Ngày 14-7, Sở Y tế Phú Thọ đã cử 52 cán bộ tham gia hỗ trợ công tác chống dịch Covid- 19 tại TP.HCM.
Tạm gác đám cưới, xung phong vào TP. HCM chống dịch Covid-19 |
Tạm gác lại việc tổ chức đám cưới, một nhân viên y tế ở tỉnh Phú Thọ đã tự nguyện xung phong vào TP. HCM chống dịch. |
Ngày 14/7, Sở Y tế Phú Thọ đã cử 52 cán bộ, trong đó có 12 bác sĩ, 29 điều dưỡng, 11 kỹ thuật viên tham gia hỗ trợ công tác chống dịch Covid-19 tại TP.HCM. Đây đều là các cán bộ có kinh nghiệm, năng lực, trình độ phù hợp với chuyên môn mà TP. HCM đang cần. |
gác lại hạnh phúc riêng |
Anh Nguyễn Đình Hoàng (sinh năm 1987) là một trong 52 nhân viên y tế mà tỉnh Phú Thọ cử vào TP. HCM chi viện. Anh cùng đồng nghiệp nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 (Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2, TP Thủ Đức). Đây là nơi tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch. Anh Hoàng cho hay, anh là kỹ thuật viên khoa Xét nghiệm của Bệnh viện Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ. Trong 52 nhân viên y tế của tỉnh Phú Thọ chi viện vào TP. HCM, Bệnh viện Hùng Vương có 3 người gồm: 1 bác sĩ hồi sức, 1 điều dưỡng và 1 kỹ thuật viên xét nghiệm. |
Anh Nguyễn Đình Hoàng (phải) và đồng nghiệp thể hiện sự quyết tâm trước khi lên đường tham gia hỗ trợ công tác chống dịch Covid-19 tại TP.HCM. Ảnh: CDC Phú Thọ. |
Hơn 15 ngày ở tâm dịch TP. HCM, anh Hoàng ngày đêm ở phòng Lab trực tiếp tách, chiết, chạy xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân. Dù không vào các phòng điều trị nhưng chứng kiến các đồng nghiệp ngày đêm quay cuồng trong công việc, anh nhận thấy mình cần phải trụ vững ở đây để cùng dốc hết sức lực cứu chữa bệnh nhân Covid-19. Để đảm bảo được công việc có phần quá tải, anh và các đồng nghiệp chia thành 2 ca, 3 kíp. Mỗi ca kéo dài 12 giờ đồng hồ. Ca ngày từ 6 giờ sáng đến 18 giờ, ca đêm từ 18 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau. Các ca trực sẽ được luân phiên mỗi ngày để đảm bảo sức khỏe trong cuộc chiến với Covid-19. |
Những ngày đầu đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, anh và nhiều đồng nghiệp đã ghi danh tình nguyện vào các vùng dịch như: Bắc Ninh, Bắc Giang,... Khi Sở Y tế Phú Thọ chi viện cho Bắc Giang, anh Hoàng đăng ký nhưng lúc ấy Bắc Giang cần nhiều điều dưỡng nên anh không có tên trong đoàn chi viện. Khi dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng tại TP.HCM, anh Hoàng lại một lần nữa tự nguyện đăng ký xung phong vào Nam chống dịch. "Là một người trong ngành Y tế, đứng trước tình hình như thế này nếu tôi không lên đường thì có lẽ cả cuộc đời tôi sống trong ân hận. Vì vậy tôi tin tưởng vào quyết định của mình", Hoàng thổ lộ. |
"Ở ĐÂY anh ổn… vợở nhà giữ sức khỏe” |
