Tết của nhân viên đường sắt: Đổi nỗi buồn lấy niềm vui hành khách
Đời sống - 13/02/2024 09:38 Hồng Nhung
Những cái Tết xa con
Chị Phạm Thị Anh Đào - Trạm trưởng Trạm Vận tải đường sắt Hà Nội chia sẻ, hầu như năm nào cũng thế, lượng khách dịp Tết Nguyên đán tăng gấp đôi, gấp ba so với ngày thường. Những nhân viên trong ngành động viên nhau cố gắng làm việc với cường độ lao động cũng phải tăng gấp đôi, gấp ba thì mới đáp ứng được yêu cầu công việc.
Tất nhiên, không chỉ riêng chị mà cả nghìn lao động ngành Đường sắt phải trực xuyên Tết, từng ấy người phải xa gia đình, con cái trong thời khắc đón Giao thừa và rất hiếm hoi có một cái Tết trọn vẹn bên người thân.
|
Chưa kể, hai vợ chồng chị đều làm cùng ngành. “Gần 30 năm trong nghề, Tết dành cho công việc là chính, tôi cũng chẳng kiểm đếm nhưng những năm vợ chồng tôi được đón Giao thừa cùng nhau rất ít, chỉ đếm chưa hết một bàn tay thôi”, chị Đào ngậm ngùi.
Khi các con còn nhỏ thì chị sẽ gửi ông bà nội ngoại, khi các cháu lớn lên rồi thì tự bảo ban nhau sắm Tết, trang hoàng nhà cửa để bố mẹ yên tâm công tác.
“Gia đình và các con của cán bộ, công nhân viên ngành Đường sắt nói riêng và các ngành vận tải nói chung cũng thiệt thòi nhiều vì dịp này bố, mẹ phải đi làm. Nhưng, tôi cũng nhận được sự giúp đỡ, động viên lớn từ gia đình. Các con tôi cũng thấu hiểu với sự vất vả của bố mẹ, và luôn tự hào khi kể cho bạn bè nghe về công việc của vợ chồng tôi”.
“Nhiều khi cũng chạnh lòng lắm, ai chả có mong muốn được đón Tết bên chồng con nhưng xác định đã làm nghề này thì phải chấp nhận đó là yêu cầu công việc. Lúc mới vào nghề thì mình cũng chưa quen đâu, cũng khóc đấy, nhưng dần dần thì quen rồi. Mình thì thiệt thòi vì không lo được cho gia đình nhiều nhưng nhìn hành khách phấn khởi vì sắp được đoàn tụ nên mình cũng thấy thiệt thòi của mình cũng không đáng gì phải băn khoăn cả”, chị Đào chia sẻ.
Nhân viên Trạm Vận tải đường sắt Hà Nội đang làm nhiệm vụ dịp Tết. Ảnh: NVCC |
Đi qua nhà mà không được về nhà
“Ngày Tết người trong Nam ra Bắc ăn Tết với người thân là nhiều nhưng tôi thì chở họ ra Bắc rồi lại trở vào Nam. Đi qua nhà nhìn thấy nhà nhưng không thể xuống tàu để về”, đó là tâm sự của anh Lê Thành Vân, Trưởng tàu SE34, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.
11 năm làm nghề, chưa năm nào anh Vân được ăn Tết với gia đình. Vợ chồng anh đều làm cùng ngành, ngày thường đã ít gặp nhau chứ nói gì đến các dịp lễ, Tết. Nhắc đến những kỷ niệm dịp lễ, Tết, giọng anh Vân như chùng xuống. Bố anh mất dịp Tết Dương lịch vừa rồi mà anh không kịp về gặp bố lần cuối.
“Hôm đó là ngày cuối cùng của dịp nghỉ Tết Dương lịch, tôi kết thúc công việc lúc 8 giờ tối ở Sài Gòn, muốn gặp bố lần cuối chỉ có cách đi máy bay mà giờ đó không còn chuyến bay nào về quê nội ở Vinh nữa. Sáng hôm sau tôi mới bay về thì công việc hậu sự của bố đã xong xuôi…”.
