|
“Chú ơi! Con không biết giải phương trình này”, “Chú ơi! Từ tiếng Anh này nghĩa là sao?”… Đó là những âm thanh quen thuộc từ lớp học nằm trên căn gác trọ nhỏ bé của anh Hoàng Trọng Khánh - công nhân Công ty Liên doanh Bio – Pharmachemie, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn” |
dành cả Tuổi thanh xuân cho lũ trẻ Với nhiều người chúng ta, sau một ngày dài làm việc thì buổi tối hẳn đều muốn dành thời gian để nghỉ ngơi, quây quần bên gia đình. Thế nhưng, với người công nhân đặc biệt này thì khác. Anh Hoàng Trọng Khánh lại dành thời gian ấy để mở lớp dạy học miễn phí cho các trẻ em nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cứ đều đặn mỗi chiều, người dân sống xung quanh hẻm số 15, đường 22, phường Phước Long B, quận 9, TP. Hồ Chí Minh đã quen với tiếng lao xao giảng bài của “Thầy giáo Bio” - cái tên tếu táo được các em học sinh dành để gọi người thầy của mình. Chia sẻ về cái "duyên" đến với lũ trẻ, anh Khánh cho biết bắt đầu công việc dạy học miễn phí này cho các con bằng một sự tình cờ và đến nay cũng đã được ngót một thập kỷ, từ khi anh còn là một chàng thanh niên Huế mộng mơ, chân ướt chân ráo vào Sài Gòn mang theo bao hoài bão. “Có thể nói tôi đã dành trọn cả tuổi thanh xuân của mình cho lũ trẻ”, anh Khánh cười. |
Từ sự đồng cảm khi bắt gặp hình ảnh lũ trẻ ở xóm nghèo đang say sưa tranh luận học bài trên chỏm mả ven đường. Thấy chúng học một cách say mê nhưng vì không có ai chỉ dẫn nên cũng chẳng đứa nào biết đúng hay sai. Bằng vốn kiến thức tích lũy được từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, anh Khánh đã tới cùng giải bài toán khó với các em. Anh kể : “Mấy chú cháu ngồi mải mê làm bài đến khi trời tắt nắng không còn thấy mặt chữ nữa. Lúc tôi tạm biệt lũ trẻ ra về thì các em nằn nì mãi: "Từ chiều đến giờ may mà tụi con có chú chứ không thì cũng không biết phải làm sao. Ngày mai chú rảnh lại đến dạy cho tụi con học nữa nghen". Những tiếng năn nỉ đó cứ vang vọng mãi bên tai, khiến anh Khánh quyết định làm công việc thiện nguyện này cho đến nay. Thời điểm ban đầu chỉ có vài chú cháu ngồi học với nhau ngay trên những chỏm mả ở bãi tha ma, rồi dần dần số lượng các em tăng lên nhiều nhưng bàn ghế không có. Những hôm trời mưa phải nghỉ khiến các cháu cứ trông ngóng chú Khánh mãi. Điều này khiến anh trăn trở mỗi đêm. Anh đi đến quyết định dùng chính số tiền lương ít ỏi công nhân hàng tháng của mình mua sắm bàn ghế, thuê một căn nhà trọ để việc học của các con được ổn định hơn. Không phụ tấm lòng cao cả của người thầy miệt mài công sức, những lớp học này đã giúp nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn chạm tay được đến với cánh cửa đại học mơ ước. Không ít học sinh yếu kém đã dần nâng thành tích học tập lên khá, giỏi... Anh Khánh chia sẻ trong ánh mắt sáng đầy hạnh phúc: “Đó có lẽ là thành công lớn nhất mà tôi đem lại được cho các cháu, bởi sẽ có nhiều đứa nhỏ khi không được kèm cặp học hành tử tế dẫn tới việc bỏ học mà như thế coi như đánh mất tương lai của chúng”. |
“Vì các con, chú có thể tạm gác lại hạnh phúc riêng” Anh Khánh tâm sự: "Làm việc cả ngày trong phân xưởng, nói không mệt mỏi thì là nói dối nhưng chỉ cần mỗi khi đi làm về nghe được tiếng gọi thân thương "Chú ơi!" của mấy đứa nhỏ vậy là tôi lại thấy cảm thấy cuộc sống hạnh phúc và "giàu có" lắm”. Theo anh Khánh, thứ khiến anh trở nên giàu có không phải là tiền bạc, vật chất mà đơn giản là tình cảm của những học trò dành cho anh mỗi ngày. Mặc dù cũng đã gần 40 tuổi nhưng anh Khánh vẫn tạm gác lại hạnh phúc riêng của mình, dành hết công sức, thu nhập để có thể duy trì lớp học dạy cho các con không chỉ những kiến thức mà cả những bài học về cuộc sống, về cách làm người. “Đến tuổi này chưa kết hôn nên ba má tôi cũng giục dữ lắm, nhưng tôi chỉ nói giờ con cũng chẳng biết sao nữa, chỉ đành biết đổ lỗi cho cái duyên cái số chưa tới”, anh Khánh nói. Chị Nguyễn Thanh Nga, phụ huynh đang có con theo học lớp của anh Khánh xúc động: “Cả đời tôi chưa bao giờ gặp ai như chú Khánh, nhiều khi thấy chú ăn gói mỳ tôm qua loa cũng thấy tội. Chỉ mong chú sớm có người ở cạnh lo lắng, chăm sóc”. Mặc dù anh dành trọn cả tuổi thanh xuân của mình cho công việc dạy học đầy nhân văn này nhưng có một điều đặc biệt là trong lớp học của anh không hề thấy cách xưng hô “Thầy-trò” vẫn thường thấy ở bất cứ lớp học nào, mà thay vào đó các con tới học thường gọi anh là “Chú”. Lý giải điều này anh Khánh cho rằng bản thân mình chưa xứng đáng được gọi với hai chữ thầy giáo, còn anh đơn giản chỉ là một con người thầm lặng đưa những chuyến đò chở các con qua sông. Giúp các con ôn lại kiến thức thôi nên không dám nhận mình là thầy. 22h30 phút đêm, lớp học của người “Thầy giáo công nhân” mới vừa tắt đèn và đây cũng mới là lúc anh chuẩn bị bữa tối cho bản thân. Bước ra khỏi căn gác trọ nhỏ bé ấy nhưng câu nói của anh nói với những đứa con của mình vẫn cứ mãi vang vọng bên tai tôi: “Chỉ cần các con cố gắng nỗ lực vì chính cuộc sống của mình thì chú có thể tạm gác lại hạnh phúc riêng…” |
Bà Bùi Thanh Hậu, Chủ tịch Công đoàn Công ty Liên doanh Bio-Pharmachemie chia sẻ:
“ Khánh là một con người làm việc từ cái tâm thật sự, không chỉ luôn hoàn thành tốt công việc mà ở công ty anh luôn năng nổ, hăng hái tham gia các phong trào của công đoàn. Nhận thấy việc dạy học miễn phí của anh mang đầy tính nhân văn, không chỉ cho con em cán bộ, công nhân khó khăn nói riêng mà là cho cả xã hội, nên Công đoàn và Công ty đã tạo điều kiện thuận lợi về thời gian cũng như lương thưởng để anh có thể phát huy việc tốt này”. |
Bài, ảnh: Tùng Nguyễn Thiết kế: Tùng Nguyễn |