Gặp anh Hoàng ở Bệnh viện Hồi sức Covid-19 vào một buổi chiều sau khi anh vừa hết ca làm việc. Trước cuộc trò chuyện, anh xin phép tôi để tranh thủ gọi điện thoại về nhà hỏi thăm vợ. Kết thúc cuộc điện thoại chóng vánh, nhìn qua màn hình điện thoại, Hoàng nhắn nhủ vợ: “Ở đây anh ổn… Vợ ở nhà nhớ giữ sức khỏe”. Hoàng tâm sự, khi nhận lệnh điều động lên đường chi viện cho TP. HCM, cả 2 vợ chồng vừa ký vào giấy đăng ký kết hôn. Tiệc cưới cũng chưa được gia đình hai bên tổ chức. Hai vợ chồng mới sống chung với nhau khoảng 10 ngày. 52 cán bộ, nhân viên y tế tỉnh Phú Thọ chia tay gia đình lên đường hỗ trợ công tác chống dịch Covid-19 tại TP.HCM. Ảnh: CDC Phú Thọ. Tạm gác lại hạnh phúc riêng, anh chuẩn bị hành trang và cùng các đồng nghiệp lên đường vào Nam. Cả hai bên gia đình Hoàng đều ủng hộ việc anh lên đường chi viện cho TP. HCM. Khi chia tay chồng, chị Lê Thị Thanh Tâm, vợ anh Hoàng cố giấu nước mắt để anh không phải xao lòng. Chị Tâm nhắn gửi anh Hoàng cứ lên đường làm nhiệm vụ, cả nhà sẽ là hậu phương vững chắc để anh yên tâm công tác. Video: 52 cán bộ, bác sĩ lên đường tham gia hỗ trợ công tác chống dịch Covid-19 tại TP.HCM (Nguồn: Sở Y tế Phú Thọ) Trước khi lên đường, anh Hoàng khá áy náy vì chưa tổ chức được một lễ cưới tươm tất cho vợ. "Đêm trước khi lên đường tôi tự nhủ với lòng và hứa với vợ khi nào hết dịch sẽ tặng vợ chiếc váy cô dâu thật lộng lẫy. Hiện tại tôi chỉ mong muốn mau hết dịch để thực hiện lời hứa còn dang dở với vợ", anh Hoàng tâm sự. Với đội ngũ nhân viên y tế, khi bước vào cuộc chiến khốc liệt này, ai cũng có những câu chuyện hết sức đời thường. Gác lại những trăn trở, lo âu, họ xông pha vào nơi tuyến đầu và đặt nhiệm vụ cứu chữa cho người bệnh là mục tiêu hàng đầu. |
Bác sĩ Nguyễn Lực và người yêu tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 (Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2, TP Thủ Đức). Nhận "mệnh lệnh từ trái tim" là xung phong ra trận Anh Nguyễn Lực (khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP. HCM) theo đơn vị hỗ trợ Bệnh viện Hồi sức Covid-19. Biết tin, anh và bạn gái còn quyến luyến, nhắc nhở nhau bảo trọng. Trước khi lên xe vài tiếng, bạn gái anh Lực là bác sĩ Thư nhận được tin báo điều động bổ sung do có một bác sĩ không tham gia chuyến công tác vì đang bị cách ly tại nhà. Hiện tại bác sĩ Thư cũng ở chung bệnh viện với bạn trai. Bác sĩ Thư đang làm việc tại Khu Hồi sức ICU 2A, Bệnh viện Hồi sức Covid-19. “Ban đầu tôi nghe bạn gái gọi điện thoại báo tin thì khá lo lắng, Mình có việc gì xảy ra thì không sao nhưng lo cho sức khỏe của Thư. Sau đó tôi suy nghĩ, với tình hình hiện tại của TP. HCM, mỗi chiến sĩ áo trắng khi nhận "mệnh lệnh từ trái tim" là phải xung phong ra trận để chiến đấu", bác sĩ Lực chia sẻ. |
M.Tâm - Nam Trân |
Những chuyến xe vạn tình
“Chuyến xe vạn tình - Hỗ trợ sản phụ đi sinh” là tên chương trình mà anh Hồ Ngọc Thanh - Trưởng nhóm cùng nhiều ... |
Trải lòng của nữ công nhân thu gom rác về nỗi sợ bóng tối
Khi bóng tối buông xuống, những con đường vắng người qua lại khiến chị Lê Thị Trâm cũng như bao người lao công khác càng ... |
Những người nằm xuống vì đại dịch
Chúng ta đang trải qua những ngày khó khăn nhất trong đại dịch. Hằng ngày, thông tin về số ca nhiễm, số ca tử vong ... |