Hai vợ chồng đều quê ngoài Bắc, lại lập nghiệp trong Nam, ngày thường thì phải phân công nhau trực so le để đảm bảo luôn có người ở cạnh các con, nhưng bước vào chiến dịch Tết là anh chị phải gửi con ra Bắc.
Anh Vân và con gái trên chuyến tàu từ Nam ra Bắc để gửi con về ông bà nội. Ảnh: NVCC |
“Các cô giáo cũng thông cảm với hoàn cảnh của gia đình nên năm nào cũng tạo điều kiện cho các con tôi nghỉ Tết trước và ra Tết đi học muộn hơn các bạn cả tuần lễ. Thương con lắm nhưng cũng phải nuốt nước mắt vào trong. Các con tôi chịu thiệt thòi nhiều, nhưng cũng may các cháu hiểu bố mẹ vất vả, đặc thù công việc nên rất ngoan ngoãn, hiểu chuyện, và nghe lời bố mẹ”.
Gác lại những bộn bề của gia đình, anh Vân luôn hoàn thành tốt công việc, đôi khi còn là chỗ dựa tinh thần cho anh em trên tàu.
Anh kể, “nhiều em nhân viên tập sự chưa quen khi đón Tết trên tàu đã bật khóc, tôi cũng muốn khóc theo lắm nhưng nếu thế ai là người dỗ dành các em nên tôi phải cố gắng kiềm chế, mạnh mẽ động viên các em”.
Vất vả, thiệt thòi là thế, nhưng khi tôi hỏi “nếu được lựa chọn lại anh có đổi nghề khác không?”, thì anh Vân trả lời: “Sự thiệt thòi đó của chúng tôi vẫn ít hơn so với niềm vui của hành khách. Ví dụ, tàu của tôi tổng số có 30 nhân viên mà dịp Tết này tàu phục vụ khoảng 10 chuyến Nam – Bắc, mỗi chuyến chở được khoảng 1000 lượt khách, vậy 10 chuyến tương đương với 10.000 lượt khách. Vậy 30 nỗi tủi thân của chúng tôi đổi lấy 10.000 niềm vui của hành khách thì có đáng gì!”
Anh Vân (ngoài cùng bên trái) và đồng nghiệp quây quần bên nhau đón Tết trên tàu. Ảnh: NVCC |
Thêm nữa, Ban Lãnh đạo Công ty và công đoàn rất quan tâm, lo cho anh em trên tàu một cái Tết tươm tất. Khoảnh khắc đón Giao thừa, anh em quây quần bên mâm cơm cúng sang canh, chúc nhau những lời chúc may mắn, bình an, cảm nhận tình thân như người nhà, thấy Tết cũng thật ấm áp, đủ đầy.
Chủ tịch Công đoàn Đường sắt Việt Nam – Mai Thành Phương cho biết, năm nào cũng vậy, Công đoàn phối hợp với chuyên môn ban hành kế hoạch chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động trong ngành từ rất sớm, trước Tết 2 tháng, trong đó có rất nhiều nội dung. Thứ nhất là ưu tiên trợ cấp cho các đối tượng là người lao động, gia đình người lao động có hoàn cảnh khó khăn với các mức hỗ trợ từ 1,5 - 10 triệu đồng, do các đơn vị cơ sở đề xuất lên. Thứ hai là có quà thăm hỏi cho các đối tượng khó khăn trong ngành, hỗ trợ cả về mặt tinh thần để họ đón Tết. Thứ 3 là tổ chức các điểm Tết sum vầy... và nhiều hoạt động có ý nghĩa khác. Ngành Đường sắt có hơn 300 ga, ở mỗi ga đều là nơi tập trung đông công nhân lao động các đơn vị, thuộc các hệ như vận tải, cầu đường, thông tin tín hiệu, đầu máy, toa xe… Vì vậy, quan điểm của Tổng Công ty là chọn ga là nơi tổ chức Tết tập trung cho tất cả công nhân lao động Đường sắt; nên tất cả các điểm ga trong toàn ngành, trên các tuyến đều được tổ chức chương trình Tết sum vầy. Ngoài ra, còn có rất nhiều hoạt động khác như tặng quà cho anh