Tầm nhìn mới về sứ mệnh, vai trò của Công đoàn Việt Nam trong thời kỳ mới của đất nước

Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023-2028 đã thành công tốt đẹp. Đại hội vinh dự được đón đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tới dự phiên trọng thể, ngày 2/12/2023. Tại đây, Tổng Bí thư có bài phát biểu quan trọng chỉ đạo Đại hội.

Để làm sâu sắc hơn tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Tạp chí Lao động và Công đoàn xin trân trọng giới thiệu bài viết của GS.TS Đinh Xuân Dũng - nguyên Uỷ viên Hội đồng Lý luận Trung ương.

Đại hội đại biểu Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII (từ ngày 01 đến 03/12/2023) diễn ra trong một thời điểm đặc biệt quan trọng của đất nước, trong đó nổi lên ba nhân tố gắn chặt với nhau: những thách thức mới khắc nghiệt, những cơ hội lớn và một ý chí sắt đá khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Với sự chuẩn bị công phu về tư tưởng và tổ chức, Đại hội đã thành công tốt đẹp đúng với tinh thần “Đổi mới – Dân chủ - Đoàn kết – Phát triển”.

Bài phát biểu quan trọng chỉ đạo Đại hội và định hướng cho toàn bộ hoạt động của Công đoàn Việt Nam giai đoạn mới của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại ấn tượng sâu sắc không chỉ đối với đại biểu Đại hội mà đối với toàn bộ giai cấp công nhân và người lao động Việt Nam. Từ sự tổng kết sâu sắc thực tiễn và từ những yêu cầu mới của sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước, bài phát biểu đã thể hiện sáng rõ tầm nhìn mới của Tổng Bí thư về sứ mệnh, vai trò, trách nhiệm của Công đoàn Việt Nam trong thời kỳ phát triển mới của đất nước.

Tầm nhìn mới về sứ mệnh, vai trò của Công đoàn Việt Nam trong thời kỳ mới của đất nước

Một mặt, Tổng Bí thư khẳng định, trải qua 94 năm hoạt động, Công đoàn Việt Nam đã tuyệt đối trung thành với Đảng và giai cấp, có những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng; mặt khác, Tổng Bí thư xác định trong giai đoạn đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng hiện nay, “vai trò, vị thế của tổ chức Công đoàn càng được khẳng định, phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết”.

Đó là kết quả của tư duy biện chứng trong xử lý quan hệ giữa thành tựu đã đạt được trong nhiều năm qua và những yêu cầu mới, cao hơn trong thời gian tới. Mặt khác, gần đây, có tư tưởng cho rằng, khi kinh tế thị trường được vận hành ngày càng sâu rộng, khi quan hệ lao động đang biến đổi sâu sắc và phức tạp thì vai trò, vị thế của Công đoàn – tổ chức chính trị - xã hội do Đảng lãnh đạo sẽ giảm thiểu, thì khẳng định trên đây của Tổng Bí thư trở nên hết sức thiết yếu, đúng với quy luật phát triển của cách mạng nước ta, và từ đó chỉ ra trách nhiệm cao và mới của tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu “hơn lúc nào hết, công nhân lao động và tổ chức Công đoàn nước ta cần nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn nữa về vị trí, vai trò và sứ mệnh lịch sử của mình... là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước”.

Tư duy biện chứng, hợp tình, hợp lý, vừa thẳng thắn, vừa ân tình khi Tổng Bí thư nhận định kết quả và hạn chế của tổ chức và hoạt động công đoàn trong nhiệm kỳ qua. Tổng Bí thư nhìn nhận các hoạt động đó trong một bối cảnh đặc biệt với ba đặc điểm nổi bật của nhiệm kỳ XII (2018-2023): những năm đầu thuận lợi; những năm giữa với nhiều khó khăn không lường trước được như đại dịch Covid-19 tàn phá cuộc sống, xung đột vũ trang, sự suy giảm kinh tế thế giới; và cuối nhiệm kỳ, những hậu quả nặng nề xuất hiện tác động trực tiếp đến công nhân và người lao động... Khó khăn, thách thức lớn hơn thuận lợi.

