|
Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nâng giờ làm thêm nhưng không quá 60 giờ/tháng, nhiều người lao động và chủ doanh nghiệp tại khu công nghiệp ở TP. Đà Nẵng ủng hộ với quyết định trên. |
Tăng thu nhập để trang trải cuộc sống |
Chị Nguyễn Thanh Đào (công nhân Công ty TNHH Khoa học Kỹ thuật Tường Hựu, Khu công nghiệp Hòa Khánh, Đà Nẵng) cho biết, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua “nâng” giờ làm thêm lên 60 giờ/tháng là cơ hội để chị cải thiện thu nhập giúp gia đình có thêm chi phí trang trải cuộc sống, nhất là trong thời điểm vật giá leo thang. “Cả hai vợ chồng đều làm công nhân với thu nhập bình quân khoảng 15 triệu đồng/tháng, tính cả tiền tăng ca trung bình mỗi ngày khoảng 2 tiếng. Trước đây, hai vợ chồng phải tính toán và chi tiêu rất tiết kiệm mới đủ các khoản chi phí như tiền nhà, tiền học cho hai con nhỏ, tiền ăn uống, ốm đau,…. Gần đây, khi vật giá đồng loạt leo thang, thu nhập của hai vợ chồng là không đủ sống nên tăng giờ làm thêm lúc này như phao cứu sinh của hai vợ chồng”, chị Đào nói. |
Tăng giờ làm thêm tạo điều kiện để doanh nghiệp khôi phục sản xuất. Ảnh: XH |
Cùng quan điểm, chị Lương Thị Thọ (công nhân Công ty TNHH Lafien Vina, Khu công nghiệp Hòa Khánh, Đà Nẵng) cho biết bản thân luôn chủ động đăng ký tăng ca khi công ty yêu cầu để tăng thêm thu nhập. Hơn nữa, chị Thọ cũng hy vọng sẽ được hỗ trợ thêm tiền ăn uống để bồi bổ, có sức khỏe để tiếp tục công việc. “Việc cho phép tăng mức trần giờ làm thêm theo tôi là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, tôi cũng mong rằng doanh nghiệp sẽ hỗ trợ thêm bữa ăn ca, hoặc chi phí để đảm bảo sức khỏe cho mọi người làm việc”, chị Thọ cho biết. |
Theo ông Nguyễn Lương Minh – Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Lafien Vina, doanh nghiệp không lấy việc tăng giờ làm thêm để tạo áp lực cho người lao động. Đây là sự thỏa thuận để hai bên cùng đạt được hiệu quả. “Doanh nghiệp nước ngoài như chúng tôi sẽ có mùa bận rộn. Thời điểm gần Tết thì rất rảnh, hầu như không có việc vì tất cả các kho trên thế giới đều đóng kho để kiểm kê hàng. Tuy nhiên, thời điểm như hiện nay thì lại rất bận, nhưng qua Tết thì thực trạng doanh nghiệp thiếu lao động thường xảy ra vì công nhân nghỉ việc tìm chỗ làm mới, hoặc chịu ảnh hưởng của dịch bệnh nên sẽ có khó khăn, cần phải tăng giờ làm để đảm bảo tiến độ”, ông Minh cho biết. Bên cạnh đó, theo ông Minh, khảo sát tại doanh nghiệp thì người lao động ở xa, thuê trọ có nguyện vọng được tăng ca để tăng thêm thu nhập. Ngoài ra, nhiều trường hợp tuyển dụng, người lao động yêu cầu doanh nghiệp phải có tăng ca thì mới đi làm để thu nhập cao hơn. |
"Nước lên thì thuyền lên" |
Theo ông Huỳnh Văn Chính – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may 29/3 việc nâng trần giờ làm thêm chỉ là bất đắc dĩ bởi chủ doanh nghiệp cũng muốn người lao động được ổn định sức khỏe để làm việc lâu dài, năng suất lao động cao, thời gian làm việc càng giảm càng tốt. Tuy nhiên, các doanh nghiệp hiện nay đang phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập từ nước ngoài, những biến động vì dịch bệnh ảnh hưởng đến việc sản xuất không kịp để giao đơn hàng,… Vì vậy, theo ông Huỳnh Văn Chính việc nâng trần là nâng khung pháp lý để hỗ trợ doanh nghiệp khi cần thiết có thể tăng giờ mà không vi phạm luật. “Những khách hàng nước ngoài, họ quan tâm đến trách nhiệm xã hội thì thông thường những doanh nghiệp làm quá giờ, sai phạm hợp đồng sẽ không đáp ứng được yêu cầu, khách hàng đề cao việc chú trọng pháp luật. Vì vậy, tôi cho rằng việc tăng giờ là đang nới khung pháp lý để giảm bớt lo âu cho doanh nghiệp. Thực ra nếu sản xuất chỉ dựa vào việc tăng giờ thì hiệu quả kinh tế cũng không cao. Tăng giờ làm đồng nghĩa doanh nghiệp sẽ bỏ chi phí cao hơn, tăng lương lên 1,5 lần, tăng thêm các chế độ phúc lợi,… Song, ở thời điểm này việc tăng giờ là cần thiết trong bối cảnh để giúp doanh nghiệp khôi phục lại sản xuất không vi phạm khung pháp lý chứ không phải doanh nghiệp muốn dựa vào việc tăng giờ để tăng ca liên tục làm người lao động mất sức”, ông Chính cho biết. Bên cạnh đó, ông Chính cũng cho rằng thu nhập của người lao động hiện vẫn chưa đảm bảo, những gia đình sống chỉ dựa vào lương đều mong muốn có tăng thêm một chút để trang trải chi phí. Với nhiều người lao động vừa thuê trọ, trang trải chi phí cho gia đình, con cái học hành thì luôn mong muốn được tăng mức thu nhập chính đáng từ công sức lao động họ bỏ ra, nhất là trong điều kiện vật giá leo thang. “Bác Hồ cũng từng nói mức sống của công nhân và tăng gia sản xuất như thuyền với nước, nước lên thuyền mới lên, khi sản xuất tăng thì đời sống công nhân mới cao và ngược lại. Cả hai mặt đều có tác động lẫn nhau. Khung pháp lý này giúp cho doanh nghiệp sản xuất đảm bảo theo quy định của pháp luật để khách hàng không tạo áp lực. Đó cũng là sự đồng cảm của người lao động với doanh nghiệp, bởi nếu không có quy định thì khiến cho mối quan hệ doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng”, ông Chính cho biết. |
Nâng mức trần làm thêm giờ cũng đặt ra những yêu cầu về việc đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Thành Trung – Chủ tịch Công đoàn Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng cho rằng Công đoàn phải tăng cường vai trò giám sát để đảm bảo người lao động được bảo vệ khi thực hiện việc tăng ca. “Trước hết, Công đoàn sẽ nắm ý kiến xem người lao động có đồng ý tham gia tăng ca không, việc tổ chức làm thêm giờ không vượt quá quy định. Đồng thời, Công đoàn cũng động viên người lao động làm thêm để chia sẻ với doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn. Với vai trò bảo vệ người lao động, Công đoàn sẽ thực hiện giám sát việc chi trả chế độ, đảm bảo dinh dưỡng cho người lao động. Việc tăng giờ làm thì kéo theo đó các doanh nghiệp cần tăng cường bữa ăn phụ, các chính sách hỗ trợ khác”, đồng chí Nguyễn Thành Trung cho biết. |
Người lao động muốn được tăng giờ làm thêm để tăng thêm thu nhập trong thời điểm vật giá leo thang như hiện nay. Ảnh: XH |