|
Sau khi giá xăng được điều chỉnh lập đỉnh mới ở mức gần 30 nghìn đồng/lít nhiều tài xế xe ôm công nghệ gặp khó khăn phải hủy đơn hàng đi xa, hạn chế chạy lòng vòng để giảm chi phí. |
"Giá xăng tăng nữa chắc tắt ứng dụng" |
“Giá xăng cứ tăng cao thế này chắc tôi tắt ứng dụng, bỏ nghề, rồi tìm việc khác làm”, ông Huỳnh Văn Tuấn (55 tuổi, tài xế xe Grab) tâm sự. Làm nghề chạy xe ôm gần 10 năm qua, nhưng ông Tuấn chỉ mới trở thành tài xế xe ôm công nghệ hơn 2 năm nay. Thời điểm đó, khi xe ôm truyền thống khó bắt khách, ông Tuấn được đồng nghiệp hướng dẫn đăng ký, mở tài khoản và gắn bó với công việc này. |
Những ngày trước, ông Tuấn thường chủ động chạy lòng vòng ở những địa điểm thường xuyên có khách đặt như bến xe, nhà ga, sân bay để tăng thêm thu nhập. Từ khi giá xăng tăng cao, ông Tuấn hạn chế chạy lòng vòng mà chỉ tập trung ngồi tại một điểm để chờ khách. “Tôi chỉ đứng tại điểm sân bay này thôi chứ không chạy khắp nơi nữa. Tiền làm không đủ để bù tiền xăng”, ông Tuấn chia sẻ. Cũng theo ông Tuấn, mỗi cuốc xe, tài xế sẽ nộp lại 30% chi phí cho công ty chủ quản. Giá cước phí theo ki-lô-mét đã được quy định cố định từ trước đến nay, trong khi giá xăng lại tăng phi mã khiến thu nhập của các tài xế xe ôm công nghệ không còn bao nhiêu. “Từ sáng đến giờ tôi chỉ chạy được 1 cuốc xe từ sân bay về quận Ngũ Hành Sơn. Quãng đường là gần 13 km được 70 nghìn đồng, sau khi trừ cước phí tôi chỉ còn lại gần 50 nghìn đồng. Đó là chưa tính tiền ăn, tiền xăng”, ông Tuấn nhẩm tính. |
Cùng hoàn cảnh, anh Lê Quốc Hào (37 tuổi, tài xế Grab) chia sẻ: “Từ sau khi xăng tăng giá, khách hàng càng giảm. Thời điểm dịch bùng phát cũng không thấy doanh nghiệp có hỗ trợ gì cho tài xế”. Theo anh Hào, trước đây, giá xăng gần 20 nghìn đồng/lít, doanh thu một ngày kiếm được khoảng 300-400 nghìn đồng nhưng giờ xăng tăng quá cao gần 30 nghìn đồng/lít, chưa kể đến tiền ăn uống, doanh thu chỉ còn lại khoảng 150-200 nghìn đồng/ngày. "Thu nhập của tôi bây giờ đã giảm 40-50% so với trước. Nếu giá xăng cứ tiếp tục tăng cao như thế này tôi định sẽ chuyển sang công việc khác vì thu nhập như bây giờ không đủ để trang trải cuộc sống cho gia đình”, anh Hào nói. |
Mong những giải pháp thiết thực |
Đối mặt với giai đoạn khó khăn, nhiều tài xế xe công nghệ, shipper mong muốn sẽ có được hỗ trợ tích cực từ phía doanh nghiệp để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Từ ngày 10/3, Grab Việt Nam đã điều chỉnh cước phí trong phạm vi toàn quốc. Theo đó, mức cước mới được áp dụng để thích ứng với biến động giá xăng dầu và giá tiêu dùng. Điều này sẽ giúp bù đắp một phần chi phí của đối tác, giúp tài xế có thêm cơ hội thu nhập trang trải cuộc sống, cũng như khuyến khích phục vụ tốt hơn. |
Các tài xế xe công nghệ cho rằng doanh nghiệp nên có những hướng hỗ trợ thiết thực hơn. Ảnh: XH |
Tuy nhiên, các tài xế xe công nghệ cho rằng việc tăng giá cước vẫn chỉ là giải pháp tức thời, doanh nghiệp nên có những hướng hỗ trợ thiết thực hơn. Bởi, với việc giá xăng tăng chóng mặt như hiện nay cước vận chuyển tăng rất ít còn mức chiết khấu từ hãng lại không thay đổi nên thu nhập thực tế của họ giảm nhiều. “Việc tăng cước phí này chỉ tức thời còn về lâu về dài không hỗ trợ chúng tôi được bao nhiêu. Giá cước phí tăng khiến lượng khách hàng giảm sút. Số tiền chiết khấu mà chúng tôi gửi về doanh nghiệp vẫn ở mức cao vì vậy thu nhập trên thực tế vẫn giảm. Trong tương lai nếu giá xăng vẫn tiếp tục tăng thì càng khó khăn hơn”, anh Hào cho biết. Bên cạnh đó, mong muốn lớn nhất của các tài xế xe công nghệ là sự vào cuộc của Chính phủ để kiểm soát và bình ổn giá xăng. “Tôi rất mong Chính phủ sớm có những biện pháp để hỗ trợ điều chỉnh giá xăng. Giá xăng giảm thì chúng tôi sẽ tiết kiệm chi phí được nhiều hơn, giúp cải thiện thu nhập”, ông Tuấn cho biết. |