Chính trong hoàn cảnh đó, với tầm nhìn toàn diện và tổng kết thực tiễn khoa học, Tổng Bí thư đã đánh giá cao “các cấp công đoàn cả nước đã vượt qua mọi khó khăn, đổi mới sáng tạo, triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm các mặt công tác, cơ bản hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đã đề ra”, trong đó, Tổng Bí thư nhấn mạnh những dấu hiệu không ngừng đổi mới như thực hiện ba khâu đột phá, hướng mạnh về cơ sở, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của đoàn viên, người lao động...

Giai cấp công nhân, người lao động, tổ chức Công đoàn Việt Nam hoàn toàn có thể tự hào khi Tổng Bí thư nhận định rằng, những kết quả đó là “minh chứng khẳng định vị trí, vai trò và trách nhiệm to lớn của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước”.

Video: Trích phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023-2028.

Tầm nhìn mới về sứ mệnh, vai trò của Công đoàn Việt Nam trong thời kỳ mới của đất nước

Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam vinh dự được đón đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Ảnh: NGUYỄN HẢI

Dự cảm sâu sắc những yêu cầu mới, ngày càng cao và phức tạp đối với tổ chức Công đoàn thời kỳ mới, đồng thời, với tư duy thực tiễn, Tổng Bí thư – như là một thành viên của tổ chức Công đoàn, đã phát biểu: “Chúng ta cũng cần thẳng thắn thừa nhận, hoạt động của công đoàn và phong trào công nhân vẫn cồn một số hạn chế, bất cập cần sớm có giải pháp khắc phục...”.

Tôi bỗng nghĩ, đây là tiếng nói của lãnh đạo Đảng, đồng thời là tiếng nói trung thực của bản thân công nhân và người lao động khi suy nghĩ và bộc lộ mong ước cao hơn đối với tổ chức của chính mình. Có lẽ vì thế, Tổng Bí thư viết “chúng ta”!

Hai hạn chế, bấp cập nổi bật được chỉ ra về “mô hình tổ chức, nội dung, phương pháp hoạt động của công đoàn có mặt chậm được đổi mới, chưa bắt kịp sự chuyển đổi nhanh chóng của đời sống kinh tế - xã hội và quan hệ lao động”, về “chất lượng đội ngũ công nhân, người lao động nước ta cũng có những dấu hiệu hụt hẫng và bất cập” cùng với các nội dung cụ thể trong hai hạn chế đó được Tổng Bí thư chỉ ra là rất sáng suốt, để từ đó đồng chí yêu cầu Đại hội cần thảo luận, phân tích kỹ các nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm, tìm “giải pháp khắc phục bằng được trong nhiệm kỳ mới.

Tầm nhìn mới về sứ mệnh, vai trò của Công đoàn Việt Nam trong thời kỳ mới của đất nước

Kiên định những nguyên tắc và chức năng cơ bản, đồng thời yêu cầu tiếp tục đổi mới sáng tạo, linh hoạt và gắn bó sâu sắc với công nhân, người lao động của tổ chức và hoạt động công đoàn, là nội dung quan trọng trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Những năm gần đây, trước những chuyển biến, biến đổi nhanh chóng, phức tạp của đời sống kinh tế - xã hội và quan hệ lao động, sự phát triển mạnh của các khu vực, thành phần kinh tế cùng với tác động tiêu cực của các tư tưởng thù địch, không phải không có sự nghi ngại, giao động, lúng túng, thậm chí hạ thấp vị trí, vai trò của tổ chức Công đoàn. Các xu hướng đó đã, đang và sẽ có ảnh hưởng xấu đến tư tưởng, tình cảm, tâm tư của một bộ phận công nhân, người lao động, “cá biệt còn một số bị các thế lực xấu, thù địch tác động, lôi kéo, kích động, làm những việc sai trái, gây mất ổn định an ninh, trật tự, an toàn xã hội” như Tổng Bí thư đã chỉ ra trong bài phát biểu của mình.

