Theo Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng, trong đợt dịch Covid-19 vừa qua đã có tình trạng người lao động thiệt thòi quyền lợi khi không được tham gia BHYT trong thời gian phải tạm hoãn hợp đồng lao động.
Thống kê của các cấp, các ngành thành phố Đà Nẵng cho thấy, trong làn sóng Covid-19 thứ hai đã có hơn 56.000 công nhân lao động phải nghỉ việc luân phiên, ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động. Trong số đó có hơn 44.000 người lao động làm việc trong khối du lịch, dịch vụ và nghỉ dưỡng.
Chị Nguyễn Thị Trầm Thy (43 tuổi, trú tại tổ 37, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) đang sống cùng mẹ và các con, trong đó có một con nhỏ mới 4 tuổi. Khi dịch Covid-19 chưa bùng phát, chị vừa làm công nhân trong khu công nghiệp, vừa buôn bán nhỏ để có thêm tiền trang trải sinh hoạt cho gia đình.
khiến công ty phải giảm giờ làm, cửa hàng nhỏ của chị phải đóng cửa. Mất việc làm, không có thu nhập, chị phải rút dần những đồng tiền dành dụm để trang trải cuộc sống, lo cho con ăn học. Ngoài bị ngừng việc và mất thu nhập hằng tháng, chị còn bị gián đoạn thời gian tham gia BHYT mặc dù chị đã tham gia gần đủ 5 năm liên tục. Không được tiếp tục tham gia BHYT trong những tháng ngừng việc, quyền lợi về BHYT của chị coi như quay lại từ đầu. Câu chuyện của chị Trầm Thy cũng là tình cảnh chung của nhiều công nhân lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: XH |
Làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ hai ảnh hưởng đến đời sống, việc làm của công nhân lao động trong thành phố Đà Nẵng nghiêm trọng hơn rất nhiều so với đợt dịch đầu tiên. Nếu như trong đợt dịch đầu tiên, “sức khỏe” doanh nghiệp suy yếu phần nào thì làn sóng Covid-19 thứ hai đã khiến doanh nghiệp chưa kịp phục hồi sản xuất, người lao động chưa tìm được việc làm mới lại thêm khó khăn chồng chất.
Con số mà Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng thống kê cho thấy, tính đến những ngày đầu tháng 9/2020, có khoảng 145/489 doanh nghiệp bị ảnh hưởng ở mức độ khác nhau. Trong các khu công nghiệp đã phát hiện 17 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 và cách ly tập trung 48 lao động thuộc nhóm F1. Chưa bao giờ ngành Du lịch của thành phố Đà Nẵng và khối doanh nghiệp gặp thử thách lớn và thiệt hại nặng nề như đợt dịch Covid-19 lần thứ hai.
Trong tháng 6 và tháng 7, doanh nghiệp đã có tín hiệu phục hồi tốt nhưng khi dịch bệnh bùng phát trở lại, các cơ sở mua sắm, du lịch gần như tạm dừng toàn bộ. Trong năm 2020, ước tính thiệt hại của ngành Du lịch Đà Nẵng lên đến vài chục nghìn tỷ đồng, ảnh hưởng rất lớn đến người lao động.
Một số doanh nghiệp du lịch buộc phải cho lao động nghỉ việc. Nhiều nhân viên phải tính phương án chỉ giữ một bộ phận người lao động, còn lại chấm dứt hợp đồng để người lao động hưởng trợ cấp từ bảo hiểm xã hội.
Theo ông Phạm Huy Thắng - cán bộ phụ trách nhân sự của Công ty CP Vietnam TravelMart: “Trong đợt dịch Covid - 19 vừa qua, gần như toàn bộ lao động của công ty phải tạm hoãn hợp đồng lao động. Công ty chỉ giữ lại cán bộ chủ chốt, chờ dịch bệnh được kiểm soát sẽ mời . Nếu thị trường chưa phát tín hiệu tốt thì sẽ không có đủ việc làm. Đến thời điểm này, tín hiện còn rất yếu. Một số khách sạn tại Đà Nẵng đã hoạt động trở lại nhưng chủ yếu là khách sạn lớn 4 sao. Tuy vậy, lượng khách vẫn chưa nhộn nhịp".
Bà Đinh Thị Thanh Hà - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng cho biết: “Hiện nay các cơ quan chức năng chưa cập nhật được con số cụ thể về lượng người lao động phải tạm hoãn hợp đồng lao động và bị gián đoạn tham gia BHYT. Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, có tình trạng nhiều người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, làm việc dưới 14 ngày/tháng không được đóng tiếp BHYT và thẻ bị khóa. Từ chỗ thiếu ngày công làm việc, nghỉ không hưởng lương đến người lao động thiệt thòi về quyền lợi BHYT".
Khoản 4 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của BHXH Việt Nam quy định người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH. Cơ sở trích nộp BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là hợp đồng lao động (quyết định tuyển dụng), quyết định lương, bảng lương... Do đó, trường hợp người lao động không làm việc từ 14 ngày trở lên trong tháng và không hưởng lương thì không thuộc đối tượng đóng BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Được biết, tại Công ty CP Vietnam TravelMart, đối với các trường hợp người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, công ty vẫn theo hình thức hộ gia đình nếu người lao động đăng ký tại các xã, phường, thị trấn. Ngoài ra, công ty còn hỗ trợ các khoản phúc lợi dịp lễ, tết để nhân sự gắn bó lâu dài.
Nhưng hiện nay, không phải địa phương nào cũng áp dụng hình thức cho phép người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động được tham gia để không bị gián đoạn tham gia BHYT, nên rất thiệt thòi.
Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng đã rà soát và kiến nghị với BHXH thành phố xem xét giải quyết quyền lợi của người lao động gặp khó khăn khi tạm hoãn hợp đồng lao động, không được tham gia BHYT. Đồng thời kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét, có chính sách linh hoạt để tháo gỡ khó khăn cho người lao động.
Khi đợt dịch Covid-19 quay trở lại, Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng đã trình phương án, kiến nghị Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xem xét về việc trích nguồn tài chính công đoàn tiếp tục hỗ trợ cho người lao động khó khăn bởi dịch bệnh. Tổng số tiền chăm lo người lao động khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ nguồn tài chính công đoàn là 3,7 tỷ đồng. Trong đó, mỗi đoàn viên nhiễm Covid-19 được hỗ trợ 2 triệu đồng. Công đoàn hỗ trợ các cặp vợ chồng là công nhân, viên chức, lao động bị mất việc làm số tiền 1 triệu đồng. Người lao động khó khăn đang nuôi con nhỏ được hỗ trợ 500.000 đồng. Số tiền hỗ trợ là rất nhỏ so với thiếu hụt của người lao động nhưng thể hiện sự sẻ chia của các cấp công đoàn và đoàn viên, người lao động cả nước.
Bài: Duy Minh
Ảnh: XH, ST
Đồ họa: Duy Minh