Thầy giáo Trần Mạnh Hùng (SN 1992) hiện là giáo viên dạy Văn của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở (PTDTBT TH&THCS) Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Nhiều năm liền, thầy Hùng là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, là một trong 50 giáo viên tiêu biểu toàn quốc tham gia chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2021. Mới đây nhất, thầy Hùng vinh dự là 1 trong 75 cá nhân tiêu biểu, điển hình trong phòng trào học tập và làm theo lời Bác được Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tuyên dương và tặng quà tại Phủ Chủ tịch. Không chỉ “say nghề”, thầy Hùng còn rất nhiệt huyết với công tác thiện nguyện, chia sẻ khó khăn với học sinh và đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao biên giới. |
Sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình), cậu bé Trần Mạnh Hùng không may mồ côi cha từ năm 4 tuổi, một mình mẹ gồng gánh nuôi 3 anh chị em. Do điều kiện gia đình khó khăn nên các anh chị của Hùng phải nghỉ học giữa chừng, tập trung mọi nguồn lực cho cậu em út được ăn học đến nơi đến chốn. Xuất thân trong gian khó, mang theo niềm hy vọng và tự hào của gia đình, lại chứng kiến nhiều bạn bè cùng trang lứa không có điều kiện đến trường, cậu học trò nghèo hun đúc trong mình một quyết tâm lớn: Cố gắng học thật tốt để trở thành thầy giáo, để được giúp đỡ, dạy dỗ các em học sinh trên chính quê hương mình. 12 năm học phổ thông đều đạt danh hiệu học sinh giỏi, Hùng bắt đầu hành trình hiện thực hóa ước mơ bằng cách nộp hồ sơ vào Khoa Sư phạm Ngữ Văn, trường Đại học Quảng Bình. Cầm giấy báo trúng tuyển trên tay, lại là thủ khoa ngành, Hùng sung sướng đến trào nước mắt khi những nỗ lực đã được đền đáp. “Đây là món quà nhỏ bé mà tôi gửi tặng cho mẹ sau những tháng năm vất vả ngược xuôi lo cho cuộc sống gia đình, lo cho cuộc hành trình tìm kiếm con chữ của tôi”. Tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại Giỏi, Hùng được phân công về công tác tại Trường PTDTBT TH&THCS Dân Hóa - ngôi trường biên giới của huyện nghèo Minh Hóa - nơi có đa số học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số như Khùa, Mày và Sách. Kể từ đây, hành trình gieo con chữ đầy gian khó của thầy giáo trẻ Trần Mạnh Hùng bắt đầu. |
“Những ngày đầu khi giảng dạy ở nơi đây, tôi thật sự bỡ ngỡ, mọi thứ đều mới lạ. Tôi đã gặp không ít khó khăn, không chỉ là sự thiếu thốn cơ sở vật chất mà là phong tục tập quán, là sự bất đồng ngôn ngữ. Nhìn khắp bốn bề toàn rừng, mây, núi, những con đường dốc đá, những ngôi nhà sàn đơn sơ, một số bị xiêu vẹo, nhìn những em học sinh thân hình nhỏ bé, làn da đen sạm, mái tóc vàng khè vì cháy nắng, nhiều khi tôi cảm thấy nản lòng”, thầy Hùng bồi hồi nhớ lại. Nhưng nhờ sự cố gắng của bản thân cùng với sự giúp đỡ tận tình của các đồng chí, đồng nghiệp trong hội đồng sư phạm Nhà trường những phút nản lòng đó cũng qua nhanh. Thầy giáo trẻ dần bắt nhịp được với công việc giảng dạy của mình. “Mỗi lần đứng trên bục giảng là mỗi lần tôi thấy yêu công việc của mình nhiều hơn; được giảng những bài văn hay, những bài giáo dục đạo đức ý nghĩa cho học trò miền biên giới cũng là niềm vui, niềm tự hào của bản thân”. |
Đối với học sinh nơi đây, có đủ cơm ăn, áo mặc đã là hạnh phúc, được đến trường là sự nỗ lực rất lớn của gia đình, Nhà trường và của chính các thầy cô giáo cắm bản như thầy Hùng. Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, học sinh phải tạm nghỉ học, và tất nhiên cũng không có điều kiện để trực tuyến như học sinh ở các nơi khác. Sợ các em buộc phải nghỉ học trong thời gian dài, ở nhà lại đi rẫy, vào rừng, rất dễ quên hết kiến thức, thầy Hùng cùng các giáo viên trong trường đã vượt đường xa vào tận các bản làng, đến từng gia đình, thậm chí lên tận từng nương rẫy gặp gỡ phụ huynh và học sinh để hướng dẫn các em học tập, vận động các em trở lại trường khi dịch ổn định. “Là giáo viên cắm bản nên nhiều dịp cuối tuần, giáo viên phải ở lại vừa phụ đạo, bồi dưỡng kiến thức cho học sinh, vừa động viên, vận động các em kiên trì theo học, vừa tạo niềm tin cho bà con