“Tết Sum vầy - Xuân gắn kết” lan tỏa tinh thần vượt khó đến nhà giáo
Theo TS. Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, chuỗi hoạt động trong chương trình “Tết sum vầy - Xuân gắn kết” năm 2023 của Công đoàn Giáo dục Việt Nam không chỉ hỗ trợ vật chất mà còn lan tỏa tinh thần sẵn sàng vượt khó, vượt qua áp lực đổi mới giáo dục đến mỗi nhà giáo. |
TS. Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam trao đổi với phóng viên Tạp chí Lao động và Công đoàn về chăm lo Tết cho đội ngũ nhà giáo. Ảnh: THC |
Hiểu đúng về “thưởng Tết” của nhà giáo
“Thưởng Tết” là khái niệm xuất hiện trong khối các đơn vị, doanh nghiệp, chỉ khoản lợi nhuận, tích lũy có được sau khi trừ các chi phí sản xuất kinh doanh trong một năm và được chi trả, phân bổ cho người lao động. Khoản tiền này thường được gọi tên bằng "tháng lương thứ 13" hay "thưởng Tết". Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Ngọc Ân, trong ngành Giáo dục không có khái niệm “thưởng Tết” bởi các cơ sở giáo dục không phải là đơn vị sản xuất kinh doanh, nên không có tích lũy. Thậm chí, nhiều đơn vị còn rất khó khăn, phải dành dụm khi sử dụng ngân sách nhà nước để trang trải các chi phí cho hoạt động của trường. Hiện nay, tiền Tết của giáo viên chia làm hai loại. Một là, đối với giáo viên phổ thông và mầm non, do phần lớn các nhà trường chưa thực hiện tự chủ nên nhà giáo không có thu nhập tăng thêm dịp Tết. Giáo viên làm công, ăn lương và không có tích lũy. Do vậy, với nhóm đối tượng này, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã hướng dẫn công đoàn cơ sở vận dụng, huy động nguồn lực của địa phương để hỗ trợ giáo viên bằng hiện vật hoặc tiền mặt. Thực tế qua nhiều năm triển khai, vào dịp Tết, phần lớn các giáo viên phổ thông và mầm non được địa phương hỗ trợ một phần “tiền tăng thêm Tết” để bù đắp phần nào chi tiêu. Nếu công đoàn cơ sở kêu gọi vận động xã hội hóa tốt, có được sự chung tay hỗ trợ của doanh nghiệp đóng trên địa bàn thì giáo viên sẽ có thêm nguồn lực chăm lo. |
TS. Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam thăm hỏi, động viên thầy giáo Nguyễn Huy Phú (giáo viên Trường Tiểu học Song Tử Tây, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa). Ảnh: NGÔ CHUYÊN |
Hai là, đối với các trường đại học: Hiện nay phần lớn các nhà trường có công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã từng bước thực hiện cơ chế tự chủ nên có nguồn tích lũy, tiết kiệm chi. Do vậy, từ trước tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, tất cả các nhà giáo công tác tại các trường đại học về cơ bản đều có khoản tiền ngoài lương. Mức trung bình mỗi nhà giáo được nhận là từ 5 đến 6 triệu đồng/người. Có những trường tự chủ và hạch toán tốt, tiết kiệm chi tiêu tốt thì nhà giáo có thể được chi trả tới 15 hoặc 16 triệu đồng/người. |
Giảng viên Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh hướng dẫn sinh viên thực hành, thí nghiệm. Ảnh: NTCC |
Chăm lo Tết cho đội ngũ nhà giáo bằng nhiều kênh, nhiều hình thức
Dịp tết Nguyên đán năm 2023, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã chỉ đạo công đoàn các đơn vị, nhà trường chăm lo Tết cho đội ngũ nhà giáo qua nhiều kênh, nhiều hình thức. Cụ thể, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, các công đoàn trường đại học chủ động trích các loại kinh phí huy động từ các nguồn lực để chăm lo tại chỗ cho người lao động. Công đoàn Giáo dục Việt Nam chỉ đạo các công đoàn cơ sở tập hợp danh sách các nhà giáo, người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, báo cáo công đoàn cấp trên để có sự chăm lo, hỗ trợ kịp thời. Qua rà soát, đã có gần 500 nhà giáo thuộc đối tượng được Công đoàn Giáo dục Việt Nam chăm lo với mức 500.000 đồng/người. Nguồn hỗ trợ này đã cấp về các đơn vị để trao đến tay nhà giáo trước tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã trích 300 triệu đồng từ Quỹ xã hội Công đoàn Giáo dục Việt Nam để hỗ trợ cho Công đoàn ngành Giáo dục các tỉnh, thành phố, công đoàn trường đại học tổ chức các hoạt động Tết sum vầy, thăm hỏi, tặng quà giáo viên có hoàn cảnh khó khăn ở tất cả các cấp học. Đồng thời hỗ trợ kinh phí tổ chức chương trình “Tết sum vầy - Xuân gắn kết” ở vùng Tây Nam Bộ (trọng điểm là Trường Đại học Đồng Tháp) và vùng Tây Bắc (trọng điểm là Trường Đại học Tây Bắc); tặng quà cho các trường học, các giáo viên và học sính khó khăn bằng tiền mặt, hiện vật; hỗ trợ công đoàn cơ sở tổ chức chương trình “Tết sum vầy - Xuân gắn kết” với nhiều hoạt động vui chơi, dân vũ, hoạt động tập thể để tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đầm ấm cho nhà giáo, người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh việc tổ chức điểm chương trình “Tết sum vầy - Xuân gắn kết” ở hai trường đại học nói trên, Công đoàn Giáo dục Việt Nam còn tiếp tục hỗ trợ tổ chức "Tết sum vầy - Xuân gắn kết" cho nhà giáo tại nhiều đơn vị khác như Đại học Cần Thơ, thăm và tặng quà giáo viên, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Phú Thọ... |
