tăng cường bảo vệ, chăm lo quyền, lợi ích của đoàn viên để hạn chế tranh chấp lao động
Chiều ngày 01/10, LĐLĐ TP. HCM đã tổ chức hội nghị gặp gỡ, trao đổi về tình hình 9 tháng đầu năm 2020. Hội nghị với sự tham dự của Ban Dân vận Thành ủy, LĐLĐ TP, 24 quận, huyện và đại diện một số sở, ban, ngành của TP. HCM.
9 tháng đầu năm có 8 vụ tranh chấp lao động
T
ính trong 09 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn TP. HCM xảy ra 08 vụ tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể (giảm 01 vụ so với cùng kỳ) với tổng số người tham gia là 4.166 người (giảm 824 người so với cùng kỳ); trong đó có 02 vụ tranh chấp lao động xảy ra tại các doanh nghiệp trong nhà nước và 06 vụ xảy ra tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Ông Kiều Ngọc Vũ - Phó Chủ tịch LĐLĐ TP. HCM cho biết, đa số tranh chấp lao động tập thể và đình công xảy ra tại các doanh nghiệp FDI: 06 cuộc (chiếm 75%), doanh nghiệp ngoài Nhà nước: 02 cuộc (chiếm 25%). Tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể xảy ra trên địa bàn một số huyện như Củ Chi, Bình Chánh, quận Bình Tân - mỗi quận, huyện 02 vụ; quận Thủ Đức, huyện Hóc Môn - mỗi quận, huyện 01 vụ.
Nguyên nhân của các cuộc tranh chấp lao động dẫn đến ngừng việc tập thể xảy ra trên địa bàn thành phố trong 9 tháng đầu năm là do quyền và lợi ích của đoàn viên, người lao động chưa được đảm bảo, như việc tăng lương hàng năm, chất lượng bữa ăn ca, thời giờ làm việc và nghỉ ngơi.
Các doanh nghiệp chưa thực hiện tốt quy chế đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể để có những lợi ích bằng hoặc cao hơn so với quy định của pháp luật cho người lao động. Một số doanh nghiệp còn vi phạm pháp luật về lao động như thực hiện không đúng quy định về hợp đồng lao động, chậm thanh toán tiền lương, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp,...
Qua ghi nhận và tổng hợp thì hầu hết các cuộc tranh chấp lao động tập thể đều không qua quá trình thương lượng. Việc thương lượng giải quyết tranh chấp chỉ xảy ra sau khi người lao động đã tiến hành và dưới sự hỗ trợ của Tổ công tác liên ngành hoạt động theo Quyết định số 21/2016/QĐ-UBND ngày 21/6/2016 của UBND TP. HCM.
đẩy mạnh chăm lo cho người lao động khó khăn
Tại hội nghị, các đại biểu đến từ quận, huyện trên địa bàn T.P HCM đã đưa ra nhiều ý kiến khác nhau về công tác chăm lo đời sống cho người lao động, tình trạng quan hệ lao động trên mỗi địa bàn. Đồng thời, nhiều ý kiến cũng đề cập đến sự chăm lo tận tình, chu đáo của LĐLĐ TP đối với người lao động, doanh nghiệp trong hai đợt dịch Covid-19.
Bà Trần Thị Thanh Nhàn - Trưởng ban Dân vận Quận ủy Gò Vấp đưa ra ý kiến rằng, trên địa bàn TP. HCM có nhiều doanh nghiệp đã hoạt động trên 20 năm, ưu đãi đầu tư không còn nên họ chuyển hướng kinh doanh. Mặt khác, trong năm 2021, Bộ luật Lao động được điều chỉnh, cùng với đó là ảnh hưởng của dịch bệnh, doanh nghiệp lâm vào cảnh khó khăn nên họ sẽ tìm kiếm thị trường mới, di chuyển địa bàn để tháo gỡ bài toán kinh tế. Và vấn đề đặt ra là người lao động trên địa bàn TP. HCM cũng vì thế mà càng khó khăn hơn khi thiếu việc làm. Chưa kể đến đã có tuổi, có thâm niên nhưng phải chấm dứt hợp đồng lao động, cũng rất cần được quan tâm.
Trong hội nghị, bà Trần Thị Diệu Thúy - Chủ tịch LĐLĐ TP. HCM cho biết, công đoàn cơ sở tại TP. HCM sẽ nỗ lực tối đa trong khả năng và quy định của pháp luật cũng như hướng dẫn của Tổng LĐLĐ Việt Nam để chăm lo cho người lao động. LĐLĐ TP. HCM đã ban hành kế hoạch chăm lo Tết Tân Sửu năm 2021 cho các đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Trước mắt, LĐLĐ TP. HCM cùng với các cấp công đoàn, địa phương nỗ lực chăm lo đời sống cho người lao động để đảm bảo quan hệ lao động hài hòa. Ngay cả vấn đề chăm lo Tết Tân Sửu năm 2021 cũng cần chú trọng ngay từ bây giờ.
Bài: Dương Thùy
Ảnh: Dương Thùy
Đồ họa: Russia