em trực Tết, tổ chức các bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, thực đơn phong phú, gói bánh chưng cho anh em ở lại ăn Tết. Nhiều đơn vị còn hỗ trợ tiền ăn cho anh em trong dịp Tết. Một nét truyền thống nữa của Đường sắt là Tết sẽ có những chuyến tàu đi xuyên qua Giao thừa, lãnh đạo Tổng Công ty cũng đã phân công chuyên môn cùng công đoàn ra tiễn những chuyến tàu, động viên anh em, chúc anh em và quý khách thượng lộ bình an. Năm nay, Công đoàn Đường sắt Việt Nam cùng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát hành chương trình hỗ trợ vé cho công nhân trong ngành về quê đón Tết. Những tấm vé ấy được ưu tiên cho những đồng chí thường xuyên phải trực Tết, ít có điều kiện về quê. |
Video: Đồng chí Mai Thành Phương - Chủ tịch Công đoàn Đường sắt Việt Nam chia sẻ.
Tàu chạy an toàn hơn, công nhân gác chắn bớt thấp thỏm lo âu Công trình chào mừng Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam vừa hoàn thiện, giúp công nhân Chắn Thanh niên (TP Hải Dương) bớt thấp ... |
Trực ban đón Tết trên đèo: “Đầy đủ lắm, chỉ hơi buồn là sống với khỉ thôi” Thấy đồng nghiệp 2 năm chưa về quê ăn Tết, anh Hoa gác lại kế hoạch về với gia đình, tự nguyện xin ở lại ... |
Đồng chí Mai Thành Phương: "Với công nhân Đường sắt, Tết là những ngày bận rộn nhất" Đường sắt là một ngành đặc thù, khi mà nhà nhà đang quây quần bên nhau sắm Tết chuẩn bị đón chào năm mới thì ... |
Tin cùng chuyên mục
Người lao động - 12/09/2024 18:17
Cuộc thi “Chung tay vì an toàn giao thông” năm 2024 nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao kiến thức và ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho mọi người dân, nhất là thế hệ trẻ, công nhân, người lao động.
Đời sống - 11/09/2024 07:48
Từ một công nhân lái xe mang bản chất của người lính Bộ đội Cụ Hồ, sau nhiều năm công tác, anh Trần Ngọc Vĩ đã trở thành Giám đốc Xí nghiệp Cơ khí - Xây lắp thuộc Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình Đô thị Huế có nhiều sáng kiến, sáng tạo từ thực tiễn công việc và được áp dụng vào hoạt động của công ty.
Đời sống - 10/09/2024 20:28
Nhiều đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp ở miền Trung đã hỗ trợ nhân lực, miễn phí vận chuyển hàng hoá ra Hà Nội và các tỉnh, thành phía Bắc để khắc phục hậu quả bão số 3.
Người lao động - 09/09/2024 18:21
Sau sự cố sập cầu Phong Châu (Km18+300, Quốc lộ 32C), Công an tỉnh Phú Thọ đã nhanh chóng ra thông báo phương án phân luồng giao thông, đảm bảo đi lại, phục vụ đời sống, kinh doanh, sản xuất của người dân và người lao động khu vực.
Người lao động - 09/09/2024 11:19
Tuy bão số 3 đã tan, nhưng hoàn lưu cơn bão vẫn sẽ tiếp tục gây mưa lớn tại các tỉnh Bắc Bộ đến Thanh Hóa. Người lao động, đặc biệt công nhân tại các khu vực vùng núi cần cảnh giác với lũ quét và sạt lở đất.
Đời sống - 07/09/2024 21:05
Giữa cơn bão số 3, những công nhân thoát nước vẫn túc trực tại các điểm trạm, đảm bảo khơi thông nước, tránh ngập úng trên các tuyến đường Thủ đô.