dân bản để họ xác định được việc học của con cái mình là quan trọng”, thầy Hùng chia sẻ. Không thể kể hết những gian khó, thiếu thốn của thầy và trò ở ngôi trường vùng cao biên giới xa xôi này. Chưa kể, bản thân mỗi thầy cô giáo đều phải vượt qua nỗi nhớ nhà, nhớ người thân, sắp xếp việc gia đình, việc cá nhân để dành toàn tâm, toàn ý cho sự nghiệp giáo dục. Thầy Hùng chia sẻ: “Vợ tôi cũng là giáo viên, đang giảng dạy tại một trường mầm non ở huyện, cách nhà tầm 40km. 2 con gái nhỏ, một bé học lớp 1, một bé học mẫu giáo phải ở nhà với bà nội. Mặc dù cả hai vợ chồng công tác mỗi người một nơi, ít thời gian về đoàn tụ cùng gia đình nhưng chúng tôi thường xuyên động viên nhau qua những cuộc điện thoại. Cố gắng vì các em học sinh và vẫn có niềm tin rằng, mình dạy dỗ học trò đến nơi đến chốn thì con cái mình ở nhà cũng có thầy cô đồng nghiệp sẽ nhiệt tình như vậy”. Công tác ở ngôi trường biên giới, thầy Hùng cũng như các thầy cô khác xem đó là tổ ấm thứ 2 của mình. Bởi tại đây, thầy cô, đồng nghiệp đã cùng nhau cố gắng. Công đoàn cấp trên cũng có những hỗ trợ, động viên để giáo viên vùng biên khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. |
Suốt 9 năm công tác tại ngôi trường vùng cao của huyện Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình), thầy Hùng luôn cố gắng trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, đồng thời, tìm tòi, sáng tạo trong phương pháp giảng dạy để học sinh tiếp thu kiến thức một cách dễ dàng nhất. Với những cố gắng không ngừng nghỉ, 9 năm liền, thầy Hùng đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, nhận Giấy khen của Chủ tịch huyện, Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh trong công tác dạy và học. Thầy được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy và học tập”. Ngoài ra, thầy còn đạt giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp huyện, giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và hướng dẫn học sinh tham gia các cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật với bốn năm liền đạt giải cao cấp tỉnh và nhiều giải thưởng cá nhân tiêu biểu khác. Vào nghề 9 năm cũng là ngần ấy năm thầy Hùng bén duyên với công tác thiện nguyện, giúp đỡ những em học sinh và đồng bào vùng cao. Những ngày đầu làm thiện nguyện, thầy cùng nhóm bạn thân trích ít tiền lương của mình mỗi tháng đến với hai ngôi trường trên địa bàn huyện Minh Hóa để trao những món quà cho các em học sinh nghèo vượt khó, mỗi suất quà trị giá 500.000 đồng. Mặc dù món quà nhỏ về vật chất nhưng đó là niềm động viên tinh thần lớn tới các em học sinh, để các em có động lực vươn lên trong học tập. Dần về sau, thông qua trang mạng xã hội Facebook, thầy Hùng đã kết nối với các anh chị cùng chung mong muốn thiện nguyện ở các nơi khác như Đà Nẵng, TP.HCM, Hà Nội… Khi có những trường hợp học sinh nào quá khó khăn, có những gia đình nào có hoàn cảnh thật éo le, thầy lại đứng ra kêu gọi, quyên góp cùng với một ít của bản thân để giúp đỡ những mảnh đời còn cực nhọc. Mỗi chuyến thiện nguyện đối với thầy Hùng là một hành trình hạnh phúc khi được sẻ chia với những số phận éo le, giúp họ hiểu rằng, có biết bao người đang hướng về họ, tiếp thêm động lực để họ yêu đời hơn, tự tin vượt qua nghịch cảnh. “Tôi mong muốn mình có thật nhiều sức khỏe, cố gắng nhiều hơn nữa trong công tác giảng dạy và giáo dục học sinh cũng như thực hiện được nhiều hoạt động thiện nguyện giúp đỡ học sinh và các gia đình khó khăn, tôi muốn lan tỏa đến thế hệ trẻ cùng chung tay vì sự ấm no và hạnh phúc của cộng đồng”, thầy giáo trẻ trải lòng. Đối với thầy Hùng, khó khăn còn rất nhiều ở phía trước, nhưng lòng nhiệt huyết với nghề, tình yêu thương con trẻ thì luôn đầy ắp trong tim. Mỗi lần đứng trên bục giảng, ngắm nhìn những ánh mắt say sưa nghe giảng, những nụ cười nở trên môi của học trò, là mọi mệt nhọc, bộn bề ngoài kia như tan biến, như câu thơ thầy từng viết: “Đã yêu, thương lấy cái nghề Tình yêu dạy trẻ chẳng hề đổi thay Cho dù giá rét, heo may Bám trường, bám bản mê say cuộc đời”. |
Bài: HỒNG NHUNG Ảnh: NVCC Đồ họa: Trường Giang |