Tính từ đầu năm 2020 đến nay, thị trường lao động, việc làm có nhiều biến động xấu do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, những tháng cuối năm 2020 có nhiều chuyển biến tích cực như công đoàn giúp người lao động học nghề, giới thiệu việc làm…
***
Cụ thể, dịch bệnh ảnh hưởng đến các tại TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ… khiến họ phải cắt giảm lao động, ngừng hoạt động… dẫn đến tình trạng thất nghiệp diện rộng, kéo dài. Đặt ra trước mắt của chính quyền địa phương chính là giải quyết việc làm, đào tạo lại nghề cho họ. Chính vì thế, không ít các lớp học nghề miễn phí cho lao động thất nghiệp đã được mở ra.
Tại TP HCM, qua khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động thành phố về nhu cầu nhân lực từ 16.778 doanh nghiệp trên địa bàn đã cho kết quả đáng suy ngẫm. Cụ thể, trong quý III/2020, vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, đã có 69,61% doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Hầu hết, các doanh nghiệp này thuộc lĩnh vực bán buôn, sản xuất trang phục, dệt may, sản xuất - chế biến thực phẩm, kho bãi và các hoạt động hỗ trợ cho vận tải, dịch vụ ăn uống. Hoặc doanh nghiệp sản xuất sản phẩm từ cao su và nhựa, hoạt động xây dựng chuyên dụng, kinh doanh bất động sản…
Nhưng điều đáng mừng là dù gặp khó khăn nhưng hơn 63% doanh nghiệp này vẫn đảm bảo việc làm bình thường cho người lao động. Trong số đó có khoảng 14,7% doanh nghiệp phải cắt giảm giờ làm việc của người lao động; 4,9% doanh nghiệp có tình trạng thiếu việc làm và 4,9% doanh nghiệp phải cho người lao động thôi việc.
Trước tình hình đó, LĐLĐ TP HCM cùng LĐLĐ các quận, huyện đã nỗ lực giúp người lao động có việc làm, được học nghề để có công việc nuôi sống bản thân và gia đình. Ông Huỳnh Văn Tuấn, Chủ tịch Công đoàn các KCX- KCN TP HCM chia sẻ rằng doanh nghiệp tại KCX Tân Thuận (quận 7, TP HCM) hầu hết là doanh nghiệp nước ngoài, họ cũng bị ảnh hưởng vì dịch bệnh nên đời sống người lao động không tránh khỏi khó khăn. Ngoài hỗ trợ từ Công đoàn KCX, cũng tạo điều kiện cho người lao động vay vốn C.E.P để học nghề hay phát triển kinh tế.
Lao động ngành May được học và đào tạo nghề hàng năm. Ảnh: N.N |
Hiện nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM dự báo thị trường lao động trên địa bàn thành phố trong những tháng cuối năm 2020 sẽ có nhiều chuyển biến tích cực. Người lao động có thể yên tâm về nhu cầu nhân lực quý IV/2020 cần khoảng 62.000 - 65.000 chỗ làm việc.
Những ngành nghề cần nhân lực tập trung ở các nhóm: Kinh doanh - thương mại; dịch vụ vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng; chế biến lương thực - thực phẩm; dịch vụ phục vụ; công nghệ thông tin - bưu chính - viễn thông; điện - điện tử - điện lạnh; dịch vụ tư vấn, chăm sóc khách hàng; tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm. Cho nên, người lao động có thể tìm hiểu sở trường, năng lực của mình để nộp hồ sơ vào từng ngành nghề.
Người lao động cũng được khảo sát hỗ trợ việc làm. Ảnh N.N
Chị Mai Thúy (công nhân Công ty Huê Phong) thất nghiệp trong lần cắt giảm nhân sự gần nhất chia sẻ rằng bản thân được LĐLĐ quận Gò Vấp và công ty hỗ trợ, chị đã đi học nghề nấu ăn. Hiện nay, chị Thúy đã học được khoảng 1 tháng. Những kiến thức cơ bản về nấu ăn chị đã nắm được và rất mong đến cuối khóa học sẽ có kỹ năng và tay nghề để mở quán ăn nhỏ.
“Sau khi nghỉ việc tại công ty, tôi đã bàn với chồng sẽ đi học nấu ăn và dự định hai vợ chồng sẽ vay mượn để mở quán bán đồ ăn. Vì nhà tôi gần Công viên Gò Vấp nên sẽ thuận lợi để kinh doanh. Chúng tôi muốn thử sức mình kinh doanh để kiếm cơ hội đổi đời. Làm công nhân lương ba cọc, ba đồng mãi, không được”, chị Thúy bộc bạch về dự định của mình.
Mong muốn của chị Thúy cũng giống như bao vì dịch bệnh tại TP HCM nói riêng, cả nước nói chung. Nghĩ một cách tích cực, khó khăn vì mất việc sẽ là cơ hội để người lao động thử sức với lĩnh vực mới.
Hoài Thương