|
Khi nào thì tai nạn giao thông được xem là tai nạn lao động (TNLĐ)? Trong trường hợp này, trách nhiệm của doanh nghiệp và bên liên quan được pháp luật quy định ra sao; người lao động cần chú ý làm thủ tục gì để được hưởng quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mình…? Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Tháp mới đây đã tiến hành điều tra 3 vụ TNLĐ làm chết người, trong đó 1 vụ tai nạn giao thông được xem là TNLĐ của Công ty Cổ phần Thế giới di động đang nhận được sự quan tâm của nhiều người dân. Bạn đọc băn khoăn, khi nào thì tai nạn giao thông được xem là TNLĐ; trong trường hợp này, trách nhiệm của doanh nghiệp và các bên liên quan được pháp luật quy định ra sao; người lao động cần chú ý làm thủ tục gì để được hưởng quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mình…? |
Một vụ tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế khiến các tài xế bị thương nặng. |
Theo nhận định của nhiều lái xe, công việc này được xếp vào một trong số những ngành nghề vất vả. Đây lại là nghề khá phổ biến ở Việt Nam, nhu cầu tuyển dụng lớn nên không ít người lựa chọn gắn bó để nuôi sống bản thân và gia đình. Anh Trần Xuân Kiệm (38 tuổi, quê ở Cà Mau) đến nay được 12 năm, chia sẻ: "Công việc lái xe khá nhiều hiểm nguy, chúng tôi phải đối mặt với hàng loạt nguy cơ về tai nạn giao thông. Những va chạm có thể xuất hiện bất cứ lúc nào dù đã cố gắng đề phòng hết mức. Nhiều anh em của tôi bị tai nạn dẫn đến rất nặng, được công ty hỗ trợ làm các thủ tục nhận tiền, nhưng không phải ai cũng may mắn gặp chủ sử dụng lao động quan tâm đảm bảo những cho mình. Bốn tháng trước, trong lúc đi giao đơn hàng, tôi bị chiếc xe đi cùng chiều chèn mạnh ngã ra đường. Sau vụ tai nạn đó, tôi bị dập mũi, tay trái gãy phải bó bột nhiều tháng. Từ lao động chính trong gia đình nay ngồi một chỗ khiến kinh tế sa sút, cuộc sống khó khăn gấp bội". Anh Kiệm băn khoăn: "Không biết trường hợp này của tôi có thể xin giấy xác nhận xảy ra tại nạn giao thông tại phường thay cho biên bản tai nạn giao thông được không. Và nếu được thì tôi cần những gì để làm thủ tục xin trợ cấp?". |
Tai nạn giao thông gây thương tích nặng sẽ làm giảm sức lao động, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. |
Thực tế thời gian qua đã xảy ra trường hợp người lao động bị tại nạn giao thông trên đường từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại, hoặc trong quá trình vận chuyển và giao hàng cho công ty. Tuy nhiên, khi người lao động đề nghị doanh nghiệp lập hồ sơ, xác nhận vụ việc để được hưởng chế độ TNLĐ thì doanh nghiệp từ chối vì cho rằng đây là tai nạn giao thông không liên quan. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng nói trên, trong đó một phần vì doanh nghiệp, người lao động chưa nắm rõ quy định của pháp luật về nội dung này. Tại Khoản 8 Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định: TNLĐ là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động. |
Người lái xe vận chuyển hàng gặp nhiều nguy cơ cao về tai nạn giao thông, do đó cần chú ý cẩn thận quan sát và làm chủ tốc độ khi lưu thông. |
Theo Điều 45 Luật An toàn, vệ sinh lao động, quy định về điều kiện hưởng chế độ TNLĐ thì người lao động tham gia bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ TNLĐ khi có đủ các điều kiện sau đây: 1. Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp: a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật Lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh; b) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động; c) Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý; 2. Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại Khoản 1 Điều này. |
Người lao động cần lưu ý các quy định của pháp luật để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình. Tiếp đến, Khoản 1 Điều 35 Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định về điều tra TNLĐ như sau: “1. Người sử dụng lao động có trách nhiệm thành lập Đoàn điều tra TNLĐ cấp cơ sở để tiến hành điều tra TNLĐ làm bị thương nhẹ, TNLĐ làm bị thương nặng một người lao động thuộc thẩm quyền quản lý của mình, trừ trường hợp đã được điều tra theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này hoặc TNLĐ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền điều tra theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Thành phần Đoàn điều tra TNLĐ cấp cơ sở gồm có người sử dụng lao động hoặc người đại diện được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản làm Trưởng đoàn và các thành viên là đại diện Ban Chấp hành công đoàn cơ sở hoặc đại diện tập thể người lao động khi chưa thành lập tổ chức Công đoàn cơ sở, người làm công tác an toàn lao động, người làm công tác y tế và một số thành viên khác...”. Như vậy, trong trường hợp người lao động đi từ nơi ở tới nơi làm việc hoặc ngược lại và bị tai nạn giao thông thì cần báo ngay cho cơ quan công an địa phương (để làm biên bản hiện trường) và công ty nơi đang công tác biết. Công ty có trách nhiệm thành lập Đoàn điều tra để điều tra, kết luận vụ việc. Nếu người lao động bị tai nạn trên tuyến đường hợp lý và trong khoảng thời gian hợp lý thì được hưởng chế độ như TNLĐ. Tai nạn giao thông gây tổn thất về tính mạng, sức khỏe của người lao động nên cần được hỗ trợ thỏa đáng từ phía đơn vị liên quan. Căn cứ Khoản 1 Điều 5 Thông tư 56/2017/TT-BYT hồ sơ giám định thương tật lần đầu do bị TNLĐ bao gồm: Giấy giới thiệu của người sử dụng lao động; Bản chính hoặc bản sao hợp lệ giấy chứng nhận thương tích do cơ sở y tế (nơi đã cấp cứu, điều trị cho người lao động) cấp; Bản chính hoặc bản sao hợp lệ Biên bản điều tra TNLĐ; Giấy ra viện và một trong các giấy tờ như: Chứng minh nhân dân; căn cước công dân, hộ chiếu còn hiệu lực. Hồ sơ đề nghị hưởng chế độ BHXH: Căn cứ Điều 14 Quyết định số 636/2016/QĐ-BHXH của BHXH Việt Nam hồ sơ bao gồm: Sổ BHXH; Văn bản đề nghị giải quyết chế độ TNLĐ do người sử dụng lao động lập; Biên bản Điều tra TNLĐ theo quy định; Giấy ra viện sau khi đã Điều trị thương tật TNLĐ ổn định đối với trường hợp điều trị nội trú hoặc giấy tờ khám, điều trị thương tật ban đầu đối với trường hợp điều trị ngoại trú; Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng Giám định y khoa (bản chính); Biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông hoặc Biên bản tai nạn giao thông của cơ quan công an. |
Bài viết: Lê Tuấn
|