Tầm nhìn mới về sứ mệnh, vai trò của Công đoàn Việt Nam trong thời kỳ mới của đất nước

Tại Đại hội quan trọng này, Tổng Bí thư đã khẳng định rõ ràng, dứt khoát những nguyên tắc và chức năng cốt lõi của tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Trước hết, Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội hoạt động trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý. Hoạt động của công đoàn đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng... Từ nguyên tắc bất di bất dịch đó, Tổng Bí thư yêu cầu công đoàn phải giúp cho mỗi đoàn viên, người lao động nhận thức sâu sắc hơn về Đảng, về chế độ, về giai cấp, về tổ chức Công đoàn, trách nhiệm công dân, phải đưa chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với công nhân, viên chức, lao động, và “kiên trì, sáng tạo trong tổ chức, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Tổng Bí thư nhấn mạnh một chức năng cực kỳ quan trọng, với vị thế “là cơ sở chính trị vững chắc của Đảng, Nhà nước và chế độ, hơn ai hết, công đoàn phải phát huy và làm tốt hơn nữa việc tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, coi đây là trách nhiệm và quyền lợi chính trị của đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động và tổ chức Công đoàn...”.

Những chỉ dẫn đó của Tổng Bí thư tưởng như ai cũng đã biết, nhưng nếu đặt nó vào thực tiễn và yêu cầu của thời kỳ mới, thì các chỉ dẫn đó trở nên cực kỳ quan trọng và cấp thiết, khi không ít quan niệm cho rằng công đoàn chỉ là “cơm áo gạo tiền”, ngày càng xa rời và lúng túng trong chỉ đạo và triển khai nguyên tắc và chức năng cốt lõi trên, mà cả lý luận và thực tiễn, đó là lý do của sự tồn tại và phát triển của Công đoàn Việt Nam. Mặt khác, việc chuyển những nguyên tắc và chức năng đó thành các hoạt động thực tiễn có hiệu quả thực sự là một thách thức to lớn đối với bản lĩnh, năng lực, sức sáng tạo và tâm huyết của người lãnh đạo công đoàn từ Trung ương đến cơ sở; trong đó, Tổng Bí thư đặc biệt nhấn mạnh đến cơ sở, “hướng mạnh về cơ sở, nắm chắc cơ sở, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho cơ sở”.

Tiếp theo, Tổng Bí thư khẳng định công đoàn vừa là tổ chức chính trị - xã hội, vừa là tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động “và từ đó công đoàn phải phát huy quyền làm chủ của người lao động hướng tới mục tiêu xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn đinh và tiến bộ để trở thành là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân và người lao động cả nước”.

Tầm nhìn mới về sứ mệnh, vai trò của Công đoàn Việt Nam trong thời kỳ mới của đất nước

Cùng với sự kiên trì khẳng định nguyên tắc và chức năng cốt lõi trên, trong bài phát biểu của mình, theo tinh thần gợi mở, Tổng Bí thư đã nhiều lần nhấn mạnh: để thực hiện có hiệu quả thực chất chức năng, nhiệm vụ của mình, công đoàn cần coi trọng và tiếp tục đổi mới toàn diện và sâu sắc hơn nữa nội dung, phương thức hoạt động của mình.

Rất nhiều gợi mở của Tổng Bí thư thể hiện sự thấu hiểu thực tiễn của hoạt động công đoàn và tâm tư, nguyện vọng của công nhân, người lao động và đoàn viên công đoàn.

Ví dụ như, Tổng Bí thư đặt câu hỏi: "Người lao động vào tổ chức Công đoàn để làm gì và có quyền lợi gì?". Trong thực tế, đó chính là câu hỏi “cửa miệng” của không ít những người lao động, viên chức, công nhân. Đặt câu hỏi đó, Tổng Bí thư gợi mở trách nhiệm lớn của công đoàn. Đằng sau câu hỏi đó phải là những nỗ lực của tổ chức Công đoàn, của cán bộ công đoàn để thực sự mang lại quyền lợi, niềm tin cho người lao động. Từ đó rất nhiều công việc vừa cụ thể, vừa thực chất được Tổng Bí thư chỉ ra trong hoạt động thực tiễn của tổ chức Công đoàn.

