|
Tết Dương lịch 2021: Không phải công nhân nào cũng vội vã về quê |
Khi chúng tôi hỏi “Chị có về quê không?”, chị Phạm Thanh Nga (công nhân trong KCN Bắc Thăng Long) vội xua tay và cho biết chị và gia đình quyết định ở lại nhà trọ, để nghỉ ngơi và cũng để tiết kiệm cho cái Tết Nguyên đán đang cận kề. |
Không Phải ai cũng vội vã về Quê |
Chập choạng tối, 17h30 phút, tại sân tập thể của tòa nhà chung cư dành cho công nhân lao động ở thôn Bầu, Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội vẫn đầy ắp tiếng cười nói của trẻ con. Nhiều em bé được người thân cho xuống sân chơi, đạp xe đạp. Chiều tối 31/12, có vẻ mọi thứ trở nên vội vàng hơn. Xa xa, không ít cặp vợ chồng công nhân tay xách nhiều túi đồ để mang ra xe về quê. Mặc dù năm nay nhiều công ty không được thưởng tiền mặt, mà thay vào đó chỉ tặng lịch và quà, nhưng nhiều người vẫn muốn về quê, vì đơn giản là kỳ nghỉ dài và họ muốn trở về bên gia đình. Có những người vội vã ra về, nhưng cũng có không ít người chọn ở lại. Nếu như các bạn công nhân trẻ, chưa lập gia đình, chọn cách đi du lịch cùng bạn bè để tạm biệt năm cũ và chào đón một năm mới nhiều hy vọng, thì những người đã có gia đình lại chọn cách ở lại khu trọ, dành thời gian nấu cơm cho gia đình, cùng nhau chăm con, đưa con đi chơi ở gần đó... Chị Phạm Thanh Nga, 38 tuổi, quê ở Vĩnh Phúc, làm công nhân ở Công ty TNHH TOTO Việt Nam (Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội) đã chục năm nay. Dịp Tết Dương lịch năm nay chị được nghỉ 4 ngày (từ ngày 31/12/2020 đến hết ngày 3/1/2021). Kỳ nghỉ khá dài là thế nhưng khi chúng tôi hỏi “Chị có về quê không?”, chị Nga lắc đầu. Một tay bế con nhỏ, một tay xách túi thực phẩm vừa mua ở chợ gần đó, chị Nga chia sẻ: “Tôi cũng muốn về quê lắm, dù quê chỉ cách đây chừng 40km. Nhưng ngặt nỗi vướng ba đứa nhỏ, trời trở lạnh. Hơn nữa, tôi và chồng cũng quyết định ở lại nhà trọ để tiết kiệm chi phí vì không có thưởng Tết Dương lịch. Có lẽ nay mai sẽ cho mấy đứa nhỏ đi chơi gần đây thôi”. Năm 2020 chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên cũng khiến thu nhập của những người công nhân như chị Nga bị tác động đáng kể. “Thu nhập giảm là đương nhiên rồi. Năm nay khó khăn, nhưng tôi và chồng vẫn còn may mắn khi giữ được công việc. Thời gian qua, chúng tôi cũng đôi lúc phải nghỉ luân phiên một vài ngày, nhưng may là công ty duy trì được các đơn hàng và chúng tôi vẫn có việc”, chị Nga bộc bạch. |
Vợ chồng chị Nga quyết định ở lại khu trọ trong dịp Tết Dương lịch 2021. |
Cùng xóm trọ với chị Nga, anh Nguyễn Văn Son, 33 tuổi, quê ở Hà Tây, làm công nhân tại KCN Bắc Thăng Long đã 10 năm, chia sẻ: “Năm nay công ty tôi cho nghỉ 5 ngày dịp Tết Dương Lịch. Nhưng vợ chồng tôi quyết định không về quê mà ở lại khu trọ. Con ốm, trời lại trở lạnh nên chúng tôi không về nữa, chờ tới Tết Nguyên đán. chỉ được ít thôi (mấy trăm nghìn đồng), còn lại là chờ Tết Nguyên Đán. Giờ con nhỏ dễ đau ốm nên tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy”. |
Mong ước Trong năm 2021 |
Nói về mong ước cho một năm mới sắp đến, chị Nga cho biết, chỉ mong gia đình có sức khỏe, các con chăm ngoan và công việc sang năm khá hơn là mừng rồi. Nhoẻn miệng cười, anh Son ngắm cô con gái nhỏ vui đùa trên sân rồi nói rằng: “Tôi chỉ mong hai vợ chồng có sức khỏe, công việc ổn, con cái khỏe mạnh, thế là mừng lắm”.
|
|
Một số hình ảnh công nhân KCN Bắc Thăng Long trong chiều tối cuối cùng của năm 2020. Càng về chiều tối, đường trong KCN Bắc Thăng Long trở nên đông đúc hơn vì nhiều người vội về quê ăn Tết Dương lịch. |
Trên xe buýt cũng đông hơn bình thường vì nhiều công nhân về quê trong ngày hôm nay.
Nhiều người vừa xách đồ vừa bế con vội vã rời khu trọ để lên xe về quê trong ngày cuối cùng của năm 2020. |
Trong lúc chờ xe, nhiều công nhân còn tranh thủ ra cây ATM để rút tiền. |