báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, cấp phép.

Kết luận chỉ rõ, suốt 5 năm, từ 2017 đến năm 2022, Công ty thực hiện không đầy đủ theo quy định của pháp luật về: Quan trắc môi trường lao động để kiểm soát tác hại đối với sức khỏe người lao động theo quy định; Phân loại số lao động làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; Khám sức khỏe định kỳ cho người lao động; Khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động tiếp xúc với các yếu tố tác hại có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp hoặc làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Thợ đá Châu Tiến - bao nhiêu Oxy cũng không đủ...
Thợ đá Châu Tiến - bao nhiêu Oxy cũng không đủ...

Ông Phạm Khắc Khánh (62 tuổi) ở xóm Khánh Thiện, xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc chậm rãi rót nước mời khách, rồi ông lấy tay gỡ từng miếng cao dán trên vùng trán, thái dương mới bắt đầu vào câu chuyện. Từ ngày anh con trai Phạm Quang Sơn qua đời ở tuổi 27 (vào tháng 12/2022), ông Khánh chưa đêm nào yên giấc. Tinh thần suy sụp, lại thường nghĩ ngợi dằn vặt khiến ông tiếp tục bị hành hạ bởi những cơn đau đầu. Sức khoẻ vì thế mà giảm sút đi nhiều.

Sinh được 5 người con, ông Khánh dành nhiều kỳ vọng vào đứa con trai duy nhất. Ông nói, con mình chịu thương chịu khó, vì ham việc quá nên bỏ ngoài tai lời ông cảnh báo, khuyên nhủ.

Từng là một y sĩ, ông Khánh sớm nhận ra những nguy hại về sức khoẻ của con sau khi đi làm công nhân tại Công ty TNHH Châu Tiến; nhất là khi thấy con ngày càng sút cân, ho nhiều. Chẳng thể nhớ nổi đã bao lần ông khuyên con nghỉ việc nhưng không thể suy suyển. Có lần, ông tìm đến công ty, nói khéo để nhân viên bảo vệ cho vào nhà xưởng, tận mắt chứng kiến môi trường làm việc và tiếp tục cảnh báo con.

“Thế nhưng nó gan lì không nghe, làm việc trách nhiệm lắm. Có lần nghỉ điều trị ho, khó thở một tuần, khoẻ lên nó lại tiếp tục đi làm, tôi không sao ngăn nổi. Đó cũng là điều tôi ận hận đến suốt đời”, ông Khánh nói.

“Có đứa con trai duy nhất, lúc mẹ mất thì nó đang nằm thở Oxy, nước mắt giàn giụa mà bất lực chẳng thể chống gậy chịu tang mẹ được. Mấy tháng sau thì nó cũng đi theo mẹ để lại tôi một mình”, ông Khánh buồn rầu.

Thợ đá Châu Tiến - bao nhiêu Oxy cũng không đủ...

Cùng chung nỗi đau mất con, ông bà Ngọc (đều ngoài 60 tuổi, ở xóm 4, xã Nghi Hưng, huyện Nghi Lộc) vẫn thường ngửa mặt lên trời mà than: “Sao ông trời không bắt tôi đi thay nó?”. Rồi ông bà tự vấn: “Có lẽ do ông trời bắt nó phải chết”.

Trước đó, anh Trần Hữu Quang (SN 1985) – con ông bà Ngọc từng chết hụt một lần, vào năm 2016, khi công ty gỗ nơi anh làm việc bị nổ đường ống dẫn dầu. Vụ tai nạn khiến anh bị bỏng nặng, điều trị hơn 1 năm mới có thể đi làm. Lần này bỏ nghề thợ gỗ, anh đi làm thợ đá cũng chẳng thể tránh tai hoạ khủng khiếp.

Trong ký ức của người vợ Hoàng Thị Kim Quế, anh Quang hiền lành, tình cảm, sống nội tâm. Chị chia sẻ: “Thời gian đầu điều trị, anh ấy vẫn còn đi lại được. Vợ chồng em bàn nhau cho anh đi học lái ô tô, khi nào bệnh tình thuyên giảm thì xin chạy xe thuê cho nhẹ nhàng. Vậy mà vừa có bằng lái thì bệnh anh trở nặng, phải nằm thở Oxy”.

Thợ đá Châu Tiến - bao nhiêu Oxy cũng không đủ...

Bà Ngọc ngồi thất thần trước ban thờ con trai Trần Hữu Quang, công nhân qua đời vì bụi đá - Ảnh: MINH KHÔI

“Ngay cả lúc ấy, em vẫn cứ hy vọng là sẽ cứu được anh. Hoặc cho anh được sống dù vài năm cũng được. Để anh nhìn đứa con gái khôn lớn mỗi ngày... Để anh yên tâm rằng không có anh, mẹ con em vẫn sống tốt”, chị bật khóc.

Tại Nghi Lộc hôm ấy, những giọt nước mắt của cha mẹ khóc con, vợ khóc chồng cứ đầy day dứt và cả nỗi ân hận, dằn vặt. Có ai ngờ phận đời thợ đá lại mong manh đến vậy? Trong nỗi đau mất mát, họ tìm đến nhau như một niềm an ủi. Người mất chẳng thể sống lại, người mang bệnh cũng chẳng hy vọng một phép màu. Cuộc sống cứ tiếp diễn, tất cả giờ đây chỉ hy vọng nhận được sự bồi thường, hỗ trợ thoả đáng.

Ngày ấy chưa biết đến khi nào, song mỗi ngày trôi qua, chị Hương, chị Bình vẫn phải lo nỗi lo rất thực tế, rằng tiền đâu ra để mua Oxy về cho chồng thở!?

PHÓNG SỰ CỦA MINH KHÔI

Ảnh, video: MINH KHÔI - TUYẾT HẰNG - TRẦN YẾN

ĐỒ HOẠ: AN NHIÊN

Xem phiên bản di động