Gắn liền với gợi mở đó, Tổng Bí thư yêu cầu “tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa mô hình tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động công đoàn để phù hợp với cơ cấu lao động, loại hình doanh nghiệp, nhu cầu, nguyện vọng của công nhân, người lao động và yêu cầu hội nhập quốc tế”. Khi mà thiết chế cho phép hình thành tổ chức đại diện người lao động ngoài công đoàn trong doanh nghiệp, yêu cầu trên trở thành một thách thức trực tiếp với vị thế của tổ chức Công đoàn trong doanh nghiệp, nhất là khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước. Gợi mở của Tổng Bí thư về xây dựng mô hình tổ chức Công đoàn theo hướng mở, linh hoạt, năng động, thí điểm một số mô hình mới, xây dựng chương trình phúc lợi dài hạn, thu hút, tập hợp và phát triển đoàn viên công đoàn, nhất là đội ngũ công nhân, người lao động ngoài khu vực nhà nước... trở thành một nhiệm vụ mới và cấp thiết của tổ chức và hoạt động công đoàn trong những năm tới.

Tầm nhìn mới về sứ mệnh, vai trò của Công đoàn Việt Nam trong thời kỳ mới của đất nước

Trong nhiều năm qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành nhiều trí tuệ và tâm huyết trong nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị. Có thể thấy rằng, tất cả các nhiệm vụ đặt ra cho công đoàn thời kỳ mới mà Tổng Bí thư đã xác định và gợi mở, trong suy nghĩ của ông, đều trực tiếp gắn với đội ngũ cán bộ công đoàn.

Khi chỉ ra kết quả, thành công của hoạt động công đoàn nhiệm kỳ qua, Tổng Bí thư cho rằng, “chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn từng bước được nâng cao”. Mặt khác, khi tìm nguyên nhân hạn chế, bất cập của hoạt động công đoàn, Tổng Bí thư đã thẳng thắn nhận định “một bộ phận cán bộ công đoàn còn thiếu sâu sát; năng lực hạn chế, chưa thực sự nêu cao tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, gần gũi với người lao động, thiếu kỹ năng hoạt động công đoàn. Do đó, không nắm được tâm tư, nguyện vọng và không phát huy đầy đủ vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động”. Đánh giá đó thực sự nghiêm khắc, song đó là sự thật, không nên và không thể né tránh.

Tầm nhìn mới về sứ mệnh, vai trò của Công đoàn Việt Nam trong thời kỳ mới của đất nước

Toàn cảnh Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam - Ảnh: NGUYỄN HẢI

Nhằm đáp ứng công tác chỉ đạo và đặc biệt là công tác tổ chức thực hiện hoạt động công đoàn trong bối cảnh ngày càng mới và phức tạp, Tổng Bí thư yêu cầu: “Công tác cán bộ công đoàn cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa”. Theo Tổng Bí thư, nội hàm của sự đổi mới: một là, đặc biệt chăm lo xây dựng đội ngũ, phân công những đồng chí có đủ năng lực, phẩm chất, có uy tín, có kiến thức và kinh nghiệm hoạt động công đoàn làm cán bộ chủ chốt công đoàn các cấp; hai là, cần có giải pháp cụ thể đổi mới phương pháp, tác phong công tác của cán bộ công đoàn, nhất là cán bộ chuyên trách và cán bộ công đoàn cơ sở; và ba là, cán bộ công đoàn phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, tập huấn nghiệp vụ, nâng cao kỹ năng, bản lĩnh, có phẩm chất, năng lực, có tư duy, tầm nhìn, nhiệt huyết, trách nhiệm, vững vàng về chính trị, giỏi về chuyên môn, nắm chắc pháp luật, am hiểu công tác công đoàn... Thực hiện tốt các yêu cầu trên, nhiệm kỳ mới, tổ chức và lãnh đạo công đoàn đứng trước những thách thức gay gắt. Phải chăng, đó là điều kiện tiên quyết để Công đoàn Việt Nam “là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước” như khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trong trọng trách là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Tổng Bí thư xác định rõ ràng rằng, để xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh và giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, đó phải là, dứt khoát là trách nhiệm của Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội; từ đó đồng chí yêu cầu, các Ban Đảng Trung ương, các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể phải vào cuộc, theo chức năng, nhiệm vụ của mình, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ hoạt động của công đoàn. Chắc chắn rằng, điều đó tạo nên niềm tin và sức mạnh tổng hợp của Công đoàn Việt Nam thời kỳ mới./.

Video: Phỏng vấn GS.TS Đinh Xuân Dũng - nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương

Tác giả: GS.TS ĐINH XUÂN DŨNG - Nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương.

Ảnh: NGUYỄN HẢI

Video: MINH KHÔI - VĂN QUÂN

Đồ họa: AN NHIÊN