Đồng chí Nguyễn Thị Bích Hợp - Phó chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam (thứ 9 từ trái qua) trao quà cho nhà giáo có hoàn cảnh khó khăn ở Phú Thọ. Ảnh: VIỆT HÀ |
Không chỉ chăm lo đội ngũ nhà giáo thuộc các công đoàn cơ sở trực thuộc, với trách nhiệm của mình, Công đoàn Giáo dục Việt Nam còn kêu gọi các nguồn lực, các nhà hảo tâm ủng hộ giáo viên phổ thông có hoàn cảnh khó khăn, không may qua đời, ốm đau, bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, dịch bệnh Covid-19… vào các dịp lễ, Tết trong năm. Những hoạt động chăm lo nhà giáo, người lao động qua nhiều kênh, hướng mạnh về cơ sở, dưới nhiều hình thức của Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã thu hút sự quan tâm, đồng hành của nhiều đơn vị, doanh nghiệp và chính đội ngũ nhà giáo trong ngành. Cụ thể như Quỹ Tấm lòng Việt, Tập đoàn Khải Minh, Công ty Long Hải… cũng như một số công đoàn trường đại học trực thuộc Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Đơn cử, Công đoàn Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã huy động doanh nghiệp có sinh viên cũ của nhà trường tham gia ủng hộ nhà giáo có hoàn cảnh khó khăn thông qua chương trình của Công đoàn Giáo dục Việt Nam; Công đoàn Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh huy động nhà giáo, người lao động ủng hộ đồng nghiệp khó khăn bằng tiền mặt. Công đoàn Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội tổ chức vẽ, in, bán phong bao lì xì, đấu giá tranh để gây quỹ ủng hộ chương trình “Tết sum vầy - Xuân gắn kết” do Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức. Đó là những việc làm đầy ắp sự đùm bọc, sẻ chia của doanh nghiệp, ngành Giáo dục trước những hoàn cảnh khó khăn. |
Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam - Đặng Hoàng Anh (thứ 5 từ phải qua) trao quà cho các giáo viên có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: VIỆT HÀ |
Đồng hành cùng nhà giáo vượt qua áp lực của đổi mới giáo dục
Theo TS. Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, trong bối cảnh hiện nay, giảng viên các trường đại học đứng trước nhiều áp lực trong công việc, tư tưởng, khả năng ứng đáp với việc vận hành của các nhà trường. Do vậy, chương trình “Tết sum vầy - Xuân gắn kết” của Công đoàn Giáo dục Việt Nam ngoài việc hỗ trợ trực tiếp bằng vật chất cho giáo viên có hoàn cảnh khó khăn thì còn có ý nghĩa chăm lo, động viên tinh thần nhà giáo, giúp họ thêm tự tin, hứng khởi, yên tâm, sẵn sàng đối mặt với những thách thức, khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục và tự chủ của các nhà trường. Bởi lẽ, đổi mới giáo dục đòi hỏi ở giáo viên rất nhiều kĩ năng mới mà không phải ai cũng thích ứng được. Thậm chí, một bộ phận nhà giáo còn cảm thấy khó khăn, bất lực. “Nhà giáo, người lao động trong ngành Giáo dục cũng như người lao động ở nhiều ngành nghề khác. Họ cũng gặp những khó khăn, áp lực trước sự đổi mới vận hành của ngành và xã hội. Tuy nhiên, với sự động viên, đồng hành của tổ chức Công đoàn, tất cả các giáo viên đã có thêm động lực để vượt lên những rào cản trong công việc, cuộc sống, đáp ứng những yêu cầu cuộc sống đề ra. |
Trường Đại học Đồng Tháp ra mắt "Mô hình xe đạp vì sức khoẻ công đoàn viên". Ảnh: GDTĐ . |
Những chương trình đồng hành ý nghĩa của Công đoàn Giáo dục Việt Nam được truyền thông qua các kênh thông tin đại chúng, fanpage Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã lan tỏa tin thần vượt khó, yên tâm đón Tết trong đội ngũ nhà giáo. Nhà giáo thêm phấn khởi, tự tin, nỗ lực cố gắng vượt qua khó khăn để xứng đáng với sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn Giáo dục Việt Nam” - TS. Nguyễn Ngọc Ân cho biết. |
Bài: HÀ VY |